Trước khi lên Đàm Thủy, tìm hiểu thông tin, nói thật, tôi không mấy ấn tượng. Đường nhỏ chật, lầy lội, nhiều “ổ gà, ổ voi”. Cả xã chẳng có lấy một nóc nhà cao tầng; gương mặt người dân lầm lũi, vất vả. Xã không có nhà nghỉ, còn hỏi ở nhờ thì ai cũng tỏ ra rất “cảnh giác”. Nhưng "thực mục sở thị" tôi thực sự ngỡ ngàng. Đàm Thủy bây giờ như bừng lên sức sống mới, hiện hữu ngay trên đồng ruộng và gương mặt thân thiện của mỗi người dân. Nhà cao tầng in hình bóng núi, đường rộng thênh thênh, ruộng nương xanh thẳm, sông suối tràn trề sức sống. Trung tâm xã đã có dáng dấp của một đô thị du lịch trẻ.

Chiếc xe ô tô 7 chỗ của chúng tôi bon bon trên những con đường bê tông nông thôn mới thăm các làng, bản quanh Khu du lịch thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, chùa Phật tích Trúc Lâm, Trường Mầm non Lũng Phiắc... Việc đi lại tưởng như rất đơn giản này cách đây mấy năm chỉ có… ngựa mới làm được. Đường đổ bê tông dày dặn hai xe tránh nhau thoải mái. Hai bên đường có cột đèn, chập tối đã lung linh sáng. Từ trên cao nhìn xuống làng, bản như được dệt bằng những dải ánh sáng. Xã còn có khu vui chơi giải trí và ẩm thực rất quy mô. Bước tới đây nhiều người ngỡ lạc vào phố cổ. Dễ thấy niềm hy vọng của Đàm Thủy đón một triệu lượt khách/năm rất có cơ sở thành hiện thực.

leftcenterrightdel
Đồng chí Mê Văn Đạt (thứ hai, từ trái sang) cùng các đại biểu thăm giống lúa mới.

Thăm Đồn Biên phòng Đàm Thủy, Trung tá Trần Mạnh Hà, Phó đồn trưởng cho biết: "Trong tương lai gần, quy hoạch của Khu du lịch thác Bản Giốc còn được mở rộng. Nếu lấy thác Bản Giốc là tâm điểm thì bán kính khu du lịch có thể rộng từ 5 đến 7km. Sau này, ô tô sẽ tập kết trong các bãi đỗ tập trung của xã, vào khu du lịch chỉ có các loại xe điện và phương tiện giao thông không gây ô nhiễm môi trường. Viễn cảnh này sẽ trở thành hiện thực khi sản phẩm du lịch liên quốc gia “Khu cảnh quan thác Bản Giốc” đi vào hoạt động". Hỏi đến Thượng tá Mê Văn Đạt, anh Hà nói: “Phải gọi điện hẹn trước, không là ông này cũng hay đi bản lắm”.

Mê Văn Đạt xuất thân trong một gia đình đông con, nghèo khó ở xã miền núi Hưng Đạo thuộc huyện Bảo Lạc. Anh đã phải tự lập từ rất sớm nhưng vẫn kiên trì học tập. Năm 1984, anh xung phong nhập ngũ khi mới 16 tuổi, vừa vào lớp 10. Sau nhập ngũ, xét thấy anh đủ tiêu chuẩn về trình độ văn hóa cũng như sức khỏe, Bộ tư lệnh BĐBP tiếp tục cử anh đi học văn hóa. Rồi anh thi đỗ vào Học viện Biên phòng và học hết chương trình đại học. Đến năm 1990, ra trường, anh xin vào Đồn Biên phòng Cô Ba, nơi xa xôi, vất vả nhất thời đó để công tác. Những năm tháng sau đó, Mê Văn Đạt xung phong đến công tác ở Đồn Biên phòng Cốc Pàng và Đồn Biên phòng Sóc Giang… Đó đều là những nơi xa xôi và khó khăn của mảnh đất Cao Bằng. Tôi thở dốc: “Nghe đến những địa danh đấy đã thấy chóng mặt rồi, tại sao anh lại cứ phải xung phong đi xa đến vậy? Còn vợ con anh? Họ nghĩ gì?”. Anh cười rất hiền kể rằng, chị vợ hiện nay vẫn đang công tác ở xã Hưng Đạo. Vợ chồng, con cái thỉnh thoảng cuối tuần mới có dịp gặp nhau ở TP Cao Bằng. Sống và yêu thương trong xa cách dường như đã trở thành thói quen và nếp sống của gia đình anh Đạt. Vợ chồng anh từng phải gửi con cho một người bạn ở TP Cao Bằng để các cháu có điều kiện học hết phổ thông. 

