Tình thầy, nghĩa bạn của xứ sở bạch dương vẫn ấm áp cho đến tận bây giờ!”, bà Trần Hồng Dung, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản lý Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” TP Hà Nội xúc động chia sẻ với tôi như vậy. 50 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về những ngày học tập tại Liên Xô vẫn ăm ắp và sâu nặng trong trái tim bà...

Nhiều lần sát cánh cùng bà trên các cung đường tri ân, thiện nguyện của Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” TP Hà Nội, tôi ngưỡng mộ bà bởi tấm lòng nhân hậu cũng như sự nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc. Dù đã ở độ tuổi thất thập nhưng 15 năm nay, kể từ khi quỹ được thành lập, bà Trần Hồng Dung cùng cộng sự luôn “cháy” hết mình với việc giúp đỡ các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn và truyền ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ. Bà thường nói, cuộc đời đã ưu ái cho mình nhiều thứ thì bây giờ có cơ hội “đền đáp”, bà mong muốn làm được càng nhiều việc thiện càng tốt. Trò chuyện với tôi, bà Trần Hồng Dung khẳng định, bà được như ngày hôm nay một phần vì may mắn được nhận sự đôn hậu từ văn hóa và tâm hồn Nga trong những tháng năm tuổi trẻ.

Bà Trần Hồng Dung (thứ ba, từ trái sang) cùng các bạn khi học tập tại Liên Xô. 

Bà xúc động kể: “Năm 1970, vừa vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào đại học thì tôi nhận được một quyết định bất ngờ: Được cử sang Liên Xô học tập. Ngày 3-8-1970, chuyến tàu hỏa đưa chúng tôi ngược lên Lạng Sơn rồi chuyển sang tàu liên vận Bắc Kinh-Moscow. Khi hồi còi tàu hú vang báo hiệu sắp rời ga cũng là lúc những âm thanh ấm áp vang lên: “Các bạn thân mến, chỉ một vài phút nữa là các bạn rời xa Tổ quốc, hãy cố gắng học tập để trở về xây dựng đất nước!”. Chúng tôi ôm nhau nghẹn ngào, một cảm giác thân thương, xúc động dâng tràn trong lòng. Nhìn những hàng cây, núi đồi dần lướt qua cửa sổ toa tàu, tôi tự nhủ, rồi đây sẽ phải nỗ lực thật nhiều để không phụ công những người đã tin tưởng mình. Đất nước còn đang bị chia cắt bởi bom đạn chiến tranh, nhiều người bạn đã từ giã giảng đường đại học để vào chiến trường. Mình sẽ phải học thay cả phần các bạn nữa!”.

Nghĩ vậy nhưng cô gái 17 tuổi Trần Hồng Dung cũng chưa hình dung hết mình sẽ phải đối mặt với những thử thách gì trên đất nước bạn. Sau khi đến Moscow, Hồng Dung cùng 200 bạn học đến thành phố Baku (thủ đô của Cộng hòa Azerbaijan ngày nay) để học dự bị một năm tiếng Nga trước khi bước vào học chuyên ngành. Khó khăn đầu tiên chính là làm quen với điều kiện thổ nhưỡng, thói quen sinh hoạt, ăn uống ở nước bạn. Có lần Hồng Dung và các bạn bị các thầy cô trêu là “mang cỏ về ăn” khi hái từ công viên về một loại rau như thứ rau muối vẫn được ăn trong những ngày đi sơ tán ở Việt Nam. Riêng Hồng Dung thì do từ khi sinh ra đã không bú mẹ nên không ăn được bơ sữa. Cô giáo Elena Andreevna, người đã dạy bà những câu tiếng Nga đầu tiên, cứ cuối tuần lại dành thời gian làm mứt, muối dưa để mang cho cô học trò nhỏ. “Không biết cô để ý từ lúc nào mà biết thói quen sinh hoạt của mình nên làm đồ ăn riêng cho mình. Nhận gói quà của cô mà tôi cảm động đến ứa nước mắt!”, bà Trần Hồng Dung nhớ lại.

Động viên trong học tập, quan tâm sát sao đến cuộc sống là những ấn tượng sâu đậm về thầy cô giáo Liên Xô của bà Trần Hồng Dung. Chính sự quan tâm chân tình của các thầy cô là động lực để sinh viên Việt Nam không ngừng nỗ lực vươn lên. Sau một năm học dự bị, bà được phân công về học chuyên ngành chế tạo máy tại Trường Cơ khí chế tạo máy ở thành phố Kharkov (thuộc Cộng hòa Ukraine ngày nay). Ngày đầu lên lớp, khi thầy giáo dạy vẽ kỹ thuật yêu cầu sinh viên vẽ chi tiết máy, do chưa từng được học qua môn này, nhìn mà không hiểu nên Hồng Dung chỉ biết ngồi... khóc. Thay vì phê bình, thầy đã hiểu ngay khó khăn của học trò và động viên bà nỗ lực học. Có lúc cả thầy và trò đều “đánh vật” với bài học bởi thầy phải giảng đi, giảng lại mãi để trò hiểu mới thôi. Để đuổi kịp chương trình, thầy tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ vào khu ký túc xá cùng trò học bài. Mỗi khi trò mệt mỏi, thầy lại động viên, nhẹ nhàng chỉ bảo. Sự kiên trì của hai thầy trò cuối cùng đã thu được thành quả, chẳng mấy chốc Hồng Dung đã theo kịp các bạn và có thể hoàn thành tốt bài kiểm tra hết học phần.

