Chỉ một bức ảnh nhưng gợi lại cho Thượng tá Phan Đức Lạc rất nhiều ký ức ở nơi tuyết trắng xa xôi. Rồi ông kể lại cho chúng tôi những kỷ niệm đẹp bằng chất giọng hồ hởi như được trở về “thời thanh niên sôi nổi”. Tháng 9-1980, chàng trai xứ Nghệ Phan Đức Lạc trúng tuyển phi công được về học tại Trường Dự bị bay Không quân, Quân chủng Không quân (nay là Quân chủng Phòng không-Không quân). Một năm sau (năm 1981), anh được lựa chọn sang Liên Xô đào tạo. Mùa thu đầu tiên trên đất nước bạn thật đẹp. Trong khuôn viên Trường Đại học Hàng không Ki-ép, những rừng cây lá vàng trải thảm khắp con đường. Đoàn học viên quân sự Việt Nam được học kiến thức cơ bản. Kết thúc năm học thứ nhất, học viên được lựa chọn học tập chuyên ngành tại Trường Ky-rô-vô-grat, Phan Đức Lạc theo học chuyên ngành dẫn đường trên không máy bay vận tải An-24 và An-26.

Thượng tá Phan Đức Lạc xem lại bức ảnh chụp thời kỳ học tập tại Liên Xô. Ảnh: VŨ DUY

Bước vào huấn luyện chuyên ngành khá vất vả. Các nội dung lý thuyết mới rất phức tạp. Học viên được trang bị đầy đủ lý thuyết bay, xử lý bất trắc trên không, khí tượng, dẫn đường, kỹ thuật hàng không... Lịch học bắt đầu từ 9 giờ sáng, kết thúc lúc 14 giờ. Quá trình học, ai cũng phải nỗ lực, phấn đấu, bởi nếu không đáp ứng được yêu cầu mà phải về nước sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của bản thân và cả danh dự của Tổ quốc. Thế nên, đã bước vào học, tất cả đều tranh thủ lĩnh hội kiến thức từ giáo viên, tích cực nghiên cứu tài liệu, trao đổi sôi nổi. Hết giờ trên giảng đường, học viên nghỉ ngơi, tự học, đến 16 giờ tham gia các hoạt động thể thao. Đào tạo một phi công quân sự yêu cầu không chỉ có kiến thức, kỹ năng, trình độ, kinh nghiệm mà phải có thể lực tốt. Thế nên, anh em trong lớp động viên nhau cố gắng rèn luyện thể thao hàng không, sau đó chơi đá bóng. Những trận đấu bóng vừa tạo tinh thần thoải mái, vừa gắn kết các học viên với nhau.

Học tập lý thuyết đã căng thẳng, khi chuyển sang học tập chuyên ngành càng vất vả hơn. Dưới sự kèm cặp của thầy, học viên được học tập buồng lái tỉ mỉ, cụ thể. Những chuyến bay đầu tiên để lại ấn tượng khó quên trong học viên trẻ. Trực tiếp hướng dẫn nội dung thực hành bay là thầy Chi-chia-cốp. Thầy là người dạn dày kinh nghiệm, tác phong làm việc dứt khoát, khẩu lệnh rõ ràng. Thầy Chi-chia-cốp căn dặn rằng, là phi công quân sự thì ngoài kiến thức, kỹ năng cần phải có bản lĩnh. Hoạt động trên không mang tính đặc thù cao, vì vậy người phi công lúc nào cũng phải vững vàng để có thể xử trí mọi tình huống xảy ra.

