Chúng tôi có mặt tại Tiểu đoàn 17 khi thời gian làm việc buổi sáng gần kết thúc. Mặt trời đã sắp đứng bóng mà ở khu kỹ thuật của đơn vị, Thượng úy QNCN Phan Anh Giang, thợ lái ca nô vẫn miệt mài nghiên cứu bên những khối máy, lưng áo anh ướt đẫm mồ hôi, gương mặt lấm lem dầu mỡ. Hỏi chuyện mới biết, anh đang tập trung thử nghiệm một sáng kiến mới của mình với quyết tâm sớm đưa vào ứng dụng thực tế.

Hơn 20 năm quân ngũ, bấy nhiêu thời gian đó Phan Anh Giang gắn bó với công tác kỹ thuật. Với niềm đam mê sáng tạo cùng sự yêu nghề hết mực, anh đem tất cả kiến thức, kinh nghiệm cùng bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ để nghiên cứu, sáng tạo hàng trăm SKCTKT, góp phần không nhỏ giải phóng sức lao động cho bộ đội, giúp tiết kiệm thời gian, nhiên liệu, đồng thời đẩy nhanh tiến độ công việc được giao.

leftcenterrightdel
Thượng úy QNCN Phan Anh Giang (ngoài cùng, bên trái) giới thiệu sáng kiến cải tiến kỹ thuật của mình với đồng đội.

Do đặc thù là đơn vị công binh vượt sông, có nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, phòng chống lụt bão (PCLB), TKCN, giảm nhẹ thiên tai, vì vậy, Tiểu đoàn 17 thường xuyên quản lý số lượng lớn xe máy, trang bị kỹ thuật, trong đó đa phần đã qua nhiều năm sử dụng, bị xuống cấp, thiếu đồng bộ, tình trạng kỹ thuật có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước tình hình đó, Phan Anh Giang thường xuyên tìm tòi, nghiên cứu, chế tạo ra nhiều sản phẩm kỹ thuật có tính khả thi, ứng dụng hiệu quả vào quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, được Hội đồng khoa học Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng ghi nhận, đánh giá cao. Điển hình trong số đó có các sáng kiến: “Kích vít điều chỉnh khi tời ca nô BMKT lên xe cơ sở”; “Hệ thống lái bằng cơ khí cho ca nô BMKT”; “Bơm hút nước tay cầu phao PMP”… khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn đều phát huy hiệu quả rõ rệt. Phan Anh Giang chia sẻ: “Quá trình thực hiện nhiệm vụ, do điều kiện địa hình bến bãi phức tạp, nước sông có lúc chảy xiết nên việc tời ca nô BMKT lên xe ô tô thường bị lệch, trượt khỏi puly, khi khắc phục bộ đội phải tốn rất nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng đến thời cơ làm nhiệm vụ”. Từ thực trạng đó, sau thời gian dài tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, Phan Anh Giang đã chế tạo ra chiếc kích vít điều chỉnh khi tời ca nô BMKT lên xe cơ sở. Hiệu quả được khẳng định, số người tham gia tời ca nô từ 15 người trước đây, nay giảm xuống còn 3-5 người; quá trình thực hiện tời cũng nhẹ nhàng, bộ đội không mất nhiều công sức. Kích vít này có thể sử dụng ở các đơn vị công binh sử dụng ca nô BMKT. Cấu tạo của sản phẩm đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, giá thành chỉ 300-400.000 đồng. Sáng kiến đoạt giải A, Hội thi SKCTKT cấp quân khu.

Theo Phan Anh Giang, hệ thống lái ca nô bằng điện từ mà các đơn vị công binh đang sử dụng hiện nay tuy hiện đại nhưng khá phức tạp, khi gặp sự cố, việc khắc phục rất khó khăn. Đặc biệt, quá trình thực hiện nhiệm vụ, nếu hệ thống lái bằng điện từ bị hỏng, khó có thể khắc phục ngay được, như vậy sẽ không điều khiển được ca nô. Là người trực tiếp lái ca nô, Phan Anh Giang trăn trở phải làm sao có thể lái được ca nô BMKT trong điều kiện hệ thống lái bằng điện từ bị hỏng. Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ, tự chế, làm đi làm lại nhiều lần, gắn thử trực tiếp trên ca nô, người lính thợ yêu nghề Phan Anh Giang đã chế tạo thành công hệ thống lái bằng cơ khí cho ca nô BMKT, giúp nhân viên có thể điều khiển ca nô một cách dễ dàng khi hệ thống lái điện từ gặp sự cố và có thể hoạt động bình thường trong mọi điều kiện địa hình.

Ngoài ra, xuất phát từ những khó khăn như: Phương tiện khí tài đã qua nhiều năm sử dụng, bến bãi thường xuyên thay đổi, nhất là khi tổ chức vượt sông vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế, khả năng mất an toàn cao cho người và phương tiện… Phan Anh Giang đã mày mò, nghiên cứu và chế tạo thành công bộ đèn báo tín hiệu, gắn vào thành xe nhờ lực hút của hai thanh nam châm, giữ đèn ở đúng vị trí, khi lùi xe, nước ngập 1/3 bánh xe sau, đẩy phao nổi lên thanh nhựa gắn trong phao, đi lên chạm vào rơ le làm thông mạch. Lập tức hệ thống sẽ phát sáng và rú còi báo hiệu, giúp cho phà trưởng hoặc lái xe biết được độ sâu của mực nước để dừng xe. Bộ đèn báo tín hiệu này của anh giúp quá trình hạ thủy phà bảo đảm chính xác, an toàn cho người và phương tiện.

