Dám nghĩ, dám làm và những quyết định đổi mới Thủ đô

Phóng viên (PV): Thưa Giáo sư, nhớ lại ngày được giao nhiệm vụ về công tác tại Thành ủy Hà Nội - một đô thị quan trọng về mọi mặt của nước ta như thế, ông có suy nghĩ gì?

GS Lê Xuân Tùng: Tháng 8-1991, tôi được Trung ương phân công về làm Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Đến tháng 5-1996, tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XII (nhiệm kỳ 1996-2000), tôi được bầu làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Quả thực, sau mấy chục năm giảng dạy lý luận ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), khi được Trung ương điều động về Hà Nội làm việc, tôi thấy rất vui. Nhưng khi đó, cũng có nhiều người lo ngại cho tôi vốn xuất thân từ nông thôn và chỉ nghiên cứu lý luận, khi về lãnh đạo thực tiễn ở một trung tâm quan trọng về mọi mặt của cả nước, “nóng” quanh năm như thế, sẽ khó khăn.  Nhưng tôi nghĩ rằng, dù làm lãnh đạo ở thành phố hay nông thôn, thì vấn đề quan trọng với người cán bộ là phải tìm hiểu thật kỹ, thật sâu sát địa bàn mà mình hoạt động. Phải hiểu đặc điểm, đặc thù của địa phương, nắm chắc những thế mạnh, hạn chế, khó khăn cần khắc phục của địa phương, từ đó mới có thể lãnh đạo để khẳng định vai trò, uy tín của mình ở đó.

Hà Nội là Thủ đô nghìn năm văn hiến, thời điểm đó có bề dày văn hóa gần 1.000 năm, cư dân đô thị đông, trình độ dân trí cao, có đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ nổi tiếng, là nơi các cơ quan đầu não của Trung ương đóng... Điều đó vừa là thuận lợi rất lớn, nhưng cũng là thách thức đòi hỏi cả Đảng bộ và người lãnh đạo Thành ủy phải không ngừng hoàn thiện mình, nâng mình lên, để đáp ứng đòi hỏi rất cao của thực tiễn.

GS Lê Xuân Tùng. Ảnh: MINH THÀNH 

PV: Tình hình kinh tế - xã hội của Hà Nội khi đó ra sao, thưa ông?

 GS Lê Xuân Tùng: Những năm đầu thập niên 1990, Hà Nội cũng như cả nước ta đều bị ảnh hưởng bởi sự bao vây cấm vận, kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng và mất cân đối. Hàng hóa giao thương ít, nên lạm phát rất cao. Sản xuất chậm phát triển, nên giá cả phi mã, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Nửa sau của giai đoạn 1991-2000, bao vây cấm vận được bãi bỏ, nhưng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn còn rất dè dặt.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm đưa đất nước ta cơ bản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng bộ thành phố Hà Nội diễn ra vào tháng 5-1996 xác định mục tiêu tổng quát giai đoạn 1996-2000 là đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ tăng trưởng kinh tế; xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng theo quy hoạch; cải thiện hơn nữa đời sống vật chất và văn hóa, môi trường sống của nhân dân...

PV: Là người gắn bó với Thành ủy Hà Nội gần 2 nhiệm kỳ (từ năm 1991-2000), được biết ông đã có những dấu ấn quan trọng không chỉ góp phần đổi mới Thủ đô, mà một số mô hình còn được nhân rộng ra địa phương khác. Ông có thể chia sẻ một số quyết định đáng nhớ của mình?

GS Lê Xuân Tùng: Trong thời gian làm Phó bí thư Thường trực và sau này làm Bí thư Thành ủy, xuất phát từ tình hình thực tiễn của Hà Nội khi đó, tôi đã đề xuất với Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố chỉ đạo thực hiện một số việc mang lại kết quả tích cực.

