“Đo ni đóng giày” giúp dân

Được tin nhà có khách, anh Nguyễn Văn Cư, thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên lái chiếc thúng máy về sớm hơn mọi ngày. Trên khoang thúng của anh Cư dễ đến vài chục cân cá, bán nhanh cũng được hơn nửa triệu đồng. Anh Cư phấn khởi mời chúng tôi : “Bữa nay đánh được mấy con cá ngon lắm, mời các anh ở lại dùng cơm trưa với vợ chồng em. Lâu quá rồi không gặp các anh...”. Nhìn khoang thúng đầy cá, chị Nguyễn Thị Hoa đứng bên nói nhỏ: “Cái thúng máy là của bộ đội trao tặng vợ chồng tôi đấy chú. Nhờ có nó mà nhà chúng tôi bớt cơ cực. Ngày ít cũng đủ ăn, ngày kha khá cũng được 4 đến 5 trăm nghìn đồng”. Được biết, trước đây gia đình anh Cư là hộ nghèo nhất, nhì xóm nhỏ này. Anh Cư quanh năm đi làm thuê không đủ nuôi 4 mặt con. Thấy hoàn cảnh của anh vất vả, Ban CHQS thị xã Sông Cầu họp bàn rồi đi đến thống nhất, trường hợp của anh Cư tặng chiếc thúng máy, làm kế sinh nhai cho gia đình. Sau khi nghe ý kiến họp bàn của Ban CHQS thị xã Sông Cầu và chính quyền địa phương, anh Cư chưa dám tin "ước mơ" ấy là có thật...

 “Xe nước mía bộ đội” của chị Lê Thị Bạn ở khu phố 5, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa (Phú Yên).

Hoàn cảnh của vợ chồng anh Trần Văn Loan và chị Nguyễn Thị Đẹp, ở cuối thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu lại khó khăn về phương tiện di chuyển để mưu sinh. Trước đây anh Loan phụ giúp việc nhà để vợ lo buôn cá ở xã bên. Nhà không có xe, mỗi ngày chị Nguyễn Thị Đẹp mang cá ra chợ phải thuê xe thồ cả đi và về mất hết hơn 100.000 đồng, trừ chi phí thuê xe ôm, nhiều ngày chẳng còn phần lãi... Biết được điều đó, Ban CHQS thị xã Sông Cầu nhận định: “Hoàn cảnh của vợ chồng anh Loan, chị Đẹp trao tặng chiếc xe máy là hợp lý nhất”. Sau khi bàn bạc, số ý kiến tán đồng đạt mức tuyệt đối. Chỉ mấy ngày sau, chiếc xe Honda Super 110 phân khối được trao tặng cho anh chị. Ngày nhận xe bà con trong ngoài thôn kháo nhau khắp nơi “vợ chồng ấy trúng vé số”, còn những bà con được tận mắt chứng kiến thì khẳng định: “Nhà ấy vất vả quá được bộ đội thương, tặng cả một tài sản lớn, chứ chẳng có trúng số gì đâu!”. Kể từ đó, chị Đẹp không còn phải thuê xe thồ đưa hàng ra chợ, việc đó được "giao" lại cho chính anh Loan. Ngoài ra, anh Loan còn tranh thủ chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập... Giờ đây trong căn nhà mới, khang trang, vợ chồng anh chị luôn miệng nhắc nhớ khi có khách tới nhà: “Biết ơn các chú bộ đội lắm. Các chú tặng gia đình tôi chiếc xe máy lúc ấy là một tài sản lớn. Nhờ có nó mà tôi có nhà cửa, có cuộc sống hôm nay đấy”.

Đó là hai câu chuyện, trong gần cả trăm câu chuyện về những "cần câu” mà cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Phú Yên nói chung, Ban CHQS thị xã Sông Cầu nói riêng tặng bà con nghèo khó để “câu con cá” trang trải cuộc sống. Để có được kết quả trên, trước khi nhận đỡ đầu một hộ gia đình nào đó, Đảng ủy, Ban CHQS thị xã Sông Cầu đều tiến hành khảo sát kỹ hoàn cảnh, khả năng nghề nghiệp, điều kiện sinh hoạt, mong muốn của gia đình... từ việc “đo ni” để “đóng cho họ những đôi giày” thiết thực với hoàn cảnh. 

Những “chiếc cần” câu... đổi đời

Câu chuyện về cuộc đời chị Lê Thị Bạn ở khu phố 5, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa thật sự cảm động. Chồng mất sớm, một mình chị bươn chải làm thuê khắp nơi để nuôi hai con, trong khi bản thân thường xuyên đau ốm. Sau khi được cán bộ, học viên Trường Quân sự tỉnh Phú Yên trao tặng chiếc xe ép nước mía, chị nhờ mái hiên trước nhà người anh trai làm nơi kiếm sống. Vừa thoăn thoắt ép mía mời chúng tôi ly nước, chị Bạn vừa khoe: “Các anh ở Trường Quân sự tỉnh tặng mẹ con tôi chiếc xe ép nước mía này đây. Nhờ nó mà tôi không những xây được nhà, mà còn có tiền để lo cho các con ăn học...”. Tìm hiểu chúng tôi được biết, mỗi ly nước mía có giá 4.000 đồng. Với giá cả vừa phải lại bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nên khách đến quán chị Bạn khá đông. Chị khoe mỗi ngày lãi hơn 100.000 đồng. Đêm đến và những lúc không bán nước mía, chị tranh thủ đi vá lưới thuê. Chị dẫn chúng tôi vào nhà chơi, đó là căn nhà cấp 4 vừa mới khánh thành, có tủ lạnh, tivi và đầy đủ công trình phụ. Ngôi nhà mới xây có giá trị gần 200 triệu đồng, trong đó chị tiết kiệm được được hơn 100 triệu đồng; vay ngân hàng 50 triệu đồng, còn lại nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của bà con láng giềng. Chị Bạn tự tin: “Nếu trời thương cho tôi sức khỏe, thì hết năm nay sẽ trả xong nợ”. Mới đây, con gái đầu của chị đi lấy chồng, trong ngôi nhà khang trang giờ chỉ có hai mẹ con. Cậu út năm nay đã lên lớp 10, học giỏi và thường xuyên giúp mẹ bán nước mía...

Đại tá Phan Anh Khoa, Chính ủy Bộ CHQS tỉnh Phú Yên cho chúng tôi hay: "5 năm gần đây, các đầu mối cơ quan, đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã nhận và giúp đỡ 39 thôn (buôn) khó khăn trong toàn tỉnh; có gần 100 hộ nghèo được “đo ni đóng giày” để tìm kế mưu sinh bằng các hình thức, như: Hỗ trợ kỹ thuật; tặng phương tiện phát triển sản xuất; cho mượn vốn; giúp công lao động vào các thời điểm mùa vụ... phù hợp với từng hoàn cảnh, từng gia đình, tạo điều kiện để những cá nhân được giúp đỡ phát huy nội lực bản thân vươn lên thoát nghèo”.  

Với cách thức khảo sát kỹ, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Phú Yên cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang tạo ra cuộc sống mới đối với nhiều gia đình. Không chỉ giúp bà con thoát nghèo, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh còn có nhiều hoạt động mang đậm giá trị nhân văn, như: Tổ chức các chương trình tình nghĩa, xây dựng các Phong trào: “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em đến trường”, “Quỹ đỡ đầu”... để đồng hành cùng người dân địa phương. 

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẠNH