Từ nuôi dưỡng ước mơ phi công…
Hơn 55 năm trôi qua kể từ ngày đặt chân lên nước Liên Xô học tập, nhưng những ngày tháng đó với Đại tá, phi công, Anh hùng LLVTND. Nguyễn Văn Nghĩa, nguyên Phó sư đoàn trưởng về chính trị (nay là Chính ủy), Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không – Không quân, vẫn nguyên trong ký ức. Gần 3 năm học tại Trường Không quân Serov – Krasnodar không quá dài, nhưng với sự nghiệp một phi công thì vô cùng quý giá. Với Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa, đó lại là khoảng thời gian tự hào, hạnh phúc nhất của tuổi thanh xuân, chinh phục ước mơ làm chủ bầu trời. Giờ đây, mỗi khi nhắc lại, từng con người, câu chuyện, bài học bay… cứ chầm chậm hiện ra trong tâm trí ông như mới vừa diễn ra.
 |
Đại tá, phi công, Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Nghĩa. Ảnh: HÙNG KHOA. |
Từ nhỏ, ông đã tìm đọc nhiều câu chuyện về phi công Liên Xô với những trận không chiến huyền thoại. Ông rất ngưỡng mộ kỳ tích của các anh hùng không quân Xô Viết như: A.I. Pokryshkin, Yuri Mikhailovich Khukhrikov, Arkhirenko Fyodorovich… Và chính những giai thoại ấy là động lực để ông nuôi ước mơ trở thành phi công chiến đấu. Bước ngoặt làm bạn với “cánh én bạc”, kết nối với bầu trời đã thành hiện thực khi tháng 6-1965, ông trúng tuyển đào tạo phi công. Càng tự hào hơn, đến tháng 7-1965, ông và một số đồng đội được chọn đi đào tạo phi công tại Liên Xô.
Ông kể: “Chúng tôi qua Liên Xô bằng đường tàu nên được chiêm ngưỡng cảnh vật của đất nước này. Đó là những cánh rừng thông, rừng bạch dương mênh mông, những dãy núi cao chọc trời mà trên đỉnh phủ màu trắng… Sau 9 ngày 9 đêm, chúng tôi đã đến được Thủ đô Moscow. Tôi không thể quên tiết trời mùa thu năm ấy khi lần được tận mắt thấy Điện Kremli, Quảng trường Đỏ…Đứng trên đỉnh núi Lênin, được ngắm nhìn toàn cảnh Thủ đô Moscow vào lúc hoàng hôn thật đẹp và kỳ vĩ”.
Khi đến Trường Không quân Serov – Krasnodar (TP Krasnodar), nhà trường chuyển đoàn học viên về sân bay Actary (một sân bay huấn luyện thuộc trường) bằng hai máy bay Li-2. Đó cũng là lần đầu tiên, chàng thanh niên Nguyễn Văn Nghĩa được ngồi trên máy bay thật. Hiện ra phía dưới, trước mắt ông là những cánh đồng lúa mì và hoa hướng dương bạt ngàn, một màu vàng ươm trải rộng. Sau vài giờ bay, ông đến Trường bay Primor Actarsk bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ. Đây là trường thực hiện các khóa đào tạo phi công ban đầu.
…đến chuyến bay đơn đầu tiên
Trong ba tháng đầu, đoàn học viên của ông được phân thành 8 lớp tiếng Nga do trực tiếp giáo viên người Nga dạy, không qua phiên dịch. Đó là thách thức lớn với ông và một số đồng đội khi không có vốn tiếng Nga từ trước. “Tuy nhiên, mọi lo lắng đã xua tan khi tôi và mọi người gặp Thiếu tá Phomin (người phụ trách giảng đường) ân cần động viên, hướng dẫn vị trí từng lớp học, giới thiệu tên giáo viên, chương trình học và nội quy. Và chính sự thân thiện, đôn hậu của giáo viên người Nga giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái tâm lý hơn, nhanh chóng bắt nhịp sinh hoạt, học tập” – ông Nghĩa nhớ lại.
Ông vẫn nhớ cô giáo Nadezda có khuôn mặt phúc hậu, tận tình chỉ dạy tiếng Nga cho học viên người Việt Nam, nhất là cách viết, cách đọc đúng trọng âm tiếng Nga. Một số chữ, cô giáo phải uốn nắn rất lâu, học viên mới đọc chuẩn. Chính sự tận tâm, nhiệt tình của các giáo viên tạo động lực để các học viên phi công như ông đề ra mục tiêu học tốt. Riêng bản thân ông xác định quyết tâm rất cao vì ước mơ phi công không thể bị ràn cản ngôn ngữ làm khó. Ông đặt chỉ tiêu mỗi ngày ít nhất 50 từ vựng tiếng Nga và tập cách phát âm cho tương đối chuẩn. Chính điều này đã giúp ông “làm chủ” được lý thuyết bay nhanh chóng.
 |
Phi công Nguyễn Văn Nghĩa hoàn thành chuyến bay đơn đầu tiên trên máy bay L-29. Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Ông và đồng đội được tiếp xúc và thực hành trên máy bay L-29. Thầy dạy giai đoạn này của ông là Aphanasev vẻ ngoài khó tính nhưng phong thái nhẹ nhàng, luôn ân cần chỉ dẫn. Ông Nghĩa cho biết: “Chìa khóa để trở thành phi công là bài bay cất, hạ cánh. Chúng tôi được thầy giáo chỉ dẫn từng bài bay rõ ràng, cặn kẽ. Sau mỗi ngày bay, tôi dành thời gian ra hang ga, xin lên buồng lái một máy bay đang chờ bảo dưỡng kỹ thuật để hình dung lại những bài bay, khắc phục những vấn đề thầy căn dặn. Cùng với sự chăm chỉ, biết lắng nghe, tích lũy kinh nghiệm kịp thời, tôi không ngừng tiến bộ”.
Trong lần bay kiểm tra để thả bay đơn, ông được bay với Phi đội trưởng, Thiếu tá Viatsokik. Từ quá trình ông mở máy liên lạc, lăn ra đường băng, xin cất cánh... dẫu có chút hồi hộp nhưng ông trấn tĩnh nhanh, thao tác chuẩn xác. Đến khi hạ cánh, Phi đội trưởng khen “Cừ lắm!” và ký vào sổ bay cho phép ông được bay đơn. Ông Nghĩa nói với niềm tự hào: “Chuyến bay đơn đầu tiên của tôi thành công tốt đẹp. Khi chỉ một mình cầm lái, bản lĩnh, kỹ năng là rất quan trọng. Trên không trung, tôi tự hào rằng, bản thân đã là một phi công quân sự như mong ước. Đó là ngày 18-5-1966 - ngày đẹp nhất với tôi khi đến xứ sở bạch dương”.
Trở thành phi công tiêm kích MiG-21
Sau khi tốt nghiệp năm thứ nhất, ông và 23 học viên Việt Nam được chọn chuyển thẳng lên đào tạo bay MiG-21. Đó là niềm tự hào và hãnh diện rất lớn đối với ông bởi MiG-21 là loại máy bay tiêm kích có tốc độ siêu thanh, hiện đại bậc nhất lúc bấy giờ của Liên Xô. Ông được thầy Zaderikhin phụ trách. Đây là một phi công rất giỏi đã đào tạo nhiều thế hệ phi công xuất sắc, trong đó có nhiều phi công của Việt Nam. Chương trình huấn luyện MiG-21 được nhà trường rất quan tâm, hướng dẫn kỹ lưỡng. Đích thân thầy Hiệu trưởng nhà trường là Thiếu tướng Romanhenko bay kiểm tra một số học viên Việt Nam để đánh giá chất lượng đào tạo. Ông được thầy Phi đội trưởng, Trung tá Kalomensky bay kiểm tra trước khi thả bay đơn. Ông đã rất tự tin thực hiện thao tác, không còn cảm giác hồi hộp như lần bay L-29. Đến khi đáp an toàn với các thao tác chuẩn xác, Trung tá Kalomensky đã khen “Được lắm”.
Ông Nghĩa nhớ lại: “Tôi được thả bay đơn trên loại máy bay MiG-21 PFM (loại một buồng lái) ngày 10-8-1967. Một mình ngồi trong buồng lái, tôi rất thấy tự hào và vui sướng vì từ đây, tôi là phi công chiến đấu trên loại máy bay siêu thanh hiện đại bậc nhất của Liên Xô. Tôi có thể tham gia chiến đấu giành độc lập cho nước nhà. Lúc đó, thầy Zaderikhin - người tôi luôn kính mến, đã rất vui, vỗ vai động viên, khen ngợi”.
