Sáng ngời phẩm chất anh hùng

Tôi đến đơn vị vừa lúc đội công tác chuẩn bị cơ động lên đường vào với buôn làng. Sẵn bộ quân phục chỉnh tề, kiểm tra lần nữa đèn pin và thẻ nhớ cho chiếc máy ảnh mang theo, nhét thêm quyển sổ ghi chép vào góc ba lô, tôi cùng các chiến sĩ hành quân trên cung đường biên cương huyền thoại.

Cái nắng chiếu trên những nương rẫy trồng cây lâm sản như điều, cà phê, hồ tiêu đổ bóng xuống nền đất đỏ bazan thành những hình kỳ hà ngộ nghĩnh, tạo cảm giác thích thú như nét vẽ trẻ thơ trong bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên. Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh giới thiệu với tôi: “Con đường Quốc lộ 14C này từng là một phần cung đường nằm trong tuyến vận tải chiến lược quan trọng của Bộ đội Trường Sơn thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”. Nhìn con đường trải nhựa rộng thênh thang, đẹp như dải lụa mềm vắt giữa cao nguyên xanh biếc, ít người biết rằng trước kia con đường đất này từng là thử thách không nhỏ của những tay lái Trường Sơn điêu luyện và bản lĩnh. Bởi, mùa mưa, đường rừng đèo dốc, lầy lội, còn mùa nắng thì bụi đỏ bám vào mọi ngóc ngách, nhuộm kín cả màu xanh cây rừng.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh tham gia hoạt động ngoại khóa cùng cô, trò Trường THCS Nguyễn Trãi (Đức Cơ, Gia Lai).

Dẫn tôi lên ngọn đồi gần đó, bên những hàng cây xanh cổ thụ tỏa bóng mát, giữa đỉnh đồi, đặt trang trọng tấm bia đá ghi tên 10 anh hùng liệt sĩ quân hàm xanh đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Thắp nén tâm nhang, với lòng thành kính, anh Thành bày tỏ xúc động: “Ngày xưa, nơi đây là Đồn Biên phòng 649 (nay là Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh). Trong 9 ngày đêm bị địch bao vây, một số đồng chí bị thương và hy sinh, song cán bộ, chiến sĩ ta vẫn kiên trì bám trụ, anh dũng chiến đấu, đánh trả và đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch”. Ngước lên bầu trời, những cánh chim sải cánh bay lượn trên không trung bao la, càng thêm tự hào về các anh, những chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Từ điểm cao này, phóng tầm mắt ra phía xa, một màu xanh trải dài, ẩn hiện những mái nhà của đồng bào các dân tộc anh em sinh sống. Đưa tay hướng về trung tâm xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, anh Thành chia sẻ: “Ngày đó, cả khu vực này còn là “vùng trắng” đúng nghĩa anh ạ. Nào cái đói nghèo, lạc hậu đeo bám; nào nạn mù chữ, thất học; nào bệnh tật rình rập; nào các tập tục hủ tục lạc hậu mê tín dị đoan như những bóng ma lẩn khuất trong khắp buôn làng. Một thuở, xã Ia Dom còn được mệnh danh là “cái rốn” sốt rét của tỉnh Gia Lai”.

Đưa tay lau những giọt mồ hôi vương trên trán, Trung tá Đàm Đức Tuấn, Phó trưởng đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh chia sẻ tiếp câu chuyện: “Trước tình hình đó, những người lính biên phòng tiếp tục tiên phong trong trận tuyến mới. Gần dân và hiểu dân, không ai bằng lính quân hàm xanh chúng tôi. Vậy là những bác sĩ quân y, những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm được tăng cường xuống địa bàn. Từ lớp học xóa mù chữ; tổ tuyên truyền văn hóa; tổ y tế… được lập tại các thôn, bản. Chúng tôi làm những việc cụ thể, tuyên truyền trực quan, khám chữa bệnh, khoanh vùng dập dịch, đồng thời dạy chữ cho đồng bào, hướng dẫn bà con trồng và chăm sóc cây công nghiệp có năng suất cao”. Với tình cảm và trách nhiệm cao nhất của người lính biên cương, các anh đã vận động đồng bào định canh định cư, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng bản làng văn minh. Cuộc sống dần ổn định, nhà nhà có cái ăn, cái mặc, kinh tế ngày càng được cải thiện.

Sắt son tình nghĩa quân dân

Tiếng cồng chiêng trầm bổng ngân vang từ ngôi nhà của già làng Rơ Chăm Chiêk như thúc giục bước chân người con trai, con gái tìm đến với rừng. Già làng đang cao hứng ngâm nga một đoạn sử thi Tây Nguyên ca ngợi vẻ đẹp của đại ngàn, sự gắn bó giữa con người với núi rừng cao nguyên hùng vĩ. Thấy có khách, chủ nhà chạy ra, rồi reo lên: “Ồ bộ đội mới tới à, vào nhà đi!”.

Thiếu úy Rơ Châm Tuynh, người con của đồng bào Gia Rai, cán bộ địa bàn rất hiểu văn hóa và lòng hiếu khách của dân tộc mình, ghé tai tôi nói nhỏ: “Mỗi lần có khách quý, già làng sẽ mời rượu cần đấy, anh không được từ chối nhé”. Vừa dứt lời, đã thấy người con trai của già khệ nệ bê ra vò rượu cần, đặt trang trọng giữa nhà. Già Rơ Chăm Chiêk tỉ mẩn lấy từng chiếc lá rừng chèn xung quanh bình rượu theo cách truyền thống. Vừa làm, già vừa bộc bạch: “Trước kia, đồng bào mình sống du canh du cư, vất vả lắm. Từ ngày có bộ đội về dạy cho cái chữ, hướng dẫn mọi người biết làm cái nương cái rẫy, bắt cái cây cho ra nhiều bắp, nhiều hạt. Giờ kinh tế khá rồi, bọn trẻ lại giỏi cái chữ, vui lắm!”. 

Niềm vui nối tiếp niềm vui. Năm 2018, Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh thành lập hẳn một tổ chuyên trách, giúp gia đình người có công xây dựng chuồng trại theo mô hình chăn nuôi thí điểm tại làng Ó, xã Ia Dom. Sau nhiều ngày vất vả mưa nắng, khi chuồng trại hoàn tất, các anh lựa chọn những con bò giống tốt nhất từ đàn bò của đơn vị trao tặng bà con. Đón nhận món quà tình nghĩa, chủ nhà rưng rưng cảm động, hứa sẽ cố gắng lao động sản xuất xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần đưa cộng đồng làng bản cùng phát triển.

Cái nắng đứng bóng, Rơ Châm Tuynh mời tôi về tổ công tác địa bàn dùng bữa cơm đạm bạc với anh em chiến sĩ ở “Bếp ăn tình thương”. Trên đường đi, chàng sĩ quan trẻ cho biết: “Từ nhiều năm nay, bếp ăn này phục vụ bữa trưa miễn phí cho hơn 10 cháu học sinh có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn. Cứ tan học là các cháu về đây ăn trưa, vì thế mà nơi đây được ví như ngôi nhà thứ hai của các em”. Cũng nhờ có bếp ăn tình thương ấy mà nhiều ước mơ trở thành hiện thực. Trường hợp em Rơ Mah H’win là một trong số những gia đình khó khăn ở đây. H’win mồ côi mẹ lúc em mới 6 tháng tuổi, được dì ruột mang về nuôi. Tuy nhiên, kinh tế nhà dì cũng chẳng mấy khá giả nên không thể cho em đi học. Vậy là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng CKQT Lệ Thanh lại là người đỡ đầu để em được tới trường, tới lớp cùng bè bạn. Từ cô bé mồ côi, H’win nỗ lực vươn lên, chăm ngoan, học giỏi để rồi em vinh dự có mặt trong lễ tuyên dương “Chiến sĩ quân hàm xanh nâng bước em tới trường” diễn ra tại Hà Nội. Lần đầu tiên cô gái người dân tộc Gia Rai ấy được vào Lăng viếng Bác, được thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám và nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng của Thủ đô yêu dấu. Rơ Mah H’win bảo đó là những kỷ niệm đẹp nhất trong thời học sinh của mình.

Chiếc xe đang bon bon trên đường về đơn vị, bỗng phía bên kia đường đối diện có tiếng còi bim bim, một phụ nữ đi xe gắn máy mặc áo chống nắng táp vào lề đường vẫy tay chào, đồng chí Đàm Đức Tuấn cũng dừng xe vẫy tay chào lại. Khi xe chuyển bánh, Tuấn bảo: “Đó là vợ em. Vợ em là giáo viên dạy ở trường huyện”. Thấy tôi ngạc nhiên, Tuấn cười bảo: “Vợ chồng em ít khi có thời gian gặp nhau. Mỗi lần về thành phố công tác, vợ chồng tình cờ nhận ra nhau là bấm còi xe, vẫy tay thay lời chào nhung nhớ”.

Phía chân trời, hoàng hôn màu tím hắt lên không gian như một dải lụa mềm vắt qua lưng núi. CKQT Lệ Thanh được thiết kế theo ý tưởng cách điệu từ mái nhà Rông, đứng sừng sững hiên ngang giữa đất trời Tây Nguyên hùng vĩ. Đâu đó, thấp thoáng những nhịp bước chân người lính biên cương đang hành quân ngược chiều gió thoảng. Màu xanh cỏ cây, hương sắc cao nguyên hòa trong sắc xanh quân phục luôn ánh lên niềm tin vào tương lai xán lạn. Bởi, người lính thời nào cũng vậy, họ sẵn sàng nhận mọi gian khó về phía mình, để Tổ quốc bình yên. 

Bài và ảnh: PHÙNG MINH