Những ấn tượng đặc biệt
Tiếp chúng tôi trong căn nhà ấm áp ở quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Đào Xuân Thọ tâm sự: “Không chỉ riêng tôi, những người đã từng đến học tập ở Liên Xô trước đây, nước Nga sau này đều có chung nhận xét về con người đất nước xứ sở bạch dương rất thân thiện, bình dị và một xã hội rất văn minh. Tuy thời gian học của tôi tại Liên Xô chỉ hơn 4 năm nhưng đó là khoảng thời gian rất quý, giúp tôi tích lũy nhiều kiến thức, kinh nghiệm và cảm nhận được tình đoàn kết, hữu nghị, tương trợ lẫn nhau của bạn dành cho ta”.
Mùa Thu năm 1981, Thượng úy Đào Xuân Thọ tự hào khi được chọn cử sang Liên Xô đào tạo. Ông vẫn như in giây phút bước xuống từ chiếc máy bay II-86, được thấy nền văn minh mà cứ nghĩ “thiên đường” của thủ đô Moscow. Những rào cản về mặt tâm lý, ngôn ngữ dường như xóa nhòa khi đoàn học viên Việt Nam đón nhận những tình cảm, sự đón tiếp trân trọng, nồng hậu của nước bạn. Vốn được học tiếng Nga từ lớp 5 nên ông có thể nghe và giao tiếp thông thường với các bạn Liên Xô những lần đầu gặp gỡ. Ông nhớ bữa ăn đầu tiên ở ký túc xá của Học viện Quân chính Lênin có những quả táo được hái từ đồi Lenin. Hỏi ra mới biết, đây là ngọn đồi mà bất kỳ ai cũng có thể đến, tham quan, hái táo theo nhu cầu. Một mô hình rất nhân văn, tốt đẹp của xã hội Liên Xô thời bấy giờ.
 |
Thiếu tướng Đào Xuân Thọ, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân. Ảnh: HỒNG GIANG
|
Được học tập ngay thủ đô Moscow, nên dịp nghỉ hè, nghỉ Đông, nhà trường cho phép học viên Việt Nam đi tham quan. Những địa danh: Quảng trường Đỏ, Điện Kremli, những đại lộ thênh thang, tháp chuông nhà thờ vút cao, những trường đại học kiến trúc cổ kính, kỳ vĩ, những dòng sông hiền hòa… không thể nào phai mờ trong tâm trí ông. Càng có dịp tiếp xúc với người dân Liên Xô, ông cảm nhận được tình cảm dạt dào, sự nhiệt tình của bạn dành cho ta.
Ông nhớ lại: “Ở Liên Xô, khi đi mua thực phẩm có văn hóa xếp hàng. Điều khiến tôi ấn tượng mãi đó là người dân Liên Xô luôn nhường chỗ cho các học viên Việt Nam được lên đứng trước. Họ giải thích rằng, những sĩ quan Việt Nam qua Liên Xô là rất quý, thời gian có hạn nên cần được ưu tiên. Hoặc như, khi có việc phải đi taxi, người dân Liên Xô ân cần chỉ dẫn địa chỉ, thậm chí căn dặn tài xế đưa đến vị trị thuận lợi nhất để học viên Việt Nam có thể di chuyển đến địa điểm tiếp theo. Việc tưởng đơn giản nhưng sâu thẳm bên trong chính là tình cảm nồng ấm của người dân Liên Xô dành cho người Việt Nam”.
Với Thiếu tướng Đào Xuân Thọ, điều để lại ấn tượng mạnh mẽ về cuộc sống ở Liên Xô là hệ thống tàu điện ngầm của Liên Xô. Không đơn thuần chỉ là những điểm trung chuyển của những chuyến tàu, hệ thống ga tàu điện ngầm ở đây còn được ví như cung điện cổ tích với vẻ đẹp lộng lẫy đến choáng ngợp bởi kiến trúc ấn tượng và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Mỗi ga tàu là một công trình kiến trúc văn hóa độc đáo phản ánh lịch sự hình thành, phát triển của Liên Xô có tranh, tượng, công trình kiến trúc… và không giống nhau ở các ga. Đi trên hệ thống này, con người luôn tự giác trong mua vé. Và bất cứ lúc nào, người dân Liên Xô luôn thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ người nước ngoài đến học tập, công tác tại Liên Xô.
Nhiều bài học sâu sắc
Giai đoạn 1981-1985, đồng chí Đào Xuân Thọ học tại Học viện Quân chính Lênin ngành Chính trị phòng không. Với đặc thù của ngành học, lớp của ông chỉ có ba học viên sĩ quan Việt Nam. Cũng như những thế hệ sinh viên nước ngoài học tập tại Liên Xô, thời gian đầu phải tập trung học tiếng Nga. Ông kể: “Tiếng Nga có lẽ là ngôn ngữ khó học nhất mà bắt đầu ngay từ bảng chữ cái khác hoàn toàn với chữ cái Latinh. Do tôi đã được học tiếng Nga từ lúc phổ thông nên đỡ vất vả hơn. Với chúng tôi, cô giáo Tarasova Natalia Mikhai Lopna ví như người chị thân thiết tận tình hướng dẫn, chỉ bảo chúng tôi học tiếng Nga. Cô chỉ hơn chúng tôi vài tuổi. Sự nhẹ nhàng, tận tâm của cô giúp chúng tôi nhanh chóng hoàn thành chương trình học ngôn ngữ”.