Suốt quá huấn luyện, các thầy giáo Liên Xô luôn chỉ dẫn tỉ mỉ với tinh thần “không giấu nghề”. "Thầy Zaderikhin khuyên rằng, các động tác bay nhào lộn cơ bản trên MiG-21 là các miếng võ quan trọng trong những trận không chiến sau này mà chúng tôi sẽ áp dụng. Ông và đồng đội luôn động viên nhau, phải tiếp thu lời thầy sâu sắc, hoàn thành tốt các chương trình bay cuối cùng, bảo đảm an toàn đến ngày tốt nghiệp để trở về cống hiến cho Tổ quốc. Bởi lẽ, đầu năm 1968, cuộc kháng chiến ở nước nhà đã rất khốc liệt", ông Nghĩa kể.
 |
Phi công Nguyễn Văn Nghĩa (thứ ba từ trái sang) cùng đồng đội, thầy giáo Liên Xô tại lễ tốt nghiệp tháng 4-1968. Ảnh nhân vật cung cấp.
|
Lễ tốt nghiệp của ông vào ngày 8-4-1968. Các thầy đều có mặt để chia sẻ niềm vui và căn dặn những “học trò cưng”. Đối với học viên phi công, thao trường, giảng đường chính là bầu trời, chỉ có một thầy và một trò với chiếc máy bay. Các thầy giáo Liên Xô đã hết lòng truyền dạy, tận tình, chu đáo như một người bố dìu dắt những đứa con. Các thầy khuyên, dù có là phi công giỏi đến đâu thì cũng phải thường xuyên đọc sách về hướng dẫn bay để nghiền ngẫm, nghiên cứu và rèn luyện thường xuyên. Bất kỳ một sơ suất nào, cũng có thể đánh đổi bằng chính xương máu của bản thân, sự hy sinh của đồng đội và người khác.
Sau khi về nước, bằng những kiến thức, kinh nghiệm từ các thầy ở Liên Xô truyền dạy, phi công Nguyễn Văn Nghĩa đã cùng đồng đội xuất kích chiến đấu hàng trăm lần. Ông đã bắn rơi tại chỗ 5 máy bay Mỹ, bắn trọng thương một chiếc khác (sau đó chiếc máy bay này cũng rơi). Ngày 3-9-1973, Thượng úy, phi công Nguyễn Văn Nghĩa vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Nhiều năm trôi qua, Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa vẫn đau đáu một nỗi niềm khi chưa có dịp trở lại thăm những người thầy phi công Liên Xô. Lật giở từng tấm ảnh chụp cùng đồng đội, từng trang nhật ký và những kỷ vật thời còn là học viên ở Liên Xô, ông vẫn nhớ như in những buổi tối luyện tập đi đều, hát vang các ca khúc: Tiến bước dưới quân kỳ, Hành quân xa… hay những ngày hè đến tận 22 giờ mà bầu trời vẫn sáng, phải dùng vải che cửa sổ để đi ngủ ở trường không quân năm ấy. Nơi đó, bất cứ lúc nào, ông và đồng đội luôn nhận được sự chân thành, thân thiện và hỗ trợ nhiệt tình của nhân dân Liên Xô, thầy cô giáo Liên Xô.
Đại tá Nguyễn Văn Nghĩa tâm sự: “Với tôi, MiG-21 vẫn oai phong như “thiên thần” trên không trung. Nhìn MiG-21 tăng lực cất cánh với tiếng động cơ gầm vang xé không gian, kéo theo vệt lửa xanh phía sau, lao vút lên bầu trời xanh rất dũng mãnh. Mỗi lần nhìn thấy MiG-21, tôi lại đến các thầy Liên Xô như: Zaderikhin, Aphanasev… và thầm cảm ơn các thầy đã đóng góp rất lớn cho đào tạo nguồn lực phi công của Việt Nam. Từ đó, đã chung sức chiến đấu đi đến ngày độc lập, thống nhất đất nước và phát triển bộ đội Không quân ngày nay”.
HÙNG KHOA