Nắm chắc địa bàn, giúp dân hiệu quả

Sau mấy năm có dịp trở lại xã Mường Và (Sốp Cộp, Sơn La), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của vùng đất biên giới xa xôi này. Hệ thống đường bê tông phẳng lỳ chạy từ trung tâm xã đến từng thôn, bản thay cho con đường đất đầy ổ gà, ổ trâu trước đây. Dọc hai bên đường là màu xanh mát mắt của những đồi sắn, nương ngô, vườn cây ăn quả đang vào mùa thu hoạch. Gặp chúng tôi tại Sở chỉ huy Đoàn KT-QP 326, đồng chí Quảng Văn Bạt, Bí thư Đảng ủy xã Mường Và tay bắt mặt mừng, khoe: “Mường Và mình giờ có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài rồi đấy. Mấy năm nay, nhờ sự hướng dẫn về kỹ thuật của bộ đội Đoàn KT-QP 326 và trung tâm khuyến nông huyện, nên đời sống của bà con khá lên trông thấy; nhiều gia đình không những thoát nghèo, mà còn vươn lên làm giàu…”.

Vừa chuyện trò, đồng chí Quàng Văn Bạt và Đại úy Vũ Ngọc Văn, Phó đội trưởng Đội Sản xuất số 2, Đoàn KT-QP 326 vừa dẫn chúng tôi đi tham quan một số mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu đang được nhân rộng trong toàn huyện. Dừng chân ở đầu bản Mường Và, xã Mường Và, Bí thư Đảng ủy xã chỉ tay về phía ngọn đồi trước mặt, giới thiệu: “Trên đỉnh đồi kia có ao cá của dân, năm nào cũng cho thu hoạch hàng tấn cá tươi. Mời các anh leo lên đó tham quan”. “Ao cá trên đỉnh đồi”? Nghe thấy thế chúng tôi không khỏi thích thú, lẫn sự ngạc nhiên.

Cán bộ Đoàn 326 hướng dẫn đồng bào trên địa bàn trồng cà chua giống mới.

Sau một hồi vượt dốc, chúng tôi cũng được thỏa mắt ngắm cơ ngơi “vườn, ao, chuồng” của gia đình anh Lò Văn Minh trên đỉnh đồi. Một chiếc ao rộng hàng trăm mét vuông, được kè bờ chắc chắn, nước trong xanh, xung quanh là vườn cây ăn quả đủ loại: Chanh leo, ổi, nhãn, xoài... được quy hoạch khoa học, đẹp mắt. Thấy chúng tôi trầm trồ, thán phục, đồng chí Quàng Văn Bạt giới thiệu: “Mô hình này có được là nhờ cán bộ Đoàn KT-QP 326 giúp bà con đấy. Các anh ấy giỏi thật, “bắt” nước chảy ngược từ dưới suối lên đồi để phục vụ bà con sinh hoạt và sản xuất”.

Đại úy Vũ Ngọc Văn giải thích thêm: "Xuất phát từ thực trạng đồng bào các dân tộc nơi đây chủ yếu sinh sống trên sườn núi cao, nhu cầu nước phục vụ sinh hoạt, canh tác rất lớn, trong khi nước chủ yếu chỉ có ở các con suối, khe núi, nên việc đưa nước lên cao để giải quyết nhu cầu sinh hoạt, canh tác của bà con gặp vô vàn khó khăn; nếu dùng máy bơm, việc bố trí lắp đặt khó khăn, chi phí về điện, xăng, dầu rất tốn kém. Trước thực trạng đó, Đảng ủy, chỉ huy đoàn chỉ đạo Đội sản xuất số 2 nghiên cứu chế tạo hệ thống bơm va, còn gọi là bơm tự áp, không sử dụng nhiên liệu (do nước ngoài sáng chế, thường sử dụng bơm nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp). Cuối năm 2017, sau nhiều lần cải tiến, thay đổi thiết kế và tiến hành thử nghiệm, cán bộ, nhân viên Đội Sản xuất số 2 đã lắp đặt và triển khai thành công máy bơm va, có thể bơm nước lên các vị trí có độ cao hàng trăm mét so với mực nước biển. Mẫu bơm tự áp do đơn vị nghiên cứu, chế tạo có nhiều ưu điểm vượt trội so với thiết kế nguyên mẫu, được đưa vào sử dụng hiệu quả; giải quyết căn bản nhu cầu nước sinh hoạt và canh tác cho người dân.