Cách đây mấy năm, ít ai có thể nghĩ Đàm Thủy dám đặt mục tiêu về đích xây dựng nông thôn mới và trở thành thị trấn du lịch vào năm 2020. Bởi trước đó, tình trạng khai thác lậu quặng mangan của dân bản Lũng Phiắc diễn ra rất nóng khiến chính quyền địa phương bất lực. Khi được tăng cường về Đàm Thủy, với vai trò là Bí thư Đảng ủy xã, Thượng tá Mê Văn Đạt nói với dân rằng: "Thác Bản Giốc là bạc trắng, quặng mangan là vàng đen. Vàng đen ăn mãi rồi sẽ hết, còn bạc trắng chúng ta có thể khai thác muôn đời". Thời đó, người dân Lũng Phiắc không cho đó là lời nói đúng. Họ lẩn tránh, thậm chí còn dọa dẫm mỗi khi bí thư vào thăm bản. Không nản lòng, Mê Văn Đạt cứ tìm vào, cứ vận động, lâu dần dân cũng hiểu.

Anh Đạt nhớ lại: “Tôi là con nhà nông dân nên nhìn cảnh ruộng đồng hoang hoải thấy xót xa lắm. Trong xóm thì nhà dột nát, trẻ em bỏ học, người nghiện nằm ngổn ngang… Môi trường ô nhiễm, cả xóm trông tan hoang như bãi đào vàng. Tôi quyết tâm phải dừng ngay việc tàn phá này lại”. Anh Đạt nhận định, người dân Lũng Phiắc cơ bản đều tốt, nhưng do tình trạng xa cách với chính quyền xã và nhiều bức xúc lâu không được giải quyết nên mâu thuẫn nảy sinh; việc khai thác quặng cũng chỉ vì sinh kế, nếu mình hướng dẫn bà con cách làm hiệu quả hơn thì bà con sẽ không làm quặng nữa. Thế là, anh lặn lội đi mua cây, con giống giúp bà con; hướng dẫn bà con làm. Lúc đó, ông Hoàng Văn Bột, một người cầm đầu gây rối, nói: “Nếu mùa này không đủ ăn thì bí thư phải đền dân”. Anh Đạt khảng khái nhận lời. Năm đó, lần đầu người dân Lũng Phiắc làm lúa hai vụ. Vụ đông năng suất yếu hơn nhưng về tổng thể cũng hiệu quả hơn làm quặng. Lòng dân đã an. Anh lại tiếp tục vận động các tổ chức, đoàn thể và đặc biệt là BĐBP vào giúp bà con Lũng Phiắc. Trong vòng hai năm, thôn Lũng Phiắc đã có đủ điện, đường, trường, trạm, cây con giống mới, được hưởng nhiều ưu đãi trong xóa đói giảm nghèo. Anh được dân tin từ đấy.

