Nghe mưa Hà Nội nhớ Moscow

Mấy ngày này Hà Nội mưa rả rích. Thời tiết khiến người ta hoài niệm. Tôi liền nhắn tin cho cô bạn cùng phòng hồi học chuyển tiếp (khóa 2009-2010) bên Nga. Tôi hỏi rằng có nhớ ngày đầu tiên mình đến Nga trời cũng mưa không, rồi lại than: "Nhớ Moscow, nhớ cô quá!". Bạn bảo: "Nhớ thì gọi cô đi!".

Nhẫn nại chờ chuông điện thoại đổ từng hồi chậm rãi và khi ở đầu dây bên kia, vẫn giọng nói ấy cất lên, dường như, trong một khoảnh khắc, tôi được quay lại những ngày tháng học tập ở xứ sở bạch dương. Sau vài câu hỏi thăm, tôi được biết, cô vẫn khỏe mạnh, vẫn đi dạy và còn trăn trở nhiều lắm với sự nghiệp giảng dạy tiếng Nga.

Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in về lần đầu tiên gặp cô. Khi đó, người phụ nữ ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc bởi vẻ ngoài hiện đại, sắc sảo. Tôi thấy ở cô hình ảnh một người phụ nữ thành đạt, luôn bận rộn với công việc, không giống bất kỳ hình dung nào trước đó về những bà giáo Nga với gương mặt phúc hậu. Vẻ ngoài ấy khiến cho tôi càng tin vào lời mấy anh chị khóa trên truyền tai nhau rằng cô rất nghiêm. Và đúng như vậy, cô đã luôn nghiêm khắc với chúng tôi. Nhưng cũng chính nhờ sự nghiêm khắc ấy, chúng tôi đã biết tận dụng thời gian ít ỏi của mình để thu lượm những bài học bổ ích.

Người giảng viên tâm huyết với ngh

Giáo sư, Tiến sĩ KHSP I.A. Orekhova là Trưởng Bộ môn thực tập cho chuyên gia nước ngoài, Viện Pushkin. Cô chọn công việc này vì muốn truyền lại kiến thức, kinh nghiệm của mình cho các sinh viên. Trong hơn 40 năm công tác tại Viện Pushkin, cô đã dạy rất nhiều sinh viên Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ KHSP I.AOrekhova. Ảnh: pushkin.institute

Với những chuyển tiếp sinh như chúng tôi, thời gian học tập tại Nga chỉ khoảng 10 tháng. Trong chừng ấy thời gian, cô luôn cố gắng dạy chúng tôi nhiều nhất có thể. Ngoài việc học qua giáo trình, chúng tôi còn được đọc báo, nghe kể chuyện, xem phim, rồi cùng nhau thảo luận. Lúc đó, đối với chúng tôi, những cách tiếp cận này đặc biệt mới mẻ so với khi học ở nhà. Nhờ thế, chúng tôi tiếp thu mọi thứ dễ dàng hơn. Cô cũng khuyến khích sinh viên đi tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hay tự trải nghiệm các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Cô cho rằng, những trải nghiệm thực tế như vậy rất quan trọng với người học tiếng. Tình yêu với thứ ngôn ngữ mình đang nghiên cứu và đất nước nói ngôn ngữ đó đã lớn dần lên trong trái tim chúng tôi bằng cách ấy.

Ngoài công việc tại Viện Pushkin, cô còn thường xuyên tham gia biên soạn tài liệu, tham gia các khóa tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Nga ở nước ngoài. Cô cũng là Tổng biên tập Tạp chí "Tiếng Nga ở nước ngoài". Đây là tạp chí khoa học dành cho giáo viên dạy tiếng Nga, chuyên cập nhật thông tin về hiện trạng và triển vọng của việc nghiên cứu, dạy và học tiếng Nga trên thế giới.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Đạt, Giám đốc Phân viện Pushkin tại Hà Nội, một đồng nghiệp của cô I.A. Orekhova chia sẻ: "Cô I.A. Orekhova là một nhà giáo giàu kinh nghiệm, tận tâm với sinh viên... Mỗi lần cô sang Việt Nam là rất đông học sinh cũ của cô tới thăm, rất quấn quýt với cô".

Nhớ lần trước cô sang, chúng tôi cũng háo hức gặp cô. Cô vẫn nhớ từng đứa, hỏi han sức khỏe, gia đình. Chẳng phải tự nhiên mà một người nổi tiếng nghiêm khắc lại được yêu mến đến thế. Bởi vì, đằng sau nét mặt nghiêm khắc là tình yêu thương, sự quan tâm sâu sắc mà cô dành cho các sinh viên.  

Trong ký ức của những chuyển tiếp sinh

Và trong những ngày mưa Hà Nội, một lần nữa, nhờ có cô I.A. Orekhova - sợi dây gắn kết chúng tôi với nước Nga, gắn kết hiện tại với miền ký ức tươi đẹp, tôi được sống lại trong tình bạn của nhiều năm trước. Các học trò của cô từ mọi miền Tổ quốc đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm về cô giáo người Nga yêu dấu.

