Họ hỏi bằng tiếng Anh nhưng người cảnh sát đáp lại bằng tiếng Nga. Vậy là cuộc hội thoại bằng tiếng Nga diễn ra nhanh gọn khi đường lên Lạng Sơn đã được chỉ ngay theo hướng cánh tay đen sạm của người cảnh sát. Người CSGT đó là Thượng tá Lê Đức Đoàn, anh từng học đại học ở Liên Xô và ấp ủ thực hiện 3 điều ước khi có dịp quay trở lại nước Nga.
Ao ước gặp lại thầy cũ, trường xưa
“Tôi vẫn nợ nước Nga”, giọng anh trầm hẳn xuống bởi từ khi tốt nghiệp về nước công tác 35 năm đến khi nghỉ hưu anh vẫn mong ước có cơ hội trở lại đất nước mà mình đã gắn bó gần 5 năm liên tục để thăm lại ngôi trường cùng các thầy, cô giáo. “Tôi luôn thấy mình có nợ rất nhiều với các giáo sư đại học và những người đã giúp đỡ khi mình chân ướt chân ráo sang”. Anh nói, mắt nhìn xa xăm, mong sớm có một ngày được thăm lại nơi đã nuôi nấng, dạy dỗ anh: Trường Đại học Pháp luật thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô (bây giờ thuộc Liên bang Nga) tại thành phố Oryol, cách Moscow hơn 350km về phía Tây-Tây Nam.
Cuối tháng 8-1980, Lê Đức Đoàn hãnh diện cùng một vài người vượt qua các vòng thi, tuyển chọn khắt khe của ngành công an để rồi được cử sang Liên Xô học đại học. 3 năm học tiếng Nga ở trường cấp 3 Chu Văn An cùng hiểu biết về sự giúp đỡ của Liên Xô cho Việt Nam trong chiến tranh giúp anh nuôi khát vọng sang Liên Xô. “Được cử đi học thì tự hào quá đi chứ vì số người của bên công an đi chuyến đó chỉ đếm trên đầu ngón tay”! Anh Đoàn vừa nói vừa xòe bàn tay sần sùi màu đen sạm ra minh họa.
 |
Thượng tá Lê Đức Đoàn với nụ cười thân thiện, trìu mến khi còn làm nhiệm vụ ở chốt Cầu Chương Dương. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Vậy là lần đầu được mặc com-lê, kéo vali, đi giày “xịn”, hộ chiếu, visa đầy đủ, Lê Đức Đoàn cũng lần đầu lên chiếc IL-86, bay 18 tiếng thẳng đến Moscow sau các chặng dừng tiếp nhiên liệu ở Karachi (Pakistan), Bombay (Ấn Độ), và Taskent (Uzbekistan). “Những tiếp viên người Nga rất xinh đẹp, lịch sự, đôn hậu, niềm nở và rất nhiệt tình. Đến bây giờ tôi vẫn còn những ấn tượng đẹp với họ”. Anh Đoàn nhớ lại. Anh ấn tượng lắm bởi sự nhẹ nhàng và chu đáo của tiếp viên khi họ chuẩn bị sẵn khẩu phần ăn mà như anh nói thì “hội lớ ngớ” đi Liên Xô lần đầu như anh sẽ ăn được. “Đó là cái tình”, anh nhận xét.
Cái tình của người Nga, theo anh Đoàn, được thể hiện rõ hơn ở tình thầy trò. “Họ hướng dẫn từ cách dùng dao, dĩa để chúng tôi ăn như người Nga, để chúng tôi tự tin hơn, hòa nhập nhanh”. Anh nhớ lại chuyện tập ăn, tập mặc những ngày đầu vào trường khi những sinh viên nước ngoài được may đo cảnh phục như những học viên Liên Xô. Chuyện học thì khó hơn rất nhiều khi các giáo viên có học hàm cao mới được lên lớp. Môn tiếng Nga chẳng hạn, giảng viên phải là tiến sĩ. “Tiến sĩ nhé. Cử nhân chưa được dạy người nước ngoài đâu. Họ coi chúng tôi như con, như em, chỉ bảo từng nét chữ, từng cách phát âm. Cuối tuần họ xin phép Khoa nước ngoài mời chúng tôi về nhà để giao lưu cho chúng tôi thêm tự tin. Họ có tình cảm đặc biệt với Việt Nam nên mới làm như vậy. Họ coi chúng tôi như những người lính, học trò, và sứ giả của một đất nước có quan hệ đặc biệt dù điều kiện kinh tế, kỹ thuật của mình so với họ còn kém xa”, anh Đoàn nói dài một mạch như thể liệt kê mãi cũng không hết những việc làm, tình cảm mà các giảng viên dành cho học viên Việt Nam.
