Nghĩa tình thầy trò Xô - Việt

Đầu năm 1966, Mỹ mở rộng cuộc ném bom xuống miền Bắc Việt Nam, công tác huấn luyện bộ đội tên lửa phòng không (TLPK) là một yêu cầu khẩn cấp song lại gặp nhiều khó khăn về địa điểm và các điều kiện bảo đảm cho học tập. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng Liên Xô đã đồng ý tiếp nhận Trung đoàn TLPK 275 của Việt Nam sang Liên Xô học tập.

Để bảo đảm bí mật, chúng tôi đi ô tô vào ban đêm đến ga Đồng Đăng, Lạng Sơn và lên tàu hỏa qua cửa khẩu sang ga Bằng Tường (Trung Quốc). Từ đây, chúng tôi chuyển sang tàu liên vận đặc biệt của Trung Quốc để tới Liên Xô.

Sau 5 ngày đêm hành trình trên đất nước Trung Hoa, ngày 21-2-1966, chúng tôi đến Zabaikan-ga biên giới Xô-Trung lúc bấy giờ. Tại đây, chúng tôi được đoàn cán bộ của Trung tâm Huấn luyện thuộc Quân khu Phòng không Baku đón tiếp, đưa đi kiểm tra sức khỏe cũng như cấp phát quần áo và đồ dùng cá nhân. Trước sự quan tâm chu đáo đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cảm thấy khỏe ra, dường như không cảm nhận được cái lạnh buốt da, buốt thịt vì ngoài trời đang dưới âm 20 độ C.

Tình đoàn kết giữa các thầy giáo quân đội Liên Xô và học viên Việt Nam tại Trung tâm Huấn luyện ngoại ô thành phố Baku, Azerbaijan, tháng 2-1966 (tác giả đứng hàng đầu, thứ 2 từ phải sang).

9 ngày đêm trên đoàn tàu đặc biệt, chúng tôi được các bạn Liên Xô ân cần chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ. Trưởng đoàn Trung tâm Huấn luyện đã chủ động bàn với lãnh đạo đoàn, cho người xuống toa ăn, cùng với các đầu bếp Liên Xô chuẩn bị những bữa cơm hợp với khẩu vị Việt Nam. Ban đêm, các nhân viên phục vụ ở mỗi toa xe thay nhau đi kiểm tra xem ai trong chúng tôi khi ngủ có bị tuột chăn hay không. Gần nửa tháng sinh hoạt trên tàu, vượt qua hàng nghìn ki-lô-mét để đến Trung tâm Huấn luyện, gần như 100% cán bộ, chiến sĩ vẫn khỏe mạnh và tất cả đều có mặt trong buổi khai giảng khóa học.

Là người làm công tác phiên dịch, tôi thấy rõ lòng nhiệt tình và trách nhiệm của những người thầy giáo Liên Xô mặc áo lính. Một số đồng chí phiên dịch đang học năm thứ 3 Khoa Tiếng Nga, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội (nay là Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội) được điều động vào quân đội làm công tác phiên dịch nên gặp nhiều khó khăn khi dịch các cụm từ kỹ thuật chuyên ngành. Trước tình hình đó, nhiều giáo viên Liên Xô đã tình nguyện làm việc trong giờ tự học của học viên để đồng chí phiên dịch có điều kiện đọc giáo án của ngày hôm sau. Vì theo nguyên tắc bảo mật, ngoài giờ học trên lớp, giáo viên cũng như học viên không được giữ tài liệu trong người. Tài liệu cất trong một vali được niêm phong cẩn thận và gửi vào thư viện bảo mật của Trung tâm Huấn luyện.

Nhờ những buổi “làm việc ngoài giờ” của thầy giáo mà chất lượng dịch của các học viên ngày càng tốt lên. Với tinh thần “Học giỏi để về nước chiến đấu tốt”, các học viên đã tập trung nghe thầy giảng, mạnh dạn nêu lên những chỗ chưa hiểu. Các câu hỏi đều được thầy giáo giải đáp nhanh, đúng nội dung, rút ngắn thời gian trên lớp và tăng thêm thời gian thực hành. Nhờ vậy mà cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn TLPK 275 được đào tạo tại xứ sở bạch dương có kiến thức sâu hơn, vững hơn. 

Chương trình học tập kết thúc với thành tích bắn đạn thật xuất sắc. Đại tá Nurbatov, Trưởng Trung tâm Huấn luyện đã chúc mừng Chính ủy Nguyễn Hữu Hùng và Trung đoàn trưởng Trần Thành, khẳng định một kết quả xuất sắc bắn đạn thật ít khi đạt được trên trường bắn quốc tế...

Ngày chia tay những người thầy ở Trung tâm Huấn luyện là thời khắc buồn vui lẫn lộn. Có rất nhiều người là mẹ, là vợ của các thầy giáo đã ra tận xe tiễn chúng tôi. Họ bịn rịn dúi vào tay chúng tôi những gói kẹo, gói đường viên, hộp sữa, bánh mì ngọt với lời chúc nhân dân Việt Nam giành được thắng lợi quyết định trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước.

Trên đường trở về Việt Nam, để đánh lạc hướng tình báo địch, đoàn tàu chở chúng tôi dừng ở nhiều địa điểm khác nhau. Khi tàu dừng ở một nhà ga thuộc Cộng hòa Uzbekistan ngày nay, chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc mít tinh chào mừng và tiễn các chiến sĩ QĐND Việt Nam về nước. Nhiều bà mẹ lại dúi vào tay chúng tôi những xiên chả nướng bọc trong túi ni lông, ôm chúng tôi khóc và chúc chúng tôi chiến thắng trong cuộc kháng chiến giành độc lập để "đất nước các con được thanh bình như Liên Xô”...

