Mỉm cười, ông khe khẽ đọc những câu thơ trong bài “Vô đề” của nhà thơ Nga nổi tiếng ở thế kỷ 19 Fyodor Ivanovich Tyutchev: “…Nước Nga có một điều đặc biệt/Chỉ có thể đặt niềm tin vào nước Nga”.
Mối duyên chớm nở
Chầm chậm giở những tập thơ mà mình đã dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt, dịch giả Thúy Toàn nhớ về một miền ký ức của tháng năm tuổi trẻ. Và câu chuyện của những ngày xưa ấy như thước phim quay chậm dần dần hiện lên trước mắt tôi.
Sinh năm 1938 tại làng Chợ Giầu (nay là phố Phù Lưu), thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Thúy Toàn đã mê văn học-nghệ thuật từ tấm bé. Những làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh với nét đẹp riêng vừa gần gũi, vừa tinh tế đã khơi gợi trong ông khao khát về một sự nghiệp văn chương. Năm 1950, theo phong trào tòng quân, Thúy Toàn được vào trường thiếu sinh quân. Tại đây, ngoài việc tập điều lệnh, thời gian ông tập trung cho việc học văn hóa. Cũng chính khoảng thời gian ở dưới mái trường thiếu sinh quân này, tình yêu đối với Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay đã chớm nở trong Thúy Toàn dù cho khi ấy người con đất Kinh Bắc chưa một lần được đến xứ bạch dương.
 |
Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn và cuốn “Khúc ca về cuộc hành binh Igor” do ông dịch. |
Ở tuổi xưa nay hiếm, dịch giả Thúy Toàn vẫn nhớ mãi khôn nguôi về buổi học, nơi bắt đầu mối duyên nợ của ông đối với văn học Nga cho đến tận ngày hôm nay. Một lần, trong giờ học, ông được nghe thầy Phạm Tuyên (sau này là nhạc sĩ nổi tiếng) giảng bài tùy bút có tên “Lòng yêu nước” của nhà văn Xô viết Ilya Erenburg do nhà văn Thép Mới dịch sang tiếng Việt. “Giờ tôi vẫn nhớ nội dung bài “Lòng yêu nước” đấy nhé!”, dịch giả Thúy Toàn khẳng định “chắc như đinh đóng cột”. Để chứng minh cho điều mình vừa nói, ông đọc say sưa: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh… Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê đã trở nên lòng yêu Tổ quốc…”. Ông còn nói cho tôi biết một chi tiết thú vị rằng, tác giả của bài “Lòng yêu nước” từng được gặp Bác Hồ vào năm 1946 tại Paris (Pháp).
Những câu từ, tư tưởng của bài tùy bút, được ra đời trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945) của nhân dân Liên Xô đang diễn ra khốc liệt, đã thu hút Thúy Toàn. Và từ hôm ấy, ông mơ ước được biết nhiều hơn về con người và văn hóa Nga.
Gặp gỡ
Giấc mơ khám phá xứ bạch dương ấp ủ bao lâu trở thành hiện thực khi Thúy Toàn cùng 99 thiếu sinh quân được cử sang Liên Xô học tập vào năm 1954. Sau hai năm học tiếng, Thúy Toàn là một trong số 20 người được giữ lại học đại học. Vốn yêu thơ ca, ông theo học Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm quốc gia Moscow mang tên Lênin. Thúy Toàn bộc bạch rằng, đã mấy chục năm trôi qua nhưng những kỷ niệm về khoảng thời gian học tập ở Liên Xô vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của ông.
Xứ bạch dương vốn nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ, khiến những tâm hồn lãng mạn phải xao xuyến. Không nằm ngoài lệ, bước đi trên những con đường, Thúy Toàn phải thốt lên rằng đất nước này thật đẹp. Dù xa quê hương, xa gia đình nhưng Thúy Toàn không hề cảm thấy cô đơn vì luôn nhận được tình cảm ấm áp từ những người xung quanh, trong đó có cả người dân Nga. Ông chia sẻ, các thầy cô giáo Nga không chỉ tận tình truyền đạt kiến thức mà còn hết lòng quan tâm đến sinh viên Việt Nam. “Con người Nga chân thành, đôn hậu và cởi mở lắm. Họ sẵn sàng chỉ bảo cho chúng tôi mà không e ngại bất kỳ điều gì”, Thúy Toàn khẳng định.
Có một chuyện khiến ông nhớ mãi… Đó là một lần, sinh viên Việt Nam Thúy Toàn ngồi chống tay lên cằm khi ăn ở căng tin của trường. Một thầy giáo đi qua nhìn thấy như vậy liền tiến lại gần và hỏi xem có phải ông bị ốm hay không. Và sau khi Thúy Toàn nói rằng mình hoàn toàn bình thường, thầy liền nhắc ngay: “Thế thì phải ngồi thẳng lên chứ!”. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để ông thấy cảm động và ấm lòng vô cùng.
Tình người, sự quan tâm và sẻ chia luôn hiện hữu ở đất nước tươi đẹp và rộng lớn này!
Bắc cầu hai nền văn học
Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn là người nặng lòng với văn học Nga. Tâm hồn ông không chỉ được nuôi dưỡng bằng lời ca quan họ từ khi mới lọt lòng mà còn bằng nền văn hóa vĩ đại của Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay. Sự nghiệp dịch các tác phẩm văn học Nga sang tiếng Việt của ông bắt đầu từ khi ông học năm thứ 3 đại học. Khi ấy, Thúy Toàn thường dịch những bài thơ, mẩu chuyện thiếu nhi của xứ bạch dương sang tiếng Việt. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1961, trở về nước, làm việc tại Trường Trung cấp Ngoại ngữ Mễ Trì (nay là Đại học Hà Nội) một vài năm rồi chuyển sang công tác tại Nhà xuất bản Văn học.