Bí thư Mê Văn Đạt không thỏa mãn với thành công bước đầu. Anh nghĩ cơ sở vật chất là yếu tố quan trọng nhưng quyết định thành công phải là yếu tố con người. Vậy là anh đề xuất với Đảng ủy xã và cấp trên đưa cán bộ đi học tập, đào tạo tại nhiều trường. Kết quả, từ lực lượng cán bộ xã có 50% trình độ dưới lớp 7, đến nay, 100% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ (trong đó 8 người tốt nghiệp đại học, 2 người có bằng cao đẳng và 11 người học xong trung cấp). Công tác xây dựng Đảng cũng được tổ chức và thực hiện bài bản, hiệu quả. Đảng bộ có 215 đảng viên sinh hoạt ở 23 chi bộ. Bí thư Mê Văn Đạt rất tâm đắc với lực lượng đảng viên này, anh nói: “Chính họ đã tạo nên diện mạo cho xã Đàm Thủy hôm nay”.

Trong cuộc vận động dân hiến đất làm đường nông thôn mới xuất hiện nhiều tấm gương với tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau” như: Hoàng Văn Bột (từ một người chống đối đến một thành viên tích cực của các cuộc vận động), Lý Văn Phảy, Hoàng Ích Thìn… ở các chi bộ: Bản Cái, Bản Chang, Nà Đeng, Lũng Luông. Bên cạnh đó, các đảng viên cũng đi đầu vận động nhân dân làm đẹp thôn bản, như: Làm đèn đường, di dời chuồng trại, làm cầu kiên cố, tham gia gìn giữ an ninh trật tự, góp phần tạo sự an tâm cho du khách mỗi khi ghé thăm thôn, bản. Hiện nay, ngoài nông nghiệp, người dân Đàm Thủy đang dần chuyển dịch cơ cấu sang làm các sản phẩm du lịch, dịch vụ (có 400/1.222 hộ). Xã đã xây dựng mô hình bản dân tộc Tày truyền thống (14 hộ) để phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm; nhiều cơ sở lưu trú homestay đủ tiêu chuẩn phục vụ du khách trong nước và quốc tế. 3 năm gần đây và dịp tháng 10, tại xã Đàm Thủy còn có Lễ hội du lịch thác Bản Giốc với nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, thương mại, hội diễn… thu hút hàng chục nghìn lượt du khách.

Đồng chí Phạm Văn Cao, Bí thư Huyện ủy Trùng Khánh nói: “Đồng chí Mê Văn Đạt là tấm gương về tinh thần tận tụy với dân. Trong công tác, đồng chí đi sâu đi sát, giúp bà con ổn định đời sống. Đồng chí có nhiều sáng kiến trong gìn giữ an ninh trật tự và bảo đảm an sinh xã hội. Ví dụ, vận động bà con đưa chuồng trại ra ngoài khu dân cư thành công nói lên sự tin tưởng của nhân dân với đồng chí. Đất ở Đàm Thủy ít, thói quen để chuồng trại gần nhà của dân đã có từ lâu đời. Nhưng vì tin tưởng đồng chí Đạt nên người dân hiến đất làm chuồng trại tập trung cách xa nơi ở đến cả cây số, giữ được mỹ quan khu dân cư lại đạt thành tích xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, đã có nhiều bản ở Đàm Thủy làm được việc này. Đàm Thủy là xã biên giới, mọi việc làm phải rất cẩn trọng, chính xác và khoa học. Huyện Trùng Khánh rất cần những cán bộ như đồng chí Mê Văn Đạt”.

Được biết, Mê Văn Đạt là trường hợp duy nhất mà Huyện ủy Trùng Khánh đề nghị với Đảng ủy BĐBP tỉnh Cao Bằng giữ lại để giúp địa phương thực hiện nhiều mục tiêu lớn của xã và huyện. Bởi anh là người đi đầu trong nhiều phong trào làm lợi cho dân.

BOX: Từ năm 2014 đến 2019, Thượng tá Mê Văn Đạt đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2016 được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bằng khen vì có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2011-2015); năm 2017 được Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác dân tộc...

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG