Quán triệt, thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (QUTƯ, BQP) thường xuyên quan tâm xây dựng ĐNCB nói chung, cán bộ chính trị (CBCT) trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong quân đội, vị trí, vai trò của CBCT được nâng lên, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quân đội, làm cho quân đội luôn đi đúng định hướng, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân… Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, ĐNCB nói chung, CBCT nói riêng và công tác cán bộ vẫn còn những hạn chế, bất cập. QUTƯ đánh giá: "Công tác xây dựng quy hoạch cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp nhìn chung chưa công phu, tổ chức thực hiện thiếu kiên quyết… Điều động, bổ nhiệm cán bộ ở một số đơn vị chưa xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, có trường hợp chất lượng thấp"... 

Để xây dựng đội ngũ CBCT vững mạnh, có số lượng, cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng và xây dựng quân đội trong tình hình mới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết, cần làm tốt công tác tạo nguồn và tuyển chọn đội ngũ CBCT bảo đảm sự cân đối về cơ cấu, đủ về số lượng và chất lượng ngày càng cao. Để xây dựng đội ngũ CBCT có cơ cấu, số lượng, chất lượng ngày càng cao, phải thường xuyên nghiên cứu, đổi mới cách thức, phương pháp tạo nguồn tuyển sinh, tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ, nhất là CBCT vào phục vụ quân đội một cách hiệu quả, thu hút được người có tâm huyết, có tầm, tạo ra đội ngũ CBCT vững mạnh cho quân đội, góp phần để công tác Đảng, công tác chính trị thực sự là “linh hồn, mạch sống” trong các đơn vị.

Việc giải quyết số lượng cán bộ, nhất là CBCT là vấn đề cấp bách hiện nay. QUTƯ xác định mục tiêu tổng quát về xây dựng ĐNCB là: "Xây dựng ĐNCB quân đội có số lượng và cơ cấu hợp lý, đồng bộ, bảo đảm sự chuyển tiếp vững chắc giữa các thế hệ, đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại". Do đó, bằng nhiều nguồn, như: Tăng chỉ tiêu đào tạo CBCT, kết hợp đào tạo chuyển loại CBCT, đào tạo cán bộ văn bằng hai chính trị từ các nguồn… để bảo đảm đủ số lượng CBCT cho các đơn vị đủ quân, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), đơn vị mới thành lập. Tiến hành rà soát số cán bộ quân sự địa phương, nhất là cấp huyện và tương đương, đưa những đồng chí cán bộ có tuổi quân, tuổi đời còn trẻ rèn luyện, phấn đấu ở những đơn vị chủ lực.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện tinh giản, tinh gọn bộ máy ở các đơn vị trong toàn quân theo nghị quyết, chỉ thị của Đảng, QUTƯ, BQP; thực hiện giảm đầu mối trung gian, gộp những cơ quan, đơn vị có chức năng tương đồng… để tăng hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; ưu tiên bảo đảm đủ quân số, cán bộ, trong đó có CBCT cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, thực hiện nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn, gian khổ, đơn vị mới thành lập…

Cần tiếp tục chủ động làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, luân chuyển cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ nói chung, trong đó có CBCT. Đây là nhân tố quan trọng để phát hiện, phát triển nhân tài, bằng việc bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, dùng đúng người, đúng việc, phát huy khả năng, sở trường của từng cán bộ vào công việc được giao. Quan tâm lựa chọn, đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ bằng nhiều hình thức; kết hợp đào tạo tại các trường trong và ngoài quân đội để giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao về trình độ, chuẩn hóa ĐNCB với số lượng cán bộ thiếu, nguồn bổ sung vào ĐNCB gặp nhiều khó khăn, cơ cấu cán bộ mất cân đối. Kết hợp luân chuyển cán bộ giữa các cơ quan chiến lược, các học viện, nhà trường, đưa cán bộ đi thực tế ở các đơn vị cơ sở trong toàn quân theo hướng thực tế, thực nghiệp đúng chuyên môn, chuyên ngành và công việc đảm nhiệm, kể cả cán bộ làm nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, vừa giải quyết được vấn đề thiếu cán bộ, trong đó có CBCT, nâng cao chất lượng ĐNCB của các đơn vị, vừa bổ sung được kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ được luân chuyển, thực tế, làm cơ sở cho việc hướng dẫn, chỉ đạo, giảng dạy ở các cơ quan chiến lược và các học viện, nhà trường. Việc đưa cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, thực tế phải có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với chức trách, nhiệm vụ của cán bộ và từng loại hình đơn vị, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng đơn thuần; đào tạo phải gắn với quy hoạch và sử dụng.

Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Theo đó, đánh giá cán bộ phải xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể, bằng sản phẩm, thông qua khảo sát. Vì vậy, quy hoạch cán bộ chủ trì các cấp phải gắn với việc sử dụng cán bộ, mạnh dạn xem xét, bổ nhiệm cán bộ trẻ có năng lực, nhiệt huyết vào các vị trí chủ chốt; thường xuyên bổ sung quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tiễn đặt ra. Chủ động đánh giá cán bộ bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin để tìm được những cán bộ thực sự có đức, có tài, bố trí vào những vị trí công tác xứng đáng để phát huy tốt năng lực, sở trường, đồng thời phát hiện những người có phẩm chất, năng lực hạn chế để bố trí công việc phù hợp, hoặc giải quyết chính sách. Thực hiện được điều này, sẽ góp phần khắc phục việc đánh giá, nhận xét cán bộ phiến diện, một chiều, thiếu chính xác, cùng những khuyết điểm, chủ quan… trong công tác cán bộ và việc đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ những năm qua.

Cần có các giải pháp phát huy cao vai trò, trách nhiệm, tính tự giác của đội ngũ CBCT trong học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ về mọi mặt; đồng thời thực hiện tốt chính sách đối với đội ngũ này. Đây là nội dung quan trọng, nhằm phát huy “nội lực” của ĐNCB nói chung và CBCT nói riêng. Mỗi CBCT phải luôn nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của mình đối với công việc; phải thường xuyên rèn luyện nhân cách của người cán bộ, đảng viên, chính ủy, chính trị viên trong quân đội, có tinh thần trách nhiệm cao, gắn bó với đơn vị, hết lòng, hết sức phục vụ quân đội, đơn vị trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Mỗi CBCT cần tích cực, chủ động nghiên cứu khoa học, không ngừng học tập, phấn đấu nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ ở mọi lúc, mọi nơi; nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý, tham mưu, giảng dạy theo chức trách, nhiệm vụ, đồng thời nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, khoa học kỹ thuật hiện đại đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động đấu tranh chống các quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch trên không gian mạng đang diễn ra rất phức tạp hiện nay. Các cơ quan chức năng cần chủ động, tích cực nghiên cứu, đề xuất với QUTƯ, BQP có chế độ, chính sách phù hợp trong trọng dụng nhân tài đối với ĐNCB, trong đó có CBCT, tạo cơ chế, môi trường làm việc thuận lợi để thu hút người tài vào quân đội; khuyến khích, thu hút các nhà khoa học thật sự có năng lực trong quản lý và hoạt động chuyên môn, trong đó có chính sách dùng người, chính sách tiền lương, chính sách khen thưởng, chính sách đất ở, nhà ở và hậu phương gia đình cán bộ.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: “Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Thể chế hóa, cụ thể hóa các nguyên tắc về xây dựng Đảng. Tiếp tục ban hành và thực hiện các quy định, quy chế, cơ chế trong công tác cán bộ bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và chặt chẽ giữa các khâu, liên thông giữa các cấp; trong đó có quy chế về việc đánh giá đúng đắn, khách quan đối với cán bộ, để có cơ sở sử dụng, bố trí cán bộ; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp…”.

Quán triệt, vận dụng đúng đắn, sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, QUTƯ, BQP về cán bộ và công tác cán bộ trong xây dựng đội ngũ CBCT của quân đội, sẽ góp phần nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm trong đổi mới, nâng cao chất lượng ĐNCB nói chung, CBCT nói riêng. Thực hiện đồng bộ các chủ trương, giải pháp trên sẽ góp phần thiết thực xây dựng đội ngũ CBCT trong toàn quân đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, góp phần xây dựng tổ chức đảng các cấp trong quân đội trong sạch, vững mạnh; giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, yếu tố chính trị-tinh thần, bản lĩnh chính trị của cán bộ, chiến sĩ quân đội; làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thiếu tướng TRẦN QUANG TRUNG, Chính ủy Trường Sĩ quan Chính trị