Về các môn học nghiệp vụ, anh Đoàn khoe giảng bài cho các anh trên bục giảng ở trường khi đó phải có cấp hàm “полковник” (Đại tá). Có những môn nghiệp vụ các anh phải tiếp cận cùng giảng viên, phần lớn là phó tiến sĩ. Chủ nhiệm khoa là thiếu tướng, phó giáo sư. Giám đốc nhà trường là giáo sư, tiến sĩ khoa học về một chuyên ngành khoa học an ninh. “Tầm quốc gia đấy nhé”, anh tự hào khẳng định khi được học từ những chuyên gia an ninh hàng đầu của Liên Xô hồi đó. “Họ tách học viên mỗi nước thành một lớp riêng, vì đối tượng và mục đích học tập hoàn toàn khác nhau. Về phần kiến thức cơ bản đều giống nhau nhưng tình hình cụ thể các nước khác nhau nên với việc đào tạo theo lớp riêng như vậy, chúng tôi về nước nhận quân hàm luôn và cũng làm việc được luôn”. Anh cười tươi, nụ cười mà bất kỳ ai, kể cả người qua đường hay người phạm lỗi trên cầu Chương Dương nhiều năm trước qua đó đều bắt gặp. Anh tiết lộ thêm, học cùng anh đã có những đồng đội phát triển cao trong nghề nghiệp.
“Những tình cảm mà các thầy, cô giáo dành cho chúng tôi là tình cảm do các thế hệ tiền bối vun đắp, không tự dưng mà có, và mình là thế hệ sau phải thầm cám ơn họ về chuyện đó”, anh Đoàn khẳng định.
Muốn thăm lại thành phố “Đại bàng”
Oryol, còn gọi là thành phố “Đại bàng”, nơi có Trường Đại học Pháp luật thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô mà anh Đoàn theo học, cũng chính là nơi anh muốn trở lại để như anh nói: “Thăm lại môi trường nơi mình từng sống, từng lang thang”.
Gọi là “lang thang” nhưng chỉ cuối tuần thì sinh viên theo học các trường thuộc lực lượng vũ trang khi đó mới được ra ngoài. Sinh viên như anh Đoàn mỗi tháng lại được tham gia một ngày thứ bảy lao động cộng sản, cách trường chừng 100km. “Chúng tôi được trường đưa đến các nông trang để thu hoạch hoa quả cùng những nông trang viên, những người nông dân chân chất, làm việc cật lực”. Lao động vất vả nhưng anh Đoàn vui lắm vì anh là con cán bộ kháng chiến, quê Nam Định, ngay khi ở Việt Nam anh cũng chỉ được xem những người nông dân làm ruộng hoặc khi có điều kiện thì tham gia làm “gọi là” với bà con nông dân mà thôi.
Anh khoe đi lao động vui lắm: “Chúng tôi hái táo, hái lê cùng các đoàn viên thanh niên, cùng hát những bài dân ca Nga. Đó cũng là cách truyền cảm hứng khi cả cấp thứ trưởng hay bộ trưởng tham gia lao động cùng thì cũng đều hát như vậy. Nước Nga truyền cảm hứng cho tôi không chỉ qua ngôn ngữ mà còn qua các kỹ năng, tính cách, tâm hồn Nga”. Anh cho rằng, dù nông dân Nga khi đó có công cụ lao động tốt hơn nông dân Việt Nam nhưng về cơ bản họ cũng lao động đổ mồ hôi, trồng trọt một nắng hai sương, gom sản phẩm đem bán lấy tiền. Vậy nhưng, cái đọng lại trong anh là tinh thần trách nhiệm của người nông dân Nga khi họ lao động hết mình và biết trân quý thành quả lao động khi đến mùa thu hoạch. “Có lần, chúng tôi định chất táo cho thật đầy để tăng năng suất nhưng họ chỉ cho đúng cữ để quả không bị rơi ra ngoài. Đó là điều rất đáng học. Qua những lần lao động như vậy, chúng tôi có thêm mối quan hệ với các ông bố, bà mẹ là nông dân Nga, lao động cần cù không quản nắng mưa, tuyết lạnh đã nuôi dạy mình dù ở Liên Xô khi đó các thành phố rất hiện đại”, anh tâm sự.
Liên Xô khi đó đã dành ưu tiên đặc biệt cho những sinh viên Việt Nam qua việc chu cấp học bổng, nơi ăn chốn ở cùng điều kiện học tập tốt nhất. Thế nhưng, theo anh Đoàn, người dân Liên Xô khi đó cũng rất tiết kiệm. Anh Đoàn cho biết, khi anh đang học thì ông Gennady Zyuganov, Chủ tịch Đảng Cộng sản Liên bang Nga hiện nay, đang là Bí thư Tỉnh ủy Oryol, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, cũng chỉ được tiêu chuẩn đi xe Volga. “Thế nhưng người Nga luôn nở nụ cười trên môi mỗi khi tôi gặp họ. Đó là văn hóa và cũng là điều tôi ước mong được quay trở lại để thấy những nụ cười”, anh Đoàn nói.
Ước mong thăm lại nơi chan chứa ân tình
Con sông Oka, nhánh lớn nhất của sông Volga, bắt nguồn từ phía Bắc nước Nga lặng lẽ chảy qua thành phố Oryol yên bình. Mặt sông thường trong xanh phẳng lặng in bóng những tòa nhà, những rặng cây. Sự thanh bình ấy khiến anh Đoàn cùng các bạn không nguôi nỗi nhớ nhà. “Nhưng chính các bãi bồi, những bìa rừng cạnh sông Oka ấy lại là nơi chúng tôi thường xuyên tụ họp dịp cuối tuần và đó là nơi tôi ước mong được trở lại”, anh Đoàn thổ lộ niềm mong mỏi được một ngày quay lại sải bước trên bãi sông.
Những cánh rừng bạch dương mênh mông thơ mộng bên bờ sông Oka là nơi khi đó các anh cùng chi đoàn thanh niên người Việt Nam học tập tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia ở Oryol tổ chức giao lưu văn hóa, chia sẻ tình cảm, thắt chặt thêm tình đồng hương. “Ngày ấy chẳng có điện thoại thông minh như bây giờ nên chúng tôi tận dụng từng dịp gặp nhau để nói chuyện và trao đổi địa chỉ viết thư,” anh Đoàn nhắc đi nhắc lại nhiều lần về dòng sông Oka trong vắt mà có khi tắm còn bắt được cả cá lên nướng.
May mắn hơn nhiều người, ngoài tình đồng hương đậm đà nơi xứ người cùng sự quan tâm đặc biệt của những giáo viên Nga, anh Đoàn còn tình cờ có thêm một bà mẹ nuôi người Nga. Số là, khi đang theo học năm thứ hai thì anh phải nhập viện một tháng. Cơ duyên đến khi anh tình cờ được xếp nằm cùng phòng với chồng của một nữ tiến sĩ. Với vốn tiếng Nga lưu loát, tấm lòng chân thành, sau một tháng nằm viện vợ chồng người Nga đã đến tận trường xin ban giám đốc nhận anh làm con nuôi. “Ông bà luôn động viên tôi cố gắng học cho tốt vì môi trường học ở đó rất tuyệt vời cả về kỹ năng và hàm lượng kiến thức. Nếu được, bà vẫn mong tôi học lên cao hơn nữa”, anh Đoàn xúc động, mắt nhìn vào chiếc đồng hồ Poljot 17 mà một người giấu tên tặng anh như một kỷ niệm, một tình yêu, một nỗi nhớ mong với đất nước mà anh từng gắn bó một thời trai trẻ nhưng chưa có dịp quay lại.
Sau 35 năm công tác, Thượng tá Lê Đức Đoàn, cán bộ Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, Công an TP Hà Nội được phong tặng nhiều danh hiệu cao quý: Công dân Thủ đô ưu tú năm (2012), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2013); Huân chương Chiến công (2014) cùng nhiều bằng khen của Bộ Công an, UBND TP Hà Nội vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
|
NGỌC HƯNG - PHAN ANH