Cách đây hơn 50 năm, ngày 9-8-1965, Singapore tuyên bố độc lập trong hoàn cảnh đất nước hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập ngoại. Nhưng nhờ biết tận dụng vị trí địa lý, phát triển cảng biển, công nghiệp và sửa chữa đóng tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi, nền kinh tế Singapore tạo tỷ trọng thương mại, dịch vụ chiếm phần lớn (40% thu nhập quốc dân). Để bảo đảm vị thế kinh tế của mình, Singapore đầu tư mạnh cho hải quân bằng nhiều hạm đội hiện đại nhất khu vực. Ông Chew Kian Boon, trưởng ban lễ tân Căn cứ Hải quân Changi-người trực tiếp hướng dẫn và đưa đoàn đi tham quan căn cứ, cho biết: Khi mới thành lập, Hải quân Singapore chỉ có 2 hai chiến hạm mang tên RSS Singapura và RSS Bedole. Trải qua gần 50 năm, lực lượng này phát triển ngày càng mạnh mẽ. Do đặc điểm địa lý và tính chất đặc thù, Hải quân Singapore có 2 căn cứ Changi trên đảo lớn Singapore, và căn cứ Tuas trên đảo nhỏ Jurong nhưng lực lượng tàu ngầm phải luân phiên đỗ nhờ căn cứ của Indonesia...
Đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng lực lượng Hải quân Singapore khi đến thăm căn cứ Changi Naval Base.
Ngoài ra, ông Chew Kian Boon và các đồng nghiệp cũng cho biết thêm thông tin, năm 2008, Hải quân Singapore đã hoàn thành việc tiếp nhận và chuyển giao chiếc cuối cùng trong 6 chiếc tàu hộ vệ tên lửa Formidable rất hiện đại, còn gọi là loại “tàu tàng hình”. Trước khi có lớp tàu Formidble, Hải quân Singapore đã sở hữu tàu ngầm Challenger có lượng giãn nước 1.130 tấn (khi nổi) và 1.200 tấn (khi lặn), mua của Thụy Điển từ năm 1995. Cùng với lớp tàu hộ vệ tên lửa Formidable này là 6 tàu hộ tống tên lửa Victory mua của Đức được trang bị tên lửa chống hạm Harpoon...
Thượng úy Nguyễn Quốc Toản tự hào giới thiệu biểu tượng Hải quân nhân dân Việt Nam được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Hải quân Singapore.
Đến thăm Bảo tàng Hải quân Singapore, đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam được giới thiệu thêm về lịch sử hình thành và phát triển của lực lượng này từ những ngày đầu đến nay qua các hiện vật trưng bày và hệ thống quản lý dữ liệu, thông tin công nghệ cao khá khóa học, giúp khách tham quan bảo tàng có thể tự tìm hiểu khi đến đây.
Rời Bảo tàng Hải quân, đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam còn trực tiếp được chiêm ngưỡng một trong 6 chiếc tàu hộ vệ tên lửa Formidable hiện đại của bạn; tham quan Trung tâm chia sẻ hợp nhất thông tin an ninh hàng hải (IFC-Information Fusion Centre); Trường đào tạo hàng hải (Maritime training and doctrine command). Đặc biệt là Trung tâm điều phối hỗ trợ nhân đạo cứu trợ thảm họa khu vực (Changi Regional hard coordination centre-RHCC). Trung tâm này mặc dù mới thành lập từ năm 2012 nhưng đã tham gia tích cực vào 91 hoạt động cứu trợ nhân đạo cùng nước trong khu vực và thế giới khi có thảm họa xảy ra.
Sau khi tham quan và nghe giới thiệu, đoàn sĩ quan trẻ Việt Nam đã được các bạn tạo điều kiện gặp gỡ, trò chuyện với chiến sĩ hải quân nước bạn để tìm hiểu thêm thông tin. Thượng úy Nguyễn Quốc Toản, Trợ lý Nghiên cứu xử lý tin, Phòng Nghiên cứu lý, Trung tâm 47, Bộ Tham mưu, Quân chủng Hải quân - thành viên trẻ nhất đoàn Việt Nam cho biết: Lần đầu tiên đến Singapore, lại được đến thăm đơn vị hải quân - lực lượng mạnh nhất của Quân đội Singapore, được các bạn hướng dẫn chu đáo, tận tình tôi đã tiếp nhận khá nhiều thông tin bổ ích. Đây là một chuyến đi ý nghĩa trong đời quân ngũ của mình. Tôi mong rằng lực lượng trẻ của quân đội hai nước tiếp tục duy trì thường xuyên hoạt động này.
Tin, ảnh: BÍCH TRANG (từ Singapore)