Sau 9 năm học tập, nghiên cứu tại Nga, tôi trở về nước với tấm bằng Tiến sĩ và được phân công công tác tại Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu. Mang tinh thần, phong cách “Nga” vào công tác đã khiến tôi thu được nhiều thành quả. Qua đó, tôi có thể góp một phần nhỏ bé của bản thân vào sự lớn mạnh của quân đội, vào sự phát triển của đất nước và sự trường tồn của dân tộc Việt Nam.

Tôi may mắn khi có những năm tháng của thời thanh niên tươi đẹp được sống, học tập và hiểu về nước Nga, với tôi, những ký ức đẹp đẽ đó đọng mãi trong con tim, khối óc của mình. Để viết về nước Nga thì quả thật có nhiều điều để nói, để phải nhớ, nhưng đọng lại nhiều nhất trong tôi là tình người và phong cách sống, không chỉ của thầy cô, bạn bè người Nga mà ngay cả tình người của người Việt xa xứ.

Những năm 2001, được đi du học tại Liên bang Nga là niềm tự hào của không chỉ bản thân mà còn là gia đình, dòng họ: Khi nhận quyết định được cử đi học tại Liên bang Nga (sau quá trình xét kết quả học tập những năm đầu đại học tại Việt Nam), đó là niềm tự hào của bản thân tôi với bạn bè và cũng là sự tự hào của cả đại gia đình với bà con xóm giềng nơi vùng quê nghèo Hải Dương.

Năm đầu tiên được học tập tại thành phố Saint Peterburgh (tên gọi trước đây mà người Việt Nam mình hay dùng là thành phố Leningrad) học tiếng Nga, những ngày đầu tiếp xúc với ngôn ngữ mới thật nhiều bỡ ngỡ. Để có thể giao lưu trao đổi, phải sử dụng kết hợp giữa lời nói và ngôn ngữ tay chân (khi đi chợ mua đồ ăn, khi tiếp xúc với thầy cô, bạn bè...). Thành phố Saint Peterburgh thật xinh đẹp, thanh bình và nên thơ với những kiến trúc đồ sộ kỳ vĩ, với mùa hè rực rỡ. Nhớ cả cảm giác đầu tiên khi nhìn thấy tuyết trắng, một màu trắng tinh khôi chỉ có thể tưởng tượng qua các tác phẩm văn học mượn đọc ở thư viện trường như “Thép đã tôi thế đấy”, “Sông Đông êm đềm” của thời niên thiếu.

leftcenterrightdel

Tác giả (thứ 2 từ phải sang) cùng các bạn sinh viên Việt Nam học tập tại Liên bang Nga tham gia hoạt động dã ngoại. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Qua năm học thứ hai, tôi được chuyển lên Matxcơva học chuyên ngành tại trường Trắc địa Bản đồ quốc gia (MGUGiK), lần đầu tiên đứng giữa Quảng trường Đỏ lịch sử, được nhìn ngắm điện Kremlin, và thật xúc động khi được thấy thi hài lãnh tụ Lênin, sự tôn kính các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do khi chiêm ngưỡng ngọn lửa bất tử ở công viên Alexandro, cả cảm giác tròn xoe mắt chiêm ngưỡng cột mốc số không Quốc gia (vì chuyên ngành có liên quan nhiều đến trắc địa bản đồ). Những gì tưởng tượng về thủ đô Matxcơva ở Việt Nam khác xa so với thực tế về mức độ hoành tráng, nguy nga và kiêu hùng. Những cảm giác lần đầu được tiếp xúc và chiêm ngưỡng đó có lẽ sẽ theo tôi suốt trọn cuộc đời.

Và những ngày tháng miệt mài trên giảng đường, với những thầy cô giáo già, khi biết tôi là người Việt Nam, các thầy cô say sưa kể về các thế hệ sinh viên Việt Nam đã học ở trường, trong ánh mắt thầy cô: Sinh viên Việt Nam rất chăm chỉ, khiêm tốn, cầu thị, thầy cô nói mong muốn được đến Việt Nam một lần, mong muốn được biết những gì người Việt Nam anh dũng trong các cuộc chiến đấu chính nghĩa bảo vệ Tổ quốc, được thấy một Việt Nam chuyển mình kỳ diệu sau những năm đổi mới, hội nhập với thế giới. Tôi nhớ cụm từ “Việt Nam, Việt Nam” lúc nào cũng được thầy cô nói với ngữ điệu thật trìu mến.

