 |
Chiến sĩ Đội Rà phá vật cản Tiểu đoàn Công binh 17 làm nhiệm vụ dò tìm bom, mìn, vật liệu nổ tại bản Cốc Phúng, xã Lùng Vai (Mường Khương, Lào Cai). |
“Cách vượt qua khó khăn là không bao giờ nao núng tinh thần”
Đó là tâm sự của Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo, Đội trưởng Đội Rà phá vật cản Tiểu đoàn Công binh 17 về tinh thần vượt khó của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ rà phá bom, mìn, khắc phục tồn dư của chiến tranh. Thời điểm này, khí hậu vùng Tây Bắc khá khắc nghiệt, ban ngày thì nắng nóng như đổ lửa, đêm đến tiết trời se lạnh, sương giăng mù mịt. Thế nên, những người khi mới đến vùng đất này ban đầu do không hợp với điều kiện thời tiết, dù sức khỏe có tốt đến đâu cũng đôi lần bị ốm mệt. Và những cán bộ, chiến sĩ Đội Rà phá vật cản Tiểu đoàn Công binh 17 cũng vậy. Ngày đầu nhận nhiệm vụ, anh em đều rất hào hứng, hăng say, trách nhiệm, song cũng không tránh khỏi những trận sốt nóng, sốt rét... Hơn nữa, địa hình rà phá bom, mìn, thu gom vật liệu nổ chủ yếu là đồi dốc, thực bì bao phủ dày hàng mét, thế nhưng hằng ngày, các anh vẫn băng qua một quãng rừng dài tới vài cây số, trên vai mang đầy đủ trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ. Cùng các anh tham gia một buổi rà phá vật cản, chúng tôi mới cảm thấu được những khó khăn, vất vả khi thực hiện nhiệm vụ đầy nguy hiểm này. Trung sĩ Trần Thanh Tùng tâm sự: “Ban đầu, do chưa quen nên chúng tôi cảm thấy có đôi chút khó khăn, nhưng khi đã quen thì mọi người đều có chung một quyết tâm là bằng mọi cách phải hoàn thành nhiệm vụ rà phá bom, mìn, trả lại sự bình yên cho những vùng đất chết. Vì thế, không kể ngày nắng cũng như ngày mưa, chúng tôi đều quyết tâm đến tận nơi “hang cùng ngõ hẻm” để quyét sạch những trái bom, trái mìn còn sót lại trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, góp phần gieo mầm sự sống cho vùng đất mới”.
Khi hỏi về nơi ăn ở, sinh hoạt của bộ đội, Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo trả lời: “Các lần thực hiện nhiệm vụ, anh em chúng tôi đều phải dựng lán, tổ chức ăn ngủ sinh hoạt tại thực địa, bởi những nơi đó thường cách xa nhà dân. Năm nay, chúng tôi tận dụng một ngôi nhà của người dân không ở, cách vị trí thực hiện nhiệm vụ không xa để làm chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt. Là bộ đội nên anh em đều có chung suy nghĩ “tối đâu cũng là nhà, ngã đâu cũng là giường”. Vì thế, có được ngôi nhà dựng tạm như thế này là tốt lắm rồi. Nhiệm vụ của chúng tôi vừa khó khăn, vừa nguy hiểm nên cách khắc phục khó khăn chỉ có thể là khắc phục bằng được khó khăn”. Nụ cười tươi rói, bước chân chắc nịch của người đội trưởng, cùng với những câu chuyện vui càng trở nên sôi động trên những quả đồi ở vùng cao Lùng Vai.
Luôn đối mặt với hiểm nguy
Tại vị trí thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang triển khai công việc. Người thì phát cây, dọn cỏ, người thì cầm máy dò mìn, người thì đào đất... động tác ai nấy đều nhanh thoăn thoắt, có người thì rất nhẹ nhàng, tỉ mẩn, thận trọng dò gõ đưa từng trái mìn lên khỏi mặt đất. Là người có nhiều kinh nghiệm trong việc rà phá vật cản, Trung úy Vừa A Cá, Trung đội trưởng Trung đội 4, Đại đội 2 cho biết: “Việc dò gỡ bom, mìn, vật nổ rất nguy hiểm. Ðể bảo đảm an toàn, khi máy dò phát tín hiệu, bộ đội phải cắm tiêu chính giữa, sau đó anh em đào xung quanh. Quá trình đào phải dùng tay kết hợp với xẻng, thực hiện nhẹ nhàng, thận trọng, nếu để xảy ra sai sót là phải trả giá bằng xương máu của người chiến sĩ”.
