Xu hướng chọn thủ tục Trọng tài
Hội thảo quốc tế mang chủ đề “Những vấn đề pháp lý liên quan đến phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982” (sau đây gọi tắt là Tòa Trọng tài) do Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, đã thu hút sự tham dự của hơn 200 đại biểu và các diễn giả nổi tiếng, có uy tín trong lĩnh vực chính trị, luật quốc tế và luật biển quốc tế đến từ Nga, Nhật Bản, Philippines, Australia, Bỉ và Việt Nam. Hội thảo được chia thành 3 phiên thảo luận, lần lượt bàn về thủ tục giải quyết tranh chấp bằng tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, giải quyết tranh chấp bằng thủ tục Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982, ảnh hưởng và tác động từ vụ kiện của Philippines đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, GS,TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết, giữ vững ổn định, an ninh trong khu vực và trên thế giới, xây dựng một thế giới hòa bình là ước nguyện của mỗi người dân trên thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, quan điểm và yêu sách chủ quyền của các bên còn khác nhau tại Biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, cho thấy trong khu vực chưa có sự đồng thuận và yên bình. “Việc giải quyết tranh chấp trên biển có ý nghĩa không chỉ với các quốc gia liên quan mà với tất cả quốc gia trên thế giới. Việc giải quyết tranh chấp phải theo tinh thần thượng tôn pháp luật, trước hết bằng các biện pháp chính trị, ngoại giao. Khi các biện pháp chính trị ngoại giao không mang lại hiệu quả cần thiết thì việc sử dụng biện pháp tư pháp, nhất là biện pháp tài phán theo quy định của UNCLOS 1982, là một lựa chọn cần thiết, văn minh. Việc nghiên cứu các biện pháp tư pháp theo quy định của UNCLOS 1982, trong đó có thủ tục Trọng tài theo Phụ lục VII, được các quốc gia hết sức quan tâm, nhất là sau sự kiện 12-7 vừa qua Tòa Trọng tài ra phán quyết về vụ kiện Philippines-Trung Quốc. Phương thức này xứng đáng nhận được sự quan tâm nghiên cứu sâu sắc của tất cả học giả, chuyên gia nghiên cứu về luật quốc tế nói chung, luật biển nói riêng”, GS, TS Mai Hồng Quỳ, nhấn mạnh.
Theo quy định của UNCLOS 1982, các tranh chấp liên quan đến giải thích và áp dụng UNCLOS 1982 có thể được giải quyết bằng biện pháp thương lượng, hòa giải hoặc giải quyết tại các cơ quan tài phán quốc tế (Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Quốc tế về Luật Biển, Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII và Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VIII của UNCLOS 1982). Cụ thể, theo GS, TS Mai Hồng Quỳ, UNCLOS 1982 dành 27 điều trong 320 điều và 4 trong 9 phụ lục quy định các biện pháp giải quyết tranh chấp trên biển bằng biện pháp chính trị, ngoại giao và dành 74 điều cho các biện pháp tư pháp.
Đối với các biện pháp tư pháp, hiện nay các quốc gia có xu hướng chọn thủ tục Trọng tài để giải quyết các tranh chấp liên quan. GS Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, cho biết, thực tiễn từ năm 1982 chỉ ra rằng các Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII đóng vai trò chủ động nhất trong giải quyết các tranh chấp trọng yếu theo UNCLOS 1982. Tính đến nay, các Tòa Trọng tài đã xem xét 17 tranh chấp, nhiều trong số đó vẫn còn đang được giải quyết. Lý giải tại sao các quốc gia có xu hướng chọn thủ tục Trọng tài để giải quyết các tranh chấp liên quan, TS Ngô Hữu Phước từ Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh cho biết đó là vì thủ tục tố tụng mềm dẻo, linh hoạt: “Các bên có thể thỏa thuận về số lượng trọng tài viên, có quyền chọn trọng tài viên đại diện cho mình, đặc biệt Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của UNCLOS 1982 là thủ tục giải quyết tranh chấp có thể được một bên đơn phương thực hiện và Tòa sẽ giải quyết ngay cả khi bị đơn từ chối không tham gia”.
