Sau mỗi khóa học, ngoài kiến thức văn hóa cùng vốn tiếng Việt cơ bản, hành trang mà họ mang về nước còn là những hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp về sự tận tâm, tận tình, chu đáo trong quá trình đón tiếp, phục vụ của cán bộ, giáo viên, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 871-những "sứ giả" của tình hữu nghị, góp phần thắt chặt thêm mối đoàn kết quốc tế giữa QĐND Việt Nam với quân đội các nước anh em.

Đậm tình anh em, thắm nghĩa thầy trò

Giờ học ngày đầu tuần của lớp tiếng Việt 8, học viên quân sự Lào khóa 20, do Trung tá QNCN, Thạc sĩ Vũ Thị Tuyết, Phó tổ trưởng Tổ giáo viên tiếng Việt, Phòng Huấn luyện, Đoàn 871 lên lớp thu hút sự chú ý đặc biệt của học viên. Trước khi bước vào bài mới, bao giờ chị Tuyết cũng nở nụ cười thân thiện, dành cho các bạn học viên quốc tế (HVQT) những lời chúc tốt đẹp, rồi lần lượt kiểm tra bài từng người. Mỗi câu, mỗi từ chị giao tiếp, trao đổi, truyền đạt tới học viên đều gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ. Trường hợp nào còn băn khoăn, chưa rõ, chị tận tình giảng giải, giúp người học nắm chắc nội dung.

leftcenterrightdel
Giờ lên lớp của Thiếu tá QNCN, Thạc sĩ Hứa Thị Chính, giáo viên Phòng Huấn luyện, Đoàn 871, Tổng cục Chính trị.

Cũng với trách nhiệm và tình cảm đặc biệt dành cho học viên các nước bạn, mỗi buổi lên lớp ở Đoàn 871 không đơn thuần là dạy tiếng, truyền đạt kiến thức văn hóa, mà qua đó còn là dịp quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam, nhất là sự gần gũi, thân thiện và mến khách của người Việt Nam. Theo Thiếu tá QNCN, Thạc sĩ Hứa Thị Chính, Tổ trưởng Tổ giáo viên tiếng Việt, Phòng Huấn luyện, Đoàn 871 thì hầu hết các bạn HVQT đều cảm thấy hứng thú trong mỗi bài học tiếng Việt, bởi qua đó các bạn còn được nghe giới thiệu những nét văn hóa tiêu biểu, truyền thống yêu nước, cùng tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm vô cùng oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Như mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào (30-10), các thầy, cô giáo của Đoàn 871 dành nhiều thời gian nói chuyện về tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung, hai nước Việt Nam-Lào nói riêng trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung. Trong đó, Thiếu tá QNCN, Thạc sĩ Hứa Thị Chính không quên nhắc đến nét văn hóa tương đồng giữa 3 nước, kèm theo những hình ảnh minh họa sinh động, cuốn hút. "Ngoài việc truyền đạt kiến thức tiếng Việt cho các học viên, chúng tôi luôn xác định mỗi cán bộ, giáo viên phải là nhịp cầu góp phần xây dựng mối đoàn kết gắn bó giữa 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia anh em", Thiếu tá QNCN Hứa Thị Chính bộc bạch.

Càng tiếp xúc, tìm hiểu về công việc của đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếng Việt ở Đoàn 871, chúng tôi càng thêm cảm phục tinh thần trách nhiệm, tâm huyết cùng sự tận tụy mà họ dành cho HVQT. Để nâng cao chất lượng dạy và học, đội ngũ giáo viên Đoàn 871 đều chủ động tự học tiếng Lào, tiếng Campuchia, vừa giảm bớt được khâu trung gian qua phiên dịch trợ giảng vừa tạo sự gần gũi, thân thiện khi tiếp xúc với bạn. Trước các khóa học, đơn vị đều tổ chức tập huấn chặt chẽ, nhất là đối với đội ngũ giáo viên mới, tập trung nâng cao phương pháp, kỹ năng sư phạm, nguyên tắc ứng xử; xây dựng hệ thống giáo án, bài giảng theo chương trình chuẩn... Cùng với đó, Đảng ủy đoàn ban hành nghị quyết chuyên đề "Tập trung nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Việt" với các nội dung, chỉ tiêu bảo đảm sát tình hình thực tế. Theo Đại tá Nguyễn Văn Thạo, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn 871, do thời gian học tiếng Việt của HVQT chỉ gói gọn trong khoảng 9 tháng thực học, nên đội ngũ giáo viên phải dồn hết tâm sức, trí tuệ, uốn từng nét chữ, luyện từng cách phát âm và áp dụng nhiều biện pháp tối ưu nhằm truyền đạt cho các học viên của bạn vốn kiến thức tiếng Việt cơ bản nhất. Đơn vị cũng tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, chú trọng thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho học viên; tăng cường các hoạt động tham quan, học tập dã ngoại để học viên có điều kiện giao tiếp, thực hành tiếng Việt nhiều hơn.

Bên cạnh đó, để tạo sự gắn kết tình cảm thầy trò, nghĩa tình anh em, trong quá trình học tập, công tác, Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 871 thường xuyên quán triệt từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, chiến sĩ đơn vị phải thực sự hòa đồng với các bạn HVQT, nắm chắc và tôn trọng phong tục, tập quán của bạn; thể hiện sự đúng mực, tế nhị trong giao tiếp, ứng xử. Chỉ huy các cấp chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc cũng như tâm tư, nguyện vọng chính đáng của bạn để kịp thời có hướng giải quyết.

Với những chủ trương, biện pháp hiệu quả đó, những năm gần đây, chất lượng dạy và học tiếng Việt ở Đoàn 871 không ngừng được nâng lên, 100% học viên đủ điều kiện đi học chuyên ngành tại các học viện, nhà trường quân đội Việt Nam, trong đó có hơn 80% tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc.

“Giúp bạn chính là tự giúp mình”

Từ năm 2016 đến nay, nhiệm vụ của Đoàn 871 có bước phát triển mới, từ chỗ chỉ đảm nhiệm quản lý, đào tạo tiếng Việt cho các đối tượng học viên QĐND Lào, nay đơn vị được giao quản lý, đào tạo tiếng Việt cho cả học viên QĐHG Campuchia. Nhất là 3 khóa trở lại đây, quân số ngày càng đông, năm sau cao hơn năm trước, cộng với những khó khăn khách quan, như: Ngôn ngữ bất đồng, phong tục, tập quán có nhiều điểm khác biệt. Trong khi hệ thống cơ sở vật chất của đơn vị còn có những khó khăn nhất định, một số mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao như hiện nay.

Tuy nhiên, chủ trương nhất quán của Đảng ủy, chỉ huy Đoàn 871 là chủ động khắc phục mọi khó khăn, thử thách, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải dành sự ưu tiên tối đa cho HVQT. Trao đổi với Đại tá Nguyễn Thế Trung, Đoàn trưởng Đoàn 871, chúng tôi được biết, trước khi tiếp nhận các khóa học viên mới, đơn vị đều tiến hành rà soát chi tiết, củng cố toàn diện hệ thống phòng học, phòng ở, nhà ăn khu vực HVQT; bảo đảm đầy đủ hệ thống điện chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, nước uống, xây dựng cảnh quan môi trường đơn vị sáng, xanh, sạch, đẹp. Ngoài ra, cùng với sự quan tâm, đầu tư của trên, đơn vị cũng trích nguồn quỹ vốn của đơn vị xây dựng hệ thống sân chơi thể thao, bãi tập thể lực, phòng hát quốc tế phục vụ học viên. Đảng ủy, chỉ huy đoàn cũng đặc biệt quan tâm đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho HVQT. Ngoài việc chỉ đạo quân y đơn vị thường xuyên thăm khám, kiểm tra sức khỏe, đơn vị cũng chủ động giới thiệu cho các bạn HVQT đến thăm khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, giúp các học viên luôn bảo đảm sức khỏe tham gia học tập với quân số cao nhất.

 “Tạm rời xa gia đình, xa quê hương đến Việt Nam học tập, nhưng chúng tôi không cảm thấy bỡ ngỡ, hay gặp bất cứ khó khăn, trở ngại nào. Ở đây, chúng tôi được các đồng chí Việt Nam anh em tạo mọi điều kiện tốt nhất, từ nơi ăn ở, sinh hoạt, cho đến các trang thiết bị phục vụ học tập, công tác. Những tình cảm các bạn Việt Nam dành cho chúng tôi thật ấm áp, thân thiết như anh em trong gia đình”, Đại úy Somphon Sisumang, Lớp trưởng Lớp tiếng Việt 8, học viên quân sự Lào (khóa 20) tâm sự.

Đó không chỉ là tâm sự của Đại úy Somphon Sisumang, mà khi tiếp xúc với học viên QĐHG Campuchia hay học viên QĐND Lào, chúng tôi cũng đều nhận được những phản hồi tích cực của các bạn về công tác đón tiếp, phục vụ vô tư, chu đáo của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Đoàn 871 dành cho HVQT. Đặc biệt vào dịp lễ, tết, hay ngày kỷ niệm lớn của Campuchia, như: Ngày Chiến thắng 7-1; Tết Khmer; sinh nhật Quốc vương… hay các ngày Tết Bun Pimay; Koud Song kane… của Lào, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đều chủ động tổ chức các hoạt động kỷ niệm, chào mừng theo đúng nghi thức, phong tục, tập quán của bạn, chung vui với bạn. Đây chính là dịp kết nối tình cảm, chia sẻ kinh nghiệm, cũng là thể hiện tình cảm, trách nhiệm, sự trân trọng của QĐND Việt Nam dành cho các bạn HVQT nói chung, học viên quân sự Lào và Campuchia nói riêng; góp phần thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa quân đội và nhân dân 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

Bài và ảnh: NGUYỄN HỒNG SÁNG