Việc tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương phát triển kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy vậy, đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng được xem là hướng đi mới giúp nhân dân vùng cao, biên giới tỉnh Nghệ An nâng cao chất lượng cuộc sống và góp phần bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc. 

Nhiều khó khăn, thách thức

Khu vực miền Tây của tỉnh Nghệ An gồm địa bàn 11 huyện với diện tích 13.745km2, chiếm 83% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là nơi định cư chủ yếu của đồng bào các DTTS, như: Thái, Mông, Khơ Mú, Ơ Đu... (chiếm khoảng 14,76% dân số toàn tỉnh). Trong đó một số huyện có dân số đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ cao, như: Kỳ Sơn (94,57%), Quế Phong (90,09%), Tương Dương (89,24%), Quỳ Châu (78,84%), Con Cuông 75,98%... Miền Tây Nghệ An được xác định là vùng có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc sắc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của địa phương.

Người dân đồng bào Thái, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến làm vía cho khách du lịch đến thăm quan. 

Tuy nhiên, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào các DTTS còn gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như: Điều kiện tự nhiên, khí hậu khắc nghiệt, phong tục, tập quán... Từ trước đến nay, cuộc sống của đại bộ phận nhân dân trên địa bàn phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Nhưng trong điều kiện địa hình, khí hậu khắc nghiệt, nhận thức của người dân còn hạn chế nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao, nền kinh tế vẫn mang tính tự cung, tự cấp. Những năm gần đây, chính quyền địa phương các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An chú trọng hỗ trợ nhân dân xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị thuộc LLVT đóng quân trên địa bàn cũng tích cực tham gia hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật để người dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Điển hình như Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 (Quân khu 4) giúp nhân dân xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) trồng gừng, phát triển chăn nuôi; Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Nghệ An với mô hình tặng lợn giống sinh sản cho nhân dân các xã biên giới... Trước đây, gia đình chị Mùa Y Tòng, đồng bào dân tộc Mông, trú tại xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, nhất là nguồn vốn để phát triển sản xuất. Khi được Đội Sản xuất số 3, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 4 hỗ trợ xây dựng chuồng trại, tặng 2 con lợn, 15 con gà kết hợp với hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, chị rất vui và chăm lo chăn nuôi. Chị Mùa Y Tòng cho biết: “Từ số con giống của đơn vị hỗ trợ ban đầu, đến nay, tôi luôn duy trì được đàn lợn 6 con, gần 100 con gà... Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cũng từng bước được nâng lên”.

 Người dân bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An chuẩn bị chỗ nghỉ cho du khách tại homestay.

Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các đơn vị LLVT, việc tạo sinh kế cho người dân sinh sống ở địa bàn vùng cao của tỉnh Nghệ An đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết: "Việc nhân rộng các mô hình gặp nhiều khó khăn, nguyên nhân chủ yếu do điều kiện tự nhiên trên địa bàn rất khắc nghiệt, nhận thức của người dân còn hạn chế. Đây là nguyên nhân dẫn đến gia súc bị chết, cây cối bị hư hại khi gặp hiện tượng bất thường của thời tiết. Ngoài ra, việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp của người dân cũng là một thách thức không nhỏ".

Hướng đi mới từ du lịch cộng đồng

Trong khi phát triển nông, công nghiệp gặp nhiều khó khăn, đẩy mạnh du lịch cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa truyền thống được xem là hướng đi mới tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc ở vùng cao Nghệ An. Bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu được thiên nhiên ưu đãi với cánh đồng lúa rộng lớn, người dân có nghề dệt truyền thống tạo nên sản phẩm khăn, váy dệt tay nổi tiếng bởi sự tinh xảo, mềm mại trong đường nét. Phong cảnh tự nhiên cùng bản sắc văn hóa người Thái đậm nét đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến vui chơi, lưu trú.

Những năm gầy đây, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, trong đó lấy xã Châu Tiến làm điển hình, khai thác hiệu quả những giá trị bản sắc nơi đây. Trong đó nhiều hộ dân dùng chính nhà sàn của người Thái cổ để làm homestay. Gia đình bà Lô Thị Nga, bản Hoa Tiến 2, xã Châu Tiến là một trong 10 hộ tiên phong làm du lịch cộng đồng ở bản. Homestay Từ Tâm của gia đình bà Nga đến nay đã là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách. Bà Nga cho biết: “Khi có các đoàn khách ghé thăm, chúng tôi giới thiệu với họ về nghề dệt thổ cẩm của gia đình; nấu các món ăn truyền thống của người Thái, tổ chức khắc luống, múa lăm, mở rượu cần... để họ cảm nhận được ẩm thực, văn hóa con người và bản làng Hoa Tiến. Dù vất vả nhưng mọi người vui vẻ, hứng thú với bản sắc văn hóa người Thái, chúng tôi rất vui”.

Các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An, như: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông có thiên nhiên hùng vĩ, là nơi định cư của đồng bào các DTTS, như: Thái, Thổ, Mông... Đây là tiềm năng để chính quyền địa phương hỗ trợ người dân phát triển du lịch cộng đồng, tạo việc làm, thu nhập ổn định và góp phần gìn giữ, phát huy nét văn hóa của đồng bào. Trên thực tế, các điểm du lịch cộng đồng tại Nghệ An vẫn chủ yếu là tự phát mà thiếu sự đầu tư, gắn kết giữa chính quyền địa phương, ngành du lịch và các ngành liên quan trong quản lý, đầu tư. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch cộng đồng hạn chế, nguồn nhân lực thiếu và yếu. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết: “Chúng tôi xác định du lịch là mũi nhọn phát triển và đang dồn lực cho lĩnh vực này. Vì vậy, địa phương sẽ khắc phục những hạn chế tại các điểm du lịch cộng đồng, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, thu hút du khách, tạo sinh kế cho bà con phát huy nguồn lực tại chỗ một cách hiệu quả nhất”.       

Bài và ảnh: VIẾT LAM