Với hơn 600 giờ bay trên 5 loại máy bay (Iak-52, An-26, Cessna-172, T-6 TexanII, Casa-295), anh luôn thể hiện tinh thần công hiến và niềm khát khao chinh phục bầu trời.

Nỗ lực học tập ở xứ sở cờ hoa

Những ngày giữa đông, cái lạnh se sắt đã bắt đầu thấm qua từng lớp áo. Sân bay Gia Lâm gió thổi ràn rạt từng vạt cỏ tranh. Khi sương mờ tan nhanh, nắng vàng hanh hao bắt đầu trải thảm trên những dải đường băng, giữa khoảng sân đỗ, những người lính sải bước dài về phía máy bay, tổ chức học tập buồng lái. Tiến lại gần hơn, tôi nhận ra người phi công trẻ Đặng Đức Toại. Anh nở nụ cười hiền hậu rồi bắt tay tôi thật chặt. Toại cất lời hứa hẹn: “Em cũng sắp xong rồi, anh đợi em chút xíu nữa nhé”. Nói rồi Toại đứng xoay người phơi tấm lưng to đậm dưới cái nắng hanh vàng, bóng anh đổ dài xuống nền bê tông khô khốc. Những giọt mồ hôi đã bắt đầu rịn ra trên gương mặt rám nắng. Nếu không giới thiệu trước, tôi không thể hình dung một phi công vừa mới tốt nghiệp khóa đào tạo phi công quân sự ở xứ sở cờ hoa lại có tác phong làm việc cần mẫn cùng cách ứng xử gần gũi, chan hòa đến vậy.

leftcenterrightdel

Thượng úy Đặng Đức Toại huấn luyện máy trên máy bay T-6 Texan II tại Căn cứ không quân Columbus (Hoa Kỳ). Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau giờ học tập, ngồi dưới tán cây sưa trước nhà ga, anh kể cho tôi nghe về quãng thời gian không thể nào quên ở nơi cách Tổ quốc nửa vòng Trái Đất. Đó là những năm tháng gian nan vất vả mà rất đỗi tự hào. Trước khi ra nước ngoài học tập, Đặng Đức Toại tham gia vào khóa đào tạo tiếng Anh tại Đoàn 871 do giáo viên của Viện Ngôn ngữ học Hoa Kỳ trực tiếp giảng dạy. Cứ hai tuần anh lại trải qua một kỳ kiểm tra về vốn ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, mức độ phản xạ… Sau 6 tháng ròng rã, anh là phi công duy nhất đạt tiêu chuẩn, được đi đào tạo theo chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Ngày 1-5-2016, anh đặt chân đến Hoa Kỳ, nơi đất khách quê người xa xôi, mọi thứ đều lạ lẫm. Anh xuống sân bay rồi tìm đường đến Căn cứ không quân Lackland (thành phố San Antonio, bang Texas). Tại đây, anh tham gia khóa học đào tạo tiếng Anh-Mỹ thuộc chương trình lãnh đạo hàng không. Khóa học yêu cầu đối với phi công phải đạt 85/100 điểm. Đây là một chỉ tiêu rất cao bởi vì ngay chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh cũng chỉ yêu cầu đạt 80%. Khởi đầu đã có những “chướng ngại vật” không hề “êm ái” chút nào. Nhưng chính áp lực là có thể bị về nước bất cứ lúc nào đã khiến Đặng Đức Toại nỗ lực không ngừng để rồi vượt qua kỳ thi với mức 89/100 điểm. Tiếp đó, anh chuyển sang khóa đào tạo thành thạo kỹ năng nói hàng không đạt tiêu chuẩn 2/2. Nếu kiểm tra đối với giáo viên bình thường là giao tiếp trực tiếp còn kiểm tra với phi công là nghe và nói qua điện thoại bàn. Trong kỳ kiểm tra, giáo viên ở phòng khác sẽ ra tình huống, anh nghe qua điện thoại xử lý và ghi lại, sau đó gửi lên hội đồng chấm điểm phần ghi âm.

Để cải thiện về ngôn ngữ tiếng Anh, Toại còn đăng ký học thêm sau giờ giáo viên đứng lớp, học trên thư viện, khi về nhà lại chong đèn học đến 1, 2 giờ sáng. Áp lực học tập rất lớn nên anh chẳng có ngày nghỉ, cứ miệt mài học như chú ong thợ chăm chỉ cần mẫn tích lũy xây “lâu đài kiến thức”.

