Nhiều năm sau tôi mới biết có đài "Tiếng nói nước Nga" phát trên đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Do nghe đài TNVN từ sáng đến khuya nên tôi biết có cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử 60 năm quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga".

Cuộc thi có 6 câu hỏi thật là khó với tôi. Muốn làm bài thi này thì phải dành rất nhiều thời gian, phải suy nghĩ kỹ để xem cần đưa vào nội dung gì, nêu cho đúng các sự kiện lịch sử, lại phải chính xác về số liệu. Tôi cũng trăn trở về việc phải viết thế nào cho thể hiện được lòng yêu đất nước của lãnh tụ V.I.Lenin và tình yêu đất nước Nga, văn hóa Nga và con người Nga.

Do có tình yêu, sự biết ơn vô hạn với nhân dân Liên Xô nên gia đình tôi đã đặt mua quyển "Báo ảnh Liên Xô" và tạp chí "Phụ nữ Liên Xô". Dù mấy chục năm đã trôi qua nhưng tôi vẫn lưu trong nhà những quyển tạp chí này.

Năm 2010 có thật nhiều sự kiện đáng nhớ, trong đó có việc Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev sang thăm Việt Nam và Hà Nội kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trời Hà Nội như xanh hơn. Hoa! Hoa tràn ngập phố phường! Và đẹp nhất là những gương mặt công dân Thủ đô đi trên phố, ai cũng rạng rỡ niềm vui. Tôi ngồi viết bài thi, trong lòng rất vui, rất mừng vì thấy đây là một dịp rất tốt để tôi nói lên tình cảm, sự biết ơn của bản thân, gia đình cũng như nhân dân Việt Nam đối với Liên Xô trước đây, Liên bang (LB) Nga ngày nay.

leftcenterrightdel
Tác giả (đứng thứ hai, từ phải sang) tham gia tiết mục văn nghệ tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Để có thể hoàn thành bài thi, tôi đã đọc khá nhiều sách báo, tư liệu, phải vào Thư viện Hà Nội, Thư viện Quân đội, Thư viện Quốc gia Việt Nam… Tôi cũng phải lập kế hoạch, chia thời gian để đảm bảo các công tác xã hội khác. Từ “thư viện gia đình”, tôi ngồi hàng đêm cắt, dán, ghi chú… . Bài thi của tôi được viết tay hoàn toàn. Tôi cũng sưu tầm được cả mấy chục bài hát Nga được người Việt Nam hát, các bài thơ Nga được người Việt Nam lưu truyền, danh mục các tác phẩm văn học Nga viết về chiến tranh (1914-1945) và hòa bình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tại gia đình tôi cũng có quyển "Thép đã tôi thế đấy" của tác giả Nikolai Alekseyevich Ostrovsky; tác phẩm của Anton Chekhov, Mikhail Sholokhov, Maxim Gorky … Trong bài dự thi, tôi không viết nhiều mà chỉ tập trung vào phần minh họa về các sự kiện, về sự tương đồng lý thú giữa hai nước.

Bài thi của tôi nặng 1,2 kg. Tôi gửi bài thi hết 1.200.000 đồng, một bức thư sang Moscow hết 685.000 đồng. Để làm bìa cho bài dự thi, tôi lấy ảnh Quảng trường Đỏ, Quảng trường Ba Đình, cây bạch dương và cây tre! Bù lại cho sự miệt mài, sưu tầm kỳ công, tôi đã giành được giải cao nhất cuộc thi. Gia đình tôi được đón nhà báo Nhật Linh (chương trình Đối ngoại của VTV4 – Đài Truyền hình Việt Nam) đến thăm và ghi hình.

Tôi được ông V. Buyanov, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt Nam, trao phần thưởng tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt – Xô. Tôi và gia đình cũng được gặp bà Elena Vadimovna và một số cán bộ đài "Tiếng nói nước Nga". Đó là kỷ niệm sâu sắc, vui vẻ của gia đình tôi.

Chín năm nay tôi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Bạch Dương vào chiều thứ Tư hàng tuần tại Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội. Chúng tôi đến đây để tập các bài hát Nga, đi giao lưu với các sinh viên khoa tiếng Nga, hát trình diễn vào các dịp lễ kỷ niệm của nước Nga. Từ trong gia đình đến bạn bè, khi giao lưu, tôi luôn chú ý tuyên truyền ca ngợi nước Nga và văn hóa Nga. Thậm chí, tôi còn mua các đĩa nhạc Nga tặng cho mọi người.

Năm nay, đất nước ta có nhiều ngày kỷ niệm lớn, trong đó có lễ kỷ niệm 70 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và LB Nga. Dù thời gian trôi qua bao lâu đi chăng nữa thì sự quý trọng, biết ơn sâu sắc của người Việt Nam đối với Liên Xô/LB Nga sẽ không bao giờ thay đổi.

Nói đến Liên Xô/LB Nga, lòng tôi bao giờ cũng trào lên những cảm xúc tốt đẹp: vừa yêu quý, gần gũi và biết ơn sâu sắc. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng Việt Nam thật may mắn khi có người bạn lớn là Liên Xô/LB Nga: người bạn thủy chung son sắt, trước sau như một, khó có thể lấy gì để so sánh. Gia đình tôi và cá nhân tôi mãi mãi yêu đất nước Nga cũng như tự hào, tin tưởng vào tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Nga. Tôi sẽ cố gắng góp sức mình để vun đắp cho quan hệ Việt - Nga ngày càng tốt đẹp hơn.

Mặc dù xa xôi về địa lý, nhân dân hai nước Việt Nam và Nga lại có sự tương đồng về tấm lòng nhân hậu, biết quý trọng các giá trị lịch sử của mỗi nước và của thế giới. Lãnh tụ V.I. Lenin đã từng ở lều cỏ, còn Bác Hồ của chúng ta cũng từng ở lán lợp lá cọ ở núi rừng Việt Bắc.

leftcenterrightdel
Tác giả (đứng ngoài cùng bên phải) chụp cùng ông E.P. Glazunov và bà Liliya năm 2010 nhân dịp đoàn người Nga sang thăm Việt Nam. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Tôi yêu đất nước Nga rộng lớn, con người Nga đôn hậu. Tôi yêu nền văn hóa phong phú của nước Nga: Các điệu múa ba lê, các vở nhạc kịch có các nhân vật không lẫn với bất cứ nước nào, những bộ phim kinh điển về chiến tranh… Tôi cũng thấy mình may mắn khi được gặp Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt Nam V. Buyanov, nhà Việt Nam học và Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga - Việt E.P. Glazunov (đã mất năm 2019) và bà Liliya ở Quỹ Hòa bình của Nga...

Dù năm nay tôi đã 79 tuổi nhưng vẫn cố gắng dự thi vì mỗi lần viết là được hiểu thêm về người bạn lớn - LB Nga, là một lần nhắc nhở về việc cần góp phần giữ gìn mối quan hệ trong sáng, tốt đẹp giữa hai nước.

Việc tham gia cuộc thi viết về quan hệ Việt - Nga là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời tôi. Trong gia đình tôi có hơn 20 người từng sang Nga học tập, công tác. Khó có thể nói hết được tình cảm của tôi đối với Liên Xô/LB Nga. Tôi chỉ muốn nói mãi rằng tôi yêu đất nước Nga, con người Nga và văn hóa Nga và sẽ cố gắng nhiều nhất có thể để truyền tình yêu đó đến gia đình và bạn bè.

Tôi và gia đình mãi mãi biết ơn nhân dân Nga.

BÙI THỊ NGỌ