Quá trình thực hành bay có những tình huống đã minh chứng lời thầy dạy. Đó là lần học viên Phan Đức Lạc cùng đồng đội tham gia chuyến bay đêm với thầy. Hôm đó, 21 giờ, học viên nhận đề bài, sau đó về làm công tác chuẩn bị, vẽ sơ đồ, nắm các thông số, địa tiêu, địa vật, sân bay chính thức, sân bay dự bị. 23 giờ, đoàn học viên lên máy bay cất cánh. Chuyến bay thực hiện các nội dung huấn luyện theo đúng hiệp đồng. Khi máy bay vòng về hạ cánh thì thời tiết diễn biến xấu, gió thổi mạnh, tuyết rơi dày khu vực sân bay chính. Lần đầu gặp phải tình huống đó, học viên hết sức lo lắng. Nhưng thầy đã bình tĩnh xử trí, báo cáo chỉ huy bay sau đó xin phép vòng về sân bay dự bị hạ cánh. Ngồi trong phòng chờ, cả thầy và trò cùng theo dõi chặt chẽ điều kiện khí tượng; khoảng hai giờ sáng, thời tiết tốt hơn mới cất cánh trở về. Đó là một trong rất nhiều tình huống phát sinh trong quá trình bay. Khi về giảng bình, thầy phân tích cặn kẽ giúp học viên nắm được cách thức xử trí. Nhờ thầy mà học viên Phan Đức Lạc cùng đồng đội được trang bị thêm một bài học quý giá. Chính vì thế, những lần học tập tiếp theo là quá rèn luyện bản lĩnh, tâm lý, nâng cao trình độ chuyên môn cho học viên.

Nếu như thầy Chi-chia-cốp nghiêm nghị thì thầy Si-rô-cốp lại rất hài hước, hóm hỉnh. Trước khi vào bài học, bao giờ thầy cũng kể chuyện vui, tạo không khí sôi nổi, thoải mái. Thậm chí, thầy còn làm trò chơi đảo tay để gây tiếng cười cho học viên. Thầy Si-rô-cốp thuộc nhiều ca dao, tục ngữ Việt Nam. Lớp học viên ngày ấy rất bất ngờ khi thầy đọc những câu như “Tôn sư trọng đạo”, “Không thầy đố mày làm nên”. Rồi thầy Si-rô-cốp giảng giải về tình thầy trò rất sâu sắc, ý nghĩa. Ông Lạc vẫn nhớ như in lời thầy nhắn nhủ: “Dù ở Việt Nam hay ở Liên Xô thì người thầy đều mong muốn những điều tốt đẹp nhất đối với học trò. Các em là “truyền nhân” của chúng tôi, vì thế sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi người là niềm vui của người thầy. Hãy cố gắng học tập tốt cho bản thân và học thay cả những bạn bè ở Việt Nam để sau này về phục vụ Tổ quốc”. 

Trong suốt thời gian học tập ở Liên Xô, các học viên quân sự Việt Nam nhận được tình cảm đặc biệt của cô giáo chủ nhiệm Ta-chi-ren-cô. Cô dáng người đậm, mắt sáng, miệng luôn tươi cười khi nói chuyện. Cô chủ nhiệm dạy tiếng Nga nhưng rất am hiểu văn hóa Việt Nam. Thương những người học viên học tập xa quê hương, vào dịp cuối tuần cô mời các em về nhà ở vùng ngoại ô. Lớp trưởng Phan Đức Lạc cùng các bạn đi làm vườn thu hoạch dâu tây, khoai lang với gia đình cô giáo. Đó là những khoảng thời gian dã ngoại vô cùng thú vị. Khu vườn xanh ngát của cô giáo có rất nhiều cây trồng, gợi cho các học viên nhớ về những cánh đồng hoa màu tốt tươi trên quê hương đất Việt. Những học viên Việt Nam khi ấy cơ bản đều xuất thân con nhà nông, vì thế khi làm vườn rất nhiệt tình và có cảm giác gần gũi, thân thuộc như ở quê mình. Sau giờ làm vườn, trong căn nhà nhỏ, mọi người quây quần cùng nấu ăn từ các sản phẩm tăng gia vừa thu hoạch và chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ bên cô chủ nhiệm. Sau này, những bức ảnh đen trắng ấy là phần quà ý nghĩa nhất ghi lại khoảnh khắc cô trò bên nhau được Phan Đức Lạc đem về nước. Ngày chia tay vô cùng lưu luyến, cô Ta-chi-ren-cô cẩn thận chuẩn bị bánh mỳ, xúc xích để học viên đi ăn đường.

