“Thép đã tôi thế đấy”- bồi đắp ý chí
“Tôi yêu nước Nga ngay từ lúc còn là học sinh phổ thông qua những trang sách của nền văn học, thi ca Nga. Tôi vẫn nhớ như in, nhân vật Pavel trong “Thép đã tôi thế đấy” nói: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”. Chính đó là ngọn lửa hun đúc trong tôi một chất thép hào hùng cùng lý tưởng cao đẹp của những người thanh niên như tôi lúc đó”, Thượng tướng, Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu mở đầu câu chuyện về tình yêu của mình đối với nước Nga.
Được học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, thế hệ như ông đã thấm đượm vào máu nền văn học cách mạng Nga-Xô viết. Nghiền ngẫm những trang sách ấy, giúp các thế hệ học sinh Việt Nam lúc đó hiểu sâu sắc hơn về cuộc đấu tranh anh dũng cũng như tình yêu quê hương, tình yêu Tổ quốc của những con người ở xứ sở Bạch Dương. Nguyễn Huy Hiệu may mắn sở hữu cho riêng mình cuốn sách yêu thích “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A. Ostrovsky. Vào quân ngũ, sau những giờ phút thảnh thơi trên chiến trường, người lính chiến Nguyễn Huy Hiệu lại cầm cuốn sách này ra đọc, rồi chép những đoạn hay, ý nghĩa. Cứ thế 10 năm đi khắp các mặt trận chiến đấu từ Bắc vào Nam (1965-1975), tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” được ông đọc đi đọc lại nhiều lần và gần như thuộc lòng từng trang sách. Nguyễn Huy Hiệu xem đây là cuốn sách gối đầu giường, là cuốn cẩm nang giúp mình vượt qua gian khổ, bồi đắp ý chí, anh dũng tiến lên lập nhiều chiến công xuất sắc.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã trực tiếp tham gia 4 chiến dịch lớn: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971; Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975. Trong 4 chiến dịch ấy, Nguyễn Huy Hiệu giữ các cương vị chỉ huy khác nhau. Một trong những nét độc đáo ở các trận đánh của Nguyễn Huy Hiệu là ông luôn vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc dùng công nghệ vũ khí do Liên Xô viện trợ, như: Súng chống tăng B40, B41, tên lửa vác vai A72, B72... để bắn cháy xe tăng, máy bay trực thăng Mỹ. Cuộc đời binh lửa nơi chiến trường cũng như những nghiên cứu khoa học của ông đã đạt tới giá trị lớn lao trong ngành khoa học quân sự. Bởi vậy, Viện Hàn lâm khoa học quân sự Liên bang Nga đã bầu ông là Viện sĩ, một danh hiệu cao quý.
 |
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đến chào Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow, tháng 7-2007. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Kỷ niệm lần đầu đến với nước Nga
Đọc các tác phẩm văn học Nga, Nguyễn Huy Hiệu ước mong đất nước mình nhanh thoát khỏi cảnh súng đạn, được sống trong hòa bình, tự do và có ước mơ một ngày nào đó mình sẽ được đến thăm quê hương Cách mạng Tháng Mười nổi tiếng thế giới. Một ước mơ tưởng như xa vời với người thanh niên tuổi đôi mươi đang ôm súng chiến đấu với quân thù, cuối cùng đã trở thành hiện thực.
Năm 1977, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu được chọn cử đi thăm Liên Xô. Ông là cán bộ quân đội duy nhất đại diện cho Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam cũng như Quân đội nhân dân Việt Nam, cùng với đoàn Ủy ban Hòa bình thế giới của Việt Nam do đồng chí Lê Văn làm trưởng đoàn đi thăm và cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa, các nước độc lập dân tộc đã giúp đỡ nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đối với Nguyễn Huy Hiệu cũng như mọi thành viên trong đoàn, cảm xúc lần đầu tiên được đặt chân lên đất nước Liên Xô thật khó diễn tả. Khi vừa xuống sân bay ở thủ đô Moscow, hàng nghìn người dân tay cầm quốc kỳ hai nước, ảnh Bác Hồ, cờ hoa vẫy chào đoàn đại biểu. Họ cùng đồng thanh hô vang "Việt Nam! Việt Nam! Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh! Muôn năm!". Mọi người trong đoàn ai cũng bồi hồi xúc động. Đó là biểu hiện sinh động của tình cảm gần gũi, thân thương mà nhân dân Liên Xô dành cho những người bạn Việt Nam. "Hình ảnh đẹp ấy sẽ không bao giờ phai trong tâm trí tôi", Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ.
