Ước mơ đến với đất nước “lạ đời”

Năm nay Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh đã bước qua tuổi 90, tóc trắng tựa cước nhưng vẫn thông tuệ và hào sảng. Ông nói: “14 tuổi, đang học Trường Quốc học Vinh, tôi đã được thấm những câu thơ: Nước Nga có chuyện lạ đời/ Đem người nô lệ thành người tự do. Tới khi trở thành người lính Cụ Hồ, tôi được học các tác phẩm văn học Nga, trong đầu tôi lúc nào cũng vẩn vơ ước mơ sau này khi đất nước giải phóng sẽ có dịp được sang Xô viết-quê hương Cách mạng Tháng Mười “lạ đời” ấy xem có tuyệt vời như trong sách vở hay không”.

Mùa thu năm 1961, sau thời gian huấn luyện, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Ninh được chọn sang Liên Xô đào tạo chuyên ngành tên lửa ở Học viện Phòng không quốc gia Liên Xô. Trong quá trình học tập, ông và những học viên đến từ Việt Nam luôn nhận được tình cảm chân tình, sự quan tâm sâu sắc của các thầy giáo, học viên Liên Xô. Nguyễn Văn Ninh làm bạn với Mazaev, người đã chỉ huy phân đội bắn rơi chiếc máy bay trinh sát chiến lược U-2 của Mỹ trên bầu trời Liên Xô khi nó bay ở độ cao 18km để do thám vào ngày 1-5-1960. Mazaev đã truyền đạt những kỹ năng vận hành khí tài, kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu cho người lính trẻ đến từ Việt Nam. Đó là nguồn cảm hứng để Nguyễn Văn Ninh ra sức học tập, rèn luyện. Ba năm học tập, nhiều địa danh nổi tiếng đã đi vào nền văn học, thi ca Nga đều được Nguyễn Văn Ninh đến thăm.

Nguyễn Văn Ninh (thứ hai, bên phải) cùng học viên quân sự nước bạn tại Liên Xô, năm 1962. Ảnh do nhân vật cung cấp

Ngày ấy, nhiều bà mẹ Xô viết có con đang theo học cùng trường thường xuyên đến thăm, động viên và xem học viên Việt Nam như con cháu của mình. Kết thúc khóa học, trước khi lên tàu về nước, nhiều bà mẹ đã ra ga tàu, ôm chầm lấy những người lính Việt Nam và nói: “Mẹ thương các con lắm! Thương nhân dân Việt Nam lắm! Bởi vì ngày mai về Việt Nam, các con phải chiến đấu với quân xâm lược hùng mạnh. Mẹ và nhân dân Liên Xô vẫn luôn tin ý chí của người Việt Nam…”.

Những người bạn cùng chung chiến hào

Ngày 7-1-1965, Trung đoàn Tên lửa 236-trung đoàn tên lửa đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập. Nguyễn Văn Ninh đảm nhiệm chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 64, Trung đoàn 236, tiếp nhận tên lửa đất đối không SAM-2 (S-75 Dvina) của Liên Xô và cùng các chuyên gia Liên Xô trực tiếp huấn luyện kỹ thuật quản lý, sử dụng vũ khí tên lửa hiện đại này. Hằng ngày, trên các trận địa, các chuyên gia Liên Xô và cán bộ, trắc thủ của Trung đoàn 236 miệt mài huấn luyện để nhanh chóng bước vào chiến đấu theo chỉ thị của Bộ Tổng tư lệnh. Với yêu cầu rất khẩn trương để ra quân chiến đấu, thời gian huấn luyện chuyển binh chủng dự tính 4 tháng rút xuống chỉ còn hơn 2 tháng.

Đặc biệt, Nguyễn Văn Ninh đã gặp lại người bạn, người đồng chí Mazaev khi ông là chuyên gia quân sự Liên Xô sang giúp đỡ Trung đoàn 236 huấn luyện vận hành làm chủ khí tài và chiến đấu. Làm việc với bộ đội Việt Nam, các chuyên gia Liên Xô luôn nêu cao tính kỷ luật. Mọi người đều phải thực hiện đúng thời khóa biểu đã định, huấn luyện từ 6 giờ đến 12 giờ và từ 16 giờ đến 19 giờ. Ban đêm, học viên phải tranh thủ tự học. Mệt mỏi, vất vả là thế nhưng chẳng ai nản lòng bởi những chuyên gia Liên Xô luôn biết cách truyền lửa cho anh em học viên cùng quyết tâm khắc phục khó khăn trong điều kiện thời tiết nắng nóng, địa hình phức tạp ở rừng núi nhiều côn trùng. Ngày cũng như đêm, những giờ học thường bị gián đoạn bởi tiếng còi báo động khi có máy bay Mỹ bắn phá. Dưới mái nhà tranh dã chiến, thầy-trò miệt mài dạy và học, mặt mũi ai nấy đều hốc hác vì ngày đêm dồn sức vào huấn luyện, nhưng đôi mắt lại luôn ánh lên niềm tin và hy vọng.

Vượt qua khó khăn, thử thách, toàn đơn vị kết thúc huấn luyện bảo đảm thao tác, sử dụng được vũ khí, khí tài và thực hành đánh máy bay địch. Với quyết tâm “chỉ được đánh thắng, thắng ngay từ trận đầu”, trận đánh mở màn của bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã diễn ra vào chiều 24-7-1965 do Tiểu đoàn 63 và Tiểu đoàn 64 (Trung đoàn 236) tiến hành tại trận địa thuộc huyện Bất Bạt (nay thuộc Ba Vì, Hà Nội). Trong trận đánh này, các chuyên gia Liên Xô trực tiếp tham gia chiến đấu cùng bộ đội Việt Nam. Với sự hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, họ đã bắn hạ 1 chiếc máy bay F-4C khiến nó bốc cháy và rơi xuống địa bàn xã Võ Miếu (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ). Tên giặc lái mang cấp hàm đại úy bị bắt sống. Đây là chiến thắng có ý nghĩa to lớn, củng cố niềm tin vững chắc để bộ đội ta quyết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngày 24-7 cũng vì thế trở thành Ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa phòng không Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh vẫn nhớ như in kỷ niệm được chuyên gia Ilinuk trao tặng quyển sách mỏng, bìa màu xanh và nói: “Đây chỉ là những nguyên tắc cơ bản thôi, tiểu đoàn trưởng đọc kỹ, áp dụng linh hoạt vào thực tiễn từng trận đánh, nhất định thành công”. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Ninh dịch ra từng chương, từng mục để quán triệt đến cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị và tổ chức huấn luyện làm chủ khí tài mới. Mờ sáng 15-10-1965, một đoàn công tác từ Hà Nội đến kiểm tra Tiểu đoàn 64 đang chiến đấu ở Phú Thọ. Khi đoàn vừa đi qua thị xã Vĩnh Yên, được nhân dân ra hiệu có lệnh báo động phòng không, cả đoàn dừng lại xuống xe, chưa kịp ẩn nấp thì thấy hai quả tên lửa vút lên lao vào không trung hướng đến lũ “giặc trời”. Một chiếc máy bay địch bị bắn trúng rơi xuống Việt Trì. Không chậm một phút, cả đoàn công tác đến ngay trận địa tên lửa, trưởng đoàn chuyên gia nói: “Chúng tôi được phép của Bộ tư lệnh Phòng không-Không quân đến kiểm tra vũ khí, khí tài và đạn tên lửa, đã trực tiếp thấy tên lửa tiêu diệt máy bay Mỹ rồi. Các đồng chí giỏi lắm! Nếu được phép cho điểm thì Tiểu đoàn trưởng 64 xứng đáng nhận điểm 5+. Bây giờ chúng tôi rất muốn nghe kinh nghiệm chiến đấu của đồng chí”. Nguyễn Văn Ninh cầm quyển sách được chuyên gia Ilinuk trao tặng và nói ngắn gọn: “Đơn vị bắn hạ máy bay Mỹ, phần quan trọng là nhờ các đồng chí chuyên gia Liên Xô đã dạy chúng tôi, trong đó có đồng chí Ilinuk và đồng chí Alexander Borodin ngồi đây!...”.

Trên chiến hào, những người lính Việt Nam và các chuyên gia quân sự Liên Xô cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu trong điều kiện khó khăn nhưng họ vẫn lạc quan và lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong những giờ phút giải lao, nghỉ ngơi trên trận địa, lời những bài hát “Cachiusa”, “Cuộc sống ơi, ta mến yêu người”, “Chiều trên bến cảng”, “Chiều Moscow”… lại được những người lính Xô viết và Việt Nam hát vang.

Tình đồng chí vượt thời gian

Hằng năm, có nhiều cựu chuyên gia tên lửa phòng không của Liên Xô đã trở lại thăm Việt Nam. Mới đây, ông Borodin Alexander cùng vợ sang Việt Nam tìm gặp những người bạn cùng chiến hào năm xưa. Ông mang theo bức ảnh chụp chung với hai người lính tên lửa Việt Nam, đó là Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh và Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Trương Uy. Gặp lại nhau khi mái tóc trên đầu đã bạc trắng nhưng tình đồng chí giữa những người cùng chung chiến hào vẫn thân mật, thắm nồng như xưa. Những người lính già không quên ôn lại hồi ức đẹp đẽ, khó có thể phai mờ của những năm tháng đồng cam cộng khổ trong giai đoạn giữa thập niên 60.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nói với ông Borodin: “Đất nước chúng tôi có câu: Trái đất tròn, bởi thế chúng ta gặp nhau. Tôi rất vui vì được gặp lại ông. Trong trí nhớ của tôi vẫn in đậm hình dáng ông khi lần đầu tới Việt Nam, một người chỉ huy đôn hậu, dũng cảm, trẻ và đẹp trai, với đôi mắt xanh da trời cùng sự thông minh, lanh lợi, hóm hỉnh, ông Borodin ạ! Năm tháng trôi qua nhưng nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và trân trọng những người bạn Xô viết, trong đó có ông với những đóng góp to lớn cho lực lượng phòng không-không quân trong những năm tháng chiến tranh và xây dựng đất nước. Tình hữu nghị giữa những người cùng chung chiến hào cách đây nửa thế kỷ vẫn luôn bền chặt, thể hiện mối quan hệ quốc tế thủy chung, trong sáng”. 

Thời gian công tác sau này và cả khi đã về hưu, Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh nhiều lần trở lại xứ bạch dương và được các cựu chiến binh, người dân nơi đây đón tiếp nồng hậu, trọng thị, thân mật, chu đáo. Quê hương Xô viết, con người Nga đôn hậu luôn là hình ảnh đẹp, in sâu trong trái tim vị tướng già. Chính đất nước “lạ đời” ấy đã góp phần xây đắp lý tưởng, trang bị những kiến thức quân sự, góp phần để Nguyễn Văn Ninh trở thành một vị tướng tài, một người lính sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.

NGUYỄN CHÍ HÒA