Thứ nhất là chủ trương cổ phần hóa hợp tác xã (HTX). Nhận thấy HTX tồn tại quá lâu, cũ kỹ, già nua, hoạt động không hiệu quả, có tình trạng “rong công, phóng điểm”, tiêu cực trong việc chấm công ghi điểm, giá nhân công thấp, không khích lệ xã viên tích cực lao động, tôi lập một nhóm chuyên gia đi nghiên cứu khoảng 300 HTX trên địa bàn. Qua đó, Hà Nội quyết định phải thí điểm cổ phần hóa HTX. Chủ trương này được bà con xã viên hưởng ứng. Thời điểm đó, các đồng chí lãnh đạo Trung ương theo dõi từng bước cách làm cổ phần hóa HTX của Hà Nội và ghi nhận cổ phần hóa HTX có hiệu quả tốt. Tại buổi tổng kết hoạt động cổ phần hóa HTX có đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười và đồng chí Thường trực Ban Bí thư Đào Duy Tùng về dự và sau đó, Ban Chấp hành Trung ương quyết định đưa vào Nghị quyết của Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), là lấy kinh nghiệm của Hà Nội để cả nước thực hiện cổ phần hóa HTX. Cùng năm đó, Quốc hội ban hành Luật Hợp tác xã và đi vào cuộc sống.

Không chỉ thành công về cổ phần hóa HTX, Hà Nội cũng là nơi dẫn đầu toàn quốc về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Năm 1999, trong khi nhiều địa phương khác chưa làm được, thì Hà Nội đã có gần 100 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Công ty Bánh Tôm Hồ Tây là doanh nghiệp đầu tiên tiến hành cổ phần hóa thành công ở Hà Nội. Việc cổ phần hóa HTX và doanh nghiệp nhà nước đã mang lại sự phát triển kinh tế mạnh mẽ cho Thủ đô cuối thập niên 1990.

GS Lê Xuân Tùng. Ảnh: MINH THÀNH

Thứ hai, chủ trương quy hoạch lại khu vực Nhà tù Hỏa Lò theo hướng vừa bảo tồn, vừa phát triển. Qua khảo sát địa bàn, tôi nhận thấy ở giữa Thủ đô mà để diện tích Nhà tù Hỏa Lò khoảng 12.000m2, trải dài qua mấy con phố như thế là lãng phí quá. Ban đầu, chủ trương quy hoạch lại Nhà tù Hỏa Lò cũng nhận được hai luồng ý kiến: Một là đề nghị xóa bỏ hoàn toàn nhà tù vì lịch sử đã sang trang; một luồng ý kiến khác đề nghị bảo tồn nguyên trạng (chủ yếu là các nhà cách mạng lão thành từng bị giam tại đây). Nhờ sự giúp đỡ và ủng hộ của Tổng Bí thư Đỗ Mười (cũng từng là một người cán bộ cách mạng từng bị địch bắt và giam cầm tại Nhà tù Hỏa Lò), nên cuối cùng chủ trương bảo tồn và phát triển khu di tích này đã được dư luận đồng thuận.

Ngoài ra, hưởng ứng tinh thần chỉ đạo của Trung ương về phát huy nội lực tối đa để phát triển kinh tế, giai đoạn 1991-2000, tôi cũng đề nghị Thành ủy Hà Nội phát động phong trào phát huy nội lực và nhận được sự hưởng ứng của các doanh nghiệp trên địa bàn. Một số công trình được xây dựng nhờ xã hội hóa vốn đầu tư từ thời điểm đó và tồn tại đến ngày nay như: Bách hóa Tràng Tiền, Công viên nước Hồ Tây; công trình kè bờ, làm đường bao quanh Hồ Tây, cải tạo cảnh quan và nơi vui chơi giải trí cho người dân Thủ đô...

Trong nhiệm kỳ 1996-2000, đời sống Thủ đô có sự thay đổi về mọi mặt. Nhiều công trình trọng điểm về kinh tế-xã hội đã được triển khai. Năm 1999, Hà Nội được UNESCO bình chọn danh hiệu "Thành phố vì hòa bình". Năm 2000, Hà Nội vinh dự đón nhận danh hiệu cao quý "Thủ đô Anh hùng" do Đảng, Nhà nước phong tặng.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò hiện nay là một trong những điểm thu hút khách tham quan tại Hà Nội. Ảnh: MINH THÀNH

Cả guồng máy Đảng bộ phải chuyển động

PV: Một trong những công việc quan trọng trong công tác xây dựng Đảng là tuyên truyền chủ trương của Đảng và tổ chức đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, thời đó ông đã chỉ đạo triển khai việc này như thế nào?