Câu chuyện “đôi giày” của cô giáo chủ nhiệm Valenchia Aleksandrovna cũng là kỷ niệm mà bà Hồng Dung không thể nào quên: “Lần đó, sinh viên Việt Nam tham gia một chương trình văn nghệ ở trường. Sau giờ học, chúng tôi tập trung tập luyện tại một phòng trong khu ký túc. Tiết mục múa sạp cần phải có giày múa nhưng không có điều kiện mua nên chúng tôi bảo nhau đi chân đất. Cô bảo vệ trong lúc đi kiểm tra đã quan sát thấy và gọi báo tình hình cho cô giáo chủ nhiệm lớp”. Lập tức, cô Valenchia Aleksandrovna đã vào thăm. Nhìn thấy Hồng Dung và các em sinh viên khác, cô thốt lên đầy lo lắng: “Ai cho các em đi chân đất? Các em có biết, không quen thổ nhưỡng thì chân phải luôn giữ ấm không?”. Và cô Valenchia Aleksandrovna yêu cầu các em sinh viên dừng tập. “Ngay hôm sau, cô mua đầy đủ cho chúng tôi mỗi người một đôi giày”, bà Trần Hồng Dung xúc động kể lại.

Ngoài những kỷ niệm sâu sắc với thầy cô giáo thì những năm tháng học tập tại nước bạn đã cho bà những người bạn quý. Sự gắn bó giữa bà và các bạn bắt đầu từ cuộc sống xa Tổ quốc. Họ chia sẻ với nhau mọi niềm vui, nỗi buồn; đến những lá thư riêng tư cũng thành “của chung”. Hồi ấy, thư tín giữa hai nước không thuận tiện như bây giờ. Vì vậy, trong những lá thư gửi về gia đình, Hồng Dung thường kể thật nhiều về các bạn học. Bởi bà biết, ở nhà, những lá thư cũng được chuyền tay giữa các gia đình có con đi xa. Sau này, cha bà kể lại, có lần ông đã đạp xe lên tận Hà Bắc (Bắc Giang ngày nay) để trao thư cho gia đình một người bạn học của bà. Những lá thư cha gửi từ Việt Nam sang luôn có dòng chữ “Hồng Dung và các cháu thương yêu”. Nhiều năm sau, những người bạn ngày ấy vẫn rất gắn bó. Họ thường xuyên thăm hỏi, chia sẻ với nhau trong cuộc sống. “Nhiều bạn học bây giờ lại đồng hành cùng tôi trong các hoạt động thiện nguyện. Người thì ủng hộ quà, người đóng góp tiền, người luôn dành thời gian cũng như tiền của để trực tiếp đi cùng tôi tới vùng sâu, vùng xa giúp đỡ những gia đình chính sách, người nghèo khó, như bà Nguyễn Thị Tơ, nguyên Giám đốc Nhà máy in Tiến Bộ (nay là Công ty TNHH một thành viên in Tiến Bộ). Chúng tôi vẫn bên nhau từ những năm tháng ở Liên Xô đến tận bây giờ. Mới đó mà đã tròn 50 năm rồi. Đó là điều vô cùng hạnh phúc với tôi!”, bà Trần Hồng Dung tự hào cho biết.

Đoàn đại biểu lưu học sinh Việt Nam thăm lại thành phố Baku, Azerbaijan năm 2015 (bà Trần Hồng Dung đứng hàng sau, thứ tư, từ phải sang). Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau 5 năm học tập tại nước bạn, năm 1975, tốt nghiệp về nước, bà Trần Hồng Dung được điều về công tác tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu máy, Bộ Ngoại thương rồi Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga. Hiện nay, bà là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ Thái Sơn, Tổng công ty Thái Sơn (Bộ Quốc phòng). Công việc đã cho bà cơ hội được quay trở lại nước Nga và tiếp xúc với người Nga nhiều lần. Ấn tượng về những người Liên Xô trước đây, người Nga hôm nay giàu tình cảm, trọng chữ tín, giữ lời hứa luôn sâu đậm trong bà. Đặc biệt, năm 2015, bà cùng 30 bạn học được Nhà nước và Bộ Đại học Azerbaijan mời sang thăm. Đi thăm lại thành phố Baku và Trường Đại học Dầu-Hóa, nơi học dự bị năm xưa, bà cảm nhận tình cảm ấm nồng mà người dân và các thầy cô dành cho đoàn. Khuôn viên trường giờ khang trang, hiện đại hơn trước nhiều. Bà đã rất xúc động khi “gặp” lại hình ảnh của mình cũng như bạn bè và nhiều thế hệ sinh viên dầu khí Việt Nam đã từng học tập tại đây trong phòng truyền thống nhà trường.

 “Nhưng rất tiếc là tôi chưa thể trở lại Kharkov để thăm thầy cô và Trường Cơ khí chế tạo máy. Mới đây, một người bạn có may mắn được về thăm trường cho tôi biết, tại tầng 1 của trường vẫn lưu giữ hình ảnh của lớp sinh viên ngày ấy. Người bạn này đã thay mặt sinh viên Việt Nam đi thăm các thầy cô giáo cũ. Không một thầy cô nào quên các học trò. Chỉ cần nhắc đến tên là những câu chuyện về chúng tôi lại sôi nổi như ngày nào dù các thầy cô cũng đã ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, vừa nói, bà Trần Hồng Dung vừa chia sẻ với tôi dự định về hành trình trở lại nước Nga cùng các bạn học thuở nào...

PHẠM THU THỦY