Tuy vậy, thầy cô cũng rất nghiêm khắc, tưởng chừng từ sự yêu mến Việt Nam, sẽ có ưu ái những sinh viên như tôi, nhưng không phải vậy - tôi nhớ: Có lần nộp bài tập thực hành chuyên ngành đo đạc mà tôi làm không tốt lắm (cũng chỉ vì chủ quan), thầy dạy môn Trắc địa cơ bản nghiêm giọng nhắc nhở (nói như cách người Việt mình hay nói về người Nga): “Mày phải chịu khó học hành cho tử tế vào, sau này còn về mà phục vụ đất nước”. Tôi vẫn nhớ giọng nói nghiêm khắc của thầy lúc đó, sẽ nhớ mãi. Có lẽ tôi có được sự trưởng thành hiện tại cũng từ những câu nói thấm đượm tinh thần trách nhiệm của các thầy cô khi muốn những điều tốt đẹp nhất đến với sinh viên Việt Nam, những sinh viên đến từ một đất nước anh hùng đã để lại trong lòng người Nga nhiều tình cảm tốt đẹp.

Cũng chính người thầy ấy, một lần tâm sự riêng với tôi trong giờ nghỉ, thầy nói: “Hồi xưa, khi đó mới ra trường, những năm 1972 - nghe tin Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam ác liệt, lúc đó thầy còn trẻ nên nhiệt huyết hăng say lắm, thầy xin trường cho được qua Việt Nam tham gia làm chuyên gia tư vấn về ngành bản đồ. Rất tiếc, lúc đó ngành bản đồ địa hình chưa phát triển như bây giờ nên thầy không được tuyển chọn. Cái ký ức của thời đó, tình nghĩa giữa các nước Xã hội Chủ nghĩa anh em thật là son sắt. Giờ đây, thầy vẫn giữ riêng cho mình giấy khen của Đoàn thanh niên Cộng sản Liên bang Xô Viết trao tặng những người Cộng sản trẻ tuổi nhiệt thành. Cũng rất tiếc, thời cuộc đã thay đổi rất nhiều, nhưng những năm tháng thanh niên sôi nổi đó luôn là kỷ niệm mà thầy nhớ mãi”. Giờ đây, tôi ngồi viết những dòng chữ này vẫn in đậm hình ảnh về dáng vóc người thầy trong chiều mùa đông năm ấy bên khung cửa sổ đầy tuyết trắng, dáng vóc người từng trải qua nhiều biến cố của cuộc đời nhưng giữ trong mình những hoài niệm tươi đẹp của thời thanh xuân sôi nổi, về một đất nước Việt Nam hào hùng.

leftcenterrightdel

Tác giả (thứ 2 từ phải sang) trong một hoạt động dã ngoại khi học tập tại Liên bang Nga. Ảnh: Tác giả cung cấp.

Và những người bạn Nga, với khoảng cách thế hệ, đa phần các bạn được sinh ra và lớn lên sau biến cố năm 1991 của Liên bang Xô viết - nên những người bạn trẻ không có nhiều ấn tượng về Việt Nam, với họ, người ngoại quốc nói chung và người châu Á nói riêng là không có gì là khác biệt, cách sống của họ rất sòng phẳng. Vậy mà chẳng hiểu sao, tôi thường được họ quý mến. Có một kỷ niệm mà mỗi khi nghĩ đến, tôi không khỏi tự mỉm cười: Để bắt đầu ngày mới, người Nga thường là những cái bắt tay xã giao buổi sáng (theo phép lịch sự và phong tục truyền thống), lời chúc sức khỏe, nhưng với riêng tôi lại thêm câu: “Hoàn, mày đi với tao uống cốc cà phê nhé – sáng nay lạnh quá!”, sự thân thương như sợi dây vô hình kết nối tôi với những người bạn Nga. Mãi đến giờ, những dịp Giáng sinh, tôi vẫn nhận được email của người bạn gái thân thiết Sasha (đang làm giám đốc công ty đo đạc có tiếng tại vùng quê Sibiri lạnh giá) – bạn vẫn gửi thư cho tôi để chia sẻ những thành công trên bước đường kinh doanh của mình, hỏi thăm về vợ và con tôi, hay khoe tấm ảnh bé con vừa mới vào lớp một – những lúc vậy, trong tôi lại bồi hồi, dâng lên niềm cảm xúc với những nỗi nhớ về nước Nga.

Những ngày này, nhiều lúc chạy xe trên đường Hà Nội, tôi lại nhớ da diết những bữa ăn ở căn tin, nhớ cái cảm giác đứng chen chúc trong tàu điện ngầm giờ cao điểm, nhớ những lần được hòa mình vào bầu không khí tưng bừng của những dịp lễ lớn như chiến thắng Phát xít, ngày độc lập của nước Nga, tự thấy dòng máu Nga như đang ngầm chảy trong từng thớ thịt của mình.