Trong chuyến thăm này, đoàn công tác đã mang theo hàng nghìn chiếc Huy hiệu Bác Hồ, tranh sơn dầu, tranh lụa về phong cảnh, con người Việt Nam của họa sĩ Huỳnh Phương Đông tặng các nước bạn. Một tuần lưu lại ở xứ sở Bạch Dương, tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt mỹ vừa tráng lệ, vừa cổ kính của Quảng trường Đỏ, Lăng Lênin, Cung điện Kremlin, Cung điện Mùa Đông, Thánh đường Saint Basils, Viện bảo tàng nghệ thuật Ermitazh; xem vở kịch “Hồ thiên nga” tại nhà hát lớn... những gì hiện thực về đất nước Liên Xô còn đẹp và thơ mộng, lộng lẫy hơn trong sách vở mà Nguyễn Huy Hiệu từng đọc. Cũng trong chuyến công tác này, Nguyễn Huy Hiệu được gặp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Gherman Stepanovich Titov và được ông dẫn đến thăm Hạm đội Hắc Hải của Nga đóng ở Odexa. Sau đó, cả đoàn đi trên tàu Amua-con tàu "tình yêu", đi dọc theo dòng sông Danube thơ mộng để đến thăm, cảm ơn các nước thuộc Liên bang Xô viết và một số nước Đông Âu.
Cậu học trò giỏi ở Học viện Frunze
Năm 1983, Nguyễn Huy Hiệu khi đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 (Đại đoàn Đồng Bằng), Quân đoàn 1, cùng 3 cán bộ quân đội được Bộ Quốc phòng cử đi đào tạo tại Học viện Frunze, thời gian học 1 năm. Nguyễn Huy Hiệu làm lớp trưởng, kiêm Bí thư chi bộ. Giảng viên của học viện có tri thức uyên bác, kinh nghiệm phong phú, rất nhiều người là những vị tướng, sĩ quan từng trải nghiệm qua chiến tranh, nhiều năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, đồng thời có học hàm tiến sĩ, nên phương pháp dạy nhấn mạnh vận dụng tổng hợp nhiều hình thức, như: Giảng bài, thảo luận trên lớp, tự học, tự nghiên cứu, các bài tập thực hành, các loại diễn tập; học đến đâu, thực hành đến đó. Học trò Việt Nam Nguyễn Huy Hiệu được các thầy thán phục khi lái xe BMP-1 dũng mãnh tiêu diệt tất cả các mục tiêu rất nhanh gọn trong các bài tập thực hành. Kết thúc khóa học, Nguyễn Huy Hiệu tốt nghiệp loại giỏi.
Học tại Học viện Frunze, Nguyễn Huy Hiệu cũng như những học viên từ Việt Nam được tham khảo tầm nhìn mới bao quát về nghệ thuật chiến tranh của Liên Xô cũng như nhiều nước trên thế giới, cập nhật kiến thức quân sự Liên Xô. Qua đó, nâng cao tố chất kỹ thuật quân sự ở cấp chiến dịch, chiến thuật, nhất là khả năng độc lập suy nghĩ và giải quyết vấn đề sát với thực tiễn chiến đấu.
Khóa học ở Học viện Frunze cho Nguyễn Huy Hiệu cơ hội được thưởng ngoạn cảnh sắc vạn vật ở quê hương Cách mạng Tháng Mười. Những con người ở quê hương Lênin đôn hậu, nhân từ, với tình cảm yêu mến chẳng khác gì nhân dân Việt Nam. Họ luôn xem những học viên đến từ Việt Nam như những người thân. Về nước, Nguyễn Huy Hiệu tiếp tục làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 390 và đã vận dụng những kiến thức khoa học quân sự vào huấn luyện với nhiều mô hình mới nhất, huấn luyện tác chiến trong điều kiện ở đồng bằng, rừng núi, hiệp đồng quân binh chủng. Những mô hình huấn luyện đó được cấp trên đánh giá cao, triển khai cho các đơn vị học tập và vận dụng vào thực tiễn.
Sau này, trên nhiều cương vị công tác khác nhau, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thường xuyên sang Liên bang Nga dự hội nghị, thăm và làm việc với các đối tác nước bạn. Mỗi lần sang xứ sở Bạch Dương đều để lại trong ông những ấn tượng và kỷ niệm khó phai. Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu chia sẻ niềm vinh dự nhiều lần được đến gặp và chào Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ngài Tổng thống luôn dành tình cảm tốt đẹp cho nhân dân Việt Nam và mong muốn nhân dân hai nước tiếp tục kế thừa truyền thống gắn kết giữa hai dân tộc, xây dựng mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga thành quan hệ hình mẫu, bền vững, hướng tới tương lai.
CHÍ PHAN