Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nghe nhiều về sự giúp đỡ cả về vật chất và con người của Liên Xô trong cuộc chiến gian khổ giành độc lập của dân tộc Việt Nam.

Lớn lên, tôi bước chân vào quân đội với tình yêu quê hương đất nước và ước mơ góp sức mình để bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Tôi đã thi đỗ một trường đào tạo sĩ quan trong quân đội. Tôi và các bạn trong lớp được đào tạo cơ bản về tất cả lĩnh vực chính trị, văn hóa, khoa học và quân sự. Trong từng bài giảng, các thầy cô thường dẫn giải sự hỗ trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam trong những giai đoạn khó khăn nhất của đất nước. Chính những câu chuyện, bài giảng của thầy cô đã dần hình thành tình yêu thương, biết ơn và cảm phục đối với nước Nga trong tôi.

Như một cái duyên không hẹn trước, khi tôi học hết đại học năm thứ nhất thì có một chương trình tuyển người đi đào tạo tại nước Nga. Tôi hồ hởi đăng ký dự tuyển. Sau những kỳ kiểm tra khắt khe về sức khỏe, hồ sơ lý lịch, cuối cùng tôi cũng được tuyển chọn….

Đặt chân xuống nước Nga sau quãng thời gian dài ngồi trên máy bay, điều đầu tiên tôi cảm thấy là lạnh. Cái lạnh buốt của băng tuyết mà lần đầu tiên tôi được thấy. Cái lạnh ấy cộng hưởng với nỗi cô đơn xa quê hương đã tạo thành cảm giác trống rỗng vô cùng khó tả.

Chúng tôi lưu lại ở sân bay Domodedovo ở thủ đô Moscow vài giờ để làm thủ tục nhập cảnh, sau đó tiếp tục chuyển chuyến bay để về thành phố Saint Petersburg, nơi chúng tôi sẽ sống, học tập và làm việc. Đã nửa đêm, chúng tôi cuối cùng cũng đến sân bay Pulkovo của thành phố Saint Petersburg. Vẫn là cái rét thấu xương. Nhưng nó ấm áp hơn một chút vì có 3 người anh Việt Nam đứng đón chúng tôi. Những cái ôm, cái bắt tay, lời chào mừng khiến chúng tôi vô cùng xúc động trước tình cảm của người Việt xa xứ. Chúng tôi lên xe về trường, người khá mệt mỏi sau một chặng đường dài. Các sinh viên khóa trước đã đứng đợi chúng tôi, giúp chúng tôi mang hành lý về phòng và dọn cơm lên. Mấy anh em vừa ăn, vừa hàn huyên câu chuyện đến tận nửa đêm.

leftcenterrightdel
Học viên Việt Nam trong một buổi đến thăm nhà cô giáo dạy tiếng Nga.

Cuộc sống mới của lưu học sinh Việt Nam bắt đầu bằng việc làm quen với thầy cô giáo, học tập và nỗi nhớ nguôi ngoai về gia đình, quê hương. Đa số thầy cô giáo Nga đã nhiều tuổi, có người từng sang Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Vì thế, ngoài buổi lên lớp, thầy cô vẫn hay kể cho chúng tôi về những ngày tháng “chung một chiến hào” với bộ đội Việt Nam, về sự giúp đỡ của Liên Xô dành cho Việt Nam trong chiến tranh… Sự cách biệt giữa hai thế hệ được nối lại với nhau bằng tình yêu chung đối với nhân dân Việt Nam.

Có nhiều buổi sau giờ học, cô giáo tiếng Nga của chúng tôi lại mời cả lớp đến nhà dùng bữa. Cả cô và chồng đều là giáo viên trong trường chúng tôi. Hơn 6 năm học, thầy cô đều luôn theo sát chúng tôi, là người dạy dỗ, giúp đỡ chúng tôi học tập. Cô từng nói, học tiếng Nga chính là chiếc chìa khóa. Chiếc chìa khóa này sẽ mở ra những cánh cửa để chúng tôi tiếp cận và học tập những kiến thức kỹ thuật sau này. Vậy là chúng tôi hăng say học tập. Chưa đầy 3 tháng, chúng tôi đã có thể giao tiếp đơn giản được với thầy cô. Hằng tuần, cô dẫn chúng tôi đi thăm công viên, khu di tích, nhà thờ và những quảng trường nổi tiếng của thành phố. Và tôi vẫn nhớ như in đoạn văn viết bằng tiếng Nga đầu tiên của tôi là bài kể về nhà thờ Kazan sau chuyến đi tham quan nơi này.

