Tăng sức hút cho diễn tập thực binh
Từng tốp máy bay mô hình đủ loại: OV10, F-22, F-18… gầm rú giữa không gian vắng lặng của làng quê Đồng bằng Bắc Bộ. Chúng rải truyền đơn, thả khói, "điên cuồng" bắn tên lửa, thả bom cháy nổ, thả lính dù. Phi đội chiến đấu cơ mô hình với chức năng không khác ngoài đời thật đã tăng sự cuốn hút cho buổi diễn tập thực binh khu vực phòng thủ xã Yên Khánh, huyện Ý Yên. Tham dự buổi thực binh, cựu chiến binh Vũ Văn Túy xúc động nói: “Buổi diễn tập này làm tôi nhớ lại những ngày quân và dân Nam Định chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Hàng trăm lượt máy bay Mỹ xuất kích từ hạm đội 7 ngoài Biển Đông, trút bom đạn hòng xé nát bầu trời thành Nam. Thế nhưng, chúng đã bị quân và dân Nam Định đánh trả tơi bời, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên chiến thắng “Điện Biên phủ trên không”.
Tại buổi diễn tập hôm nay cũng vậy, mọi chiến thuật của địch đều bị thất bại. Máy bay địch lần lượt bị lực lượng phòng không của ta bắn hạ. Trung tá Phạm Thanh Ca, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Ý Yên phấn khởi nói: “Máy bay mô hình hiện là một trang bị đặc biệt cho các cuộc diễn tập thực binh của Ban CHQS huyện Ý Yên. Đội bay của huyện đã có 12 người, bao gồm cả quân nhân cơ quan và dân quân tự vệ các xã. Lượng linh kiện máy bay mô hình với đủ các chủng loại, kích cỡ, có khoảng từ 40 đến 50 chiếc; bảo đảm luôn sẵn sàng hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập khu vực phòng thủ có nội dung đánh địch tiến công, đổ bộ đường không từ cấp xã đến cấp tỉnh.
Anh bộ đội trường làng trở thành “kỹ sư hàng không”
Bố đẻ của Công là cựu sĩ quan bộ đội Ra đa từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972. Ông đã truyền lửa đam mê, ý chí và nghị lực Bộ đội Cụ Hồ cho Công ngay từ nhỏ khi tỉ mỉ chỉ dẫn vót từng thanh tre, dán từng mảnh giấy để làm diều với đủ hình thù: Diều bướm, diều mặt trăng, diều con quạ… để rồi sau khi tốt nghiệp THPT, nối nghiệp bố, Quốc Công tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nhờ học tập, rèn luyện tốt, từ chiến sĩ trinh sát, Công được chuyển quân nhân chuyên nghiệp và được điều về làm nhân viên văn thư của Ban CHQS huyện Ý Yên.
Đầu năm 2014, khi tham dự cuộc diễn tập của huyện Ý Yên, chiếc máy bay mô hình bay lượn thể hiện chiến thuật tấn công của địch khiến Công mê mẩn. “Lúc đó tôi nghĩ, tại sao mình không tự sản xuất máy bay mô hình? Vậy là tôi quyết tâm sản xuất chiếc máy bay đầu tiên", Công chia sẻ.
 |
Thượng úy QNCN Đinh Quốc Công (bên phải) giới thiệu tính năng của máy bay mô hình. |
Nghĩ thì đơn giản, nhưng bắt tay vào thực hiện, Công nhận thấy có rất nhiều vấn đề đặt ra, ví như: 90% vật liệu, linh kiện điện tử để thiết kế máy bay mô hình điều khiển từ xa đều phải nhập từ nước ngoài làm tăng giá thành từng sản phẩm. Vậy là, Công bỏ thời gian tìm tòi, nghiên cứu thay thế một số nguyên liệu, vật liệu, linh kiện điện tử sẵn có trong nước, như: Sử dụng miếng nhựa sim điện thoại làm bộ phận kéo bản lái, sản xuất mạch điều tốc chính trên mô hình... để giảm chi phí.
Đầu tháng 4-2015, lần đầu tiên cầm chiếc máy bay mô hình tự sản xuất, Công hồi hộp mang ra bay thử. Mô hình vừa bay lên được vài giây liền bổ nhào xuống làm gãy cánh. Tuy thiệt hại nặng trong lần đầu “xuất quân”, nhưng Công vẫn vui vì mô hình máy bay cũng đã cất cánh.
Thất bại lần đầu vẫn nối tiếp các thất bại, nhẹ thì hỏng hoàn toàn vỏ máy bay khi va đập, nặng hơn thì rơi xuống nước gây cháy chập đồ điện, thậm chí bay mất mô hình. Nhưng điều này không làm Công nản chí. Rút kinh nghiệm sau những thất bại, Công đã làm chủ công nghệ và thuần thục trong tự vận hành được mô hình bay trên không; có thể chế tạo, lắp ráp bất cứ mẫu máy bay chiến đấu, máy bay dân dụng nào ngoài thực tế bằng các loại nguyên liệu plastic, composite, gỗ, gỗ đề can, xốp đề can...
