Tuổi thơ với điện ảnh

Giải phóng thủ đô, tôi chưa nói sõi. Thỉnh thoảng mợ tôi cho hai chị em đến cửa hàng thiếu nhi ở đầu phố Hoàn Kiếm mua sách truyện, đồ chơi. Khi ra bến tàu điện Bờ Hồ, thấy cái xe có thùng chiếu phim chỉ cần trả 2 xu là kiễng chân chúi đầu ghé mắt vào cái ống nhỏ ở thành cái thùng để xem. Phim do người chủ xe quay tay, nhưng chỉ khoảng vài phút tàu điện đến là phải bỏ ngang để lên tàu, tiếc ngẩn ngơ.

Khoảng năm 1958, đầu phố Phó Đức Chính có một bãi chiếu bóng có tên gọi bãi ciné Yên Phụ, lưng bãi là phố Yên Phụ, phía trước là đầu đường Cổ Ngư (đường Thanh Niên ngày nay). Bên tay trái là đồn công an Yên Phụ. Bãi Yên Phụ gần khu An Dương, Phúc Xá, ngoài phố Yên Phụ còn có làng Yên Phụ, làng Nghi Tàm, làng Quảng Bá. Phía khu chúng tôi có làng Ngũ Xã, phố Trúc Bạch, phố Phó Đức Chính, phố Châu Long, phố Cửa Bắc, phố Phạm Hồng Thái, phố Hàng Bún… nên tối nào bãi ciné Yên Phụ cũng rất đông người xem.

Tôi có người cậu hơn tôi hai tuổi và em trai kém tôi hai tuổi. Ba cậu cháu chị em và những đứa trẻ trang lứa cùng phố dường như là khán giả thân quen của bãi ciné Yên Phụ. Trưa nào đi học về cũng đọc lịch chiếu phim viết bằng bột màu trong tấm giấy dán trên cái bảng bằng gỗ treo ở thân cây xà cừ trước cửa quầy bán rau mậu dịch chợ Châu Long.

Mỗi sáng đi học, mợ tôi cho hai hào để ăn sáng. Hôm nào có phim hay là tôi để dành 5 xu để buổi tối mua vé xem phim. Tất nhiên phải học bài về nhà xong mới được phép đi xem phim.

Đã mê xem phim thì phim Việt Nam hay phim nước ngoài đều thích thú, nhưng nhiều nhất vẫn là phim của Liên Xô cũ…

Lúc đầu mợ tôi không cho con gái xem phim ở bãi, nhưng có người cậu và em trai đi cùng nên tôi may mắn được chấp nhận.

Mùa hè trăng soi, gió lành, tâm trạng thơ thới, nhưng chẳng may hôm có mưa thì ngồi rúm ró như mèo bị nhúng nước, nước mưa thấm vào mắt cay xè vẫn cố nhướng lên màn ảnh. Nếu trời mưa to quá thì buổi chiếu phim phải dừng lại.

leftcenterrightdel
 Poster phim Giải phóng. Ảnh của xưởng Mosfilm.

Đến với bãi ciné Yên Phụ là như đi vào thế giới điện ảnh Xô Viết nói chung của nước Nga nói riêng. Tuổi thơ chúng tôi được biết đến một thế giới khác, mở ra trí tuệ nghệ thuật, khoa học cho chúng tôi. Chúng tôi say, mê, yêu, quý vô cùng. Thời kỳ đầu chiếu những bộ phim truyện kể về công cuộc xây dựng đất nước Xô Viết khi mới giải phóng châu Âu, như các bộ phim: Trên cao, Ngẩng đầu, Cơn gió lốc, Trái tim, Anh sẽ đi tìm, Đêm Giao thừa…

Mê phim Liên Xô và phim của Nga đến nỗi có ai đó đã đọc hẳn loạt tên phim thành vần: “Ngẩng đầu” anh đứng “Trên cao”, gặp “Cơn gió lốc” đi vào “Trái tim”, ngày mai “Anh sẽ đi tìm”, “Người thứ 41” trong “Đêm Giao thừa”… còn dài nữa nhưng đã qua sáu thập niên tôi không nhớ hết. Bọn trẻ tụi tôi hồi đó đều biết bài thơ này. Cạnh nhà tôi có cu Hiên mỗi lần tung tăng từ trong sân qua cái cổng dài gần 20m là ngêu ngao đọc oang oang ra tận ngoài phố, bọn con trai thỉnh thoảng ngồi túm tụm dưới gốc cây bàng đồng thanh đọc. Mợ tôi nghe vậy lẩm bẩm “Mấy thằng ranh, đang giữa trưa ngồi hát ầm ĩ”, tôi không khỏi phì cười.