Kiên trì khổ luyện vì uy tín quân đội và danh dự Tổ quốc

Những thách thức cứ tăng dần theo từng khóa học. Bước sang khóa đào tạo lái máy bay cơ bản, Đức Toại được chuyển về Căn cứ không quân Columbus tại bang Mississippi. Ở Trung tâm huấn luyện bay Accessible Aviation Inc, anh đã hoàn thành 30 giờ bay trên máy bay Cessna 172 bảo đảm an toàn tuyệt đối. Sau 4 tháng, Toại chuyển sang khóa đào tạo lãnh đạo hàng không. Trong chương trình, anh được hướng dẫn tổ chức thực hiện một ban bay, công tác bảo đảm kỹ thuật, xử trí tình huống bất trắc, học tập trên buồng lái giả định. Khi chuyển sang thực hành trên máy bay T-6 Texan II, anh được đào tạo các nội dung bay cơ bản, bay nhào lộn khu vực động tác đơn giản, phức tạp, bay thiết bị ngày-đêm, bay bằng mắt… Với 173 giờ 36 phút huấn luyện trên máy bay T-6 Texan II, tất cả bài kiểm tra của anh đều đạt điểm loại giỏi và xuất sắc.

leftcenterrightdel

Thượng úy Đặng Đức Toại cùng Thiếu tá Quinlan Daniel, tùy viên không quân Hoa Kỳ tại lễ tốt nghiệp cuối khóa. Ảnh do nhân vật cung cấp

Có được thành công đó, phi công trẻ Đức Toại đã đổ không biết bao mồ hôi công sức. Tôi hỏi Toại: “Ở một môi trường đào tạo khắt khe bậc nhất thế giới, làm thế nào anh có thể vượt qua được?”.

Toại đưa cánh tay rắn chắc lên xoa xoa mái đầu như để khẳng định: “Đó là bản lĩnh và tri thức của người lính anh ạ! Việc học như chèo thuyền nước ngược, ngưng tay chèo thuyền lại trôi xuôi. Mình mà buông ra thì bao công sức sẽ mất hết. Nỗ lực học tập lúc đó không phải vì lợi ích bản thân nữa mà cao hơn là danh dự của người sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, là hình ảnh, uy tín và niềm tự hào của Tổ quốc”.

Câu nói của Toại khiến tôi thêm cảm phục người phi công trẻ này. Một sĩ quan trẻ sẵn sàng xa gia đình, thậm chí đành gác lại chuyện hôn ước với người bạn gái nơi quê nhà, quyết chí 3 năm đèn sách để hiện thực hóa khát vọng chinh phục bầu trời. Nhưng "hành trình vươn tới những vì sao" ấy chẳng hề thơ mộng êm đẹp tí nào mà đó thực sự là chặng đường gian nan, phải vượt qua rất nhiều “chướng ngại vật”. Thực tế phòng bay của anh có 30 người nhưng số học viên cứ “rơi rụng” dần do bị dừng bay, vì không đủ khả năng theo học. 

Khát khao chinh phục bầu trời là động lực để người phi công trẻ thêm vững tay lái. Bay biên đội là nội dung thể hiện rõ nhất trình độ của phi công, cự ly hai máy bay chỉ cách nhau chừng khoảng 3m. Ở nội dung này, anh thực hiện thuần thục các động tác khó như thắt vòng đứng, khoan biên đội, số 8 biên đội, biên đội hai chiếc về hạ cánh... Bay biên đội đòi hỏi tính hiệp đồng rất cao, yêu cầu phải chính xác tuyệt đối, mọi sai sót đều không thể có cơ hội sửa chữa. Tuy vậy, không phải lúc nào cất cánh lên anh cũng gặp thuận lợi. Có những hôm thời tiết xấu, máy bay gặp mây mù lạc nhau, khi ấy phải nhanh chóng thoát ly mây để tìm nhập vào đội.

Anh nhớ lần bay cùng thầy giáo, thiết bị điện tử bị hỏng, màn hình buồng lái không hoạt động. Anh nghĩ thầy tắt thiết bị để đưa ra tình huống xử lý nên hỏi: “Màn hình trong buồng lái của tôi bị tắt, thầy kiểm tra cầu chì xem có bị nhảy không?”. Thầy giáo đáp ngắn gọn: “Không! Bất trắc đấy”. Chỉ nghe vậy thôi, trong đầu anh đã nhớ đến quy trình xử lý bất trắc. Thầy giữ trạng thái máy bay. Anh bình tĩnh xử lý thiết bị rồi báo cáo chỉ huy bay cho về hạ cánh. Khi máy bay nhẹ nhàng tiếp đất tại căn cứ Columbus, bước từ trên khoang buồng lái xuống, thầy trò nắm chặt tay nhau. Thầy giáo chúc mừng Toại đã bình tĩnh xử lý bất trắc thành công.