Mô hình chiến đấu cơ “Made in Quốc Công”
Với suy nghĩ "người ta làm được sao mình không làm tốt hơn?", Công lên ý tưởng cho một ước mơ mà có lẽ rất nhiều đội ngũ kỹ sư, nhà nghiên cứu công nghệ cũng chưa dám nghĩ tới, đó là tích hợp các tính năng giống ngoài đời (tiếng động cơ; các chức năng, như: Thả dù, thả bom, bắn tên lửa, rải truyền đơn…) cho máy bay mô hình để chúng thực sự là một chiến đấu cơ. Công lại lao vào nghiên cứu tìm hiểu sức tải của từng loại động cơ thích hợp với loại mạch điều tốc, pin, loại cánh có độ dài, độ xoắn cánh và cấu hình mới, phù hợp với chủng loại máy bay có diện tích cánh, kích thước cánh, chọn riêng cho các chủng loại mô hình có tích hợp giả lập một cấu hình đồ điện thích hợp. Đặc biệt, Công đã thành công khi tìm hiểu các hóa chất, các ô xít kim loại mang tính ô xi hóa cao và học hỏi kinh nghiệm của các cán bộ trong ngành chế tạo chất nổ, pháo hoa trong quân đội để tự sản xuất được các loại bom, tên lửa cháy nổ, khói màu cho hệ thống giả lập, bảo đảm an toàn từ khâu sản xuất, chế tạo, bảo quản, vận chuyển và sử dụng, hoàn toàn không độc hại cho môi trường. Quốc công tâm sự: “Nếu không xuất phát từ niềm đam mê, quyết tâm ban đầu và sự khích lệ động viên của cơ quan, gia đình thì tôi cũng đã bỏ dở quá trình nghiên cứu, thử nghiệm”.
Để cho ra đời chiếc máy bay mô hình tích hợp đầy đủ các chức năng, Công đã trải qua hàng trăm lần thất bại, nhẹ thì tiền trăm nghìn, nặng thì tiền triệu. Đồng lương ít ỏi, nên có những tháng, Công không đưa về cho vợ con được đồng lương nào, thậm chí còn xin cơ quan cho ứng lương để phục vụ quá trình nghiên cứu, chế tạo. Nhiều lúc nghe vợ “cằn nhằn” chuyện tiền bạc, các cô giáo nhắc chuyện nộp học phí, tiền ăn cho con muộn... Công tự cảm thấy mình là người chồng, người cha chưa tròn trách nhiệm. Nhắc đến chuyện này, chị Mai Thị Hà Giang, vợ Quốc Công cười bảo: “Lúc đầu em cũng phản đối dữ lắm! Nhưng sau em cũng bị đam mê và khát vọng của anh Công chinh phục. Thế là số tiền vợ chồng tích cóp từ lúc cưới-với dự định xây nhà, cũng “đội nón ra đi" theo các cánh bay sau những lần thử nghiệm của chồng".
Sau thời gian hơn một năm nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, chế tạo, thử nghiệm, cuối năm 2015, “chiến đấu cơ” của Quốc Công được thủ trưởng các cấp quyết định đưa vào áp dụng trong công tác huấn luyện, diễn tập chiến đấu phòng thủ cụm xã Yên Phong, huyện Ý Yên. Nhớ lại lần đầu làm “phi đội trưởng”, Công kể: “Trước giờ bay, tim em cứ đập thình thịch, mồ hôi càng túa ra ướt áo. Đến khi nghe lệnh máy bay xuất kích, cả nhóm ai cũng lóng ngóng thực hiện nhiệm vụ. Khi máy bay bay lên bầu trời và tâm trí mọi người hòa chung cùng đường bay theo các giai đoạn chiến đấu thì chúng em như rũ bỏ được áp lực tâm lý ban đầu. Về sau, các thao tác kỹ thuật càng trở lại thuần thục. Nhóm bay đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của thủ trưởng giao. Trận đầu ra quân thắng lợi mang đến một niềm vui vô bờ bến cho các thành viên trong phi đội. Đặc biệt hơn, các chiến đấu cơ đã đưa các buổi diễn tập đến sát thực tế, thu hút sự tập trung, góp phần nâng cao chất lượng diễn tập của đơn vị”.
Bộ sáng kiến, cải tiến "Hệ thống bắn tên lửa, thả bom cháy nổ, thả dù, rải truyền đơn, thả khói màu... áp dụng cho máy bay mô hình điều khiển từ xa phiên bản cải tiến" đã được trao Bằng khen với thành tích đạt giải A trong Hội thi "Sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện Quân khu 3 năm 2016"; Bằng khen với thành tích đoạt giải Nhất-Nhóm sáng kiến trong Hội thi "Sáng kiến cải tiến mô hình, trang thiết bị huấn luyện toàn quân năm 2016”; đồng thời được Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định cấp bằng chứng nhận.
Thiết nghĩ, trong điều kiện còn nhiều hạn chế về kinh phí thì mọi cán bộ, chiến sĩ rất cần nuôi dưỡng đam mê nhiệt huyết như Thượng úy QNCN Đinh Quốc Công để tạo ra những sáng kiến có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện và khả năng SSCĐ ở từng cơ quan, đơn vị...
Bài và ảnh: VIỆT HÀ