Chính những buổi đi dã ngoại như vậy làm cho chúng tôi hiểu được thêm về con người, văn hóa, lịch sử của nước Nga. Chúng tôi càng cảm nhận được hơn về sự nỗ lực của người Nga từ xa xưa. Họ đã biến Saint Petersburg từ một nơi từng đầm lầy, rừng nước thành một trung tâm văn hóa, chính trị, một thành phố từng là thủ đô của nước Nga xưa kia. Và cũng chính nơi đầm lầy ấy đã trở thành trung tâm kinh tế biển, cánh cửa mở ra hướng châu Âu. Những kỷ niệm về các chuyến đi dã ngoại đó đã in sâu vào trong tâm trí tôi, kể cả đến nay dù đã xa nước Nga nhiều năm tôi vẫn không thể nào quên được.

Và dường như những năm tuổi trẻ, những năm cháy rực của thanh xuân ấy, chúng tôi gắn liền với nước Nga. Đây cũng là lý do vì sao ngay từ đầu tôi lại kể với các bạn, nước Nga trong trái tim tôi đó là tuổi trẻ.

Chúng tôi đã cùng nhau vượt qua hơn 6 năm ròng rã, có vui, có buồn. Có những ngày hè dài nằm trên bãi cỏ, nhìn trời nhìn đất nhớ về quê hương; cũng có những ngày gần như thức trắng đêm để trực gác, để ôn bài chuẩn bị cho những kỳ kiểm tra. Và rồi từng năm trôi qua, chúng tôi lần lượt chia tay các anh khóa cũ. Và cũng chính chúng tôi lại thay cho các anh khóa cũ chào đón các em khóa mới tới công tác và học tập tại trường. Truyền thống yêu thương đùm bọc như người trong một nhà đã trở thành truyền thống của lưu học sinh Việt Nam tại Nga.

Sau một vài năm, trường chúng tôi học đông hơn trước. Các sinh viên khóa sau được gửi sang ngày một nhiều hơn, các hoạt động phong trào phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi thường xuyên tổ chức những buổi sinh hoạt tập trung, giao lưu văn nghệ, thể thao với thanh niên thành phố Saint Petersburg. Vào ngày 19-5 hằng năm, nhà trường cho học viên Việt Nam được nghỉ học để tham gia buổi lễ kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác Hồ…

Thời gian thấm thoát trôi, cũng đến năm cuối khóa. Chúng tôi lao đầu vào học, tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp và làm khóa luận… Ngày nhận bằng tốt nghiệp cũng là lúc chúng tôi nhận ra hình như sắp đánh mất thứ gì đó. Chúng tôi lại bâng khuâng nhận ra rằng mình sắp phải xa nước Nga, xa Saint Petersburg xinh đẹp với những đêm trắng của mùa hạ, những ngày vàng rực sắc lá của mùa thu hay những con đường phủ đầy tuyết trắng của mùa đông lạnh giá.

Rời nước Nga trở về quê hương, chúng tôi mỗi người về một nơi theo sự phân công của tổ chức. Lao vào công việc, khoảng cách về địa lý, lại eo hẹp về thời gian khiến chúng tôi ít có dịp gặp nhau. Nhưng chúng tôi vẫn luôn liên lạc qua điện thoại, trao đổi thông tin về nước Nga và ôn lại những kỷ niệm đẹp…

Vâng, nước Nga trong trái tim tôi - đó chính là tuổi trẻ và hoài niệm.

Bài và ảnh: AN VĂN HIỆP (BTL Vùng Cảnh sát biển 1)