Nói đến những người góp sức đưa văn học Nga đến gần với độc giả Việt Nam, không thể không nhắc đến Thúy Toàn, người được giới yêu thơ ca gọi là “người bắc cầu văn học Việt-Nga”. Hàng chục năm qua, Thúy Toàn đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc Việt Nam qua các tác phẩm tiêu biểu, như: “Những con ngựa thồ”, “Nghĩ về những con đường nước Nga”… Tên tuổi của ông cũng được các thế hệ độc giả trong nước biết đến với những bản dịch thơ của đại thi hào, mặt trời thi ca Nga Puskin như “Tôi yêu em”, “Con đường mùa đông”... Những câu từ trong bản dịch của ông giản dị, mộc mạc, trong sáng mà sâu sắc đã nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ người Việt Nam.
Bằng những cống hiến của mình, nhà văn, dịch giả Thúy Toàn nhận được rất nhiều giải thưởng, trong đó phải kể đến Giải thưởng quốc tế của Hội nhà văn Liên Xô vào năm 1987. Đặc biệt, gần 10 năm về trước, tháng 11-2010, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev đích thân trao Huân chương Hữu Nghị của Nhà nước Liên bang (LB) Nga tặng 12 công dân người nước ngoài có đóng góp to lớn nhằm tăng cường tình hữu nghị, phát triển hợp tác văn hóa với Nga. Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn là một trong những người vinh dự được nhận huân chương cao quý đó. Cũng nhân dịp này, ông đã tặng Tổng thống Dmitry Medvedev cuốn “Khúc ca về cuộc hành binh Igor” do ông dịch. Nói về cảm xúc của mình khi đó, ông thấy mình thật may mắn đã được phía Nga chọn trong danh sách 18 người mà nước ta gửi sang. “Tôi chỉ coi mình là người đại diện vì ở Việt Nam còn có nhiều người đạt thành tích tốt trong việc thúc đẩy hợp tác văn hóa với Nga”, Thúy Toàn khiêm nhường nói. Theo ông, đó là sự khích lệ, động viên to lớn đối với cá nhân mình, đồng thời là sự ghi nhận công lao của biết bao thế hệ các dịch giả và những người phổ biến tiếng Nga cũng như văn hóa Nga tại Việt Nam.
Không ngần ngại tự nhận mình là một người “năng nhặt chặt bị”, ông cho biết, trong suốt nhiều năm qua, ông đã sở hữu được kha khá sách, báo, tranh ảnh, kỷ vật liên quan đến quan hệ giao lưu văn hóa, văn học Việt Nam-Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay. Coi đó là gia tài quý giá nhất của mình, ông luôn nâng niu, chăm chút và giữ gìn cẩn thận để chúng không bị hư hỏng hay thất lạc.
Suốt cuộc đời gắn bó với văn hóa, văn học Nga, Thúy Toàn tâm sự rằng, ở tuổi xế chiều ông nghĩ mình cần phải sắp xếp lại "của cải" của mình để các thế hệ sau luôn khắc ghi tình hữu nghị vượt qua nhiều thập kỷ giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, nước Nga ngày nay. Chính vì thế mà Thúy Toàn nảy ra ý định xây dựng một nơi lưu giữ tài sản của ông. May mắn, chính quyền, bà con và đoàn thể ở quê nhà ủng hộ và tạo điều kiện cho ông sử dụng ngôi nhà vắng chủ và là của chung để làm Nhà lưu niệm “Văn học Nga tại Việt Nam”. Bắt đầu mở cửa vào năm 2015 tại số 84 phố Phù Lưu, nhà lưu niệm được bố trí một cách rất khoa học với hai gian trưng bày theo chủ đề riêng biệt. Tại gian trưng bày ở tầng 1 có tên gọi là “Những trang tình nghĩa”, người tham quan hiểu thêm được tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi cử những học sinh xuất sắc sang Liên Xô học tập để về xây dựng đất nước trong tương lai. Bên cạnh đó, ở đây còn có các trang báo cũ bằng tiếng Nga nói về Bác Hồ. Còn tại gian trên tầng 2 có tên “Văn học Nga ở Việt Nam” trưng bày tư liệu giới thiệu quá trình văn học Nga vào Việt Nam. Với nhiều hiện vật, tư liệu quý do nhà văn, dịch giả Thúy Toàn dày công sưu tầm. Nhà lưu niệm “Văn học Nga tại Việt Nam” là địa chỉ hấp dẫn đối với những người yêu nước Nga, góp phần quan trọng thúc đẩy và thắt chặt hơn nữa quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và LB Nga.
Như một con ong cần mẫn đem lại mật ngọt cho đời, suốt nhiều năm qua, nhà văn, dịch giả Thúy Toàn đã tận tâm, tận lực quảng bá văn học Nga tại Việt Nam. Bởi, ông tâm niệm rằng tác phẩm văn học dịch từ tiếng Nga sang tiếng Việt là “cầu nối” hai nền văn hóa, giúp nhân dân hai nước hiểu biết lẫn nhau hơn.
Bài và ảnh: THÙY LINH