GS Lê Xuân Tùng: Tuyên truyền, quán triệt các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương trong nhiệm kỳ, nghị quyết của Đảng bộ Thành phố đến cán bộ, đảng viên và tổ chức đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống là nhiệm vụ rất quan trọng. Vì có nhận thức đúng, mới có hành động đúng. Từng là giảng viên lý luận chính trị nên từ khi về Thành ủy, thì tôi phụ trách luôn việc phổ biến nghị quyết cho các đảng viên, cán bộ chủ chốt của Hà Nội.

Còn việc triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng bộ, thì tôi thấy từng ủy viên Ban Chấp hành phải có trách nhiệm chứ không riêng gì Bí thư và Phó bí thư Đảng ủy đó. Chúng tôi thường xác định các nhiệm vụ quan trọng trong nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện. Hình thức chủ yếu là xây dựng các chuyên đề và chương trình hành động. Chuyên đề áp dụng cho các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, còn chương trình thì liên kết nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ví dụ: Chương trình “An ninh chính trị, an toàn xã hội” hay chương trình “Xây dựng văn hóa mới”... Việc xây dựng các chương trình đã trở thành “thương hiệu” của Đảng bộ Hà Nội thập niên 1990, được các địa phương đến nghiên cứu học tập.

Dù là chuyên đề hay chương trình đều phải lập ra các tổ điều hành (khoảng 9-10 người/tổ). Đảng bộ TP Hà Nội là nơi có số lượng ủy viên Ban Chấp hành rất đông, nên Thành ủy phân công tất cả cấp ủy viên phải tham gia vào các tổ điều hành đó, không ai được đứng ngoài cuộc. Thậm chí có người tham gia 2 tổ, các tổ phải xây dựng đề án thực hiện và đưa ra hội nghị Ban Chấp hành thảo luận, thông qua. Có tổ mời cả đảng viên tiêu biểu tham gia xây dựng chương trình, đề án, lộ trình thời gian thực hiện. Hằng năm, có sơ kết hoạt động, đến cuối nhiệm kỳ phải tổng kết. Đó chính là lãnh đạo tập thể, huy động sự vào cuộc và phát huy trách nhiệm của toàn Đảng bộ. Cả bộ máy phải chuyển động để đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

GS Lê Xuân Tùng phát biểu tại Hội thảo 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP Hà Nội (17-3-1930 / 17-3-2025). Ảnh do nhân vật cung cấp 

PV: Bên cạnh những việc đáng kể trên, ông có gặp những khó khăn nào trong quá trình lãnh đạo?

GS Lê Xuân Tùng: Là người đứng đầu Thành ủy thì bên cạnh những thuận lợi đều có những khó khăn, thách thức nhất định. Khó nhất với tôi cũng như Ban Thường vụ Thành ủy khi đó là về công tác cán bộ, chọn người lãnh đạo UBND thành phố. Một cán bộ chủ chốt của UBND thì cần đề bạt ai, khi có rất nhiều người muốn làm vị trí ấy, rất nhiều người khác cũng có tham vọng chức vụ ấy. Làm thế nào để đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch? Để chọn được một cán bộ của UBND thì phải lấy ý kiến của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về nhân sự đó. Có trường hợp cân nhắc để đề bạt, tôi phải lấy phiếu thăm dò ý kiến tới khoảng 400 người từ các sở, ban, ngành, quận, huyện trên địa bàn. Khó khăn với người đứng đầu và Ban Thường vụ là làm sao phải thực sự nhạy bén để phân tích và đưa ra quyết định đúng, trúng và phù hợp nhất.

Trong nhiệm kỳ, chúng tôi cũng buộc phải thay một cán bộ cấp trưởng ban vì lý do kết quả lấy phiếu tín nhiệm của đồng chí ấy xếp hạng thấp. Việc thay đồng chí đó thật khó khăn, bởi khi đưa ra xin ý kiến tập thể thì tôi cũng nhận được rất nhiều ý kiến góp ý. Tuy nhiên, qua cân nhắc, chúng tôi vẫn quyết định thay.

PV: Ông có thể chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của bản thân trong quá trình lãnh đạo Thành ủy Hà Nội?

