Lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến
Trước đòi hỏi ngày càng cao của yêu cầu, nhiệm vụ, nhà máy cần tiếp tục được cải tiến, xây dựng để trở thành cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, có tiềm lực khoa học kỹ thuật mạnh, làm chủ công nghệ sửa chữa, hồi phục, tăng tổng niên hạn các loại máy bay thế hệ mới, hiện đại của Quân chủng Phòng không-Không quân (PK - KQ) nói riêng, Quân đội nói chung. Để đạt được mục đích đó, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy A32 đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, với những mục tiêu, nội dung, giải pháp và lộ trình, bước đi phù hợp; trong đó, coi trọng vấn đề phát huy tinh thần lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật; chủ động sưu tầm, biên dịch, biên soạn, đảm bảo nhu cầu tài liệu, quy trình công nghệ phục vụ công tác nghiên cứu, huấn luyện tại đơn vị. Để hỗ trợ, giúp lao động trẻ, những kỹ sư còn ít kinh nghiệm nhanh trưởng thành, sáng tạo trong công việc, Ban giám đốc nhà máy đã chủ động giao cho đội ngũ kỹ sư, thợ tay nghề bậc cao kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo họ thành những “bàn tay vàng” trên các lĩnh vực sửa chữa, sản xuất.
Phát huy tinh thần lao động, sáng tạo, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, có giá trị thực tiễn cao, góp phần tích cực cho việc sửa chữa các loại máy bay, làm lợi cho Nhà nước và Quân đội hàng tỷ đồng. Tiêu biểu là sáng kiến “Làm mới phím tỏa nhiệt, chế tạo bộ làm mát xe thủy lực của máy bay Su-27 và Su-30MK2” của Trung tá Lê Công Cư – Tổ trưởng Tổ đường ống, người được mệnh danh là “bàn tay vàng”.
Tuy khá bận rộn với công tác điều hành, quản lý nhưng Thượng tá Phạm Bá Nguyên, Phó giám đốc Kỹ thuật nhà máy vẫn tranh thủ thời gian cho ra đời đề tài “Thiết kế, chế tạo một số chi tiết kim loại trên máy bay Su-27, Su-30” được Quân chủng PK-KQ công nhận và đưa vào vận dụng hiệu quả. Đại tá Trương Minh Đức, nguyên Giám đốc nhà máy với sáng kiến “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo ống mềm thủy lực cao áp và một số chi tiết cao su, kim loại trên máy bay Su-27, Su-30” được Bộ Quốc phòng đánh giá cao. Ngoài ra nhà máy còn có một số sáng kiến có tính khả thi cao như: “Giá tháo, lắp và vận chuyển càng trước máy bay SU-27 và một số trang thiết bị mặt đất phục vụ sửa chữa máy bay”, “Hệ thống máy kiểm tra, thử nghiệm bơm nhiên liệu гдH – 7, дцH-80”...
 |
Tiến hành sửa chữa thùng dầu cánh xoay trên máy bay Su-22M4. |
Với yêu cầu đặc thù của ngành và nguồn cung lao động hạn chế, nhà máy chủ động tạo nguồn lực lượng lao động có tính chất dài hạn, với những chính sách tuyển dụng phù hợp. Trên cơ sở bám sát các quy định về tuyển dụng lao động, nguồn cung và nhu cầu thực tế, nhà máy chủ động phối hợp, liên kết với các trường trong và ngoài Quân đội, nhất là các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn để có chính sách thu hút lực lượng lao động; chú trọng tuyển chọn con em của người lao động đã và đang công tác tại nhà máy để tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, tâm huyết, gắn bó lâu dài với nhà máy.
Tự hào thương hiệu “A32”
Nhiều lần vào “tác nghiệp” tại Nhà máy A32, tôi luôn ấn tượng với tinh thần và thái độ trách nhiệm của những người lính thợ “chữa bệnh” dòng máy bay phản lực. Kỷ niệm khiến tôi nhớ mãi là thời khắc bay thử máy bay Su-27UBK.
Hôm ấy vào trung tuần tháng 5, sân bay quân sự Đà Nẵng nhộn nhịp hơn bởi Nhà máy A32 phối hợp cùng Sư đoàn KQ 372 tổ chức bay thử cho máy bay Su-27UBK, sau sửa chữa lớn tại nhà máy. Tại bãi đỗ, chiếc máy bay phản lực vừa được khoác trên mình “chiếc áo mới”, lừng lững quay đầu hướng sân bay sẵn sàng cất cánh. Hàng chục cán bộ, kỹ sư, công nhân cùng các phương tiện tập trung cao độ cho công tác bảo đảm kỹ thuật phục vụ máy bay cất cánh. Hai phi công làm nhiệm vụ bay thử cùng các kỹ thuật viên kiểm tra máy bay lần cuối, sẵn sàng chờ lệnh của chỉ huy bay. Tại Đài chỉ huy kỹ thuật K4, lãnh đạo Quân chủng PK-KQ, các cơ quan chức năng căng mắt hồi hộp nhìn về chiếc máy bay phản lực...
Đúng 8 giờ 46 phút, tiếng động cơ phản lực rền vang, chiếc máy bay từ từ lăn ra đường băng chính. Chỉ trong chốc lát, chiếc máy bay vút lên nền trời xanh thẳm, thực hiện các động tác theo yêu cầu từ sở chỉ huy. Sau bài bay thử nghiệm với thời gian trên 40 phút, chiếc phi cơ nhẹ nhàng đáp xuống sân bay. Khi chiếc Su - 27UBK từ từ lăn vào bãi đỗ an toàn, cả sân bay vỡ òa niềm vui. Lãnh đạo các cấp cùng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật ùa ra chúc mừng phi công và mừng cho thành quả lao động của chính mình.
 |
Kiểm tra sửa chữa đường dây trên máy bay Su-22UM3K tại Nhà máy A32.
|
Sau hơn 7 năm bàn giao cho Trung đoàn tiêm kích 925 (Sư đoàn KQ 372) thực hiện nhiệm vụ huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, đến nay, máy bay Su - 27UBK đã tham gia huấn luyện thực hành bắn, ném trong các lần diễn tập đảm bảo độ chính xác và không phát sinh hỏng hóc. Tay nghề của những người lính thợ càng được khẳng định khi chiếc Su-30MK2 số hiệu 8534 được nhà máy tăng niên hạn sử dụng và bàn giao cho Sư đoàn KQ 370 tham gia huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và hoạt động rất tốt.
Với sự đi trước, đón đầu công nghệ, làm chủ khoa học, từ năm 2007 đến nay, nhà máy đã sửa chữa vừa, lớn, tăng niên hạn và bàn giao cho các đơn vị hơn 150 máy bay các loại; gần 60 xe máy đặc chủng, trạm nạp điện; hơn 65.000 thiết bị, phương tiện đo,... tham gia sửa chữa hàng quốc phòng, kinh tế thường xuyên đạt trên 100% kế hoạch hằng năm.
 |
Tiến hành đưa máy bay Su-30MK2 số hiệu 8536 lần đầu tiên vào sửa chữa tại Nhà máy A32.
|
Có thể nói, sau hơn 20 năm sử dụng, Việt Nam đã làm chủ hoàn toàn quy trình sửa chữa và tăng tổng niên hạn máy bay tiêm kích Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30 thay vì phải đưa ra nước ngoài. Đây là bước đột phá có tính chiến lược của Nhà máy A32.
"Trên thế giới chỉ có vài ba quốc gia sửa chữa được Su-27, Su-30 và Việt Nam là nước tiếp theo. Anh đánh giá như thế nào về sự kiện có tính đột phá này?"- tôi nêu câu hỏi.
Đại tá, Giám đốc Đỗ Văn Tài không ngần ngại trả lời: “Việc nhà máy làm chủ được các công nghệ như hiện nay để sửa chữa tổng thể máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30 đã khẳng định trình độ của đội ngũ kỹ sư, công nhân không những ngày càng được nâng lên, mà còn làm chủ được dây chuyền công nghệ sửa chữa các loại máy bay hiện đại và các máy móc đảm bảo; giảm được sự phụ thuộc vào nước ngoài và là cơ sở để có thể mở rộng quy mô đầu tư, nâng cấp thực hiện những dự án mang tầm cỡ khu vực”.
Mới đây, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng đến kiểm tra Nhà máy A32. Kết luận buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh: “...Việc sửa chữa, đại tu thành công các loại máy bay Su-27 và sửa chữa cục bộ máy bay Su-30, chứng tỏ khả năng làm chủ hoàn toàn về kỹ thuật, là nền tảng vững chắc để Nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng loại máy bay phản lực tiên tiến, góp phần nâng cao năng lực công nghiệp quốc phòng của đất nước...”.
 |
Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiểm tra và làm việc tại Nhà máy A32. |
Với khát vọng cháy bỏng và niềm say mê lao động, sáng tạo, các thế hệ cán bộ, kỹ sư và công nhân viên đã tạo nên diện mạo một doanh nghiệp quốc phòng phát triển vững vàng, có uy tín trên dải đất miền Trung. Những thành quả ấy không chỉ ghi nhận sự thành công bởi sự nhiệt huyết, yêu nghề của những người lính thợ, mà còn khẳng định thương hiệu “A32” ra tầm châu lục.
Bằng chính bản lĩnh, khả năng lao động sáng tạo và tinh thần phát huy nội lực, Nhà máy A32 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ năm 2010 đến nay được Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng”, vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.