Bản lĩnh, kinh nghiệm của Đặng Đức Toại có được một phần là nhờ vào sự truyền dạy của người bố thân yêu. Thật là quý khi một gia đình có đến 3 phi công. Bố của Toại là Đại tá Đặng Quốc Châm, Chủ nhiệm bay Lữ đoàn 918 đã có hơn 30 năm lái máy bay An-26. Anh trai Đặng Minh Tâm là cơ trưởng Airbus-321 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Ngày còn ở Việt Nam, sau những giờ miệt mài ngoài sân bay, tối đến, 3 bố con lại cùng ngồi với nhau trao đổi về nghiệp vụ. Anh mãi khắc ghi lời của bố: “Trong mọi tình huống, lúc nào cũng phải điều khiển máy bay trước, sau đó bình tĩnh đánh giá tình hình, xem máy bay hỏng hóc ở đâu rồi mới thực hiện xử lý chính xác tình huống”. Khi đi học, có thời điểm 3 bố con anh ở 3 châu lục nhưng những lời truyền dạy của bố mãi là những kinh nghiệm quý báu, là hành trang để anh em Toại mang theo những chuyến bay.

leftcenterrightdel

Thượng úy Đặng Đức Toại (thứ ba, từ trái sang) trao đổi cùng đồng nghiệp về huấn luyện chuyển loại trên máy bay Casa-295 tại sân bay Gia Lâm. Ảnh: Vũ Duy

Vượt qua bao khó khăn để đến với kỳ thi tốt nghiệp, một mình trên chiếc T-6 Texan II, anh bay bằng mắt đến Birminghan, thực hành 3 kiểu tiếp cận khác nhau bằng thiết bị VOR, ILS, GPS. Sau đó, anh điều khiển máy bay dọc theo dòng Mississippi trở về căn cứ Columbus. Ở trên trời cao nhìn dòng sông Mississipi uốn lượn hiền hòa, anh lại nhớ đến dòng Hồng Hà bên phi trường Gia Lâm. Những khi ấy, anh ước muốn nhanh chóng được trở về thả sức bay giữa bầu trời quê hương đất Việt. Và rồi lễ tốt nghiệp cũng đến, đó là dấu ấn đặc biệt trong cuộc đời người phi công trẻ. Ngoài 20 học viên người Mỹ, Đặng Đức Toại là học viên quốc tế duy nhất được nhận bằng tốt nghiệp. Đó là niềm vinh dự lớn lao mà nhiều học viên ở các nước trên thế giới không dễ gì đạt được.

Trung tướng Steve Kwast, Chỉ huy trưởng Trung tâm huấn luyện bay và đào tạo chỉ huy thuộc không quân Mỹ nhấn mạnh, thành tích của Thượng úy Đặng Đức Toại đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa không quân Mỹ và không quân Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo phi công quân sự. Anh còn được nhận lời chúc mừng của Chuẩn tướng Edward Vaughan, trợ lý đặc biệt Bộ phận huấn luyện Lầu Năm Góc: “Chúc mừng bạn đã bay, chiến đấu và chiến thắng!”. Chiến thắng ở đây chính là đã chinh phục được khóa học vô cùng gian nan ở nơi đào tạo phi công khắt khe bậc nhất thế giới và chiến thắng các nhiệm vụ của một người phi công trong tương lai. “Khi quốc kỳ của Việt Nam hiện ra và Quốc ca vang lên, đứng trên bục nhận bằng, tôi cảm thấy vô cùng xúc động, tự hào. Chính niềm tự hào dân tộc thiêng liêng trở thành động lực mạnh mẽ để tôi đạt được thành công”, Toại kể lại mà lòng vẫn còn bồi hồi xúc động.

Tháng 6-2019, phi công Đặng Đức Toại trở về nước đem những kiến thức đã học được ứng dụng vào quá trình học tập chuyển loại máy bay Casa-295. Đại tá Vũ Tiến Dũng, Lữ đoàn trưởng 918, người thầy đầu tiên đưa Toại lên bầu trời bằng máy bay An-26 và sau này đề nghị anh đi học tại Mỹ rất phấn khởi, tự hào căn dặn người học trò xuất sắc của mình: “Một chặng đường mới lại bắt đầu mở ra. Tương lai của lực lượng không quân là ở những người phi công trẻ như đồng chí Toại, hãy cố gắng để đạt thành công”.

Bầu trời Tổ quốc bao la là nơi anh thỏa sức bay với niềm khát khao chinh phục. Dẫu còn nhiều thử thách chông gai nhưng lời tâm sự sau của Toại đã khiến mọi người khi trò chuyện với anh vô cùng yên tâm và tin tưởng: “Với bản thân tôi đã chọn nghề phi công thì phải học cả đời, tích lũy kinh nghiệm cả đời và cống hiến cả đời”. 

VŨ DUY