Từ thực tế, người làm du lịch nhận ra một điều rằng, muốn cạnh tranh trong thế giới công nghệ, sản phẩm du lịch Việt phải thực sự chất lượng, được kết nối trong một hệ sinh thái thì mới có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.
Việt Nam cần những sản phẩm chất lượng
Sau một thời gian triển khai và vận hành, nhiều đơn vị du lịch đã dần tìm thấy những lợi ích mang lại không chỉ trong lý thuyết. Các doanh nghiệp đã nhận ra muốn tiếp cận khách hàng cũng như giữ chân họ ở lại cơ sở mình lâu dài thì đã đến lúc không thể kinh doanh theo cách truyền thống nữa. Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng số hóa từ trong quản lý, điều hành, các khâu thực hiện đón tiếp khách để mang đến những trải nghiệm trọn vẹn nhất cho khách hàng.
Cuối tháng 5-2022, chương trình trò chuyện với chủ đề “Từ CX đến Gamification” (Từ trải nghiệm khách hàng đến trò chơi hóa dịch vụ khách sạn) gợi mở một xu hướng khá thú vị trong ngành dịch vụ khách sạn ở Việt Nam, nhiều nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch đã chia sẻ: Đây là một mô hình khách sạn tiện ích, trong đó khách hàng được đặt ở vị trí trung tâm, dịch vụ khách sạn được tối ưu hóa theo từng cá nhân, vừa vặn nhu cầu, không thiếu tiện nghi nhưng cũng không dư thừa những tiện ích ít dùng đến. Bí quyết ở đây là sử dụng công nghệ số để xử lý dữ liệu. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Định hình phong cách SOJO Hotels (khách sạn theo mô hình tiện ích) chia sẻ: “Tại SOJO Hotels, khách có thể đặt phòng không cần đặt cược, nhận phòng trước 48 giờ, trả phòng nhanh gọn, chạm để thay đổi trạng thái phòng theo cảm xúc của khách hàng như những trò chơi thú vị... Tất cả những “việc khó” đó được công nghệ thông tin xử lý nên bảo đảm chính xác và nhanh chóng nếu so với khách sạn truyền thống”.
 |
Đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ 360 Plus hướng dẫn khách tham quan các điểm đến du lịch bằng công nghệ số. |
Trước đó, ngày 13-5, Tập đoàn Công nghệ VietSens đã phối hợp với Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) hoàn thành triển khai chuyển đổi số tại Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) với hệ thống vé điện tử và các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là dấu mốc về sự chuyển đổi mô hình quản lý vận hành và công tác đón, phục vụ khách tham quan tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nâng cao hiệu quả hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại, minh bạch, khoa học.
Là doanh nghiệp đã có định hướng chuyển đổi số từ rất sớm và bước đầu khẳng định vị thế, ông Ngô Minh Đức, nhà sáng lập nền tảng Gotadi, Chủ tịch HG Holdings khẳng định: "Muốn thành công, trước tiên các doanh nghiệp du lịch Việt phải có sản phẩm tốt và quyết tâm làm được những sản phẩm tử tế, cạnh tranh với nước ngoài. Gotadi có thể cạnh tranh với nước ngoài để cung cấp các sản phẩm từ vé máy bay, tour, combo, khách sạn... Sản phẩm 100% tự động các công đoạn từ tìm kiếm, đặt chỗ, thanh toán và xuất vé đến xuất hóa đơn tự động cho toàn bộ các giao dịch. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn đã có kết nối với Gotadi như Vinpearl, FPT, Nutifood...".
Hệ sinh thái kết nối các sản phẩm du lịch số riêng lẻ
Có những sản phẩm số chất lượng, nhưng làm gì để kết nối các sản phẩm đó với nhau, tạo thành một hệ sinh thái vừa góp phần quản lý, vừa tạo điều kiện tiếp cận, tìm kiếm thông tin còn quan trọng hơn rất nhiều. “Ngoài những sản phẩm tốt riêng lẻ, chúng ta cần có hệ sinh thái các sản phẩm tử tế”, mong muốn đó của những người sáng lập nền tảng Gotadi cũng là mong muốn chung của nhiều nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch khi thực hiện số hóa. Thực tế, dù đã có nhiều hoạt động số hóa trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ và bước đầu thành công, song phải nhìn nhận rằng, phần lớn các hoạt động còn rời rạc. Việt Nam chưa có hệ sinh thái kết nối các sản phẩm du lịch số đơn lẻ. Ông Nguyễn Quyết Tâm, Ủy ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (Vinasa), cho biết: “Các hoạt động số hóa trong ngành du lịch chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất. Điều này dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn”.
Cho rằng thông tin du lịch hiện đang bị chia lẻ, mạnh ai người đó làm, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đưa ra thực tế tại địa phương mình: “Trang web giới thiệu về du lịch trên địa bàn tồn tại 3 trang riêng biệt về văn hóa, về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch. Các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn cũng giới thiệu ứng dụng của riêng họ để thu hút khách. Mà cứ mỗi điểm đến, du khách lại phải cài một ứng dụng sẽ rất bất tiện. Do đó cần có sự thống nhất, tránh loạn ứng dụng du lịch”.
“Từ cấp độ địa phương, chúng tôi mong Tổng cục Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn cụ thể về chuyển đổi số ở cấp độ địa phương. Theo đó, Trung ương phần việc nào, địa phương những gì, vấn đề nào làm trước. Có như vậy mới thống nhất, liên thông dữ liệu, tránh tình trạng lãng phí, mỗi nơi làm một kiểu”, ông Bùi Văn Mạnh đề nghị. Đồng quan điểm này, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Tổng cục Du lịch nên có hướng dẫn tích hợp thông tin vào một ứng dụng, tránh tình trạng mỗi địa phương là một ứng dụng và cuối cùng ít có sự tương tác, sử dụng từ du khách”.
Bài và ảnh: THÁI THIÊN