Ấn tượng còn đọng mãi trong anh là những cô giáo dạy tiếng Nga đôn hậu, tận tình; những thầy giáo, chuyên gia, nhà khoa học giỏi chuyên môn, có thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, tâm huyết nhằm giúp đào tạo đội ngũ cán bộ, kỹ sư quân sự Việt Nam, chuyển giao công nghệ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại...

Cái duyên đến với xứ sở bạch dương

Đại tá, TS Phan Văn Chương mặc dù khá bận rộn nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề được nghe anh kể về những kỷ niệm của mình với nước Nga để phục vụ bài viết tham dự cuộc thi “Nước Nga trong trái tim tôi”, anh nhanh chóng hẹn gặp. “Báo Quân đội nhân dân tổ chức cuộc thi viết “Nước Nga trong trái tim tôi” rất hay, rất ý nghĩa. Đúng là nước Nga luôn trong trái tim của chúng tôi-những nhà khoa học đã từng được học tập tại xứ sở bạch dương”-Đại tá, TS Phan Văn Chương trải lòng khi gặp chúng tôi...

Năm 1985, chàng thanh niên Phan Văn Chương tốt nghiệp Trường cấp 3 Xuân Trường (Nam Định) và thi đỗ vào Học viện Quân y. Là một trong những học viên trúng tuyển với điểm số cao, Phan Văn Chương được quân đội chọn cử sang Liên Xô đào tạo, nhưng không học quân y mà lại chuyển sang chuyên ngành vũ khí pháo binh tại Trường Đại học Kỹ thuật pháo binh Penza. Đây có lẽ là cái duyên của anh đối với xứ sở bạch dương, bởi nếu theo học Học viện Quân y để trở thành bác sĩ quân y như nguyện vọng ban đầu thì anh sẽ học trong nước. “Trước khi sang Liên Xô học tập, chúng tôi được học tiếng Nga trong một năm tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Ngay từ những lần đầu tiên được tiếp xúc với các cô giáo dạy tiếng Nga, chúng tôi đã cảm nhận được sự đôn hậu, tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam của những người phụ nữ Liên Xô”-Đại tá, TS Phan Văn Chương nhớ lại. Dạy tiếng Nga cho Phan Văn Chương và đồng đội tại Học viện Kỹ thuật quân sự là những “cô giáo không chuyên”-vợ các chuyên gia Liên Xô đang giúp học viện triển khai công tác đào tạo kỹ sư quân sự. Mặc dù không phải là giáo viên chuyên nghiệp nhưng các cô hết sức nhiệt tình, không nề hà vất vả, miệt mài dạy bảo, uốn nắn từng học viên trong phát âm, những bài học về ngữ pháp... Cứ thế qua từng ngày, các học viên đã tiến bộ nhanh chóng.

Đại tá, TS Phan Văn Chương (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng các chuyên gia Nga và cán bộ, kỹ sư, kỹ thuật viên Nhà máy Z129 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng), năm 2006. Ảnh do nhân vật cung cấp

Đại tá, TS Phan Văn Chương nhớ mãi hôm cùng các bạn lên chiếc máy bay IL-86 để sang Liên Xô học tập. Một cảm giác rất khó tả, vừa lo lắng vì nhiệm vụ học tập đặt ra không hề dễ dàng, vừa hồi hộp vì sắp được đến đất nước Liên Xô mà trước đây chỉ được biết qua sách vở. Máy bay hạ cánh xuống thủ đô Moscow trong tiết trời thu, ấn tượng đầu tiên với Phan Văn Chương là một thành phố thanh bình và vô cùng đẹp... Sau đó, đoàn học viên di chuyển bằng tàu hỏa từ Moscow đến thành phố Penza cách đó 700km. Tại Trường Đại học Kỹ thuật pháo binh Penza, những học viên trẻ vừa từ Việt Nam sang được nhà trường tiếp đón, bố trí nơi ăn ở hết sức chu đáo, khiến Phan Văn Chương và đồng đội có cảm giác như vừa nhập học một trường đại học ở trong nước vậy!

Thời điểm ấy, Trường Đại học Kỹ thuật pháo binh Penza có 5 khóa đào tạo học viên Việt Nam với tổng số 25 học viên, trong đó khóa năm thứ nhất tập trung học tiếng Nga, 4 khóa của những năm tiếp theo chủ yếu học chuyên ngành, thời gian học tiếng Nga giảm đi. Đảm nhiệm dạy tiếng Nga là các cô giáo thuộc Khoa Ngoại ngữ, trong khi ở các môn chuyên ngành chủ yếu là thầy giáo. Là học viên năm thứ nhất, Phan Văn Chương lại có cơ hội được học các cô giáo-những người phụ nữ Liên Xô đôn hậu như những cô giáo mà anh đã từng được tiếp xúc trong thời gian học ngoại ngữ tại Học viện Kỹ thuật quân sự. “Các cô rất giàu tình cảm, nhất là với học viên Việt Nam. Các cô coi chúng tôi như con của mình nên vừa hết lòng quan tâm, truyền đạt kiến thức, vừa nghiêm khắc trong học tập. Tôi còn nhớ cô giáo Komar. Cô có dáng người nhỏ nhắn, phúc hậu, nhiệt tình nhưng rất nghiêm khắc. Với những học viên chuẩn bị bài không tốt là cô phê bình và cho điểm thấp. Tuy nhiên sau đó, cô lại dành thời gian ngoài giờ để kèm cặp, phụ đạo riêng đến khi học viên tiến bộ. Cô bảo nếu yếu môn tiếng Nga là không thể học tốt chuyên ngành. Không học được thì sẽ không giúp gì được cho Tổ quốc...”-Đại tá Phan Văn Chương hồi tưởng.