Trò chuyện với tôi, Đại úy Bùi Mạnh Cường, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Long Hòa, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, cậu bạn cùng khóa với tôi nhắc lại chuyện một bạn đi học muộn ngay buổi đầu tiên. Hôm đó, có lẽ vì chưa quen với nếp sinh hoạt mới nên một bạn lớp tôi đã vào lớp sau cô. Thấy vậy, cô liền "cảnh cáo" ngay. Cô bảo rằng cô hằng ngày phải di chuyển từ xa tới trường còn không đi muộn thì mấy bạn ở ký túc xá không có lý do gì để đi muộn hết. "Từ đó, mình luôn nhắc nhở bản thân rằng luôn phải thể hiện tác phong nghiêm chỉnh, đĩnh đạc, giữ gìn hình ảnh đẹp của sinh viên Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế", Bùi Mạnh Cường tâm sự.

Các chuyển tiếp sinh khóa 2009-2010 chụp cùng cô I.A.Orekhova tại Viện Pushkin. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Nói về cô I.A. Orekhova, cô bạn ngày xưa ngồi bàn trên Lại Thị Ngọc, nay là Kỹ sư Phòng Thương mại của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, lại cười khúc khích với "bài tập về nhà" của buổi học đầu tiên. Hôm đó, cô đã yêu cầu chúng tôi đi siêu thị, ghi lại tên gọi các thực phẩm bằng tiếng Nga, mua và ăn thử một số món và nói cho cô cảm nhận vào buổi sau. Có lẽ, bài tập về nhà đầu tiên ấy đã gieo niềm yêu thích ẩm thực Nga trong chúng tôi.

Còn cậu em khóa sau Nguyễn Văn Thiệu, nay là Giảng viên Đại học Thăng Long (Hà Nội), thì vẫn cứ “xao xuyến” mãi chuyện về cô và tuyết rơi đầu mùa. Cậu kể: "Hồi đó là cuối tháng 10, đang trong giờ học, một bạn reo lên khi nhìn thấy tuyết rơi. Thế là cả đám mắt sáng như sao nhìn qua cửa sổ. Tuyết đầu mùa thật đẹp! Nhưng cô giáo nghiêm khắc lắm nên chẳng ai dám nói thêm gì. Sau đó cô hỏi bọn em rằng có thích tuyết không. Cả lớp đồng thanh hô có. Cô liền nhẹ nhàng nói, hôm nay cả lớp nghỉ sớm và có thể ra ngoài nghịch tuyết. Cô cũng dặn dò chúng em đừng quên đeo găng tay, quàng khăn và phải mặc thật ấm". Thiệu bảo, cô là vậy đó, nghiêm khắc trong công việc nhưng lại rất hiểu và thương học trò.

Còn với riêng tôi, có một kỷ niệm mà tôi nhớ nhất. Đó là ngày trả bài trước khi kết thúc năm học. Chúng tôi thi viết luận, sau đó là vấn đáp. Đến phần vấn đáp, cô nói trong bài viết của tôi có hai lỗi và cô cho tôi cơ hội sửa chúng. Thật may là tôi làm được và nhận điểm 5 (điểm xuất sắc trong thang điểm của Nga). Khi ấy, cô nhìn tôi trìu mến và nói rằng, cô vẫn nhớ những ngày mới sang, tôi là một sinh viên rụt rè, nhút nhát. Nhưng dần dần cô thấy tôi thay đổi, trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Điểm 5 hôm ấy là điểm 5 cho sự nỗ lực của tôi trong cả năm học. Những lời nói đó của cô trở thành nguồn động viên to lớn đối với tôi. Giờ đây, mỗi khi gặp khó khăn, tôi lại nhớ về chúng và dặn lòng rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp nếu như chúng ta chăm chỉ và cố gắng. Cảm ơn cô vì đã quan tâm tôi nhiều như vậy. Cảm ơn sự kiên nhẫn, yêu mến và tin tưởng cô dành cho tôi nói riêng và cho rất nhiều sinh viên Việt Nam nói chung từng học tập tại đây.

Chừng ấy thời gian của những chuyển tiếp sinh như chúng tôi thật chẳng thấm tháp gì so với thời gian nhiều lớp sinh viên, cán bộ được cử sang Liên Xô học tập trước đây. Thậm chí ở thế hệ của tôi, có những anh chị gắn bó với nước Nga từ lúc vào đại học đến khi thành tiến sĩ. Tôi nghĩ rằng cho dù là ai, thuộc thế hệ nào, dù gắn bó bao lâu thì cũng sẽ luôn trân trọng những mối dây tình cảm với nước Nga và nhớ về xứ sở bạch dương với một lòng biết ơn. Biết ơn những bài học lớn lao, đáng quý, những tình cảm dung dị, chân thành mà mình nhận được.

Với tôi, những kỷ niệm có với cô và nước Nga năm đó, dù chỉ bấy nhiêu thôi, cũng đủ để tôi nhấm nháp nhiều năm sau nữa. Thay cho lời kết, xin được trích lời một người bạn của tôi: "Ký ức về nước Nga yêu thương sẽ không trọn vẹn nếu thiếu cô - I.A. Orekhova".

TUẤN VŨ-HUYỀN LINH