“Công lý đã được thực thi”
Mặc dù Hội thảo diễn ra trong một ngày với 3 phiên thảo luận, thế nhưng các đại biểu đã dành một nửa thời gian để bàn về ảnh hưởng và tác động của phán quyết trong vụ kiện của Philippines đối với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Các đại biểu cho rằng phán quyết là một thắng lợi cực kỳ quan trọng của cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, tuân thủ và thượng tôn pháp luật quốc tế. Một mặt, phán quyết làm giàu thêm kho tàng kiến thức lý luận về luật biển, mặt khác, nó là văn kiện quan trọng làm rõ các yêu sách mơ hồ, và thiếu căn cứ pháp lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Phán quyết mở đường cho các nỗ lực của các quốc gia nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở hòa bình, công bằng, văn minh và hiệu quả.
Theo GS Carl Thayer, phán quyết thể hiện “một sự tiến bộ vượt bậc” trong giải thích và vận dụng UNCLOS 1982. “Phán quyết của Tòa Trọng tài trở thành một bộ phận lâu dài của luật pháp quốc tế, có khả năng ứng dụng toàn cầu vì UNCLOS 1982 được xem như là “Hiến chương của đại dương thế giới”. Phán quyết của Tòa Trọng tài về quy chế các cấu trúc tại Trường Sa đã giúp mở rộng diện tích vùng biển quốc tế, phục vụ cho các hoạt động tự do hàng hải””, GS Carl Thayer cho biết thêm. Vị học giả người Australia cũng cho rằng các quốc gia như Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Brunei sẽ được lợi từ phán quyết của Tòa Trọng tài mà theo đó Trung Quốc không thể yêu sách các vùng biển vượt ra ngoài phạm vi cho phép của UNCLOS 1982. “Nói cách khác, Tòa Trọng tài đã bác bỏ sự mở rộng của “đường lưỡi bò” vào trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của các quốc gia ven biển. Các bên liên quan sẽ được lợi từ việc xác định rõ quy chế đảo, đá, bãi lúc chìm lúc nổi theo UNCLOS 1982. Điều này là cơ sở cho việc phân định ranh giới các vùng biển chồng lấn”, GS Carl Thayer nhận xét.
Trong khi đó, nhấn mạnh việc phán quyết của Tòa Trọng tài đã làm rõ một số vấn đề pháp lý như “quyền lịch sử”, quy chế của các cấu trúc tại Trường Sa, Giáo sư Yamagata Hideo, Đại học Nagoya, Nhật Bản, cho rằng điều đó “đã góp phần vào sự phát triển của Luật Biển và sẽ được các học giả và các tòa án khác trích dẫn để tham khảo và tư vấn”.
Khẳng định Tòa Trọng tài hoàn toàn có thẩm quyền đối với vụ kiện Philippines-Trung Quốc, GS Gregory Rose, Đại học Wollongong, Australia, nhấn mạnh phán quyết của Tòa thể hiện rằng “công lý đã được thực thi”. Cùng chung quan điểm, theo TS Ngô Hữu Phước, phán quyết vừa qua của Tòa Trọng tài là công bằng, khách quan, củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với luật pháp quốc tế, là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các quốc gia trong khu vực và thế giới nghiên cứu, áp dụng trong quá trình giải quyết các vụ tranh chấp tương tự.
Tại Hội thảo, một mặt các đại biểu cho rằng phán quyết của Tòa Trọng tài tuy không đề cập và giải quyết vấn đề chủ quyền, nhưng lại có những tác động nhất định đối với việc thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của các quốc gia ven biển. Phán quyết cũng đem đến những gợi mở pháp lý và kinh nghiệm trong việc sử dụng các cơ chế tài phán và sử dụng những luận cứ pháp lý tại các cơ chế này trong tương lai. Mặt khác, tuy rằng các biện pháp tư pháp là một trong những biện pháp hiệu quả và văn minh nhằm giải quyết tranh chấp quốc tế để bảo vệ tốt nhất lợi ích của các quốc gia liên quan, theo các đại biểu, để có thể sự dụng biện pháp này đòi hỏi các quốc gia cần phải có những tính toán cụ thể, chi tiết, và cẩn trọng về các nội dung pháp lý. Không những vậy, các quốc gia còn phải dựa trên cơ sở đánh giá những vấn đề liên quan khác như kinh tế, chính trị, ngoại giao, cục diện và diễn biến của tình hình thực tế. “Cần phải có sự cân bằng giữa công lý và hòa bình trong khu vực”, Giáo sư Yamagata Hideo nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HOÀNG VŨ