Sang Liên Xô làm nhiệm vụ đặc biệt
Ngồi trong căn nhà nhỏ ở phố Nguyễn Ngọc Nại (Thanh Xuân, Hà Nội), Đại tá Trần Văn Nam lần giở những tấm ảnh chụp cùng đồng đội thời học viên ở Liên Xô. Trầm tư hồi lâu, ông không giấu được sự xúc động khi kể lại nhiệm vụ đặc biệt ở xứ sở bạch dương năm xưa.
Tháng 5-1955, đồng chí Trần Văn Nam là chiến sĩ thuộc Trung đoàn 53, Sư đoàn 350 được học tập văn hóa tại tỉnh Kiến An (nay là quận Kiến An, TP Hải Phòng). Đầu tháng 3-1956, anh cùng 29 quân nhân tuyển chọn trong số những người học bổ túc văn hóa được lệnh về Hà Nội nhận nhiệm vụ. Không biết trước nhiệm vụ đó là gì nhưng ngày đó, với khí thế tuổi trẻ hừng hực nên cứ có lệnh là xách ba lô lên đường. Khi về tập trung ở Trạm 66 (Bộ Quốc phòng), đoàn quân nhân mới biết được giao nhiệm vụ chuẩn bị sang Liên Xô đào tạo phi công.
Cả đoàn ai nấy đều xác định đây là nhiệm vụ quan trọng và rất đặc biệt. Sau hòa bình lập lại ở miền Bắc, nước ta chưa có phi công và máy bay, mọi nhiệm vụ bay phục vụ Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến đều do máy bay và tổ bay của Pháp thực hiện. Còn các chuyến bay khác do máy bay và chuyên gia Trung Quốc đảm nhiệm giúp. Khi ấy, Bác Hồ rất quan tâm xây dựng lực lượng không quân. Thực hiện chỉ thị của Bác, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng nhanh chóng chỉ đạo tuyển chọn những cán bộ, chiến sĩ để đi đào tạo không quân ở nước bạn.
Trước khi lên đường, đoàn học viên quân sự được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gặp mặt tại nhà khách Bộ Quốc phòng. Đại tướng đã truyền đạt lại tinh thần chỉ đạo của Bác Hồ và giao nhiệm vụ cho đoàn sang Liên Xô học tập nhanh chóng tiếp thu khí tài, trang bị kỹ thuật để về phục vụ Tổ quốc. Hôm sau, Đại sứ quán Liên Xô mời đoàn học viên quân sự dự buổi liên hoan. Tại đây, cán bộ đại sứ quán giới thiệu về văn hóa, phong tục, truyền thống của đất nước Xô viết. Ngay cả những tập tục, thói quen sinh hoạt đời thường, cách sử dụng đồ dùng nhà ăn của nước bạn cũng được hướng dẫn tỉ mỉ. Dự buổi liên hoan đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp căn dặn thêm: “Bộ đội đánh giặc giỏi rồi thì đi học phải trong tư thế đàng hoàng, phải am hiểu văn hóa, phong tục nước bạn và giữ gìn danh dự quân đội, thể diện quốc gia”.
 |
Các học viên phi công đầu tiên tại Balashov (Trần Văn Nam đứng thứ ba, từ phải sang). Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Ngày 16-4-1956, đoàn học viên có mặt ở ga Hàng Cỏ trong cái nắng đầu hạ rực vàng, trong lòng ai cũng náo nức nhưng cũng thoáng buồn do không có người nhà đưa tiễn (vì phải giữ bí mật). Tàu liên vận quốc tế Hà Nội-Bắc Kinh-Moscow lặng lẽ khởi hành. Sau hơn 10 ngày, cả đoàn tới nơi với cảm xúc đầu tiên là vô cùng sung sướng và choáng ngợp trước đất nước Liên Xô vĩ đại và tươi đẹp. Đoàn được thăm Moscow với những đại lộ thênh thang, Quảng trường Đỏ nền gạch cổ kính, tháp chuông nhà thờ vút cao, dòng sông Moscow hiền hòa. Xúc động nhất là giây phút được vào thăm viếng Lăng Lênin, rồi dạo bước trên đồi Lênin. Chỉ vỏn vẹn 3 ngày, đoàn phải nhanh chóng rời Moscow để bước vào “lò luyện” đầy thử thách.
