Tăng cường đối thoại qua các hội nghị, diễn đàn

Trong hơn 30 năm đổi mới đất nước, cùng với hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, ngoại giao nhân dân, hoạt động đối ngoại quốc phòng không ngừng được đẩy mạnh theo hướng phát triển sâu, rộng cả về phạm vi và mức độ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức, định chế quốc tế, góp phần từng bước đưa quốc phòng Việt Nam hội nhập thế giới.

Bên cạnh thúc đẩy mối quan hệ quốc phòng song phương với các quốc gia láng giềng, bạn bè truyền thống, các nước đối tác, Việt Nam còn tích cực tham gia vào các diễn đàn đa phương, góp phần tạo vị thế, vai trò cao hơn cho đất nước trong định hình, dẫn dắt một số vấn đề chung của khu vực, thể hiện trách nhiệm đối với an ninh, hòa bình, ổn định của thế giới. Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm công tác đối ngoại, hợp tác quốc phòng đa phương, đạt được những kết quả quan trọng, có nội dung mang tính đột phá. Trong đó, kết quả nổi bật là Việt Nam đã chủ động đóng góp, khởi động và tham gia định hình các cơ chế khu vực, tiêu biểu như: Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+); tích cực tham gia Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF), Đối thoại Shangri-La...

Ngay từ khi hình thành diễn đàn hợp tác quốc phòng đa phương, thiết lập Hội nghị ADMM lần đầu tiên (năm 2006) tại Malaysia, Việt Nam đã tham gia tích cực, chủ động vào hội nghị này. Tiếp đó, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2010, Việt Nam đã chủ trì tổ chức thành công 17 hội nghị quân sự, quốc phòng quan trọng của khu vực; chủ động tham vấn, đề xuất nhiều sáng kiến phù hợp với định hướng ưu tiên xây dựng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN. Đặc biệt, việc đưa ra ý tưởng, hiện thực hóa và tổ chức thành công Hội nghị ADMM+ lần thứ nhất tại Việt Nam đã tạo sự đột phá và trở thành tiền đề quan trọng cho cơ chế hợp tác quốc phòng giữa ASEAN với các nước đối tác, đối thoại, đánh dấu sự ra đời của một cấu trúc an ninh khu vực đầy triển vọng, mở ra một cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương thiết thực, hiệu quả.

Trong khuôn khổ cơ chế hợp tác ADMM+, Việt Nam chủ động tham gia thảo luận, tham vấn và có đóng góp tích cực vào việc giải quyết những vấn đề nổi cộm ở khu vực, nhằm thúc đẩy tiến trình hợp tác quốc phòng đa phương, như: Hội nghị quan chức quốc phòng cấp cao ASEAN mở rộng (ADSOM), Hội nghị nhóm làm việc ADSOM+ (ADSOM+WG), Cuộc họp các nhóm chuyên gia (EWG)…

Không chỉ ở trong khu vực ASEAN, Việt Nam còn chủ động tham gia vào các hội nghị an ninh, quốc phòng ở các nước trên thế giới, như: Diễn đàn Hương Sơn do Trung Quốc tổ chức tại thủ đô Bắc Kinh, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow do Liên bang Nga tổ chức, Hội nghị Tư lệnh Quốc phòng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ), Hội nghị Tư lệnh lực lượng quốc phòng về Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) diễn ra tại New York (Mỹ)... Tại các hội nghị, Việt Nam đã tham gia và chủ động đóng góp nhiều nội dung, sáng kiến quan trọng vào việc thiết lập, duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc phòng đa phương ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam được các nước ghi nhận là có những cam kết chính trị rõ ràng và những bước đi cụ thể, chắc chắn trong lộ trình tham gia hoạt động GGHB, cũng như có đóng góp trong việc ổn định, thúc đẩy hòa bình, an ninh toàn cầu.

Thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác bằng hành động thực tế

Không chỉ tăng cường đối thoại, Việt Nam chủ động tham gia vào các lĩnh vực có thế mạnh về lực lượng và phương tiện, hướng vào giải quyết những khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh của đất nước, khu vực đặt ra. Nổi bật là đề xuất sáng kiến thành lập Nhóm chuyên gia thứ 6 về “Hành động mìn nhân đạo” và cùng Ấn Độ đồng chủ trì lĩnh vực này; cùng Trung Quốc đồng chủ trì Nhóm chuyên gia “Hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR)”…. Quân đội Việt Nam cũng tích cực tham gia và hoàn thành tốt các cuộc diễn tập “Kết hợp nhóm chuyên gia ADMM+ về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và quân y” tại Brunei năm 2013, tại Thái Lan năm 2016; Diễn tập huấn luyện thực binh kết hợp "Hành động mìn nhân đạo" và GGHB (FTX-2016) mang tên “FORCE-18” tại Ấn Độ năm 2016…

Đặc biệt, quân đội Việt Nam đã tham gia đầy đủ các cuộc diễn tập hải quân đa phương KOMODO do hải quân Indonesia tổ chức hai năm một lần, bắt đầu từ năm 2014. Cuộc diễn tập này được tổ chức theo sáng kiến đã được đồng thuận giữa ASEAN và các nước đối tác trong khuôn khổ cơ chế hợp tác Hội nghị ADMM+, Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ACNM) và ARF với mục đích tăng cường tình hữu nghị, xây dựng lòng tin và nâng cao khả năng phối hợp, hiệp đồng giữa hải quân các nước tham gia trong công tác hỗ trợ nhân đạo và giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải. Thông qua các cuộc diễn tập, Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp ngày càng lớn trong cơ chế hợp tác quốc phòng, an ninh ASEAN và khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần sẵn sàng hợp tác bằng hành động thực tế, như cử các sĩ quan đi làm nhiệm vụ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi, triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, cấp 2 số 2 đi làm nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan.

Việc Việt Nam và EU ký Hiệp định về thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU (gọi tắt là Hiệp định FPA) hồi tháng 10 vừa qua cũng tạo điều kiện để Việt Nam cử sĩ quan, cán bộ thuộc lực lượng dân sự tham gia vào các phái bộ của EU. “Sự hợp tác này sẽ giúp Việt Nam nâng cao năng lực, sẵn sàng hơn nữa cho các hoạt động tương tự của mình, nhất là khi tham gia lực lượng GGHB LHQ", Đại sứ, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nhấn mạnh.

Việc quân đội Việt Nam tham gia vào các hoạt động đối ngoại đa phương là biểu hiện sinh động về trách nhiệm, chủ động tham gia đóng góp, khởi động, định hình các cơ chế, diễn đàn trong khu vực; góp phần nâng cao vị thế, vai trò của đất nước, của quân đội trên trường quốc tế.

LINH OANH