Theo lời ông kể, cô giáo cũng rất nghiêm khắc nêu hạn chế của ông và đồng đội trong học tiếng Nga là phát âm thường bị lỗi đơn âm nên cô rèn rất nhiều để có thể đọc chuẩn nhất có thể. Cô cũng lồng ghép dạy từ vựng, ngữ pháp với tập kể chuyện, học những đoạn văn, tập hát các bài hát Nga nên học viên Việt Nam có thêm hứng thú với học tiếng Nga. Mỗi người có một phương pháp học, cách tiếp thu khác nhau nhưng đoàn học viên Việt Nam đã đủ chuẩn hoàn thành chương trình học tiếng Nga. Những năm học sau, cô Tarasova Natalia Mikhai Lopna vẫn gắn kết với lớp học chính trị của ông và dạy bổ trợ tiếng Nga một lần/tuần.
Trong thời gian học chuyên ngành chính trị phòng không, ông rất tâm đắc những bài học giáo viên Liên Xô đã truyền dạy. Bài học đúc kết chính là phải giáo dục cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc mối quan hệ giữa con người và vũ khí trang bị kỹ thuật trong chiến đấu. Từ đó, bồi dưỡng, rèn luyện tâm lý, bản lĩnh chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ để phát huy tối đa tính năng kỹ thuật của vũ khí, khí tài. Ông lấy ví dụ, chẳng hạn dù bất kỳ tình huống nào, phải bồi dưỡng, rèn luyện cho pháo thủ pháo phòng không hoặc người điều khiển tên lửa tâm lý chủ động rằng “ta đang đánh máy bay địch” và “sẽ đánh được địch”…
 |
Đồng chí Đào Xuân Thọ (giữa) cùng các cựu chiến binh Liên Xô năm 1983. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Bên cạnh đó, điều khiến ông và đồng đội rất cảm phục chính là tinh thần, thái độ giảng dạy của các giáo viên Liên Xô rất cởi mở, chân tình, sẵn sàng cùng học viên thảo luận, giải quyết cặn kẽ mọi vấn đề của nội dung học. Các giáo viên “không giấu nghề”, truyền đạt một cách tốt nhất với mong muốn giúp Việt Nam có được lực lượng cán bộ chính trị trong quân đội chất lượng nhất. Hiểu được tâm lý, những khó khăn của học viên Việt Nam, thầy cô giáo đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau, kết hợp học cụ, giúp ông và đồng đội tiếp thu được kiến thức tốt nhất. Nhiều lần, thầy trò Xô-Việt đã phải mất nhiều thời gian để thảo luận, thống nhất những vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng lý thuyết chính trị quân sự. Ông tâm đắc: “Lúc đó, chúng tôi động viên nhau phải cố gắng học thật tốt để đáp lại tâm sức giáo viên Liên Xô và sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước, quân đội ta. Ngoài ra, với các tài liệu giảng dạy của Liên Xô là dạng mật nên không cho phép học viên mang ra ngoài. Chúng tôi phải tập trung học trên giảng đường với ghi nhớ cao nhất để sau này về nước, bản thân sẽ là “tài liệu quý” truyền đạt thế hệ tiếp theo”.
Ông nhớ những lần đi học thực tế tại các trường về kỹ thuật phòng không, kỹ thuật thông tin… ở Leningrad (nay là Sant Peterburg). Ông rất ấn tượng với trình độ sử dụng vũ khí, khí tài của cán bộ, chiến sĩ nước bạn. Bản thân ông đang học ở cấp chiến dịch, chiến lược nhưng phải nắm vững tính năng kỹ chiến thuật của các loại vũ khí, nhất là lực lượng phòng không như pháo phòng không, tên lửa, ra-đa… và một phần không quân để có kiến thức nền cho chuyên môn. Vì vậy, những chuyến đi học thực tế là rất quan trọng và bổ ích. Đi đến những đơn vị này, mọi người đều bày tỏ niềm ngưỡng mộ đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, khen Bộ đội Việt Nam giỏi, chiến tranh nhân dân Việt Nam lập nhiều kỳ tích. Nhiều người bạn Liên Xô hỏi vui rằng, họ có biết và xem qua các bộ phim “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”… và không hiểu vì sao ở vùng nước trống trải, bộ đội Việt Nam có thể chiến thắng được kẻ địch với lực lượng đông, vũ khí mạnh hơn nhiều lần.
Ngày tháng của khóa học cũng khép lại. Ngày tốt nghiệp, ông được gắn huy hiệu quả trám. Về nước, ông về đơn vị pháo cao xạ của Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân. Trải qua các cương vị khác nhau, cao nhất là Chủ nhiệm Chính trị của quân chủng, ông đã vận dụng sáng tạo những kiến thức học tập ở Liên Xô và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần chung vào quá trình xây dựng, phát triển của bộ đội phòng không nói riêng, Quân chủng Phòng không-Không quân nói chung.
Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga, Thiếu tướng Đào Xuân Thọ cùng các đồng đội đã từng học tập tại Liên Xô họp mặt, ôn lại những kỷ niệm những ngày trên đất xứ sở bạch dương. Ông vẫn đau đáu nỗi niềm rằng, ngôi trường thời ông học ở Liên Xô đã thay đổi phiên hiệu, đến nay, ông vẫn chưa có dịp trở lại để thăm trường, thăm lại những giáo viên nặng nghĩa như người thân trong gia đình đối với ông và đồng đội. Ông nhấn mạnh: “Với tôi, những ngày tháng học tập quân sự tại Liên Xô luôn là kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là một khoảng ký ức đẹp, một mốc quan trọng giúp tôi phát triển trong sự nghiệp của bản thân. Khó có thể nói hết bằng giấy mực sự giúp đỡ đào tạo cán bộ Việt Nam của Liên Xô. Ân tình đó là sợi dây truyền thống cho tình hữu nghị bền đẹp của Liên Xô- Liên bang Nga với Việt Nam”.
HỒNG GIANG