Vượt nhiều gian khó để nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật chèo

Tuổi thơ Cao Ngọc Sơn gắn với miền quê Thanh Liêm (Hà Nam). Gia đình anh không có ai theo con đường nghệ thuật, chỉ làm nông thuần túy. Gia cảnh thiếu thốn đủ đường, bố mất sớm, một mình mẹ anh nuôi 5 đứa con. Cậu bé Sơn chăm lo lao động phụ giúp mẹ, có những hôm trời nắng chang chang vẫn ra đồng mò cua, bắt ốc bán lấy tiền ăn học. Tuy nhiên, mọi vất vả lo toan thường nhật tan biến khi anh được nghe mẹ và bà con thôn xóm hát chèo. Càng nghe càng thích, rồi ngâm nga í a thế thôi chứ trong tâm trí cậu bé Ngọc Sơn khi đó không hề nghĩ đến việc đứng trên sân khấu…

Học hết THCS, do hoàn cảnh quá khó khăn, Ngọc Sơn phải thôi học lên tận Sơn La, Lai Châu xa xôi chặt mía thuê. Nhưng rồi duyên trời định, trong một lần về thăm quê, anh sang nhà ông chú chơi. Ông chú khi ấy đang nghe radio phát thông báo Đoàn Chèo Hà Nam vừa thành lập sau khi tách tỉnh và đang tuyển diễn viên vừa học, vừa làm. Biết cháu mình có giọng hát hay, lại tích cực trong các hoạt động văn nghệ, ông chú động viên Sơn thử sức. Hàng trăm người trong tỉnh đến thi tuyển mà đoàn chèo chỉ lấy đúng 30 người. Nhưng Sơn đã… thi trượt! Lãnh đạo Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Hà Nam khi đó thấy Cao Ngọc Sơn có chút năng khiếu nên đặc cách cho học dự thính. Bằng sự nỗ lực và tài năng tự thân, ít tháng sau, Ngọc Sơn trở thành học viên chính thức, được giao diễn trích đoạn “Cu Sứt huyện tể” do NSND Mạnh Tuấn truyền dạy. Anh được phân công vào kíp 4, sau một tuần thực hành, nhờ tiếp thu nhanh, Sơn được thầy Tuấn đưa lên kíp 1.

 Đại úy, NSƯT Cao Ngọc Sơn thực hiện bộ ảnh quảng bá album đầu tay “Ơn đức sinh thành”.  Ảnh: MINH HẠNH   

Sự thành công đến với Ngọc Sơn “thần tốc” tới mức chính anh cũng không ngờ. Mới chân ướt chân ráo làm học viên mà anh được đoàn cử đi đua tài tại cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng, chèo toàn quốc. Lần “ra quân” đầu tiên trong nghiệp diễn, diễn viên Ngọc Sơn đã để lại ấn tượng mạnh cho người xem. 16 tuổi, nặng 30kg, anh đã có thể cầm cái quạt to tướng, hát hay, múa dẻo khiến nhiều khán giả và ban giám khảo sửng sốt. Năm đó, trong số rất nhiều diễn viên chọn trích đoạn “Cu Sứt huyện tể” chỉ có anh giành giải.

Thành công với vai hề nhưng Ngọc Sơn không tự mãn với những gì mình đã làm được. Anh luôn muốn làm mới bản thân nên không ngại khó thử vai đào, kép, lão, mụ. Năm 2003, anh tham dự Cuộc thi tài năng trẻ sân khấu toàn quốc với vai người chồng trong trích đoạn “Vợ chồng thuyền chài”. Chàng trai Ngọc Sơn 22 tuổi đóng vai ông lão 80 tuổi yêu cô gái đôi mươi khiến nhiều đồng nghiệp ngạc nhiên. Rồi anh tiếp tục thử sức ở vai chính-dạng vai đòi hỏi diễn nội tâm, thể hình đẹp, vũ đạo đẹp, như vai Cao Lang trong vở “Trầu cau”.

Tính ra trong 11 năm công tác ở Đoàn Chèo Hà Nam, Ngọc Sơn giành được 4 huy chương bạc ở các hội diễn. Thành tích này thật đáng nể phục nếu biết cuộc sống diễn viên chèo tỉnh lẻ không hề dễ chịu, không hề có cảnh ăn sung mặc sướng, lụa là gấm vóc, xe đưa xe đón như nhiều người tưởng. Nhớ lại quãng thời gian gian khó đã qua, Ngọc Sơn kể lại với tâm trạng bùi ngùi xúc động. Nhiều ngày anh phải ăn rau muống, tóp mỡ để lấy sức mà tập, mà diễn. Lương thấp, Ngọc Sơn phải làm đủ nghề, lắm lúc lên đoàn tập còn tranh thủ giờ nghỉ thêu ren kịp trả hàng để lấy tiền tiếp tục học văn hóa nâng cao trình độ và sống với đam mê nghệ thuật chèo.

Ham học hỏi, rèn luyện để xứng danh nghệ sĩ - chiến sĩ

Năm 2007, Cao Ngọc Sơn về “đầu quân” cho Nhà hát Chèo Quân đội. Trong môi trường quân đội, Ngọc Sơn luôn cố gắng rèn luyện để xứng đáng làm người nghệ sĩ-chiến sĩ của “chiếu chèo bộ đội” đã vang danh với bề dày truyền thống. Chỉ cần học tập, huấn luyện cùng anh một thời gian ngắn ở Lớp huấn luyện quân sự Cơ quan Tổng cục Chính trị đợt 2 năm 2013, chúng tôi đã biết rõ anh là người rất siêng năng, chịu khó, chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, chuẩn mực lễ tiết tác phong. Là nghệ sĩ đấy nhưng Ngọc Sơn làm bài kiểm tra chính trị, hoàn thành các nội dung huấn luyện nghiêm túc; kết thúc lớp huấn luyện, anh thuộc số ít học viên đạt kết quả giỏi. Bận rộn đi diễn phục vụ quân dân khắp mọi miền đất nước, tích cực hoạt động đoàn với chức vụ Bí thư Chi đoàn cơ sở Nhà hát Chèo Quân đội nhưng anh vẫn thu xếp hoàn thành việc học đại học. Tấm bằng loại giỏi vừa học vừa làm diễn viên sân khấu kịch hát do Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội cấp đã minh chứng cho nỗ lực, sự chuyên cần vốn là bản tính của anh.

Điểm đáng quý ở Ngọc Sơn là anh rất say nghề. Nhiều lần tiếp xúc với anh, mới để ý ở bất cứ nơi nào, dù là hát vui giữa nhóm nhỏ anh em bạn bè thân thiết, hễ cất tiếng hát anh đều cố gắng không hát phô, hát như đang trên sân khấu thật sự. Còn khi ở trên sân khấu, anh hóa thân hết mình với vai diễn, khóc-cười theo số phận nhân vật; cốt làm sao diễn và hát đạt nhất, làm thỏa mãn người xem. Kỷ niệm đáng nhớ của Ngọc Sơn là một lần biểu diễn phục vụ quân và dân ở Bắc Ninh. Đang trong lúc chuẩn bị biểu diễn với vai chính thì không may anh bị ngã gãy ngón tay. Nhưng anh vẫn nén đau biểu diễn để không “vỡ” chương trình. Đến cảnh cuối, diễn viên nữ không biết anh bị ngã nên đoạn diễn xúc động nhất vở khi hai nhân vật tay nắm tay, chị đã nắm mạnh khiến anh đau đớn khôn xiết nhưng không dám phản ứng sợ ảnh hưởng đến cảm xúc người xem.

Cho tới khi tham gia diễn trong vở chèo “Tiếng hát vùng mê thảo” tranh tài tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013, Ngọc Sơn đã ghi thêm vào bảng thành tích cá nhân huy chương bạc thứ 7. Vì thế, bạn nghề tếu táo phong anh danh hiệu “vua về nhì”. Nhưng ai cũng tin, với tài năng cùng lòng yêu nghề của một người sinh ra để hát chèo, sớm muộn anh cũng sẽ giành được cho mình tấm huy chương vàng danh giá trong một vai diễn lớn. Niềm tin yêu, kỳ vọng của khán giả và đồng nghiệp được Ngọc Sơn đáp lại xứng đáng khi trong hai năm, anh giành được hai huy chương vàng qua vai Đạt trong vở “Điều đọng lại sau chiến tranh” tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2014 và vai Tiến “Ánh sao đầu núi” tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc năm 2016. Với hơn 20 năm trong nghề và những thành tích đạt được, Đại úy Cao Ngọc Sơn ở tuổi 38 vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NSƯT năm 2019. Đây là phần thưởng xứng đáng dành cho những nỗ lực vượt khó trên sàn tập… Trời phú cho Ngọc Sơn dây thanh khỏe nhưng để trở thành diễn viên chèo có tiếng, anh phải luôn tìm tòi lối diễn, cách hát, tạo ra tính cách nhân vật riêng biệt, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng.

Sau khi chinh phục hai tấm huy chương vàng cao quý của nghề diễn, thử thách mới lại đến với anh khi lãnh đạo Nhà hát Chèo Quân đội thống nhất chuyển anh sang làm trợ lý tổ chức biểu diễn thuộc Phòng Nghệ thuật. Đại tá, NSƯT Vũ Duy Từ, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho biết: “Nhiệm vụ của trợ lý tổ chức biểu diễn là kết nối các đơn vị, cá nhân trong và ngoài quân đội thực hiện nhiệm vụ tổ chức để anh chị em nghệ sĩ biểu diễn; trong đó có cả những chương trình biểu diễn có thu để tăng thêm thu nhập cho mọi người. Lãnh đạo Nhà hát Chèo Quân đội đã cân nhắc, quyết định điều động Cao Ngọc Sơn đảm nhận công việc này bởi anh có khả năng tổ chức quán xuyến và ngoại giao tốt”.

Nhận công việc mới từ năm 2017, Cao Ngọc Sơn đi lại như con thoi với công văn giấy tờ và bao việc hành chính để tìm kiếm thêm nhiều hợp đồng biểu diễn cho đơn vị. Nỗ lực của anh được ghi nhận khi thời gian qua, anh chị em nghệ sĩ Nhà hát Chèo Quân đội đi diễn ở bất cứ đâu cũng có thể an tâm vì công tác chuẩn bị đã được tổ chức chu đáo.

Ít nhận vai diễn hơn bởi muốn nhường lại sân khấu để các đồng nghiệp trẻ tuổi thể hiện tài năng, nhưng Cao Ngọc Sơn vẫn đắm đuối với nghệ thuật chèo. Đó là nguyên do để anh cho ra mắt album chèo đầu tay “Ơn đức sinh thành” tri ân các đấng sinh thành, hướng người nghe đến lòng hiếu thảo, từ bi bác ái. Tạm rời xa ánh đèn sân khấu, hằng ngày, anh vẫn luyện thanh, tập luyện giữ gìn vóc dáng để sẵn sàng nhận các vai diễn khó khi được nhà hát yêu cầu. Cao Ngọc Sơn tâm niệm, dù công việc nào đi nữa, được cấp trên, đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến, anh đều cố gắng hoàn thành tốt bằng tất cả sức lực của mình để xứng danh là người nghệ sĩ-chiến sĩ. 

TRẦN HOÀNG HOÀNG