Sau này, khi về nước triển khai đội hình chiến đấu, chúng tôi còn được gặp lại các thầy giáo Liên Xô. Họ là thành viên trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô sang giúp đơn vị chúng tôi. Đó cũng là động lực làm nên chiến công trong trận đầu ra quân vào ngày 20-10-1966 tại trận địa Bằng Bộ, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Hôm đó, Tiểu đoàn 68 đã bắn rơi một máy bay F4-H của Mỹ.

Đầu năm 1970, Trung đoàn TLPK 275 và Trung đoàn TLPK 238 được lệnh hành quân vào phía nam Khu 4, phối hợp cùng các lực lượng khác của Quân chủng Phòng không-Không quân (PKKQ) triển khai đội hình chiến đấu dọc theo Đường 12, 20, 10 và 18, bảo vệ hành lang vận chuyển chiến lược vào miền Nam. Trong năm 1970, đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã 3 lần vào phía nam Khu 4 giúp hai trung đoàn TLPK nói trên sửa chữa khí tài. Nhờ đó, sức chiến đấu của hai đơn vị này không ngừng được nâng cao.

Nhằm cắt đứt tuyến đường vận chuyển phía tây Trường Sơn, Mỹ đã sử dụng máy bay vận tải AC-130 cải tiến, được trang bị hệ thống quan sát bằng tia hồng ngoại, bằng quang truyền hình, phát hiện được xe chạy vào ban đêm và cả xe đã dừng nhưng máy chưa nguội. Máy bay AC-130 bay ở độ cao 4-5km trên tầm bắn của pháo cao xạ, xung quanh AC-130 có nhiều máy bay tiêm kích yểm trợ nên đã gây nhiều tổn thất cho quân ta.

Trước tình hình đó, theo đề nghị của Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sĩ Nguyên, Bộ tư lệnh Quân chủng PKKQ đã giao nhiệm vụ cho Trung đoàn TLPK 275 hành quân sang Tây Trường Sơn đánh B-52 và AC-130. Dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Nguyễn Văn Thân, trong hai ngày mồng 1 và mồng 3 Tết Nhâm Tý (tức ngày 15 và 17-2-1972), Trung đoàn TLPK 275 đã hành quân sang Tây Trường Sơn.

Với quyết tâm phải hạ gục được AC-130, vào hồi 3 giờ ngày 29-3-1972, Tiểu đoàn 67, Trung đoàn TLPK 275 đánh trận thứ ba, sĩ quan điều khiển Nguyễn Lành đã phóng hai quả tên lửa liên tiếp vào AC-130, khiến nó bốc cháy và rơi tại chỗ ở bản Na Bo phía bắc Sê Pôn 6km. 

Cặp cha - con cùng là chuyên gia giúp Việt Nam

Có những gia đình Nga có hai thế hệ là chuyên gia giúp Việt Nam mà một trong số đó là cặp cha-con Vasily Chernexov và Andrey Chernexov.

Trung tá Vasily Chernexov được Bộ Quốc phòng Liên Xô cử sang Việt Nam từ tháng 4-1965 đến tháng 2-1966 để giúp đỡ QĐND Việt Nam trong việc đào tạo bộ đội TLPK. Các đồng chí chuyên gia quân sự Liên Xô lúc bấy giờ đã phải gác lại tình cảm gia đình, xa rời cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần để sang Việt Nam làm việc trong điều kiện có rất nhiều khó khăn do chiến tranh gây ra, phải làm việc trên địa bàn rừng núi, xa thành phố. Dưới sự chỉ huy của Trung tá Vasily, các chuyên gia quân sự Liên Xô trong đoàn đã vượt qua khó khăn, làm việc không kể ngày đêm, luôn luôn có mặt trong cả thời gian học viên tự học, kịp thời giải đáp những vấn đề mà học viên chưa nắm vững. Nhờ đó, chỉ sau gần 3 tháng huấn luyện, ông và các chuyên gia trong đoàn đã trực tiếp cùng với các học viên của mình triển khai khí tài trên các trận địa để đáp trả các cuộc không kích của máy bay Mỹ xâm phạm bầu trời miền Bắc Việt Nam. Ông Vasily là người chỉ huy trận đánh ngày 8-8-1965 tại trận địa Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ và hai máy bay F105 của Mỹ đã bị hạ gục. Với chiến công đó, ông Vasily đã được Chính phủ Liên Xô tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, được Chính phủ Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.

Tác giả và Chuẩn úy chuyên nghiệp Karetnikov Konstantin, giáo viên thực hành lái xe nạp tên lửa vào bệ phóng, tháng 3-1966.

Sau này, cậu con trai Andrey Chernexov của ông Vasily cũng nối nghiệp cha, giờ đã được thăng quân hàm đại tá, hiện đang là Trưởng khoa Xạ kích, Trường Đại học TLPK-Bộ Quốc phòng Liên bang Nga và được phân công phụ trách công tác quản lý học viên Việt Nam.

Trong chuyến thăm Liên bang Nga năm 2017, các thành viên trong đoàn cựu chiến binh Trung đoàn TLPK 236 đã gặp Đại tá Andrey Chernexov. Vui mừng gặp lại những học trò của cha mình, Đại tá Andrey bày tỏ vui mừng và tự hào khi được trực tiếp giảng dạy học viên QĐND Việt Nam trở thành những sĩ quan TLPK tài giỏi, mưu lược trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Những câu chuyện kể trên đã phần nào nói lên tình cảm anh em của nhân dân Liên Xô trước đây, nhân dân Nga ngày nay với nhân dân Việt Nam nói chung, với QĐND Việt Nam nói riêng, mà tôi vinh dự là người lính đứng trong hàng ngũ đó.

NINH CÔNG KHOÁT