Chúng tôi trở lại xã Bình Dương vào những ngày cuối tháng 3-2025. Trên những cồn cát trải dài miên man, chúng tôi được người dân Bình Dương kể cho nghe về lịch sử truyền thống nhưng cũng đầy đau thương nơi mảnh đất ven biển này. Vừa rảo bước giữa cái nắng chói chang, chúng tôi vừa khấn thầm xin lỗi, vì biết đâu, nơi chúng tôi đi qua là những hầm mộ chưa được khai quật, ghi dấu tội ác quân thù.
Một nhà thờ 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng
Lần đầu chúng tôi về xã Bình Dương vào cuối năm 2024, với mục đích tìm hiểu làng nghề nước mắm Cửa Khe của địa phương, một trong những làng nghề lâu đời nhất xứ Quảng. Thế rồi, cuộc trò chuyện với chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tám Tươi gợi mở chúng tôi chuyển hướng, khi chú Hà Thành Tươi tâm sự: “Nhà chú đang thờ 3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
“3 Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, sợ nghe nhầm, tôi hỏi lại chú Hà Thành Tươi. Ông chủ cơ sở sản xuất nước mắm Tám Tươi không trả lời mà vẫy tôi lên tầng 2. Đứng trước bàn thờ gia tiên, chú Hà Thành Tươi nói nhỏ: “Phía trên là bà nội chú-Phạm Thị Chúc, đây là mẹ chú-Lương Thị Nhàu, còn kia là bác ruột chú-Lương Thị Bai, cả 3 đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Tôi xin phép gia chủ được thắp nén tâm hương... Bà nội chú Tươi-Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Chúc có chồng Hà Thanh là liệt sĩ, con trai Hà Đảnh là liệt sĩ. Đứng bên cạnh tôi, hẳn chú Tươi đang nhớ về bố mình-liệt sĩ Hà Đảnh, mất ở chốn lao tù Côn Đảo; nhớ về hai người anh trai-liệt sĩ Hà Văn Hảo, Hà Văn Nhị hy sinh nơi chiến trường.
 |
Trưởng thôn Phạm Đề trò chuyện cùng phóng viên Nguyễn Thị Ngân (Báo Quân đội nhân dân) tại Bia tưởng niệm Di tích hầm bà Thơ. Chỗ bụi cây là căn hầm địch giết hại hàng chục người vẫn chưa khai quật. Ảnh: HÀ THÀNH |
Chú Hà Thành Tươi dẫn tôi ra phía ngoài ban công, chỉ “chỗ kia, chỗ kia, toàn dân Thủ đô về mua đất hết rồi! Những ngôi nhà đó đều có người là Bà mẹ Việt Nam anh hùng hoặc thương binh, liệt sĩ. Chuyện về vùng đất Bình Dương 3 lần được phong tặng danh hiệu anh hùng thì nhiều lắm, lần tới có duyên các cháu trở lại, chú và người dân nơi đây sẽ kể chuyện năm xưa quê hương chú đi theo cách mạng, đánh giặc Mỹ cho mà nghe”.
Hai chú cháu bước xuống nhà, tôi những tưởng chú Tươi sẽ rót rượu (vì cơm canh đã dọn xong) nhưng chú lại vào phòng, đặt mình xuống giường. Tôi thầm nghĩ chú đã có tuổi (sinh năm 1961), mình lại đi hỏi chuyện buồn của gia đình không đúng lúc khiến chú xúc động.
Chú Tươi úp chiếc mũ lên đầu nằm hoài niệm. Chú khóc. Chú nhớ về mẹ, về đồng đội ở đội du kích thiếu nhi năm xưa, người còn, người mất.
Sau khi nhâm nhi mấy ly rượu cùng chúng tôi bên mâm cơm, chú kể những năm 60, 70 của thế kỷ trước, Mỹ-ngụy, lính Nam Hàn càn quét nơi đây, đến con sâu cái kiến còn khó sống. Đất nước thống nhất, vẫn còn mộ tập thể dưới cồn cát quê hương chưa được khai quật.