Nhắc đến chuyến tàu mùa thu năm 1985, ông Phan Đức Lạc lại rưng rưng xúc động: “Cô giáo chủ nhiệm ra tận ga tiễn chúng tôi, đưa chút thức ăn rồi dặn dò nhớ giữ liên liên lạc với cô. Chúng tôi lên tàu rồi cô vẫn đứng đó ngóng theo. Những cái vẫy tay chia xa giữa chiều thu buồn man mác ấy y như cảnh ở quê nhà người thân tiễn đưa bộ đội trên những chuyến tàu quân sự vào Nam. Sau này, khi trở về nước, tôi vẫn thường xuyên viết thư cho cô giáo chủ nhiệm kể về tình hình Việt Nam, những thay đổi của các bạn học viên trong lớp”.

Những năm tháng học tập trên xứ sở bạch dương, kỳ nghỉ đông ở đây buồn và lạnh lẽo. Nhưng có một thứ tình cảm đã góp phần sưởi ấm lòng người. Bà mẹ Xô-viết cũng như người mẹ Việt Nam lúc nào cũng thương nhớ người con đi xa. Trong khu nhà an dưỡng, Phan Đức Lạc tình cờ gặp và làm quen với bà On-ga Vla-đi-nốp-na. Bà rất quý người Việt Nam, thường xuyên hỏi thăm về gia đình, chuyện học hành của học viên. Rồi bà kể cũng có một người con đang đi học xa nên rất đồng cảm với các học viên Việt Nam. Bà đã nhận chàng học viên Đức Lạc làm con nuôi. Thấu hiểu tâm trạng mong ngóng, nhớ thương của người mẹ xa con, Đức Lạc thường xuyên tâm tình trò chuyện để bà vơi bớt nỗi buồn. Trong giá rét mùa đông, bà mẹ nuôi cặm cụi ngồi đan len để có được chiếc khăn quàng ấm áp rồi gửi kèm theo hạt dẻ, quả óc chó dành tặng Đức Lạc. Những mùa đông sau cũng vậy, Phan Đức Lạc đều nhận được những phần quà ấm áp của bà mẹ On-ga Vla-đi-nốp-na.

Là những học viên xa nhà, ngoài tình đồng môn còn là tình đồng chí, đồng hương, thế nên đồng đội gắn bó với nhau trong tất cả các hoạt động học tập, rèn luyện, sinh hoạt thường nhật, san sẻ từng đồng trợ cấp, giúp đỡ nhau những khi ốm đau, động viên về mặt tinh thần. Hằng ngày, sau giờ huấn luyện căng thẳng, các học viên bay lại có những phút giây thư giãn ngoài sân tập thể thao. Tối về, mọi người cùng nhau nấu những món ăn mang đậm hương vị Việt như nem rán, thịt kho, giò xào… Có những chuyến dã ngoại, lớp học viên cùng nhau thăm thú cảnh sắc, địa danh của đất nước Xô-viết. Dịp Tết đầu tiên, nỗi nhớ nhà là da diết nhất. Để tạo không khí Tết, mọi người bàn nhau lấy cành cây táo đỏ về cắt dán hoa lá làm cành đào, dùng giấy màu trang trí phòng ở thêm phần rực rỡ. Đón Tết trong ký túc xá năm đó còn có cả các bạn học viên quốc tế. Niềm vui như nhân lên khi cô giáo chủ nhiệm cùng các thầy dạy bộ môn đến chúc Tết đoàn học viên Việt Nam. Thầy trò quây quần thưởng thức các món ăn truyền thống và nói chuyện về phong tục đón Tết ở Việt Nam khiến không khí trở nên ấm áp hơn, vơi đi cảm giác nhớ quê nhà.

Sau 5 năm học, Phan Đức Lạc cùng đoàn học viên quân sự trở về nước, rồi lại miệt mài theo những cánh bay suốt mấy chục năm. Mỗi khi có dịp gặp mặt ôn lại những kỷ niệm một thời trên xứ sở bạch dương, ông cùng đồng đội lại cất vang lời ca của “Thời thanh niên sôi nổi”: “Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ/ Bàn tay son sắt giương cao cờ/ Để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta/ Trời cao muôn vì sao chói lòa...”.

Thượng tá Phan Đức Lạc tâm sự với chúng tôi rằng: “Chỉ ước ao một lần được gặp lại các thầy cô giáo cũ. Một phần tuổi trẻ của tôi đã gắn bó dưới mái trường Xô-viết, may mắn được thầy cô dìu dắt tiến bộ và trưởng thành. Ân tình đó tôi mãi không bao giờ quên”.  

VŨ DUY