Phàm là người có dũng sẽ khiến thiên hạ sợ, có dũng và có mưu trí sẽ khiến thiên hạ phục. Trong nghệ thuật quân sự, đánh để kẻ địch phục khó hơn đánh để kẻ địch sợ. Trò chuyện với cán bộ, chiến sĩ ĐBP Đàm Thủy chúng tôi cứ tấm tắc mấy ý này. Chuyện đấu tranh ngoại giao, chuyện đánh án, chuyện giúp dân làm kinh tế… tất cả đều có tính thống nhất cao, ấy thực là kế “sâu gốc, bền rễ” để giữ nước.

Chúng tôi lên ĐBP Đàm Thủy theo một cung đường khá “bất thường”, đó là đi ngược dòng Quây Sơn. Đường từ phía huyện Hạ Lang sang rất khó đi, nhưng cũng nhờ đoạn đường này chúng tôi có sự hình dung ra được những phức tạp, khó khăn của những người bảo vệ biên giới. Do là ở phía này, hai nước chỉ cách nhau có một con sông. Mùa nước cạn chỉ bơi vài ba sải tay là đã ra nước ngoài. Dịp nước cao hai bờ lau sậy um tùm dễ trở thành nơi ẩn náu.

leftcenterrightdel
Cán bộ Đồn Biên phòng Đàm Thủy nói chuyện với kiều bào về lịch sử thác Bản Giốc.

ĐBP Đàm Thủy nằm trên một ngọn đồi thuộc xóm Bản Dít, ngay bên tỉnh lộ 206, cách khu du lịch Thác Bản Giốc chừng 4km theo hướng tây. Từ trên đồn có thể nhìn ra một vùng đồng ruộng lớn Giốc Vân, Giốc Rinh, Lũng Phiắc, Bản Chang, Nà Đeng. Khuôn viên đồn gói gọn trong bốn chữ “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Bước vào phòng khách, chúng tôi mới phát hiện ra ngoài mình còn hai vị khách nhỏ tuổi. Chúng tôi đoán đại là con của đồng chí nào lên thăm cha tại đơn vị, nhưng khi quan sát kỹ thì thấy chẳng giống lắm. Dường như chúng ở đây từ lâu nên rất ra dáng chủ nhà?

Được một lúc thì Trung tá Trần Mạnh Hà, Phó đồn trưởng ĐBP Đàm Thủy, ra đón. Anh có gương mặt góc cạnh, gân guốc của một “ông thần hộ pháp”. Anh cười vồn vã hỏi: “Các anh đã làm quen với hai thành viên nhí của đồn chúng tôi chưa? “Đồng chí lớn” tên là Huynh, “đồng chí nhỏ” tên là Tuyên”. Hai đứa nhỏ nghe đến tên mình lại được gọi là “đồng chí” nên cười xấu hổ lấy tay che mặt chạy mất. Anh Hà dõi nhìn theo lưng áo chúng giọng hơi chùng lại: “Khổ thân hai đứa, mới tý tuổi đầu mà đã thiếu cha, thiếu mẹ. Chúng là con nuôi của đồn chúng tôi đấy”. Nhìn cái dáng chạy loắt choắt liêu xiêu của thằng bé, tôi thấy sống mũi cay cay.

Anh Trần Mạnh Hà cho biết chuyến công tác của chúng tôi vừa may mà cũng vừa không may. Anh nói: “May là được gặp cả hai đồng chí chính trị viên cũ và mới trong lễ bàn giao. Không may là ngày mai đồng chí chính trị viên cũ, người ở đồn đã 5 năm nay lên nhận bàn giao ở đơn vị mới cách Đàm Thủy gần 200km, phía huyện Bảo Lạc. Từ giờ đến lúc đồng chí đi không biết có lúc nào rảnh mà trò chuyện không? Đồng chí đồn trưởng cũng đang có việc bận, bàn giao việc tiếp nhà báo cho tôi. Mà tôi thì không có khiếu kể chuyện lắm”. Chúng tôi bật cười vì lối nói chuyện thẳng thắn của “ông thần hộ pháp” này.

Trước khi về Đàm Thủy, anh Hà đã qua 3 đồn, toàn ở khu vực miền Nam Trung Bộ. Có nhiều thành tích và chuyên môn giỏi nên được điều về làm giáo viên của Học viện Biên phòng, đợt này là đi dự nhiệm và cũng sắp xong khóa dự nhiệm hai năm. Mấy anh em tôi bấm nhau: Trông dáng vẻ đã biết ông tướng này thuộc tuýp ưa hành động. Quả nhiên là vậy. Anh em trong đồn “tố khổ” rằng cứ rảnh rỗi khi nào là ông ấy bắt cả đồn ra luyện võ. Ở đồn này lính biên phòng phải “dụng võ” nhiều. Nhờ luyện võ mà Đại úy QNCN Triệu Quang Nhất mới có thể chịu được cái lạnh thâu đêm trong khe nước phục kích bắt gian; Thiếu úy QNCN Hoàng Tuấn Anh tay không quật ngã hai tên gian có vũ khí… Nhiều chuyện hay, trong đó có câu chuyện hồi đầu năm 2019 vừa rồi đồn tóm gọn một ổ buôn lậu ngà voi, tang vật thu giữ lên đến 51,7kg ngà voi.  