Quan sát quá trình rà phá, chúng tôi mới thấu hiểu sự nguy hiểm trong từng động tác rò gỡ. Bởi bom, mìn, vật nổ còn sót lại gồm nhiều chủng loại, qua nhiều năm bị vùi sâu trong lòng đất và đã bị phong hóa do môi trường nên luôn ở trạng thái mở (chờ nổ)... khi dò tìm, lấy lên và vận chuyển đưa về nơi tập kết để hủy nổ rất nguy hiểm. Binh Nhất Hoàng Văn Máy, chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội 2 cho biết: “Quá trình rà phá bom, mìn, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, như: Không được vội vàng hấp tấp; buổi sáng đi đường nào, khi về phải đi đúng đường đó; người sau đi đúng vết chân người trước. Đây là nguyên tắc bất di, bất dịch mà mọi cán bộ, chiến sĩ phải nghiêm túc chấp hành triệt để”.
Để hoàn thành nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy trong đơn vị đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho bộ đội hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn, trách nhiệm chính trị và ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công việc dò gỡ bom, mìn. Đây là việc làm không chỉ góp phần mang lại sự bình yên cho nhân dân, mà còn mở ra cơ hội thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển. Cùng với đó, công tác huấn luyện, bồi dưỡng cho bộ đội sử dụng thành thạo các loại phương tiện, trang bị kỹ thuật và truyền đạt kinh nghiệm trong dò gỡ, vận chuyển bom, mìn được chỉ huy các cấp đặc biệt quan tâm. Có kiến thức và được huấn luyện chu đáo, giúp anh em bình tĩnh, tự tin thực hiện đúng quy trình kỹ thuật.
Màu xanh dần trở lại
Ông Sùng Seo Sài, Trưởng bản Cốc Phúng tiếp chúng tôi bằng ánh mắt vui tươi. Ông Sài bảo: “Đã nhiều năm nay, người dân thiếu đất canh tác trong khi vùng đất này rất rộng, chỉ có cây cối mọc um tùm. Chính quyền địa phương đã nhiều lần khảo sát để xây dựng công trình nước sạch cho bà con, nhưng do nơi đây có nhiều mìn và các loại vật liệu nổ nên chưa thể triển khai. Có bộ đội công binh Sư đoàn 316 về rà phá bom, mìn bà con phấn khởi lắm. Sau đợt này, vùng đất bỏ hoang trước kia sẽ được thay bằng những ruộng lúa, bãi ngô... Công trình nước sạch cũng sẽ được xã đầu tư. Cuộc sống của người dân trong bản chắc chắn được cải thiện”.
Được biết, mới sau một tháng triển khai nhiệm vụ tại bản Cốc Phúng, đội rà phá vật cản của đơn vị đã phát quang, rà phá hơn 1,5ha với hàng trăm viên đạn cối, mìn 652A... được thu gom, vô hiệu hóa. Thiếu tá Nguyễn Văn Thảo nói thêm với chúng tôi: “Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2019, đội đã tiến hành hủy gần 2.000 quả đạn cối, pháo, mìn bộ binh, lựu đạn và đạn M79... trả lại hàng chục héc-ta đất canh tác cho nhân dân các địa phương biên giới thuộc hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai”.
Đại tá Tô Quang Hanh, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316 cho biết: “Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Công binh 17 đã đến nhiều nơi thuộc địa bàn các tỉnh biên giới vùng Tây Bắc để thu gom, xử lý bom, mìn. Mỗi chuyến công tác, mỗi nhiệm vụ hoàn thành là hàng chục héc-ta đất được làm sạch bom, mìn, vật liệu nổ. Thành quả của công tác rà phá bom, mìn là những vạt đồi, mảnh ruộng được nhân dân tái sản xuất. Nhiều nhà máy, các công trình an sinh xã hội được mọc lên, góp phần mang lại sự sống mới cho những người dân vùng biên”.
Bài và ảnh: NGUYỄN ĐỨC LƯU