Đó là mục tiêu được Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 14-10-2016 của HĐND tỉnh Điện Biên về thông qua Chương trình phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra (Nghị quyết 31). Sau hơn 5 năm triển khai, Điện Biên đã có những bước chuyển quan trọng, song còn nhiều phần việc phải làm để nâng tầm giá trị.

Dấu ấn về nguồn 

Chúng tôi viếng các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ vào một ngày giữa tháng 7-2022. Trong dòng người tấp nập từ khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về “cõi thiêng”, chúng tôi gặp và trò chuyện với ông Phạm Thanh Hậu, 60 tuổi, ở huyện Đồng Phú (Bình Phước). Ông Hậu tâm sự: “Ước nguyện của tôi là đưa mẹ già và các con cháu một lần đến với Điện Biên Phủ, mảnh đất truyền thống lịch sử, hào hùng của cha ông. Hôm nay, gia đình chúng tôi đã toại nguyện. Các con, các cháu sẽ hiểu hơn, tự hào hơn về lịch sử dân tộc”.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nhìn từ trên cao. Ảnh: XUÂN TƯ. 

Đền thờ liệt sĩ chiến trường Điện Biên Phủ được khởi công vào ngày 13-3-2021, đúng ngày quân ta mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ 67 năm về trước. Sau hơn một năm triển khai xây dựng, công trình hoàn thành với sự hợp sức của các tổ chức, nhà hảo tâm toàn quốc. Đúng như kỳ vọng của đồng chí Lê Thành Đô, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên từng khẳng định: “Ngôi đền được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của các thế hệ đối với các anh hùng liệt sĩ tại Điện Biên Phủ, sẽ là điểm đến du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách trong hành trình về nguồn tri ân”.

Sau nhiều lần lỡ hẹn, bức tranh Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ được đưa vào khai thác tạo điểm nhấn mạnh mẽ, cuốn hút du khách. Hơn một tháng nay, hầu như cán bộ, nhân viên bảo tàng làm việc hết công suất, không có ngày nghỉ. Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chia sẻ: “Du lịch Điện Biên đang hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Có ngày chúng tôi đón gần 1.000 lượt khách. Đây là niềm vinh dự, tự hào, là trọng trách để chúng tôi nỗ lực làm tốt hơn công tác phục vụ đón tiếp, góp phần phát triển du lịch Điện Biên”.

Kể từ khi triển khai Nghị quyết 31 về phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong giai đoạn 2016-2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với lợi thế và tiềm năng của tỉnh. Theo đó, có 4 loại hình cho khách trải nghiệm: Du lịch lịch sử gắn với Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; du lịch văn hóa khai thác bản sắc lễ hội, phong tục tập quán, ẩm thực; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên: Hồ Pá Khoang, rừng Mường Phăng, đèo Pha Đin, hang động Pa Thơm... Đặc biệt, các điểm du lịch tâm linh, hệ thống đền thờ, nghĩa trang đang ngày càng thu hút sự quan tâm của du khách và nhân dân địa phương.

Khai thác tiềm năng du lịch

Với cộng đồng 19 dân tộc anh em, mỗi dân tộc lại có những nét đặc trưng về ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán, đây là tiềm năng, lợi thế riêng có, tạo động lực để Điện Biên phát triển du lịch. Đặc biệt, đối với ngành văn hóa, du lịch tỉnh Điện Biên, Nghị quyết 31 ra đời được ví như “một cuộc cách mạng”, kỳ vọng làm chuyển biến ngành du lịch tỉnh nhà. Bằng chứng là ngay sau đó, UBND tỉnh đã ban hành các quyết định, chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện, cụ thể hóa nhiệm vụ phát triển du lịch trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm. Các địa phương, căn cứ vào tiềm năng, thế mạnh của mình xây dựng các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch.

Chúng tôi có dịp tham quan bản văn hóa Che Căn, xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ, nơi đang lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hóa Thái cổ độc đáo. Du khách đến đây sẽ được hòa mình trong không gian văn hóa dân tộc Thái với những điệu xòe, nhảy sạp, thưởng thức văn hóa ẩm thực. Đồng chí Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho hay: “Lúc đầu người dân không mặn mà với việc làm du lịch vì chưa am hiểu. Bắt đầu từ con số 0, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề, kết hợp tuyên truyền, tập huấn cho bà con phát triển mô hình du lịch homestay. Lấy bản Che Căn làm thí điểm, xã xây dựng kế hoạch liên kết các hộ dân tập trung chăn nuôi đáp ứng nguồn thực phẩm sạch, cải tạo vườn tược, tạo cảnh quan văn hóa. Mới đầu khó khăn nhưng từ khi có khách quốc tế, khách trong nước về bản, bà con phấn khởi hẳn. Du lịch đang dần khởi sắc”.

Đồng chí Vừ A Bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: “Bằng những giải pháp hữu hiệu, sau hơn 5 năm triển khai Nghị quyết 31, ngành du lịch tỉnh có những chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động, góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”. Đến năm 2022, toàn tỉnh có 210 cơ sở lưu trú du lịch với 2.846 buồng/5.190 giường, có 11 bản văn hóa du lịch, 6 homestay, 14 điểm vui chơi, dã ngoại. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được tăng cường; nhận thức về lĩnh vực du lịch có những chuyển biến tích cực. Một số sản phẩm du lịch mới được đưa vào khai thác thu hút khách tham quan. Thương hiệu du lịch Điện Biên từng bước được khẳng định.

Để du lịch thành động lực phát triển

Được đánh giá là tài nguyên du lịch "vô giá", riêng có của tỉnh Điện Biên, Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ chiếm 70% lượng khách tham quan khi đến với Điện Biên mỗi năm. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Thảo, Phó trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Điện Biên không khỏi trăn trở, bởi hiện nay hoạt động trải nghiệm, văn hóa, dịch vụ tại các điểm di tích còn khá đơn điệu, nghèo nàn. Nguyên nhân là do chưa có quy hoạch tổng thể, nhiều điểm di tích chưa được cắm mốc, định vị; một số di tích đã được đầu tư tôn tạo nhiều lần song cũng chưa hoàn chỉnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên về việc giám sát thực hiện Nghị quyết 31 cũng chỉ rõ những hạn chế, thách thức. Cụ thể: Số lượng khách đến Điện Biên đã có sự gia tăng qua từng năm nhưng chưa ổn định. Tỷ trọng đóng góp từ du lịch cho tăng trưởng kinh tế và ngân sách địa phương chưa có nhiều chuyển biến đột phá. Hạ tầng du lịch ít thay đổi. Sự liên kết, tính chuyên nghiệp chưa cao, sức cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch còn yếu. Nguyên nhân chính là bởi Điện Biên là tỉnh vùng cao biên giới, xa các trung tâm kinh tế, chính trị, du lịch lớn, các đầu mối khách du lịch của cả nước. Mặt khác, Điện Biên đang thiếu cơ chế và giải pháp đột phá, thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Để phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, phấn đấu đến năm 2025 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đòi hỏi Điện Biên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó cần ưu tiên, tăng nguồn ngân sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất; ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù về hỗ trợ phát triển du lịch. Đồng thời quan tâm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng, tạo nền tảng đưa Điện Biên "cất cánh", trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc.

PHẠM KIÊN - HÀ KHÁNH