Tháng 10-2006, thành phố Irkutsk xinh đẹp đón chào chúng tôi - những du học sinh bằng một cơn mưa tuyết xối xả. Cái lạnh miền Siberia thấu tim gan mà chưa bao giờ tôi có dịp trải qua; ấm – hơi ấm của tình thân, của bạn bè bằng hữu và của những con người Nga chân chất, hiền lành. Những ngày đầu là những ngày thực sự khó khăn đối với tôi: Sự bất đồng về ngôn ngữ, chưa quen sự thay đổi về thời tiết, khí hậu; chương trình học khá mới mẻ và lạ lẫm; bạn bè cũng chỉ mới quen biết chưa thân thuộc… Có những lúc cảm thấy tuyệt vọng, bất lực, nhớ nhà đến bật khóc. Nhưng rồi tất cả những lo lắng, trở ngại cũng qua đi; mọi thứ quay trở về đúng guồng quay và quỹ đạo vốn định sẵn. 6 năm – hành trình thanh xuân trên xứ sở bạch dương chính thức bắt đầu.

leftcenterrightdel
Mùa đông Irkutsk. 

Trường tôi theo học là Đại học Tổng hợp Quốc gia Irkutsk. Đây là trường đại học lâu đời nhất khu vực miền Đông Siberia, có trụ sở chính nằm tại thành phố Irkutsk; là trung tâm giáo dục, khoa học và văn hóa chính trên khắp khu vực lãnh thổ rộng lớn từ Yenisei đến bờ biển Thái Bình Dương. Trước khi bắt đầu học chuyên ngành chúng tôi có một năm học tiếng tại trung tâm ngôn ngữ, khoa dự bị của trường. Nằm ở khu biệt lập, lần đầu tiên đến tôi đã ấn tượng bởi kiến trúc của khoa với những nét độc đáo, hòa mình vào thiên nhiên, chính nơi đây chúng tôi đã có không gian học tập, giao lưu văn hóa vô cùng ấn tượng và đặc sắc. 

leftcenterrightdel
Trường đại học tổng hợp quốc gia Irkutsk. Ảnh tác giả cung cấp

Có thể nói đây là quãng thời gian đáng nhớ, đáng trân trọng và quý giá nhất của tôi trên mảnh đất này. Phụ trách lớp tôi là một cô giáo già đáng kính - cô Tarabova. Cô tâm sự rằng cô rất vui vì được phụ trách lớp các bạn Việt Nam, các khóa sinh viên Việt Nam trước đã để lại trong cô nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều ấn tượng sâu sắc về sự thông minh, chăm chỉ siêng năng trong học tập và đặc biệt là rất gần gũi, thân thiện. Đối với thế hệ cô, Việt Nam là một đất nước nhiều ký ức hào hùng. Một đất nước mà nhân dân Nga đã dành nhiều tình yêu, sự giúp đỡ trong hai cuộc chiến tranh vĩ đại. Và tôi càng tự hào về dân tộc mình, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại khi ngay thành phố tôi học có một trường đại học ngữ văn mang tên Người, chỉ thế thôi cũng cảm giác được tình cảm mà dân tộc Nga, nhân dân Nga dành cho nhân dân, đất nước Việt Nam. Chính điều này làm chúng tôi khâm phục và yêu mến nước Nga biết bao.

Trở lại với thời gian học khoa dự bị của trường, người giáo viên già đáng kính đã khiến khoảng cách giữa chúng tôi bị xóa nhòa, cô luôn thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của chúng tôi; đặc biệt là những sinh viên xa nhà, xa đất nước để đến nơi hoàn toàn xa lạ với những con người xa lạ. Cô thường xuyên tạo cho chúng tôi không khí vui tươi, cởi mở trên lớp; khiến nhiều khi chúng tôi thấy cô như một người mẹ, vì vậy mỗi khi sau này nhắc đến cô chúng tôi thường gọi với hai từ thân thương “Mama Tarabova”. Bên cạnh việc dạy ngôn ngữ trên lớp, cô còn thường xuyên kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về nước Nga, về con người Nga qua các thời kỳ. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi tự coi những người bạn, những người đồng chí Nga là anh em ruột thịt; nước Nga như là quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình vậy. Cô còn hay làm đồ ăn cho chúng tôi, từ những món truyền thống của người Nga đến những món mang đậm màu sắc dân tộc của từng quốc gia như nem rán của Việt Nam, dê hầm đá của Mông Cổ… Những hành động nhỏ thôi nhưng đủ làm chúng tôi ấm lòng, thấy được sự thân thuộc, yêu mến như đang ở chính quê hương mình. 

leftcenterrightdel
Kỷ niệm 80 năm thành lập trường. Ảnh tác giả cung cấp

Hết năm học tại khoa dự bị, hướng tới giảng đường đại học với hành trang vững chắc mà cô đã dạy dỗ và sự truyền lửa của các thế hệ sinh viên Việt Nam đi trước càng khiến chúng tôi có động lực, tự tin bước tiếp trên con đường khoa học đầy thử thách và chông gai phía trước. Chúng tôi được chia theo từng lớp với các chuyên ngành đào tạo khác nhau, được học tập với các bạn Nga đầy thân thiện và cởi mở cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các thầy cô. Thời gian cứ thế trôi qua cùng với bận rộn, lo toan học hành, nhưng sau mỗi năm đến kỳ nghỉ hè chúng tôi lại tụ tập cùng nhau đến thăm cô, đến khu nhà nhỏ Dacha vùng ngoại ô của cô để trồng rau, thu hoạch trái cây, cùng nhau kể chuyện một năm qua cho cô nghe, một cảm giác yên bình, nhẹ nhàng sâu lắng. Chúng tôi cảm giác như trở về với chính ngôi nhà của mình và tôi biết những khoảnh khắc đáng quý này sẽ theo tôi suốt cuộc đời. Để đến bây giờ mỗi khi nghĩ lại tôi lại trào lên trong mình một niềm xúc động mãnh liệt. "Irkutsk ơi! tôi nợ một ngày quay trở về!".

Thanh xuân của tôi không thể không nhắc đến những ngày tháng cùng các thế hệ du học sinh Việt Nam sinh sống tại ký túc xá. Khi mới bắt đầu đặt chân đến xứ sở bạch dương, chúng tôi đều là những thanh niên mười tám, đôi mươi – lứa tuổi mang trong mình bao lý tưởng, ước mơ, hoài bão. Theo chân chúng tôi đến đây không chỉ là nhiệt huyết của tuổi trẻ mà là cả niềm tự hào của gia đình, quê hương, dân tộc. Có lẽ là vì thế mà chúng tôi dễ dàng thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với nhau; coi nhau còn hơn anh em ruột thịt. Trong cuộc sống sinh hoạt chắc chắn sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn, bất đồng… nhưng sau tất cả, chúng tôi ý thức được giữa chúng tôi – khi ở nơi đất khách quê người này – không đơn thuần là bạn bè, mà chúng tôi còn là anh em, là đồng bào. “Chúng mình không thương yêu, đùm bọc, bảo vệ nhau thì ai sẽ thương mình” - chúng tôi vẫn thường nói với nhau, động viên nhau như thế. Không chỉ tôi mà các bạn của tôi cũng không thể quên được những ngày đầu mới sang ai ai cũng cồn cào nỗi nhớ gia đình, những buổi tụ tập hát hò quá nửa đêm, những lần tập văn nghệ, những lần cùng nhau đi chợ xa, những buổi picnic cắm trại với nhiều trải nghiệm lý thú: nướng thịt, câu cá… Thanh xuân tươi đẹp ấy, chúng tôi gửi trọn nơi đây!

leftcenterrightdel
 Mùa thu vàng nước Nga. Ảnh tác giả cung cấp

Hành trình 6 năm (2006-2012) – những năm tháng thanh xuân rực rỡ cũng đã khép lại. Chúng tôi trở về Tổ quốc mang khoác trên mình chiếc áo xanh đặc biệt – trở thành những Sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi nghĩ chắc là mối duyên khi nơi tôi công tác lại chính là Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – nơi ghi lại nhiều dấu ấn của các chuyên gia Liên Xô nói chung và Nga nói riêng. Làm việc tại nơi đây, bên cạnh việc tôi đem những kiến thức đã học để phục vụ công việc; tôi còn có dịp được gặp gỡ, trao đổi với những con người ấy, những chuyên gia từ đất nước Nga xa xôi mà chẳng biết tự bao giờ tôi đã coi họ như những người thân thiết; như mối quan hệ thân tình Việt – Nga bao năm nay vẫn vậy. Bạn bè tôi vẫn thường gặp gỡ hàn huyên, theo dõi tình hình nước Nga và ôn lại những kỷ niệm về Irkustk; điều chúng tôi không thể ngờ là vợ con của chúng tôi rất thân thiết với nhau, cùng say sưa với những câu chuyện không bao giờ kết của chúng tôi về thanh xuân miền Viễn Đông ấy. Dường như ở họ - những con người chưa đặt chân đến Nga, thậm chí những đứa trẻ còn chưa biết Nga là gì; cũng đã nhen nhóm trong lòng một ấn tượng sâu sắc với nước Nga xinh đẹp. Và cứ như vậy, tình yêu nước Nga trong tôi chưa bao giờ và không bao giờ vơi đi.

Chắc chắn tôi sẽ trở về - về để hưởng trọn cái giá lạnh cắt da cắt thịt, về để đi giữa hàng bạch dương ngút ngàn rồi cất cao tiếng hát, về để gặp lại những con người xưa cũ, về để sống lại những năm tháng sục sôi của tuổi trẻ… Cảm ơn nước Nga – cảm ơn những năm tháng thanh xuân mà tôi đã gửi lại nơi này!

ĐOÀN NGỌC THẮNG