Không chỉ các cô giáo mà các thầy dạy chuyên ngành cũng rất tâm huyết, tận tình. Học chuyên ngành “vừa khô vừa khó”, song với tâm huyết của các thầy, Phan Văn Chương và đồng đội ngày càng học tốt. Điều đặc biệt ấn tượng với các học viên là việc các thầy truyền đạt kiến thức không chỉ trong sách vở, tài liệu mà còn cả những bài học, kinh nghiệm thực tiễn. Ngoài các loại tài liệu, học viên Việt Nam còn được tiếp xúc với các trang thiết bị, vũ khí, khí tài có trong biên chế của trường. Những kiến thức, kỹ năng, phương pháp làm việc, nghiên cứu được trang bị tại Trường Đại học Kỹ thuật pháo binh Penza là hành trang rất quan trọng giúp Phan Văn Chương hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các cương vị công tác sau khi tốt nghiệp, trở về nước năm 1991.

Mạch truyền thống mãi chảy

Trong suốt thời gian học tập tại Liên Xô từ năm 1986 đến năm 1991, cảm nhận của Đại tá, TS Phan Văn Chương là cuộc sống ở xứ sở bạch dương thanh bình, người dân thân thiện, cởi mở và luôn dành tình cảm đặc biệt đối với các học viên Việt Nam. Học trường quân sự, kỷ luật chặt chẽ, mỗi tuần chỉ được ra ngoài một lần vào cuối tuần, nhưng mỗi lần được ra ngoài, trong các chuyến tham quan hay qua tiếp xúc, trò chuyện với người dân, các anh đều nhận được tình cảm, sự quan tâm đặc biệt. Những câu hỏi: “Tình hình Việt Nam thế nào?”; “Điều kiện ăn ở, học tập ở trường có tốt không?”, hay việc người dân bày tỏ sự khâm phục Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ... cho đến tận bây giờ Đại tá, TS Phan Văn Chương vẫn còn nhớ. Và những ấn tượng về nước Nga trong Đại tá, TS Phan Văn Chương luôn được “nuôi dưỡng” trong quá trình anh công tác trên các cương vị khác nhau, từ cán bộ nghiên cứu, đến nay là Phó giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, bởi anh có nhiều dịp công tác, làm việc cùng các chuyên gia, nhà khoa học Nga.

Như một mạch truyền thống, mặc dù Liên Xô không còn, nhưng các chuyên gia, kỹ thuật viên của nước Nga mà Đại tá, TS Phan Văn Chương có dịp được cùng làm việc trong những dự án hợp tác chuyển giao công nghệ vẫn luôn giữ được sự nhiệt tình, trách nhiệm, tình cảm riêng có đối với Việt Nam, luôn hết lòng, hết sức giúp các cán bộ, kỹ sư quân sự Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiệu quả, thiết thực nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội. Năm 2006, trên cương vị cán bộ nghiên cứu kiêm phiên dịch viên, Phan Văn Chương có 3 tháng làm việc với các chuyên gia Nga trong một dự án chuyển giao công nghệ tại một nhà máy thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng. Đoàn chuyên gia có 5 thành viên, anh nhớ nhất là chuyên gia Yuri. Chưa quen với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam, những hôm thời tiết nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại, nhưng chuyên gia Yuri vẫn miệt mài “cầm tay chỉ việc” cho cán bộ kỹ thuật, công nhân vận hành của nhà máy, trực tiếp giới thiệu từng nguyên công, làm động tác mẫu, rồi lưu ý những điểm đặc thù, đặc biệt, đồng thời luôn bám hiện trường để sẵn sàng xử lý kịp thời các sự cố có thể xảy ra...

Cuối năm 2016, Đại tá, TS Phan Văn Chương có dịp đến nước Nga trong một chuyến công tác. Sau 25 năm quay lại đất nước đã gắn bó suốt 5 năm học với nhiều kỷ niệm, nơi đào tạo mình thành một cán bộ khoa học kỹ thuật quân sự, anh bồi hồi xúc động, có cảm giác như trở lại chính quê hương mình. Nước Nga nói chung, thủ đô Moscow nói riêng có nhiều thay đổi, nhiều nhà cao tầng mọc lên, đẹp hơn, hiện đại hơn nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống mà trước đây, mỗi khi có dịp từ thành phố Penza lên thăm thủ đô Moscow, anh đã cảm nhận được, như khu phố cổ Arbat với các họa sĩ đường phố bên những chiếc giá vẽ... Đối với Đại tá, TS Phan Văn Chương, nước Nga với những con người đầy tình cảm với nhân dân Việt Nam luôn còn mãi, như những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Nga còn mãi với thời gian...

PHƯƠNG HIỀN