Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, kể từ Đại hội VI đến Đại hội XII, Đảng ta luôn khẳng định tư tưởng chủ đạo là: Khơi dậy và phát huy đến mức cao nhất sức mạnh dân tộc, đặt lợi ích chung của dân tộc, của đất nước và của con người lên hàng đầu, lấy đó làm cơ sở đồng thuận xã hội để xây dựng các chủ trương, chính sách kinh tế-xã hội. Nếu trước đây, Đảng ta xác định sức mạnh của khối ĐĐK toàn dân tộc là sức mạnh để chiến thắng kẻ thù xâm lược, giành độc lập cho dân tộc, thì hiện nay trong công cuộc đổi mới đất nước, sức mạnh đó được Đảng ta xác định là sức mạnh để chiến thắng nghèo nàn và lạc hậu, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời, Đảng cũng nhấn mạnh tư tưởng đoàn kết phải xuất phát từ lợi ích dân tộc mà mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi khả năng có thể tranh thủ được để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.

Trải qua gần 90 năm từ ngày thành lập đến nay, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam luôn tập hợp, đoàn kết các giai tầng xã hội theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trên cơ sở tất cả các vấn đề của Mặt trận đều được tất cả tổ chức thành viên bàn bạc công khai đi đến thống nhất, tạo ra sự đồng thuận cao trong xã hội, nên đã tập hợp, đoàn kết được đồng bào cả trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài theo Đảng làm cách mạng. Nguyên tắc hiệp thương dân chủ, được coi là “chìa khóa vạn năng” để MTTQ Việt Nam tập hợp, đoàn kết cả dân tộc làm nên những thắng lợi vĩ đại, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ, mất nước trở thành chủ nhân của đất nước; mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, thống nhất đất nước, cả nước cùng thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và BVTQ Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, để tập hợp, đoàn kết hơn 96 triệu người Việt Nam ở trong nước và hơn 4,5 triệu người Việt Nam ở ngoài nước cùng đoàn kết xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống MTTQ Việt Nam các cấp từ Trung ương đến cơ sở đã không ngừng củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp, đoàn kết các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo và các thành phần trong xã hội; kịp thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân, nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước...

Tuy nhiên, trên con đường đổi mới, hội nhập khu vực và quốc tế, chúng ta còn phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách lớn, như: Đất nước chưa thoát khỏi ngưỡng nghèo nàn, lạc hậu, tăng trưởng kinh tế chưa ổn định và thiếu bền vững, tỷ lệ thất nghiệp còn cao; chính sách đổi mới và mở cửa bên cạnh những tích cực cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, tệ nạn xã hội và chưa đẩy lùi được nạn tham nhũng, lãng phí; lối sống ích kỷ cùng với những thói hư, tật xấu đang có nguy cơ lây lan mạnh trong xã hội... Các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ, phá hoại khối ĐĐK toàn dân tộc. Các vấn đề về lãnh thổ, biển đảo cũng là những thách thức đối với cả dân tộc trong hiện tại và tương lai.

Để tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc nhằm xây dựng, giữ gìn, bảo vệ sự toàn vẹn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, MTTQ Việt Nam các cấp tiếp tục phối hợp tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào trong và ngoài nước kiên trì thực hiện tư tưởng ĐĐK dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ thể là:       

Tiếp tục quán triệt sâu sắc trong tư tưởng và thực hiện nhất quán trong hành động của cả hệ thống chính trị và từng cán bộ, đảng viên thực hiện nhất quán quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; ĐĐK toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Nhiệm vụ bao trùm, xuyên suốt của hệ thống chính trị các cấp là tập hợp, động viên được mọi tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài không ngừng đoàn kết, nỗ lực tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước; ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo ra sự đồng thuận cao trong toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

Bên cạnh đó, phải tăng cường vai trò phối hợp giữa Mặt trận và chính quyền các cấp trong việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh trên cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong bộ máy công quyền trên cơ sở làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hành vi coi thường và làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Cần tiếp tục thể chế hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành những chính sách, quy chế, quy định cụ thể để nhân dân phát huy quyền làm chủ trên thực tế và thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. Xây dựng cơ chế, chính sách và các hình thức tổ chức tự quản để nhân dân được phát huy quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển tài năng, sức sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho mình và cho đất nước, cùng tích cực phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tăng cường phối hợp với hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở thực hiện tốt chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, giá trị đạo đức của các tôn giáo; phát huy vai trò của người tiêu biểu trong công tác vận động đồng bào các dân tộc, các tôn giáo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước; phản bác lại những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đoàn kết giữa các dân tộc và các tôn giáo, chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước... 

ĐĐK là truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để chiến thắng thiên tai, giặc giã. Phát huy truyền thống dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối ĐĐK toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc, là nhân tố căn bản tạo ra sức mạnh vô địch để ngăn ngừa, đánh thắng cả thù trong và giặc ngoài, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

TS NGUYỄN HỮU DŨNG

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam