Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về “bức tranh visa” của Việt Nam năm 2023?

Ông Hoàng Nhân Chính: Có thể nói, chính sách visa của Việt Nam trước Chỉ thị 08 đã có nhiều biến chuyển, góp phần quan trọng vào việc thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.

Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngày 24-6-2023 là một cú hích lớn khi kéo dài thời hạn miễn visa từ 15 lên 45 ngày, kéo dài thị thực điện tử (e-visa) đến 90 ngày, cho phép ra vào nhiều lần...

leftcenterrightdel
 Ông Hoàng Nhân Chính.

Tiếp đến là Nghị quyết số 127/NQ-CP ngày 14-8-2023, Chính phủ quyết định cấp e-visa cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ nhập cảnh Việt Nam đã thực sự giúp nhiều cho ngành du lịch.

Những tác động này thể hiện qua những con số khả quan khi đầu năm 2023, ngành du lịch thận trọng đưa chỉ tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế nhưng cuối năm đạt hơn 12,6 triệu lượt. Kết quả tích cực này tiếp tục ảnh hưởng tới lượng khách đầu năm 2024.

PV: So với các nước, chính sách visa này của chúng ta đã được coi là đủ sức cạnh tranh chưa, thưa ông?

Ông Hoàng Nhân Chính: Chúng ta đã có những thay đổi về chính sách visa nhưng khả năng cạnh tranh vẫn ở mức khiêm tốn. Diễn đàn kinh tế thế giới cho rằng độ mở của chính sách visa tác động lớn tới sự sẵn lòng của khách du lịch đến thăm một quốc gia.

Theo đó, e-visa tác động 50%, nhận visa tại cửa khẩu là 70%, miễn visa là 100% để thu hút khách quốc tế. So với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, nếu Việt Nam có chỉ số cạnh tranh du lịch đứng thứ 52 thế giới thì Singapore xếp thứ 9, Thái Lan thứ 36, Malaysia thứ 38. Các quốc gia này tập trung khá nhiều vào chính sách miễn visa đơn phương. Chính sách visa mở để thu hút khách càng đúng khi sau dịch Covid-19, xu hướng đi du lịch của khách đã thay đổi.

leftcenterrightdel
 Khách nhập cảnh qua đường hàng không tại sân bay Đà Nẵng, tháng 2-2024. Ảnh: DINH NGUYỄN

Trước dịch, khách thường đặt chuyến bay, dịch vụ du lịch trước từ 1 đến 6 tháng thì nay, họ quyết định đi du lịch rất nhanh, thậm chí chỉ trước 3-10 ngày. Xu hướng này buộc chúng ta phải thích ứng, chính sách mở cửa phải linh hoạt vì nước nào có chính sách visa thuận lợi hơn sẽ dễ thu hút khách hơn. Năm 2023, Việt Nam thay đổi chính sách visa 1-2 lần nhưng Thái Lan đã thay đổi tới 17 lần. Chính sách visa của họ rất linh hoạt, tập trung nhiều vào các đối tượng khách có khả năng quay lại cao, chi tiêu nhiều, ở lại dài ngày... 

PV: Trong Chỉ thị 08, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu “nới” visa để thúc đẩy du lịch. Là một chuyên gia, ông đề xuất điều gì để những quy định về visa trong Chỉ thị 08 thực sự đem lại hiệu quả?

Ông Hoàng Nhân Chính: Có thể nói, Chỉ thị 08 đã đi đúng xu hướng này của các nước trên thế giới nói chung và các đối thủ cạnh tranh của chúng ta nói riêng trong việc cải thiện độ mở quốc tế, thu hút du khách. Ngoài 13 nước Việt Nam đơn phương miễn visa như hiện nay, với 20 nước EU còn chưa được miễn visa và các quốc gia có tiềm năng cao như: Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ, Saudi Arabia, Kuwait... chúng tôi đề xuất ta có chương trình miễn visa trong 5 năm để các nhà đầu tư có thời gian đủ dài tập trung đầu tư, doanh nghiệp du lịch tập trung phát triển thị trường. TAB cũng đề xuất 4 thị trường: Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Bắc-Trung Hoa, Hồng Công (Trung Quốc) thí điểm miễn visa trong ngắn hạn theo thời gian để giúp ngành du lịch phục hồi.

Tôi hy vọng rằng với khả năng áp dụng công nghệ tốt hơn của ngành công an, việc cho phép khách nhận visa tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ sẽ tạo điều kiện thuận lợi thu hút du khách quốc tế. Nếu những chính sách này được thực hiện kịp thời sẽ là đòn bẩy cho du lịch phục hồi hoàn toàn và chỉ tiêu 17-18 triệu lượt khách là hoàn toàn có cơ sở.

PV: Thế nhưng để du lịch phát triển bền vững, chúng ta cũng không thể chỉ dựa vào việc “nới” visa, thưa ông?

Ông Hoàng Nhân Chính: Đúng vậy, có thể khẳng định chính sách mở về visa giúp ngành du lịch tự tin thu hút khách nhưng chỉ là điều kiện ban đầu. Để khách ở lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn thì ngành du lịch cần cải thiện nhiều yếu tố như đưa ra nhiều sản phẩm hấp dẫn, tăng cường quản lý điểm đến... Bên cạnh đó, ngành du lịch cần sự hỗ trợ của nhiều ngành nghề khác. 

Điều quan trọng là việc thay đổi chính sách visa không chỉ tác động đến ngành du lịch mà còn tác động đến cả các ngành kinh tế-xã hội khác. Lượng khách đến nhiều chính là cung cấp khách cho ngành hàng không, tạo điều kiện cho khách thương mại, đầu tư vào Việt Nam... 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LIÊN PHƯƠNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.