Trước đây, do thiếu nước, đồng bào chỉ trồng được các loại cây có giá trị kinh tế thấp, sau khi áp dụng máy bơm tự áp cải tiến của Đoàn KT-QP 326, bà con mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Một số hộ gia đình còn đào ao thả cá trên đồi. Sáng kiến bơm tự áp được Đoàn KT-QP 326 nhân rộng, tiến hành sản xuất đại trà, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ lắp đặt cho hàng trăm hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong vùng dự án, giúp bà con phát triển chăn nuôi, trồng trọt, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay trên quê hương mình.

Quê hương đổi thay, ấm lòng dân bản

Được thành lập năm 2002, Đoàn KT-QP 326 có nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương quản lý và tổ chức thực hiện dự án Khu KT-QP Sông Mã, thuộc địa bàn 15 xã của 3 huyện: Sốp Cộp (Sơn La), Điện Biên và Điện Biên Đông (Điện Biên), trong đó có 9 xã biên giới giáp với nước bạn Lào thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn; núi cao, hiểm trở. Những năm trước đây, hệ thống chính trị ở cơ sở địa bàn chưa được củng cố vững chắc, còn không ít bản “trắng” đảng viên, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, tình trạng di cư tự do, vượt biên trái phép, tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy, hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện… diễn biến phức tạp.

Để giúp người dân dần thoát nghèo, an cư lạc nghiệp, yên tâm làm ăn, sinh sống, cán bộ, chiến sĩ đơn vị thực hiện tốt phương châm: “Óc nghĩ, mắt nhìn, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, gắn với thực hiện mô hình “3 bám, 4 cùng” trong thực hiện công tác dân vận, giúp dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Theo đó, đơn vị tập trung nghiên cứu, đề ra lộ trình và bước đi thích hợp để đạt được các mục tiêu của dự án; chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các dự án KT-QP lồng ghép có hiệu quả với các dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; tập trung vào những nhu cầu bức thiết của nhân dân, như: Đường giao thông, công trình thủy lợi nhỏ, đường điện, hệ thống nước sinh hoạt, khai hoang ruộng lúa nước, hỗ trợ cây, con giống, chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho năng suất, chất lượng cao.

Theo Đại tá Trần Văn Chanh, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 326: Quá trình thực hiện dự án, Đảng ủy, chỉ huy đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo các đội sản xuất thường xuyên cử cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện có trình độ, năng lực, kinh nghiệm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xuống từng thôn, bản khảo sát, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật canh tác; xác định loại cây trồng, vật nuôi chủ yếu, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng vùng, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Hằng năm, thông qua các mô hình trình diễn cụ thể tại đơn vị, cán bộ, nhân viên của đoàn tiến hành tư vấn, hướng dẫn hàng nghìn lượt đồng bào áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Đảng ủy, chỉ huy đoàn ưu tiên triển khai thực hiện các công trình, dự án quan trọng, cấp thiết, như: Nâng cấp hệ thống đường giao thông, điện sinh hoạt, công trình thủy lợi, xây dựng các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trường học, trạm y tế và nhiều công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Hơn 10 năm qua, đơn vị đã hoàn thành và bàn giao cho địa phương hai công trình cấp điện, bảo đảm điện sinh hoạt cho gần 8.000 hộ dân; 3 công trình thủy lợi tưới nước cho hơn 500ha lúa; xây dựng 20km đường giao thông liên thôn, bản và 2,7km đường tránh ngập, 47 cầu treo dân sinh, 21 nhà văn hóa; trồng 233ha rừng thông.

Những mô hình mà Đoàn KT-QP 326 giúp dân phát triển kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt, như: Nuôi thỏ, gà, thả cá, trồng cam, phát triển cây dược liệu… Những năm gần đây, đoàn trực tiếp giúp 131 hộ thoát nghèo; hỗ trợ vật tư, cây, con giống và chuyển giao kỹ thuật cho gần 1.000 hộ trên địa bàn. Trao đổi với Đại tá Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 326, chúng tôi được biết, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu do đơn vị thi công đã phát huy hiệu quả, góp phần cải thiện đáng kể đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào trong vùng dự án, giúp bà con yên tâm làm ăn, định cư lâu dài trên vùng biên giới.

Bằng những giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, hiệu quả, những năm qua, Đoàn KT-QP 326 góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo nông thôn trong vùng dự án. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu cho sinh hoạt, phát triển sản xuất đã phát huy tác dụng, giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi đến trung các tâm xã, huyện bằng phương tiện cơ giới; hơn 90% hộ dân đã được sử dụng điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 30%; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong vùng dự án được bảo đảm. Bộ đội Đoàn KT-QP 326 thực sự là chỗ dựa tin cậy, vững chắc của cấp ủy, chính quyền và nhân dân nơi tuyến đầu biên giới.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG