Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, DLCĐ đang gặp không ít khó khăn. Theo đó, để DLCĐ hồi phục, phát triển trong bối cảnh bình thường mới, cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Làm kinh tế gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa 

DLCĐ xuất hiện ở Việt Nam khá muộn so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, với những lợi thế từ văn hóa truyền thống đến cảnh quan thiên nhiên, loại hình du lịch này đã phát triển mạnh mẽ, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) có tiềm năng lớn về DLCĐ do khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, phong tục tập quán độc đáo. Sin Suối Hồ đã xây dựng thành công mô hình bản DLCĐ, mang lại nguồn sinh kế mới cho đồng bào người Mông nơi đây. Đây là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất tại Lai Châu hiện nay.

Đồng bào Mông ở bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ, Lai Châu) biểu diễn văn nghệ phục vụ khách du lịch. 

Hầu hết du khách đến Lai Châu đều muốn ghé qua Sin Suối Hồ để được tham gia chợ phiên tổ chức vào thứ bảy hằng tuần với nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Mông. Trước khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hằng năm, lượng khách du lịch đến Sin Suối Hồ khoảng 20.000 lượt người. Sin Suối Hồ đã được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản DLCĐ vào năm 2015. Trước kia, đây là bản khá phức tạp về an ninh trật tự, chủ yếu là buôn bán, vận chuyển ma túy.

Tuy nhiên, từ khi xây dựng thành công mô hình DLCĐ, đồng bào có nguồn thu nhập ổn định nên tình trạng bị kẻ xấu lợi dụng, dụ dỗ buôn bán, vận chuyển ma túy giảm nhiều. Theo ông Vàng A Chỉnh, chủ homestay và nhà hàng Vàng A Chỉnh, DLCĐ đã làm thay đổi mọi mặt đời sống của đồng bào Mông nơi đây. Từ một bản nghèo đói, lạc hậu, Sin Suối Hồ trở thành bản văn hóa, bản DLCĐ kiểu mẫu của tỉnh miền núi Lai Châu. 

Làng du lịch Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc, Cao Bằng) cũng là điểm DLCĐ thu hút khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế bởi vẻ đẹp của thiên nhiên và những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của người Lô Lô Đen.

Ông Bế Văn Hùng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: “Để Khuổi Khon phát triển thành điểm DLCĐ hấp dẫn, huyện Bảo Lạc đã xây dựng Đề án bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm DLCĐ làng Khuổi Khon, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng. Trước đây, Kim Cúc là một trong những xã nghèo nhất của huyện Bảo Lạc.

Đồng bào dân tộc Lô Lô trong xã có trình độ dân trí thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi nên đời sống còn nhiều khó khăn. Từ khi người dân tham gia phát triển DLCĐ, cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách, cuộc sống của đồng bào đã có nhiều khởi sắc”.

Cùng nhau vượt khó, khởi đà khôi phục

Một thực tế hiện nay là có nhiều điểm DLCĐ phát triển quá nóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến bản sắc văn hóa, đe dọa môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, vấn đề đặt ra là cần làm gì để DLCĐ hồi phục, phát triển bền vững trong điều kiện bình thường mới?

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết: “Phát triển DLCĐ với mục tiêu xóa đói, giảm nghèo dứt khoát phải theo hướng bền vững. Phát triển bền vững là sự phát triển nhằm đáp ứng các nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng các nhu cầu của thế hệ mai sau.

Quá trình phát triển DLCĐ phải đạt tới mục đích bảo tồn, tái tạo và phát triển tài nguyên tự nhiên, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị truyền thống. Hai năm vừa qua, DLCĐ đã có những thiệt hại khá lớn. Các chuyên gia đã bỏ ra nhiều công sức, tâm huyết giúp bà con chuyển đổi sang làm DLCĐ, nhưng khi dịch Covid-19 xảy ra, do không có nguồn thu nên nhiều người bỏ nghề. Đến khi có thể hoạt động trở lại thì không còn lao động. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, cảnh quan môi trường xuống cấp cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sự hồi phục, phát triển của DLCĐ”.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Việt Nam cho biết: “Hiện nay, quan điểm làm du lịch là “an toàn đến đâu mở đến đó”. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn của người làm DLCĐ hiện nay là lấy đâu ra nguồn lực để bắt đầu lại, để nâng cấp cơ sở vật chất. Đã có rất nhiều hộ gia đình kinh doanh DLCĐ thành công, sau đó vay vốn để tiếp tục mở rộng mô hình, tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không có nguồn thu để trả nợ”.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Tuấn, giải quyết vấn đề này cần sự chung tay của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng và các công ty lữ hành. Trước tiên là hỗ trợ người dân làm DLCĐ về nguồn vốn. Tiếp đó, địa phương cần kiểm tra thực tế xem cơ sở nào đáp ứng được yêu cầu phòng, chống dịch và nhu cầu của du khách thì cho hoạt động trở lại, nếu chưa đáp ứng thì phải hỗ trợ, giúp đỡ để họ có thể quay trở lại hoạt động trong thời gian sớm nhất. Đối với doanh nghiệp du lịch, lúc này chính sách hỗ trợ tốt nhất là cho họ được hoạt động trở lại, nhất là khi “túi tiền” của doanh nghiệp đang cạn kiệt. 

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định, quan điểm về du lịch an toàn hiện chưa thống nhất giữa các địa phương nên việc triển khai những hoạt động du lịch, trong đó có DLCĐ còn nhiều khó khăn. Vì vậy, để DLCĐ hồi phục, phát triển cần sự đồng lòng, quyết tâm của các bộ, ngành liên quan cũng như các địa phương, trong đó một yêu cầu đặt ra là các địa phương phải thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 của Chính phủ "Quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", bảo đảm kết hợp hài hòa mục tiêu vừa phòng, chống dịch tốt, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Bài và ảnh: HUYỀN TRANG