... Giữa năm 1965, quân Mỹ đổ bộ lên Quảng Nam, bom đạn của địch giội xuống xứ Quảng tăng lên bội phần. Bên cạnh đó, quân Nam Hàn được trang bị, huấn luyện chuyên sâu về chống du kích và khủng bố khiến cuộc sống người dân ở xã Bình Dương càng thêm căng thẳng, ngột ngạt. Tuy lúc nào cũng cận kề cái chết nhưng người dân Bình Dương vẫn kiên cường bám trụ, đào hầm nuôi giấu cán bộ, cứu chữa thương binh, bệnh binh, với ý chí: Còn thở là còn đi theo cách mạng.
Hè năm 1968, Trung đoàn 31 chủ lực của Quân khu 5 cho một đơn vị an dưỡng về thôn 5, thôn 6 (xã Bình Dương) dưỡng sức kết hợp tập luyện. Cứ sáng ra, cậu bé Hà Thành Tươi lại cùng mẹ ra biển kiếm cá. Vào vụ cá Nam (từ tháng 5 đến tháng 10 dương lịch), người dân trong xã vừa tranh thủ kiếm cá về nuôi cán bộ, du kích, chiến sĩ, bệnh binh Trung đoàn 31, vừa tranh thủ làm mắm.
Đêm xuống, các bà, các mẹ ở xã, trong đó có bà Lương Thị Nhàu lén đưa cơm xuống hầm cho cán bộ và thương binh. Cậu bé Hà Thành Tươi khi đó mới 7 tuổi, làm nhiệm vụ cảnh giới. Ăn cơm với hải sản, nước mắm ngon nên thương binh, bệnh binh phục hồi sức khỏe nhanh chóng.
“Có mày, không tao”
Ngoài hiên nhà, tiếng côn trùng xen lẫn tiếng sóng biển, Tươi rúc trong lòng mẹ, thủ thỉ: “Sau này con lớn lên, mẹ cho con đi theo các chú bộ đội nhé”. Bà Nhàu ôm con vào lòng nức nở. Bom đạn ác liệt thế này, không biết thằng bé có sống qua nổi năm nay hay không. Chỉ tính riêng năm 1968, thôn 6 có đến 80 người bị địch sát hại, đại bộ phận hầm hào sụt nát. Đảng bộ xã Bình Dương chỉ đạo nhân dân các thôn tập trung giúp đỡ người dân thôn 6 ổn định nơi ăn, chốn ở.
Cuộc chiến đấu ngày càng diễn ra ác liệt. Xã biển Bình Dương ở vùng sâu thành hậu phương lớn. Trạm phẫu của thị xã Hội An, của huyện Thăng Bình đều đặt tại nơi đây. Người dân trong xã ra sức củng cố hầm hào nuôi giấu cán bộ, bộ đội chủ lực, thương binh. Cậu bé Hà Thành Tươi vẫn nhớ trong căn hầm nhà mình, có chú thương binh đã khắc dòng chữ: “Tuy rằng không đẻ ra con/ Nhưng tình nghĩa mẹ bao la biển trời”.
Hà Thành Tươi cùng chúng bạn theo chân các mẹ, các bà gánh cá, gánh mắm lên huyện Quế Sơn, huyện Hiệp Đức để đổi lấy khoai, sắn, gạo về nuôi cán bộ. Nếu các chú thương binh, bệnh binh cần bông, băng, thuốc, đường, sữa thì người dân Bình Dương gánh củi, gánh mắm lên thị trấn Hà Lam-huyện Thăng Bình, xã Hương An-huyện Quế Sơn đổi lấy nhu yếu phẩm.