GS Lê Xuân Tùng: Trên cương vị là Bí thư Thành ủy, tôi phải phân chia thời gian để giải quyết hết khối lượng công việc hằng ngày. Thứ nhất là hội họp, nghiên cứu tài liệu, phổ biến nghị quyết và ký các văn bản giấy tờ, duyệt báo cáo của cấp dưới trình lên. Thứ hai là đi công tác cơ sở, gặp gỡ, trò chuyện với người dân để nắm tâm tư, nguyện vọng của họ và những vấn đề bất cập cần giải quyết. Thứ ba là viết bài, tổng kết các việc mình làm để rút ra những bài học kinh nghiệm, nâng tầm thành lý luận. Ngoài ra, còn có một số công việc khác. Các phần việc này phải cân đối, hài hòa, không nên coi nặng một việc này quá mà coi nhẹ các việc kia.

Kinh nghiệm thứ hai, tôi thấy công tác nhân sự muốn chọn được người tài, có năng lực, thì trách nhiệm của Bí thư và Thường vụ Đảng ủy rất lớn, nhiều khi đóng vai trò quyết định, trên cơ sở đã tham khảo ý kiến từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là biết dựa vào những người đồng chí kiên trung nhất. Kinh nghiệm cho thấy, đừng bao giờ biến thông tin tham khảo thành quyết định chính thức. Trong một số trường hợp nhất định, trước khi đề bạt cán bộ thì phải xuống tận nơi gặp mặt, trao đổi ý kiến. Muốn chọn được cán bộ tốt, đúng người, đặt đúng việc, cũng đòi hỏi người đứng đầu phải thực sự công tâm, khách quan, rất trách nhiệm, nhạy cảm, tinh tế, có tầm nhìn xa, phát hiện sớm, để xem ai mới là người xứng đáng vào vị trí đó thì lựa chọn. Mọi sự thành bại trong công tác, một phần quan trọng do cán bộ quyết định. Phải thẩm tra kỹ lần cuối trước khi đề bạt. Đừng để tình cảm và các mối quan hệ cá nhân chi phối đến việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Hà Nội - "Thành phố vì hòa bình" đang ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Ảnh: TRỌNG HẢI

PV: Theo ông, để duy trì sự đoàn kết trong Đảng bộ, mà trước hết là tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, thì đồng chí Bí thư cấp ủy cần phải làm gì?

GS Lê Xuân Tùng: Là người đứng đầu thì phải có vai trò, trách nhiệm kết nối sự đoàn kết tập thể cơ quan đơn vị, Đảng bộ và được lòng dân. Để làm được điều đó, thì người đứng đầu phải giữ uy tín của mình, làm cho người dân tin tưởng, không chỉ bằng lời nói mà phải bằng hành động tạo niềm tin, không phải bằng cấp cao, mà quan trọng là công tác tổ chức thực hiện, ra kết quả có lợi cho tập thể.

Để đoàn kết tập thể Đảng bộ và toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan, thì bản thân người đứng đầu phải gương mẫu, làm đúng, công tâm, khách quan, không được bè phái cục bộ, gây mất đoàn kết nội bộ. Trong cấp ủy, phải tin tưởng và dựa vào những đồng chí kiên trung với Đảng, tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản, làm việc vì tập thể, không tư lợi, tìm được sự thống nhất của họ. Những cán bộ kiên trung ấy chính là sợi dây kết nối tinh thần đoàn kết trong tập thể Thường vụ cũng như Ban Chấp hành Đảng bộ. Họ cũng là những cán bộ gương mẫu, phẩm chất đạo đức tốt, chuẩn mực, thuyết phục được người khác nghe theo, chính là chỗ dựa vững chắc để người đứng đầu tin tưởng và ra quyết định quan trọng trúng, đúng, hợp lòng dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

GS Lê Xuân Tùng sinh năm 1936 tại Hương Sơn, Hà Tĩnh; từng là Đội viên thiếu sinh quân Liên khu 4; tốt nghiệp khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Liên Xô; nguyên giảng viên, Bí thư Chi bộ Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; nguyên Phó trưởng khoa Kinh tế chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc; nguyên Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Học viện Khoa học xã hội Nguyễn Ái Quốc (Học viện Nguyễn Ái Quốc) (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); Trợ lý Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1987-1991); Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội (8-1991 đến 4-1996), Đại biểu Quốc hội khóa IX (1992); Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội (5-1996 đến tháng 3-2000); nguyên Phụ trách công tác tư tưởng-văn hóa và khoa giáo của Trung ương. 

 HÀ THANH MINH (thực hiện)