leftcenterrightdel

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì tiệc trà chào mừng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: TTXVN 

16 giờ 30 phút chiều 12-1, trên Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh) vang lên 21 tiếng đại bác chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngay sau đó, từ hướng cổng chính, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam lịch lãm bước vào Bắc Đại sảnh (Đại lễ đường Nhân dân), chủ động đón nhận cái bắt tay nồng ấm từ phía Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình.

Nhiều người có mặt tại buổi tiếp biết khá rõ, chính tại Đại lễ đường Nhân dân, đã 3 lần trên cương vị lãnh đạo cao nhất của ĐCS Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón nhận sự tiếp đón chân thành, trọng thị của lãnh đạo cao nhất Trung Hoa. Và lần này, sự trọng thị được thể hiện rõ nét ở những nghi thức tiếp đón ở mức cao nhất. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên phía bạn bố trí để Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm, hội kiến với 5/7 Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc; kèm theo đó là rất nhiều biệt lệ ngoại giao trọng thể.

Đó là ngay sau lễ đón và hội đàm, Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã trân trọng mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự tiệc trà-thưởng thức hương vị các loại trà nổi tiếng của tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) tại phòng Bốn mùa Ma Cao lộng lẫy, hoa lệ. Phải biết rằng, đất nước Trung Hoa là “quê hương của trà”, bởi đây là quốc gia đầu tiên phát hiện ra trà và sử dụng trà trong hơn 4.000 năm. Sử sách ghi lại, “khách đến kính trà” là phong tục lễ nghĩa hiếu khách, trọng tình của người Trung Quốc dành cho những người bạn tâm giao, thân hữu. Chính vì vậy, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời trà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cử chỉ đặc biệt, chưa có tiền lệ, thể hiện sự coi trọng và thiện chí của nhà lãnh đạo hạt nhân của Trung Quốc, mong muốn tăng cường sự gần gũi, tin cậy với lãnh đạo cao nhất của Việt Nam.

leftcenterrightdel

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh dự Chương trình “Gặp gỡ hữu nghị nhân dịp chào mừng kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và đón Xuân 2017”. Ảnh: TTXVN 

Theo nhiều cán bộ ngoại giao Trung Quốc, việc mời trà ở đây hoàn toàn không thuần nghĩa là cử chỉ ngoại giao. Bởi lẽ, trước đó, hai nhà lãnh đạo đã hội đàm hàng giờ đồng hồ để bàn thảo nhiều vấn đề mà hai bên quan tâm. Việc hai bên ký kết 15 văn bản hợp tác quan trọng là minh chứng sinh động, thiết thực về kết quả ngoại giao lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do vậy, tiệc trà ở đây là nghĩa cử tâm giao, thể hiện sự trân trọng, kính quý người bạn xóm giềng của “chủ nhà” Trung Quốc. Bên chén trà nóng, lan tỏa hương thơm, hai nhà lãnh đạo đã vui vẻ, cởi mở, chân tình, trò chuyện với nhau chuyện xưa, chuyện nay... Trong đó, cả hai Tổng Bí thư đều rất tâm huyết, dành thời gian ôn lại cội nguồn lịch sử; nhất là về mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai...

Câu chuyện mà các lãnh đạo quan tâm đã diễn ra cách đây gần tròn một thế kỷ. Đó là những ngày hè năm 1922, nơi thủ đô Pa-ri của nước Pháp, người thanh niên yêu nước Việt Nam Nguyễn Ái Quốc đã gặp gỡ và kết thân với những nhà cách mạng Trung Quốc: Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Triệu Thế Viêm, Đặng Tiểu Bình… Khi ấy, những nhà cách mạng trẻ đã cùng chung chí hướng, luôn gắn bó yêu thương, tương hỗ và giúp nhau trên đường tranh đấu của hai đất nước, hai dân tộc. Sau này, khi đã trở thành những lãnh đạo cao cấp của hai đất nước, họ vẫn giữ vẹn tình bạn thủy chung, trong sáng.

Vào tháng 11-1956, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã sang thăm chính thức Việt Nam. Sau phát biểu chào mừng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thân mật trò chuyện: “… Đồng chí Chu Ân Lai còn là anh em của tôi. Chúng tôi đã từng đồng cam cộng khổ, cùng làm công tác cách mạng. Ba mươi mấy năm qua, Thủ tướng Chu Ân Lai là bạn chiến đấu thân thiết của tôi”. Khi phát biểu đáp từ, Thủ tướng Chu Ân Lai xúc động, nói: “Ban nãy, Hồ Chủ tịch vừa nhắc tới hơn ba mươi năm trước, tôi đã quen biết với Người. Đúng thế! Cách đây ba mươi bốn năm, hồi còn ở Pa-ri, tôi đã quen biết Hồ Chủ tịch. Lúc bấy giờ, Hồ Chủ tịch đã là người dẫn đường cho chúng tôi. Lúc đó, Người đã thành thuộc Chủ nghĩa Mác, còn tôi thì mới vào Đảng Cộng sản. Hồ Chủ tịch là người anh cả của tôi”. Và gần nửa thập kỷ sau, khi đến thăm Việt Nam (năm 2015), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa khẳng định trước đông đảo thanh niên hai nước Việt-Trung: "Trong lòng người dân Trung Quốc như thế hệ chúng tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bạn thân thiết nhất của nhân dân Trung Quốc, chúng tôi gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác Hồ. Bác Hồ và Bác Mao Trạch Đông, Bác Chu Ân Lai cũng như các nhà lãnh đạo tiền bối của Trung Quốc là bạn chiến đấu và là đồng chí hết sức thân thiết của nhau".

