Việt Nam và Myanmar có mối quan hệ từ rất sớm. Ngay từ năm 1947, Việt Nam đã đặt cơ quan thường trú tại Yangon, sau đó là cơ quan đại diện vào năm 1948 và đến năm 1957, hai nước lập tổng lãnh sự quán. Tuy còn nhiều khó khăn, song Chính phủ và nhân dân Myanmar luôn tích cực ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong những nỗ lực phát triển đất nước hiện nay. Sau khi Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hai bên đã nâng quan hệ Tổng lãnh sự lên quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ vào ngày 28-5-1975.
Kể từ đó, mối quan hệ hữu nghị lâu đời và bền chặt Việt Nam-Myanmar, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Aung San gây dựng, không ngừng được các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Đặc biệt, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 8-2017 (nay là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước), hai bên đã ra Tuyên bố chung thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác hợp tác toàn diện, ghi dấu mốc mới, tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước trên tất cả lĩnh vực.
 |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Htin Kyaw trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Myanmar, tháng 8-2017. Ảnh: TẤN TUÂN. |
Việt Nam và Myanmar thường xuyên trao đổi đoàn các cấp trên tất cả các kênh, bao gồm kênh đảng, chính phủ, quốc hội và giao lưu nhân dân. Sự tin cậy chính trị giữa hai nước tiếp tục được thắt chặt thông qua các chuyến thăm và tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao hai nước. Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã thăm chính thức Myanmar vào tháng 12-2019. Cùng với đó, các cơ chế hợp tác song phương được duy trì đều đặn và phát huy hiệu quả, nhất là Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương và Tiểu ban hỗn hợp thương mại.
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam và Myanmar coi trọng việc tăng cường liên kết hai nền kinh tế. Hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong những năm qua đạt được nhiều thành tựu với việc kim ngạch thương mại đạt 860 triệu USD năm 2018 và khoảng 1,02 tỷ USD năm 2019, vượt mục tiêu 1 tỷ USD đề ra cho năm 2020. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 9 và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án có tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD.
Trên cơ sở quan hệ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại-đầu tư ngày càng gắn bó, các lĩnh vực hợp tác khác, như: Quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, giao thông vận tải, văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương của hai nước cũng ghi nhận nhiều tiến triển tích cực.
 |
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar nhân dịp thăm chính thức Việt Nam, tháng 12-2019. Ảnh: MINH TUẤN. |
Việt Nam và Myanmar thường xuyên duy trì phối hợp và hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt là ASEAN, các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), Phong trào Không liên kết và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công quan trọng như hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mê Công (ACMECS); củng cố và thúc đẩy ASEAN đoàn kết và tự cường; tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN cũng như vai trò của hiệp hội trong giải quyết các thách thức khu vực. Hai bên ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương minh bạch, tự do, rộng mở, bao trùm và dựa trên luật lệ do WTO dẫn dắt cũng như quá trình cải tổ WTO đang diễn ra. Myanmar khẳng định ủng hộ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Trên nền tảng hữu nghị truyền thống vững chắc, có thể thấy rõ rằng thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Myanmar đã không ngừng được hai nước quan tâm thúc đẩy. Tuy nhiên, xét về tổng thể, mối quan hệ này được đánh giá vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao chính là cơ hội để Việt Nam và Myanmar cùng rà soát, nhìn lại quan hệ song phương, tìm kiếm giải pháp hiện thực hóa các mục tiêu chung trong hợp tác, đưa quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và thực chất hơn, hướng tới một tầm cao mới.
HOÀNG VŨ