Tung cánh bay trên bầu trời Xô viết
Đến Trường Không quân Balashov, ngày 5-5-1956, lớp học viên quân sự Việt Nam bắt đầu học tiếng Nga. Đây là trở ngại đầu tiên bởi anh em mới chỉ bập bẹ được vài từ phổ thông, còn lại chủ yếu ra ký hiệu bằng tay. Nhiều khi giờ học ngoại ngữ giống như dạy trẻ em khiếm thính. Mặc dù có trợ giảng phiên dịch tiếng Việt nhưng cô giáo dạy tiếng Nga yêu cầu học trực tiếp không qua phiên dịch, nên buộc học viên phải vận dụng hết khả năng ghi nhớ. Cách học vì thế rất linh hoạt, nhìn thấy sự vật, hiện tượng gì là cô giáo nói luôn chữ đó để học viên đọc theo. Tối đến, nội dung gì chưa rõ, anh em lại nhờ đồng chí trợ giảng dạy thêm để biết các từ ngữ phổ thông phục vụ giao tiếp sinh hoạt.
Ba tháng miệt mài học tiếng Nga qua nhanh, đoàn được phân ra 4 tổ bước vào học lý thuyết chuyên ngành. Tổ của Trần Văn Nam gồm 6 đồng chí học về kỹ thuật hàng không. Bước vào giai đoạn 2, việc học căng thẳng hơn rất nhiều bởi vì ngoài nội dung tiếng Nga chuyên ngành thì khối lượng kiến thức kỹ thuật hàng không rất lớn. Muốn sử dụng được máy bay thì các nguyên lý, cấu tạo, kỹ thuật phải nắm vững. Những kiến thức đó hoàn toàn mới lạ và rất phức tạp. Học viên được học nhiều môn như nguyên lý động cơ, khí động học, sức bền vật liệu, nguyên lý bay, khí tượng học... Ông Nam nhớ như in lời thầy Tasenko dạy rằng: “Bất kể một sai lầm nào trên không đều có thể phải trả giá bằng sinh mạng của bản thân và đồng đội, do vậy, đối với hoạt động bay phải cẩn trọng từ những chi tiết nhỏ nhất và không được để sai sót do chủ quan cá nhân. Muốn vậy, người học phải hiểu về máy bay, biết việc mình cần phải làm”. Cứ thế, những học viên Việt Nam như những chú ong thợ cần mẫn học tập lý thuyết với một niềm khát khao cháy bỏng là được tung cánh bay trên bầu trời.
Song song với quá trình học tập thì việc rèn luyện cũng hết sức nghiêm khắc. Khi mới nhập trường, học viên được cấp phát quân phục của Lực lượng vũ trang Liên Xô, được dạy từ cách đánh giày đến đeo quân hàm, quân hiệu. Hằng ngày, học viên phải thực hiện đầy đủ các chế độ, từ báo thức, kiểm tra sáng đến điểm danh, ngủ nghỉ đều răm rắp. Ngoài những lúc học tập căng thẳng, đoàn có những chuyến dã ngoại thú vị, đáng nhớ nên có thêm nhiều kỷ niệm đẹp về nước bạn.