Lật dở những bảng vàng thành tích hàng chục năm liên tục của Thượng úy QNCN Phan Anh Giang, nhất là những SKCTKT chất lượng cao, đòi hỏi việc tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu, nghiêm túc không kém gì các công trình khoa học, không ai nghĩ trình độ đào tạo cao nhất của anh mới chỉ sơ cấp lái ca nô tại Trường Sĩ quan Công binh. Theo chia sẻ của Trung tá Vũ Ngọc Quảng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17, bên cạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lái ca nô, Thượng úy QNCN Phan Anh Giang còn thuần thục nhiều chuyên môn, như: Cơ khí, điện dân dụng, gò hàn, đồ gỗ, thợ xây… Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, đồng đội quen với hình ảnh người lính thợ Phan Anh Giang mải mê tìm tòi, nghiên cứu, nhiều lần làm việc đến thông trưa, đến quên ăn trong khu kỹ thuật khi sản phẩm chưa hoàn thành; quen với hình ảnh anh cặm cụi cả ngày dưới gầm xe ô tô, xe máy công trình giữa cái nóng nung người của miền đất trung du để tìm ra các biện pháp tối ưu nhất cho công tác bảo quản, bảo dưỡng trang bị kỹ thuật. Người ta còn thường xuyên thấy anh khi thì làm thợ mộc, lúc lại sang thợ sơn, thợ hàn, thợ xây… việc gì cũng giỏi, cũng thành thạo và làm việc bằng tâm huyết thực sự của một người lính thợ. Thế nhưng khi nói về thành tích của mình, Phan Anh Giang chỉ khiêm tốn: “Thành công của mình là do chỉ huy đơn vị tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ, tập thể đơn vị ủng hộ chứ có gì đặc biệt đâu”.

Tuy nhiên, qua câu chuyện thân mật, anh cũng chia sẻ nhiều khó khăn, vất vả; nhất là tinh thần vượt khó tự học nghiêm túc của bản thân. Theo đó, để có thể “đa năng” trên nhiều lĩnh vực, Phan Anh Giang đã chủ động sưu tầm, tìm hiểu nhiều nguồn tài liệu chuyên môn kỹ thuật, tranh thủ trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm từ cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, từ các đồng nghiệp thông qua hội thi, hội thao các cấp mà anh được tham gia. Cùng với đó, Phan Anh Giang rất coi trọng rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Sau mỗi đợt huấn luyện, diễn tập hay làm nhiệm vụ đột xuất, anh đều ghi chép tỉ mỉ những hạn chế, bất cập của hệ thống trang bị để có hướng nghiên cứu sửa chữa, khắc phục.

Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 17, chúng tôi còn biết rằng không những giỏi một nghề, thành thạo nhiều chuyên ngành, Thượng úy QNCN Phan Anh Giang còn là một trong những cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đi đầu trong công tác TKCN, giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai những năm gần đây. Nhiều người dân xã Quang Húc (Tam Nông, Phú Thọ) hẳn không thể quên trận lũ lịch sử xảy ra ngày 11-10-2017. Hôm ấy, nước lũ tràn về khiến gia đình ông Nguyễn Thế Phương, trú tại khu 4, xã Quang Húc bị cô lập hoàn toàn trên chiếc bè cá lồng giữa sông Bứa. Hệ thống dây néo của “ngôi nhà” bị đứt gần hết làm nó chao đảo liên hồi, nguy cơ bị nhấn chìm xuống đáy sông. Nhiều thuyền, bè của người dân gần đó cũng cố tìm cách tiếp cận nhưng không có kết quả. Đúng lúc nguy cấp nhất, tổ cứu hộ cứu nạn do Đại úy Nguyễn Văn Nam, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 17 có mặt. Với khả năng lái xuồng thuần thục cùng lòng dũng cảm tuyệt vời của Thượng úy QNCN Phan Anh Giang, tổ cứu hộ đã tiếp cận được chiếc bè cá và cứu toàn bộ gia đình bị nạn trong niềm xúc động, cảm phục của hàng trăm người dân. Ông Nguyễn Thế Phương không kìm nén được cảm xúc, nắm chặt tay Đại úy Nguyễn Văn Nam và Thượng úy QNCN Phan Anh Giang nghẹn giọng: “Không có các chú bộ đội thì cả gia đình tôi không được ở đây nữa rồi. Các chú bộ đội chẳng quản hiểm nguy vì người dân chúng tôi”.

BOX: Với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc, từ năm 2010 đến nay, Thượng úy QNCN Phan Anh Giang liên tục được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Bộ tư lệnh Quân khu 2, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị tặng nhiều bằng khen, bằng công nhận tuổi trẻ sáng tạo; là một trong 12 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quân năm 2012; được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ" giai đoạn 2014-2017.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG