Cơ duyên với xứ sở Bạch dương

Với “Chiến tranh và hòa bình” của Lev Tolstoy không hiểu nhiều về chính trị nhưng tôi lại mê mẩn hai nhân vật Natasa và Andray đến mức thuộc lòng đoạn về cây sồi mùa đông xuất hiện trong cuộc gặp giữa hai người.

Sở dĩ yêu văn học Nga đến như vậy là vì năm 1976, tôi từ quê ra Đà Nẵng với ba. Trường Nguyễn Ái Quốc 4, nơi ba tôi là giảng viên, có thư viện rất lớn. Khu nhà ở của chúng tôi lại sát ngay thư viện. Một buổi học ở trường, buổi chiều không biết làm gì tôi lại chui vào đây. Cô Yến thủ thư – người hay nhờ tôi nhổ tóc sâu, cứ thủ thỉ kể về những cuốn sách cô thích mà chủ yếu là văn học Nga. Vậy là cô bé nhỏ xíu như tôi đã bị “tiêm nhiễm”, đọc hết cuốn này đến cuốn khác suốt 4 năm ở đó. Lớn lên không có điều kiện qua nước Nga, nhưng sâu thẳm trong trái tim tôi, nước Nga vô cùng thiêng liêng và tươi đẹp. Cứ mỗi năm đến ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, tối trước đó, thế nào tôi cũng dành thời gian xem chương trình trên VTV1 hoặc VTV3. Radio thì suốt ngày mở “Đôi bờ”, “Đợi anh về","Thời thanh niên sôi nổi","Cuộc sống ơi ta mến yêu người" và cả những bài dân ca Nga xao xuyến…

Lên cấp ba, 3 năm học tiếng Nga cũng đủ làm cho tôi thêm thấy nước Nga gần gũi với mình hơn nữa. Bẵng đi gần chục năm không làm báo, rồi làm nghề này, tôi thấy mình duyên nợ với nước Nga và quyết phải làm gì đó để thể hiện. Bài báo phải có hàm lượng thông tin, từ người thật việc thật mới có sức thuyết phục.

leftcenterrightdel

Tác giả (nữ) chụp cùng lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng trong lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít- 2015. Ảnh: T.L.

Vậy là năm 2006, tôi tìm đến hai sĩ quan Quân khu 5 gắn bó với nước Nga thời đi học. Kỷ niệm đã xa, những người lính vất vả lắm mới nhớ lại. Tôi nâng niu từng chi tiết đắt giá, khêu gợi để họ tâm tình. Người này là tình cảm với những bà mẹ, người kia là các thầy cô giáo. Vốn hiểu biết về nước Nga hồi còn bé được dịp phát huy tác dụng làm cho bài báo thêm mềm mại. Vậy là bài đầu tiên: “Nước Nga một thời để nhớ” đã ra đời. Các nhân vật được tôi viết rất xúc động bởi tôi đã thay họ nói về tình cảm với nước Nga. Quan trọng hơn nữa là nhờ bài viết đăng báo, họ đã nối được liên lạc với những người bạn học ở Nga. Các con trong nhà đọc bài viết về bố thêm tự hào và đi giới thiệu khắp nơi làm các ông rất vui. Sau đó nhờ những nhân vật đầu tiên này giới thiệu, tôi lại tìm đến những sĩ quan đã từng đi Nga. Có những người khi tìm đến, họ nói chỉ ở nước Nga một năm, không có gì để viết, nhưng kiên trì hỏi kỹ, họ vẫn có những kỷ niệm vô cùng cảm động về nước Nga như trường hợp Đại tá Lê Hữu Xuân nguyên, Chủ nhiệm Biên phòng Quân khu 5. Ngành tình báo không dễ viết, vậy mà tôi vẫn có bài dài: “Người lính quân báo Việt với nước Nga”.

Có trường hợp nhân vật không hề đi Nga nhưng lại có tình yêu với nước Nga vô cùng sâu đậm như Đại tá Trịnh Văn Tâm, Bộ CHQS Đắk Lắk, là cảm hứng để tôi viết “Phó chính ủy mê nước Nga” năm 2011. “Hãy để anh trở thành niềm hy vọng/ Thành làn sóng xanh xô mạnh trong biển cả lòng em/ Thành bản nhạc với lời ca dịu ngọt/ Hay vì sao của lòng em lấp lánh trong đêm…” - lời ca trong một bộ phim nổi tiếng của Nga những năm 80 “Em là bài ca của anh” với gần 30 câu được anh Tâm chép một mạch. Những dòng chữ hối hả, những ca từ tưởng chừng đã bị lãng quên trong khoảng thời gian gần 30 năm, giờ đây đang hiển hiện, tươi rói…