Tháng 4 năm 1964, máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá miền Bắc, những gia đình sống trong các con phố gần nhà máy điện và nhà máy nước Yên Phụ đều nhận lệnh của chính quyền phải sơ tán khỏi thành phố. Tuổi thơ tôi chia xa bãi ciné Yên Phụ từ đó. Nhưng tôi vẫn nhớ tên nhiều Xưởng phim: Xưởng phim Mosfilm, Xưởng phim Lenfilm, Xưởng phim Gorky, Xưởng phim Kiev, Xưởng phim Sverdlovsk, Xưởng phim Litva, Xưởng phim Tallinnfilm, Xưởng phim Odessa, Xưởng phim Rīgas, Xưởng phim Moldova, xưởng phim Thanh thiếu niên…

Từ bãi chiếu bóng Yên Phụ này, lần đầu tiên tôi biết đến nghệ thuật múa ballet qua bộ phim Cái chết của con thiên ngaCô bé Lọ lem. Rộng hơn nữa là được thấy những kiến trúc, cảnh quan, sông Volga êm ả, rừng bạch dương ngút ngát, những ngôi nhà gỗ truyền thống, ánh sáng êm dịu mùa thu vàng nước Nga mềm ngọt sánh như mật ong. Được nghe tiếng đàn Balalaika. Được thấy cái ấm Xamova bằng đồng trong các gia đình Nga, thấy những con lật đật Ksucha mũm mĩm, mắt tròn xoe. Những cánh đồng lúa mì trải dài, biết đến rượu, món thịt nướng. Thấy Cung điện mùa đông kiến trúc hoành tráng, thấy Quảng trường đỏ và nhà thờ thánh Basil trên mỗi hạng mục kiến trúc kỹ xảo tinh hoa đều có chóp tròn nhọn kiểu củ hành màu sắc sặc sỡ đẹp có một không hai trên thế giới, thấy những buổi duyệt binh trong những ngày kỷ niệm chiến thắng phát xít. Từ những bộ phim tài liệu và những bộ phim truyện của Nga đã hình thành một kho hình ảnh đất nước Nga trong bộ nhớ tuổi thơ của tôi cho đến nay.  

Một rừng phim Nga mà tôi đã xem thời niên thiếu cho đến về già không thể nhớ hết tên phim. Đó là lý do cứ thấy rạp nào chiếu phim Nga là không thể bỏ lỡ.

Khi còn trẻ, thậm chí tôi xem 3 tập phim “Con đường đau khổ” đến lần thứ 3 thì thuộc hết toàn bộ lời thuyết minh phim.

Điện ảnh Nga- nghệ thuật trí tuệ bác học  

Thủa còn thơ dại đi xem phim chỉ biết phim hay thì mê, thì say. Sau này trưởng thành mới hiểu thế nào là sáng tạo trong nghệ thuật điện ảnh. Thế nào là kỹ năng diễn xuất. Hiểu giá trị nghệ thuật điện ảnh, thực sự không thể dùng lời, dùng ngòi bút đánh giá hết được. Tên diễn viên hóa thân vào vai diễn nào trong bộ phim nào vẫn trẻ mãi trong tâm khảm của tôi.

Liên Xô cũ nói chung và nước Nga nói riêng đã tạo ra một hệ thống truyền bá giáo dục đến người xem bằng điện ảnh từ những bộ phim chuyển tải ý nghĩa nhân văn. Thể loại phim phong phú: Tài liệu, khoa học, chính trị, lịch sử, chiến tranh, dã sử, tâm lý xã hội, phim hài, phim ca nhạc, ballet, thần thoại, cổ tích, hoạt hình…

Cách lột tả tính cách nhân vật của diễn viên Nga luôn tác động người xem nhớ đến từng chi tiết. Từ tuổi “oe con”, tôi học hỏi nhiều từ văn hóa ứng xử, phong cách ăn uống, thời trang xưa của phụ nữ Nga. Khi xem phim Otello tôi đã yêu thích bộ tóc vàng bồng bềnh đến nửa lưng của nàng Desdemona, do Irina Skobtseva đóng. Mặc dù là vai diễn đầu tiên trong sự nghiệp diễn viên, nhưng Irina Skobtseva thể hiện nàng Desdemona không chỉ đẹp như vầng trăng, có tình yêu trong như pha lê, bước đi như lướt trên cỏ. Thủa ấy tôi mơ ước sau này lớn lên sẽ để mái tóc như của Desdemona.   

leftcenterrightdel
 Poster phim Con đường đau khổ.