Nói ra cũng rất ly kỳ, cũng phục tụi gian này lắm mưu nhiều kế. Chúng biết lợi dụng dịp lễ, tết cán bộ, chiến sĩ đồn mệt mỏi vì phải căng sức ra bảo vệ để lên kế hoạch hành động. Có trường hợp chúng còn đặt cả trạm quan sát trước cổng đồn để báo cho đồng bọn đường đi, nước bước của BĐBP. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, âm mưu của chúng không thoát khỏi tai mắt của trinh sát và nhân dân. BĐBP đã khéo dùng “kế trong kế” để bắt chúng. Thiếu tá Nguyễn Bá Nghiêm, Phó đồn trưởng ĐBP Đàm Thủy, kể: “Nhiều lần chúng tôi phải “dương đông kích tây” vờ đi công tác rồi lộn ngược lại phá án. Kẻ gian cũng rất xảo quyệt, liên tục đổi lộ trình, kế hoạch khiến ban chỉ huy nhiều lần phải họp phương án đánh ngay trên ô tô. Rất may là cán bộ, chiến sĩ trên dưới một lòng, tuân thủ những phương án tác chiến đã được thục luyện, nên nhiều năm qua chưa từng xảy ra sự cố. Cán bộ, chiến sĩ đều an toàn”. Bài học kinh nghiệm của BĐBP Đàm Thủy là phải luôn biết dựa vào dân. “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” không phải là khẩu hiệu mà chính là phương châm hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP. 

ĐBP Đàm Thủy còn có đặc thù đóng quân trên một địa bàn hết sức nhạy cảm, trong quá khứ từng xảy ra tranh chấp giữa nhân dân hai bên. Sau khi công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền hoàn thành, công tác bảo vệ đường biên chuyển biến theo một hướng mới đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải cẩn trọng, kỹ lưỡng hơn. Mỗi cán bộ, chiến sĩ ĐBP Đàm Thủy không chỉ vững chuyên môn nghiệp vụ còn giỏi vận dụng những hiệp định, quy chế ký kết giữa hai nước, như: Hiệp định biên giới năm 1999 của Việt Nam và Trung Quốc; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc năm 2009; Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc năm 2015). Trong đó, Hiệp định hợp tác, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch thác Bản Giốc mở ra cơ hội phát triển sản phẩm du lịch liên quốc gia, tạo việc làm cho địa phương cũng như giới thiệu hình ảnh, danh thắng của tỉnh Cao Bằng tới bạn bè quốc tế. Hồi tháng 5-2019 vừa qua, có trường hợp phía bạn do không nắm vững đường hướng của các cột mốc đã xây một công trình cố định lấn vào đường thông tầm biên giới. Lập tức chỉ huy ĐBP Đàm Thủy thông qua đường dây nóng trao đổi và tổ chức hội đàm với phía bạn để thống nhất di dời, tháo dỡ công trình này. Hành động tỉnh táo, kịp thời và kiên quyết của chỉ huy đồn đã được các cấp ngợi khen.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ của ĐBP Đàm Thủy còn là một tuyên truyền viên, tích cực đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tạc về thác Bản Giốc. Thời gian qua đã có không ít người lầm tưởng, tin theo những lời xuyên tạc bịa đặt rằng “Việt Nam đã mất thác Bản Giốc”. Những nghi ngờ và tò mò này khiến không ít người tìm đến để tìm hiểu sự thật và tất cả đều được thỏa mãn với giải thích dựa trên chứng cứ lịch sử, luật pháp quốc tế và hiệp định, quy chế ký kết giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Thượng úy QNCN Nguyễn Trung Kiên, người có mặt ở Trạm biên phòng Bản Giốc, nói với chúng tôi: “Rất nhiều du khách phương xa tìm đến thắc mắc, thậm chí có người còn chất vấn, rằng tại sao cột mốc lại để ở trên bờ ta mà không để ở … giữa sông? Với những câu hỏi như thế chúng tôi đã phải giải thích rất cặn kẽ từ những tài liệu lịch sử cho đến công nghệ định vị bằng GPS (hệ thống định vị toàn cầu). Có những ngày khách tới tham quan thác đông đến hàng nghìn người, mỗi đoàn hỏi một câu trả lời cũng đủ mệt. Vậy nhưng anh em vẫn động viên nhau cố gắng vì nhân dân phục vụ”. Không chỉ có vậy, hằng năm BĐBP đều có những buổi nói chuyện lịch sử giúp học sinh các trường quanh vùng hiểu thêm về chủ quyền đất nước, về nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc.

Đồng chí Pham Văn Cao, Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh, nói: “Cán bộ, chiến sĩ của ĐBP Đàm Thủy luôn ý thức được vị trí, vai trò rất quan trọng của mình. Những năm qua đồn đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về các giải pháp bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự trị an trên toàn tuyến biên giới cũng như thực hiện các nội dung triển khai hiệp định giữa Việt Nam và Trung Quốc đạt kết quả tốt. Đồn đã làm tốt công tác đón tiếp, phục vụ, bảo vệ các đoàn công tác của huyện, tỉnh và Trung ương khi đến thăm và làm việc tại thác Bản Giốc. Tôi cho rằng ĐBP Đàm Thủy rất xứng đáng được đề nghị Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân”. Qua những điều tai nghe mắt thấy trên mảnh đất biên thùy này, chúng tôi xin mượn lời của Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh để làm lời kết.

 ĐBP Đàm Thủy có 13 năm liền đạt danh hiệu Đơn vị Quyết thắng, nhận cờ thi đua dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng của LLVT tỉnh Cao Bằng; một cờ thi đua của Tổng cục Chính trị; 3 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh phòng chống tội phạm.

Bài và ảnh: SƠN HÀ