Bác Hồ căn dặn Quân đội ta “Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân”. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ; là quân đội của dân, do dân và vì dân. Do vậy, toàn quân và mỗi cán bộ, chiến sĩ phải luôn giữ trọn đạo hiếu với dân, cũng là với nước, với Đảng của mình.

Tôi vẫn nhớ một kỷ niệm cách đây hơn 54 năm, vào giữa năm 1965, khi đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc. Năm đó, Khu 4 trở thành chiến trường khốc liệt. Máy bay Mỹ ném bom suốt ngày đêm từ Thanh Hóa trở vào. Tôi cùng đoàn cán bộ hành quân đêm bằng xe đạp vào tuyến lửa Khu 4. Thời đó, phà Ghép (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trở thành túi bom, cửa tử. Đoàn chúng tôi đến phà Ghép khoảng gần 4 giờ sáng và không thể đi tiếp vì đã đến giờ máy bay Mỹ ném bom. Chúng tôi xin nghỉ lại ở nhà một bà mẹ, cách phà Ghép hơn 1km. Con trai mẹ đã đi bộ đội. Mẹ đón chúng tôi như đón con mình, tự nhiên, chân thành, như công việc thường ngày của mẹ.

Trước khi chúng tôi lên đường, mẹ đưa một quyển vở học sinh đã cũ với nhiều dấu tay ở mép vở và nói: “Hằng ngày, mẹ đón các con, rồi các con lại ra đi, mẹ không nhớ được hết. Các con hãy ghi tên, địa chỉ của mình lại, để mẹ giữ làm “kỷ niệm”. Vậy là quyển vở dày đặc các tên, tuổi, địa chỉ của bộ đội, cán bộ, thanh niên xung phong… Tạm biệt mẹ để tiếp tục lên đường, chúng tôi ứa nước mắt vì xúc động trào dâng. Gần 55 năm đã qua, người mẹ ấy chắc đã đi xa và không biết có ai còn giữ được quyển vở đó không? Tôi bỗng nghĩ đến một cụm từ quen thuộc đối với Quân đội ta: “trận địa lòng dân”. Tấm lòng, sự cống hiến thầm lặng của mẹ chính là tình yêu thương, là điểm tựa tinh thần cho những chiến sĩ tự tin, vững bước trên đường ra trận. Ở đâu, bất cứ ở chiến trường nào trên đất nước này, qua mấy chục năm kháng chiến chống xâm lược và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, luôn có những người mẹ như vậy, đúng như Tố Hữu cảm nhận: “Bao bà cụ từ tâm làm mẹ/Yêu quý con như đẻ con ra…” (Trích bài thơ “Bầm ơi”)

Những người mẹ, người chị, người em gái đã hết lòng chăm sóc, lo toan, thương yêu bộ đội. Nghĩa tình đó rất phổ biến, sâu nặng ở đất nước chúng ta, ở cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc ta. Và cao hơn, đó là một nhu cầu tình cảm của nhân dân đối với bộ đội và sự tự nguyện của bộ đội đối với nhân dân. Đó là, ở đâu có bom rơi, bão đạn, ở đó có bộ đội về bảo vệ nhân dân; ở đâu có lũ lụt, hạn hán, ở đó có bộ đội về giúp dân khắc phục hậu quả, gây dựng lại cuộc sống; ở đâu cần con chữ, ở đó có bộ đội đem con chữ về với dân; ở đâu còn thiếu thốn đời sống văn hóa-tinh thần, ở đó có bộ đội đem ánh sáng văn hóa về với dân… Và còn biết bao việc làm tình nghĩa, cao đẹp của bộ đội giúp nhân dân. Chỉ thị “về tiến hành Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội”, do Tổng cục Chính trị (TCCT) ban hành (ngày 12-5-1992) có một yêu cầu là đưa các giá trị văn hóa của Bộ đội Cụ Hồ lan tỏa, tỏa sáng nơi đơn vị đóng quân. Hơn 27 năm qua, chỉ thị đó vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời sự.

Một nếp sống, một nhu cầu thật đẹp, chỉ có trong quan hệ quân-dân ở nước ta, đúng như lời bài hát: “Đoàn vệ quốc chúng ta ở nhân dân mà ra, được dân mến, được dân tin muôn phần”. Không gì có thể tạo nên “bức tường” ngăn cách tình cảm sâu nặng quân-dân đã trở thành truyền thống, bản chất tốt đẹp của Quân đội ta.

Cách đây tròn 35 năm, vào cuối năm 1984, Đảng và Nhà nước ta tổ chức trọng thể Lễ tuyên dương Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” lần thứ nhất, tại Phủ Chủ tịch. Thời điểm đó, tôi là cán bộ thuộc Cục Tư tưởng-Văn hóa (nay là Cục Tuyên huấn, TCCT) và được giao tổ chức cuộc giao lưu văn hóa giữa bộ đội và sinh viên tại TP Hải Phòng. Hôm đó, Trung tướng Đặng Vũ Hiệp, Phó chủ nhiệm TCCT (sau này là Thượng tướng) cũng từ Hà Nội về Hải Phòng. Ông cho gọi tôi lên và giao nhiệm vụ: “Cậu về cùng anh em chuẩn bị dự thảo bài phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại buổi lễ”. Thấy tôi hơi lo lắng, băn khoăn, ông giải thích thêm, đại ý: “Các đồng chí ấy nói, để bộ đội chuẩn bị dự thảo bài phát biểu này là phù hợp nhất, vì bộ đội là con của các bà mẹ Việt Nam”. Trong tâm thế đó, tôi dành trọn một ngày đêm, vừa tìm trong tình cảm, trí nhớ, sự trải nghiệm, vừa viết dự thảo bài phát biểu. Tất nhiên, bản dự thảo này sau đó còn qua nhiều cấp trao đổi, chỉnh sửa, bổ sung để thành văn bản chính thức, nhưng điểm tựa tinh thần để tôi viết dự thảo bài phát biểu chính là ở suy nghĩ: Trong mấy chục năm chiến tranh, không một bà mẹ Việt Nam nào khi tiễn con ra trận và đau đớn nhận tin con hy sinh, lại có ý nghĩ rằng, đến lúc nào đó mình sẽ được vinh danh, sẽ được nhận danh hiệu cao quý. Một sự hy sinh vô cùng lớn lao, cao thượng vì sự trường tồn của đất nước, của dân tộc. Đây là lần đầu tiên ở nước ta và có lẽ là trên thế giới, chỉ ở Việt Nam mới có buổi lễ vinh danh đặc biệt này. Trong tôi trào dâng niềm tự hào về các mẹ và đồng đội của mình-những người con yêu quý của mẹ đã trọn đời giữ tròn đạo hiếu với mẹ, với Tổ quốc, với nhân dân.

75 năm qua, biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam ưu tú đã lên đường ra trận, đánh đuổi quân xâm lược, chắc tay súng bảo vệ giang sơn bờ cõi. Tất cả họ đã đi theo “ánh lửa từ trái tim mình”. Ánh lửa đó chính là tình yêu Tổ quốc vĩ đại mà hiền hòa, từng chịu bao đau thương, mất mát mà vẫn kiên cường trụ vững và phát triển. Ánh lửa đó là tình yêu sâu thẳm dành tặng mẹ, tặng quê hương và đồng bào mình. Ánh lửa đó được Đảng, Bác Hồ kính yêu và nhân dân thắp sáng mãi trong trái tim người chiến sĩ.

GS, TS ĐINH XUÂN DŨNG (Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương)