Miên man với những điều Thật nói, tôi đã chạm chân lên hiên nhà ông Lộc. Biết chúng tôi có ý tìm hiểu về mình, ông Lộc cười hiền, mắt ánh lên niềm vui. Đón chén nước lá rừng từ tay ông, tôi đưa mắt nhìn quanh phòng khách, có rất nhiều giấy khen, bằng khen, huân chương kháng chiến mang tên ông và cả vợ ông. Riêng tấm bằng Gia đình vẻ vang do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam - Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký ngày 22-7-1972, màu giấy, nét chữ đã cũ mờ theo thời gian, được ông Lộc treo trang trọng nơi chính giữa căn phòng.

leftcenterrightdel
Ông Lộc (đứng giữa) trò chuyện với lãnh đạo xã Mông Sơn và Trưởng thôn Làng Mới tại nhà văn hóa thôn.

Nghe câu chuyện của ông Lộc kể, biết cha ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1940, hy sinh năm 1946 khi ông vừa tròn 1 tuổi. Mẹ tần tảo nuôi ông ăn học. Là thanh niên ưu tú, năm 1966, ông được mời làm cán bộ Văn phòng của xã. Mối thù thằng Tây giết cha và lòng nhiệt thành yêu nước của một thanh niên công giáo sống trong cảnh nước mất, nhà tan thôi thúc ông tình nguyện lên đường nhập ngũ năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông được biên chế vào đơn vị C2 - D5- E236 - F361, Trung đoàn bộ. Năm 1970, ông được bầu làm Bí thư Chi đoàn C2 - D5 - E236 - F361, kết nạp Đảng trong quân đội. Ông bị thương ở chiến trường Trị Thiên Huế, lui về tuyến sau. Năm 1975, hòa bình lập lại, ông được xuất ngũ trở về địa phương, bắt tay vào tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình…

Chiến tranh không lấy đi của ông Lộc một phần cơ thể nhưng chất độc da cam cùng những ảnh hưởng của nó theo thời gian làm ông mù hẳn mắt trái; 2 người con trai ông lớn lên cũng tật bệnh mà qua đời. Kinh qua những hy sinh mất mát lớn lao của dân tộc từ 2 cuộc trường chinh vệ quốc, hơn ai hết ông Lộc thấu hiểu giá trị của hòa bình, độc lập.

Giấu nỗi đau vào trong, người lính già ấy vẫn ngày ngày nỗ lực cho cuộc sống vốn nhiều phần khó khăn, chật vật hơn người. Ông bảo: “Mình thiếu con mắt, thiếu sức khỏe nhưng tinh thần thì không thể tật nguyền”. Gia đình ông luôn tích cực, gương mẫu tham gia các phong trào chung của địa phương, hằng năm được bầu chọn là hội viên mẫu mực, tuổi cao gương sáng.

Năm 2011, Mông Sơn trở thành xã đầu tiên của huyện Yên Bình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng sự kêu gọi của địa phương chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, ông Lộc và gia đình đã tình nguyện hiến tặng địa phương 860 m2 đất để làm đường bê tông và xây dựng nhà văn hóa thôn Sơn Thủy (nay là thôn Làng Mới), ước trị giá hơn 300 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Văn Lộc nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tại lễ công bố xã Mông Sơn đạt chuẩn nông thôn mới.

Chỉ cho tôi xem tấm bằng khen mới nhất treo trên tường nhà, ông Lộc bảo: “Tấm bằng khen này của Chủ tịch UBND tỉnh tặng gia đình ông đã có đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng nông thôn mới của xã. Ông được vinh dự nhận nó cuối năm 2017 tại lễ công bố xã Mông Sơn đạt chuẩn nông thôn mới. Vinh dự lắm!”.

Sức yếu, thị lực giảm, ông Lộc chỉ có thể đỡ đần vợ con việc nhà hay chăm con lợn con gà. Ngoài niềm vui ấy, kể từ khi nhà văn hóa của thôn được xây dựng xong, ông Lộc dành ra mỗi tuần 1 buổi đều đặn quét dọn vệ sinh công trình văn hóa của thôn. Ông tự nguyện làm công việc này không ngoài ý thức giữ cho nơi sinh hóa văn hóa chung của bà con luôn sạch đẹp. Trước mỗi buổi họp thôn hay các sự kiện sinh hoạt cộng đồng tổ chức tại nhà văn hóa, ông lại tỉ mỉ lau dọn, kê xếp từng chiếc bàn, chiếc ghế thật gọn gàng, ngay ngắn.

Bà Bùi Thị Phượng – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Làng Mới rất tự hào khi nói về ông Lộc. Bà chia sẻ: “Gia đình chú ấy vất vả lắm. Con trai út mới chết bệnh vài năm, ông bà hiện giờ đang ở với con dâu và các cháu. Ông bà nghèo nhưng tấm lòng quảng đại, bao dung, tinh thần trách nhiệm cao trước việc của thôn của xã. Những việc chú Lộc làm có tầm ảnh hưởng lớn, khơi dậy trong thôn phong trào tự nguyện, tự giác đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường giao thông nông thôn”. 

Từ chối nhã ý của thôn muốn gửi ông một số tiền nhỏ do nhân dân đóng góp giúp gia đình bớt khó khăn, ông Lộc bộc bạch: “Những việc chúng ta làm hôm nay có thấm tháp gì đâu với sự hy sinh máu xương của cha anh đã đổ. Mỗi người biết hy sinh, cố gắng một chút, cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn”.

Đón cơn gió hồ Thác mát lành thổi vào lòng núi, làm dịu vợi cái nắng hanh hao, chia tay người lính già ấy, tôi mang theo về nỗi niềm khắc khoải của ông, ấy là mong sao sớm được hưởng chế độ ưu đãi của nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, để những năm tháng tuổi già tật bệnh vơi bớt nhọc nhằn…

Bài, ảnh: PHẠM HÀ