Sau một năm học lý thuyết, học viên bước sang giai đoạn thực hành. Đoàn được chia làm 7 tổ, mỗi tổ bao gồm lái chính, lái phụ, dẫn đường, thợ máy, thông tin. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện trên máy bay IAK-18. Trước ngày bay, tổ bay phải làm tốt công tác chuẩn bị, nắm chắc bài bay, thuộc địa tiêu, địa vật, hiệp đồng chặt chẽ dưới mặt đất. Tất cả các thành phần trong tổ bay đều có giáo viên chuyên ngành đi kèm. “Tuy có háo hức, vui mừng nhưng chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chuyến bay đầu tiên trên bầu trời nước bạn đã để lại ấn tượng sâu đậm trong cuộc đời lính bay. Tôi như được chắp thêm đôi cánh để nhìn thấy địa hình từ trên cao tuyệt vời thế nào. Chuyến bay trở về an toàn trong niềm vui chung của thầy trò, đồng đội. Sau phút giây sung sướng đó, tôi nhớ tới mẹ ở quê nhà Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã len lén giấu nước mắt tiễn con lên đường chiến đấu, để sau này được quân đội, Tổ quốc trao cho nhiệm vụ vô cùng vinh dự là đi đào tạo trở thành người chiến sĩ không quân bay trên bầu trời”, Đại tá Trần Văn Nam xúc động nhớ lại.
Sau đó, đoàn học viên huấn luyện qua máy bay IL-14 và An-2. Một năm miệt mài học bay trên đất bạn, tháng 5-1957, 30 học viên đã tốt nghiệp khóa huấn luyện. Đồng chí hiệu trưởng nhà trường phát biểu bày tỏ niềm vinh dự khi nhà trường lần đầu tiên được đào tạo phi công quân sự cho Việt Nam, đồng thời khen ngợi tinh thần quyết tâm cao, kỷ luật nghiêm, tiếp thu kỹ thuật nhanh của đoàn học viên.
Kết thúc khóa đào tạo, đoàn được chuyển về Trường chiến thuật hàng không cấp cao Lipetsk, tiếp tục huấn luyện các khoa mục nâng cao trong các điều kiện khí tượng ngày-đêm, ở các địa hình khác nhau. Lớp học viên được tổ chức thành hai đoàn (máy bay IL-14 và An-2) để thực hành bay về vùng núi, biển phía Nam của Liên Xô qua các sân bay Krasnodar, Sochi, Tbilisi. Các chuyến bay ven bờ Biển Đen và trên vùng núi gần với điều kiện khí tượng và vùng núi của Việt Nam. Giáo viên bay rất tận tình, tạo điều kiện cho học viên độc lập công tác, nắm vững kỹ thuật các bài bay. Sau gần một năm cơ động, đoàn đã hoàn thành toàn bộ chương trình bổ túc nâng cao. Ngày lên đường về nước. Trung tá Vinogradov ra tận ga tàu tiễn những học viên Việt Nam sau hơn hai năm gắn bó và chúc những phi công trẻ luôn vững cánh bay nơi quê nhà.
Tháng 4-1959, đoàn về nước và nhanh chóng được Cục Không quân tiếp nhận. Chỉ sau một thời gian ngắn, tháng 5-1959, trung đoàn không quân vận tải đầu tiên mang số hiệu 919 được thành lập. Đoàn học viên phi công tại Balashov trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ. Với kiến thức lĩnh hội được, các phi công nhanh chóng tiếp nhận máy bay, huấn luyện thành thục ở sân bay Gia Lâm, thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ như: Bay chuyên cơ; phục vụ kinh tế, quốc phòng; chi viện chiến trường miền Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế...
Sau này, lớp phi công đó đều trưởng thành là cán bộ cấp cao trong quân đội. Cứ đến tháng 4 hằng năm, những cựu học viên phi công đầu tiên tại Balashov đều tổ chức gặp mặt, ôn lại những ngày cùng học tập, nhớ ơn công lao các thầy cô giáo ở xứ sở bạch dương đã chắp cánh bay để lớp phi công vận tải đầu tiên lập được nhiều thành tích xuất sắc trên bầu trời Việt Nam.
VŨ DUY