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần này cũng vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo nước bạn đã nhiều lần khẳng định: Chính tình cảm đặc biệt thân thiết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ, lãnh đạo Trung Quốc đã đặt nền móng cho tình hữu nghị vững bền; đồng thời được vun đắp bằng công sức, trí tuệ và cả sự hy sinh của nhiều thế hệ công dân ưu tú hai đất nước, hai dân tộc. Trong những năm tháng đấu tranh chống thực dân, đế quốc, nhân dân Việt Nam luôn ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống Nhật, nhân dân Trung Quốc giúp nhân dân Việt Nam chống Pháp, chống Mỹ. Quân-dân hai nước kề vai chiến đấu, để lại nhiều câu chuyện xúc động về tình người, tình đồng chí. Ví như câu chuyện của “lưỡng quốc tướng quân” Nguyễn Sơn-vị tướng nổi tiếng của Việt Nam đã tích cực tham gia cách mạng Trung Quốc, tham gia cuộc "Vạn lý trường chinh" của Hồng quân, là vị tướng nước ngoài duy nhất của Trung Quốc. Hay câu chuyện của đồng chí Đậu Kim Ba là cố vấn quân sự Trung Quốc. Sau khi nhận nhiệm vụ giúp đỡ Việt Nam, đồng chí Ba đã đặt tên đứa con mới lọt lòng của mình là Việt Hoa....

Những nhân vật, câu chuyện như vậy khó có thể ghi lại đủ đầy bằng giấy mực. Trong thời bình cũng vậy, thật khó có thể kể hết tên tuổi của những công dân Trung Hoa đã và đang dành trọn tâm huyết, cuộc đời đóng góp, vun đắp tình hữu nghị Việt-Trung. Theo bà Lý Tiểu Lâm, Chủ tịch Hội Hữu nghị đối ngoại nhân dân Trung Quốc, trong tổ chức hội hiện nay không chỉ có các cựu chuyên gia, cố vấn, nhà ngoại giao, cán bộ Trung Quốc từng gắn bó với Việt Nam, mà còn có sự tham gia tích cực, hiệu quả của rất nhiều bạn trẻ Trung Quốc yêu mến đất nước, con người Việt Nam.

Khẳng định đó được chứng minh trực quan, sinh động bằng chính không khí thân tình, thắm tình đồng chí giữa các đại biểu Việt Nam-Trung Hoa về dự Chương trình “Gặp gỡ hữu nghị nhân dịp chào mừng kỷ niệm 67 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và đón Xuân năm 2017” diễn ra tối 13-1 tại Bắc Kinh. Sau nhiều câu chuyện chung-riêng, lắng đọng lại là tâm huyết và nhận thức chung rằng, cuộc gặp gỡ lần này một lần nữa gợi lại cội nguồn sâu nặng của quan hệ hai Đảng, hai đất nước; về những năm tháng không thể nào quên cùng kề vai sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc đầy gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang. Đây cũng là dịp giúp mỗi công dân hai nước xác định rõ trách nhiệm bản thân trong việc tham gia xây dựng tình hữu nghị Việt-Trung ngày càng tốt đẹp, đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại chương trình: "Các đồng chí Trung Quốc có câu “Mối bang giao giữa các nước nằm ở sự thân tình của người dân”. Tôi rất tâm đắc, bởi tình hữu nghị giữa nhân dân chính là nền tảng xã hội và là nguồn sức mạnh cho quan hệ giữa các quốc gia phát triển tốt đẹp, bền vững lâu dài. Và do vậy, các đồng chí có mặt tại đây phải chính là những sứ giả hữu nghị tiêu biểu nhất".

Khi lãnh đạo Việt Nam kết thúc bài phát biểu, sau tiếng vỗ tay rầm rập kéo dài, lại ngân lên âm thanh của những giai điệu âm nhạc hòa quyện văn hóa Việt Nam-Trung Hoa. Trong nền nhạc nhiều cung bậc, tiếng nói, tiếng cười đan xen rôm rả, vui tươi. Mọi người đến gần nhau hơn với những câu chuyện như không có hồi kết, với những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm siết thân tình... Và cứ thế, một luồng hơi ấm kỳ diệu lan tỏa khắp Phòng tiệc Phương Hoa Uyển (Nhà khách Điếu Ngư Đài), khiến những người trong cuộc như quên đi tiết trời âm vài độ C ở phía bên ngoài khán phòng hữu nghị!

Ghi chép của NGUYỄN TẤN TUÂN 

(từ Bắc Kinh, Trung Quốc)