Xã biển Bình Dương như cái gai trong mắt kẻ thù. Địch mở nhiều trận càn lớn vào xã, giết hại hàng nghìn dân làng. Nhiều trận càn, bà Nhàu cua vội quang gánh, cùng con chạy trối chết dưới mưa bom, bão đạn. Ngày 12-11-1969, trực thăng chở quân Mỹ cùng lính Nam Hàn đổ ào xuống Bình Dương. Đến thôn 1, chúng lùa già, trẻ, lớn, bé đến gần nghĩa địa tộc Phan rồi xả súng. Hàng chục người chết tại chỗ, chỉ còn một em bé mới sinh được 3 tháng sống sót, miệng ngậm chặt vú mẹ không kêu khóc, là con bà Phan Thị Bồn và ông Dương Phiếu.
Địch tuyên bố biến Bình Dương thành vùng cát trắng, không cái cây, ngọn cỏ nào sống được chứ đừng nói là cộng sản. Vậy mà trong bão lửa chiến tranh, Hà Thành Tươi cùng chúng bạn vẫn tranh thủ theo thầy, cô học lấy con chữ. Những bài giảng của thầy Trần Văn Dương, Nguyễn Văn Sơn, cô Quỳnh Thị Nhiễu (ở thị trấn Hà Lam) hòa cùng tiếng bom rơi, đạn nổ. Có bận, mãi thầy mới tìm được gốc cây để gieo con chữ, vậy mà hôm sau “giảng đường” đã trúng bom. Cát bụi loang lổ trên thân cây dương như bụi phấn vương trên bảng.
Những năm 1973-1974, hàng loạt trận càn của địch khiến các lực lượng cách mạng và người dân Bình Dương máu chảy thành dòng thấm vào đất mẹ. Từ chặt đầu đến mổ bụng, đốt xác, phơi thây, địch không từ thủ đoạn nào để khủng bố tinh thần. Nhưng trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người dân Bình Dương vẫn một lòng kiên trung theo Đảng, theo cách mạng chiến đấu với kẻ thù đến cùng, mà nói như ông Phạm Đề, Trưởng thôn Duy Hà (trước là thôn 6)-xã Bình Dương, thì thời điểm đó “có mày, không tao”. Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, bố (Phạm Thắng, chiến sĩ tàu không số) và 3 người anh của ông Phạm Đề đều là liệt sĩ. Mẹ ông, bà Lê Thị Đôi là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Giữa trưa nắng gắt, ông Phạm Đề dẫn chúng tôi đi qua những trảng cát miên man, đến trước ngôi mộ tập thể của hàng chục người dân thôn 1 bị địch sát hại vào tháng 11-1969. Ông Phạm Đề bảo rằng, không biết chừng nơi mọi người vừa đi qua, ở dưới lòng cát là những căn hầm bị Mỹ-ngụy đánh sập, giết hại cán bộ và dân làng, vẫn còn những oan hồn dưới đó. Run run cầm nén hương trước Bia tưởng niệm Di tích hầm bà Thơ (gia đình ông Nguyễn Thép), Trưởng thôn Phạm Đề cúi đầu khấn lạy: “Trên mảnh đất nhỏ bé này, ai đã từng sống mới cảm nhận hết sự chịu đựng vượt ngoài giới hạn của con người”.
Trải qua 3 thập niên chiến tranh, nhất là trong thời gian kháng chiến chống Mỹ-ngụy, xã Bình Dương chịu tổn thất to lớn: Hơn 4.700 người ngã xuống, chiếm hơn một nửa dân số lúc bấy giờ, trong đó có 1.298 liệt sĩ, hơn 300 thương binh, bệnh binh mang thương tật suốt đời. Xã có hơn 700 đảng viên thì sau chiến tranh còn khoảng 10 đảng viên.
|
(còn nữa)
Bài và ảnh: HÀ THÀNH - NGUYỄN NGÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Cuộc thi viết Vững bước dưới cờ Đảng xem các tin, bài liên quan.