Có những lần công tác tại Hội An, Nha Trang, hoặc được ra giàn khoan tại Vũng Tàu khảo nghiệm và nghiên cứu cho chuyên ngành Trắc địa Bản đồ, tôi gặp lại những người bạn Nga đã và đang sống, làm việc tại Việt Nam. Tôi kể mình từng sống và học tập tại Moscow, từng được các bạn Olga, Elena chỉ dẫn cách chống lạnh giữa rừng Taiga mỗi khi thực tập đo đạc do trường tổ chức, được Natasha, Vicky hướng dẫn cho cách làm món salat và các món ăn truyền thống của Nga. Khi nghe tôi kể, trong ánh mắt của những người bạn Nga mới gặp ấy long lanh nỗi nhớ quê nhà, họ lấy trong tủ lạnh chai Vodka, khúc bánh mì đen (mà có lẽ họ nghĩ chỉ dân tộc Nga mới cảm nhận được sự ngon lành, cứ như thể người Việt Nam mình đi nước ngoài được ăn nem rán, canh măng, được uống vài chén rượu Lúa mới vậy) mời tôi một cách nồng hậu. Bạn nói: “Bạn làm tôi nhớ về quê nhà da diết, tôi xa nước Nga yêu dấu đã 6 tháng, nhưng bạn ơi, hãy uống cùng tôi ly Vodka này, ly Vodka đậm tình nghĩa, để tôi – người bạn từ nước Nga xa xôi, muốn gửi đến bạn- người bạn Việt Nam thân thiện, như tấm chân tình thân thương”. Những lần đó tôi rất cảm động, hóa ra ở đâu và thời nào cũng vậy, khi đề cập đến những tình cảm quê hương thì luôn tìm được những tiếng nói chung và sự đồng cảm.

leftcenterrightdel
Tác giả làm việc tại đơn vị. Ảnh: ĐOÀN VĂN NAM

Quay lại câu chuyện những ngày tháng sống và học tập tại Nga, trong tôi còn là tình cảm thương nhớ những con người Việt Nam xa xứ, chính những người bạn, người em cùng học trong trường, thậm chí những người anh người chị sau biến cố 1991 đã lựa chọn nước Nga là quê hương thứ hai của mình để sống và lập nghiệp. Không ở đâu rõ nét cội nguồn dân tộc, tự hào Việt Nam và tinh thần đoàn kết tình đồng hương, đồng chí, đồng đội, tình anh em như những người con xa quê chúng tôi. Nhớ những dịp Tết Nguyên đán (với người Nga thật sự cũng chỉ là ngày bình thường, với họ chính nhất là lễ Giáng Sinh và thời khắc đón chào năm mới theo Dương lịch), anh em trong ký túc xá tự tay chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, trên bàn thờ đặt tấm ảnh Bác Hồ trân trọng, cũng đủ vị: Bánh chưng, canh măng, dưa giá, nem... như ở Việt Nam (dù việc mua nguyên vật liệu là cực kỳ khó khăn, thậm chí một vài gia vị và đồ dùng phải để dành cả năm trời mỗi khi ai đó có dịp về Việt Nam sang lại tặng làm quà), đó là những lúc lòng tự tôn dân tộc, tình cảm hướng về quê hương Tổ quốc, là cảm giác thiêng liêng của thời khắc Giao thừa, chắc có lẽ, tôi không bao giờ quên được.

Những kỷ niệm về nước Nga sẽ không bao giờ kể hết bởi vì trong tôi đọng lại quá nhiều kỷ niệm. Và tính cách Nga hòa quyện với tính cách Việt Nam trong tôi, nâng tầm những giá trị tốt đẹp của truyền thống người Việt Nam trường tồn qua nhiều thế hệ. Đó là tình cảm anh em chân thành, là cách sống trung thực, giản dị, là trọng chữ tín, là thái độ nghiêm túc trong công việc - đặc biệt là những công việc đòi hỏi sự đầu tư sâu về trí tuệ, nghiên cứu.

Giờ đây, cảm giác trong tôi là sự ấm áp mỗi khi nhớ về nước Nga với những kỷ niệm đẹp của thời thanh xuân sôi nổi. Xin cảm ơn nước Nga, cảm ơn những ngày tháng tuổi trẻ được sống và học tập tại Liên bang Nga. Để giờ đây, tôi có đủ bản lĩnh và trí tuệ phục vụ quân đội; cống hiến trong ngành Trắc địa Bản đồ.

PHẠM XUÂN HOÀN