Đến hẹn lại lên

Lần đầu tiên tôi gặp Tiến sĩ Trần Văn Sơn, nguyên Phó trưởng ban Cơ yếu Chính phủ tại quán cà phê khi đi cùng một cựu chiến binh. Biết ông từng học ở Nga 10 năm, tôi khéo léo hỏi tỉ mỉ theo ý đồ của mình. Những gì tôi đã biết về nước Nga làm cho câu chuyện thêm sôi nổi, tự nhiên. Chúng tôi cứ nói hết chuyện này đến chuyện khác từ sáng đến 11 giờ trưa. Bài viết “Từ bệ phóng xứ Bạch dương” đăng trên Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng dài đến gần 2000 chữ làm ông Trần Văn Sơn vô cùng bất ngờ và ngạc nhiên. Sau này, nhờ bài viết ấy, ông kể cho tôi nghe nhiều đề tài khác rất thú vị. Viết khó nhất là trường hợp Đại tá Phạm Đới, nguyên Phó tham mưu trưởng Quân khu 5. Tôi biết ông có đến 6 năm “dùi mài kinh sử” tại hai trường quân sự lớn ở nước bạn. Tiếng Nga ông vẫn còn nói làu làu nhưng không hiểu sao nhiều năm liền kiên trì đến cơ quan rồi đến nhà “hầu chuyện” ông vẫn không muốn tả lời phỏng vấn. Cuối cùng tôi nghĩ ra cách in tất cả những bài báo tôi đã viết về nước Nga cho ông xem và một tuần sau trở lại. Chắc là thấy tôi đã đủ uy tín, ông dành đến hai buổi để kể cho tôi nghe về một thời thanh xuân tươi đẹp của ông. Cho xem cả những hình ảnh về nước Nga mà ông cất giữ trong rương từ rất lâu. Bài viết: “Từ Học viện Frunze đến Voroshilov” trên Báo QĐND năm 2015, làm nhiều cán bộ Quân khu 5 ngạc nhiên. Họ không nghĩ đồng đội vốn thầm lặng của mình lại từng học trường đào tạo tướng lĩnh của Nga.

Vậy là đến hẹn lại lên, cứ đến ngày 7-11, kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga, trên các báo thường có các bài viết của tôi. Đặc biệt Báo QĐND gần như tôi luôn có bài ở trang quốc tế. Nhân vật ngoài cán bộ quân sự còn có nhiều người là luật sư, ngành điện ảnh, phi công dân sự… Hàng chục bài viết giúp bạn đọc hiểu hơn về nước Nga và tình hữu nghị Việt - Nga với tôi là cả sự đam mê dù không ít nhọc nhằn.

Có một kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi. Khi nước Nga tưng bừng mừng 70 năm chiến thắng phát xít (9-5-2015), tôi cứ trăn trở. Một sự kiện lớn như thế, cả thế giới sôi nổi các hoạt động, lẽ nào mình là nhà báo lại ở ngoài cuộc. Lần giở những trang về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, tôi nghĩ ngay đến pháo đài Brest, biểu trưng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nơi đây phát xít Đức đã tấn công Liên Xô đầu tiên. Gọi điện hỏi đến 7 nhân vật tôi đã từng viết, may quá có hai anh đã từng đến thăm pháo đài này khi học ở Nga. Một ngày mải miết theo Brest, cộng với vài tiếng nghiên cứu tài liệu và cả xem hai bộ phim về pháo đài này trên mạng, tôi đã có thể hình dung về cuộc chiến đấu dũng cảm của người lính Xô Viết. Lúc đó, nếu có phim của MC Lại Văn Sâm “Xin đa tạ những tháng năm vĩ đại” trên VTV3 chiếu sớm thì chắc tôi đã không viết khó khăn đến thế. Sáng 9-5, Báo Công an Đà Nẵng có bài viết của tôi “Người lính Quân khu 5 với pháo đài Brest anh hùng”. Bài báo mang tính thời sự cao, được nhiều ý kiến bạn đọc phản hồi tốt. 

Một kỷ niệm vui đến với tôi đó là, tối 8-5-2015, được theo đoàn của Bộ tư lệnh Quân khu 5 dự kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại Tổng lãnh sự quán Nga (Đà Nẵng), tôi đã mang theo tặng anh Nilov Ronan, Phó lãnh sự quán các bài báo về nước Nga tôi đã viết. Ronan còn trẻ và nói tiếng Việt khá giỏi. Chúng tôi đã có khoảng thời gian ngắn nói chuyện rất vui trong không khí háo hức của ngày chiến thắng. Sáng hôm sau khi tôi điện bảo anh nên xem bài viết về Pháo đài Brest của tôi, anh nói đã xem và cảm ơn tôi đã có bài viết kịp thời và xúc động về nước Nga.

Với tình cảm, trách nhiệm và lòng đam mê, chắc chắn tôi sẽ tiếp tục viết về nước Nga thân yêu. Tôi muốn bằng ngòi bút của mình làm chiếc cầu nối để góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Nga và xem đây là sự tri ân bé nhỏ của tôi đối với nước Nga...

HỒNG VÂN