Với 3 tập phim “Con đường đau khổ”, tôi như bị thôi miên vì nhan sắc và cách diễn của hai nữ diễn viên chính là Rufina Nifontova trong vai Katya Bulavina (người chị) và Nina Veselovskaya trong vai Dasha Bulavina (em gái), đẹp như thiên thần in đậm trong tâm hồn tuổi thơ của tôi. Tôi cũng ảnh hưởng trang phục của hai nhân vật này. Khi trưởng thành, tôi thường mua vải về tự cắt may những bộ đầm tương tự như thế và thường dùng nó trong các buổi dạ hội khiêu vũ và những kiểu đầm giản dị hơn để đi làm suốt mấy chục năm. Năm 2008, tôi có cơ hội sang Đức và đến thăm chị Hoài Thu -Giám đốc Trung tâm Vinaphunu ở Berlin, thấy tôi mặc đầm như phụ nữ châu Âu thời xưa chị tỏ ra ngạc nhiên và thích thú. Chỉ mới đây thôi, vào cuối tháng 10-2020, tôi đang đứng chọn mua hoa lan ở quầy hoa trong siêu thị Kaufland ở Hamburg thì một bà người Đức khoảng 70 tuổi đứng sau vai tôi cười thân thiện: “Oh, ich finde ihr Kleid einfach, aber wunderschön” (Ồ, tôi thấy bộ đầm này của bà giản dị nhưng tuyệt đẹp), bà nhắc đi nhắc lại “Sehr sehr schön” (Rất rất đẹp).  

Tình yêu nước Nga xưa và nay

Nước Nga với những kịch bản điện ảnh văn học sâu sắc, đạo diễn sáng tạo trí tuệ bay bổng, diễn viên kiệt xuất dựng lên những tác phẩm điện ảnh trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại giải phóng châu Âu, vì nền hòa bình thế giới.

Tôi tự hào là một người Việt Nam lớn lên trong một đất nước thân thiện với nước Nga từ gần thế kỷ qua. Nhờ đó mà từ thời còn để tóc đuôi gà tôi đã biết đến nước Nga, yêu người Nga từ những bộ phim truyện của Nga. Cũng từ quan hệ hữu nghị Nga – Việt như ngọn lửa tình yêu xuyên suốt nhiều thế hệ người Việt, là nhịp đập của hai trái tim luôn hòa cùng một nhịp.

Trong tôi luôn nuôi dưỡng một chuẩn mực về tình yêu điện ảnh Nga, những tác phẩm nghệ thuật thứ bảy siêu việt. 

Thế rồi các nước Cộng hòa Xô Viết chia ra thành các quốc gia riêng. Tôi tưởng rằng không bao giờ được gặp lại người Nga trên màn ảnh nữa. Nhưng điều kỳ diệu của quan hệ hai nước Nga – Việt vẫn nguyên vẹn. Đài Truyền hình Việt Nam vẫn chiếu phim của Nga. Tôi vui quá, cảm động muốn bật khóc. Những gương mặt thân quen người Nga yêu quý của tôi đây rồi.  

Sau này, có thêm Truyền hình Nhân dân, có lần nói chuyện với chị Mai - cán bộ biên tập của Đài truyền hình, tôi bày tỏ ước muốn Truyền hình Nhân dân chiếu nhiều phim Nga. Chị Mai nói: “Sẽ là như vậy, cô sẽ được xem phim Nga trên truyền hình Nhân dân”.

Phim Nga phát sóng trên truyền hình giống như một câu lạc bộ online cho người Việt và người Nga có cơ hội gặp nhau vậy. Mỗi lần xem phim Nga là tôi quên hết mệt nhọc trong ngày, dù có phiền não gì cũng không còn khi mà các diễn viên Nga đang đối thoại với tôi từ màn ảnh qua cuộc đời mỗi nhân vật. Tuy vẫn là phim cũ, nhưng những câu chuyện được kể trong phim vẫn hấp dẫn, vẫn sống động. Diễn xuất của các diễn viên mãi mãi là những bài học vô giá với các thế hệ diễn viên Việt Nam, và không thể tính giá trị bằng tiền đối với những khán giả như tôi.  

Tôi chưa bao giờ có cơ hội bày tỏ tình cảm sâu nặng của mình với những nhà làm phim của Nga. Bài viết này là cơ hội tôi tri ân đến tất cả diễn viên điện ảnh Nga. Một điều rất chân thành, mỗi khi nghĩ đến chân dung của các nghệ sĩ điện ảnh Nga là nước mắt lại ứa ra, luôn ao ước được nhìn thấy các nghệ sĩ trên màn ảnh qua những bộ phim Nga như những tượng đài tồn tại mãi với thời gian.

NGUYỄN THỊ TRÂM (CHLB Đức)