Đến từ nhiều địa phương trong cả nước, những người lính thợ nơi đây luôn gắn bó, yêu thương, giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt, tiếp nối truyền thống, chung sức đồng lòng xây dựng khu dân cư nhà binh mãi yên vui, xây dựng nhà máy ngày càng phát triển bên dòng sông Lô hiền hòa.

Đi lên từ lửa đạn chiến tranh

Con đường thảm nhựa phẳng lỳ dẫn chúng tôi đến trung tâm “làng quân giới” Nhà máy Z113. Hàng trăm ngôi nhà hai, ba tầng khang trang, kiên cố, xây san sát nhau dọc đường, báo hiệu cuộc sống no ấm, đủ đầy nơi hậu phương người lính thợ. Ít ai biết được rằng, hơn nửa thế kỷ trước, nơi đây từng là vùng đồi núi hoang vu, hiểm trở, đường sá đi lại hết sức khó khăn. Khu vực này trước khi xây dựng nhà máy rồi hình thành “làng quân giới” như bây giờ, 3 phía là đồi núi, rừng cây rậm rạp, phía còn lại giáp dòng sông Lô. Phải chăng, chính bởi cảnh sắc thiên nhiên độc đáo nơi đây đã tạo rung cảm cho nhạc sĩ Huy Thục ngay trong ngày đầu đi thực tế, tìm nguồn cảm hứng sáng tác về ngành quân giới-CNQP, để rồi những giai điệu du dương, trầm bổng của ca khúc “Thung lũng xanh” bung ra trong tâm hồn ông một cách tự nhiên. Chẳng riêng gì nhạc sĩ tài hoa ấy, mà có lẽ bất kỳ ai từng một lần đến Nhà máy Z113 hẳn đều nhận thấy đây quả là địa điểm lý tưởng để xây dựng một nhà máy CNQP: Khí hậu mát mẻ, ôn hòa, nguồn tài nguyên dồi dào, phong phú; bốn bề núi non hiểm trở-yếu tố cần thiết cho công tác bảo đảm an toàn và bí mật, nhưng lại gần dân, gần quốc lộ, nhất là nằm kề bên dòng sông Lô, vừa thuận tiện cho việc sơ tán, cơ động khi có tình huống, vừa dễ dàng cho thông thương, phát triển sản xuất.

leftcenterrightdel
Hoạt động văn hóa, thể thao trong dịp lễ, tết tại "làng quân giới" Z113. Ảnh: HỒNG NGUYỄN

Đến thăm nhà cụ Nguyễn Nhuận Phúc, 97 tuổi, một trong những công nhân đầu tiên của Nhà máy Quân giới Z2 (tiền thân của Nhà máy Z113), lần giở những trang sử vẻ vang của đơn vị và nghe cụ kể lại chuyện xưa, chúng tôi hiểu thêm về những ngày đầu thành lập nhà máy. Gợi lại những kỷ niệm cũ, cụ Nguyễn Nhuận Phúc gật gù, chậm rãi kể: “Sau nhiều lần khảo sát địa hình, các đồng chí lãnh đạo tiền bối của ngành quân giới đã báo cáo cấp trên về địa điểm xây dựng một nhà máy sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật, phục vụ công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên cơ sở đó, ngày 2-7-1957, Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng quyết định triển khai xây dựng Nhà máy Quân giới Z2. Số công nhân quân giới được tuyển dụng vào làm việc trong nhà máy cơ bản là cán bộ, công nhân viên Công trường 14, thanh niên xung phong. Nam nữ thanh niên đến từ khắp mọi miền Tổ quốc, tất cả cùng hội tụ về đây, chung tay xây dựng, phát triển nhà máy và lập nên “làng quân giới” như ngày nay”.

Để hiểu sâu hơn thành tích vẻ vang của Nhà máy Z113, chúng tôi tìm đến nhà ông Bùi Thức Viện, nguyên Phó giám đốc Nhà máy Z113 (giai đoạn 1979-1991). Sau ngụm nước chè tươi nóng hổi nơi vườn nhà, chúng tôi được ông kể cho nghe thời điểm khó khăn, vất vả nhất của đơn vị hơn nửa thế kỷ trước. Công tác ở nhà máy từ đầu thập niên 1960, ông hiểu hơn ai hết cuộc sống gian truân, thiếu thốn trăm bề của những người lính thợ và gia đình họ ngày ấy. Ông Bùi Thức Viện bồi hồi nhớ lại: Giai đoạn 1957-1975 đầy gian nan, thử thách đối với đơn vị. Khi ấy, nhà ở của cán bộ, công nhân viên chỉ là những mảnh lán dựng tạm từ tre, nứa khai thác trong rừng. Đã thế, nhà máy liên tục phải hứng chịu những trận bom khốc liệt của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, khiến phần lớn hệ thống nhà ở, xưởng sản xuất, trạm xá, trường học, bách hóa, bưu điện trong “làng quân giới” bị phá hủy, đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động hết sức khó khăn, hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng do phải sơ tán toàn bộ trang thiết bị, máy móc của nhà máy đến khu vực an toàn.

Không đầu hàng trước khó khăn, Đảng ủy, Ban giám đốc Nhà máy Z113 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo “xốc lại” đội hình, quyết tâm bám trụ, nhanh chóng khôi phục và duy trì sản xuất. Vừa dựng lại nhà ở, ổn định hoạt động của xưởng sản xuất ở các địa điểm sơ tán, đơn vị vừa khẩn trương di chuyển bệnh xá, nhà trẻ, trường học đến nơi an toàn. Cùng với đó, để nâng cao đời sống cán bộ, công nhân viên, người lao động, Đảng ủy, Ban giám đốc phát động toàn đơn vị đẩy mạnh phong trào tăng gia, chăn nuôi, trồng trọt. Các hộ gia đình quân nhân đã tận dụng tối đa những mảnh đất trống quanh nhà, quanh xưởng, tổ chức trồng trọt, chăn nuôi, từng bước cải thiện đời sống và thúc đẩy sản xuất. Bằng ý chí, nghị lực của những người lính thợ, Nhà máy Z113 nhanh chóng vượt qua khó khăn, sản xuất được hàng vạn tấn bom, mìn; sửa chữa hàng triệu sản phẩm vũ khí, trang bị kỹ thuật, đạn dược, kịp thời cung cấp cho chiến trường miền Nam, góp công không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, người lao động Nhà máy Z113 nhanh chóng bắt tay vào xây dựng lại nhà máy, san lấp hố bom, tái lập nhà xưởng. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, sau gần hai năm vừa khôi phục vừa sản xuất, nhà máy chính thức trở lại hoạt động bình thường. Hệ thống nhà tre, vách nứa đã thành những căn hộ cấp 4 kiên cố hơn. Mỗi gia đình cán bộ, công nhân viên được cấp căn nhà rộng 18m2. Các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao được duy trì đều đặn. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình cán bộ, công nhân viên nhà máy dần đi vào ổn định, ai cũng yên tâm lao động, sản xuất, gắn bó với nhà máy.

Truyền thống gia đình - mạch nguồn kết nối

Cuộc sống ngày càng được cải thiện, con em cán bộ, công nhân viên, người lao động “làng quân giới” Nhà máy Z113 có thêm điều kiện học hành, nhiều em đỗ điểm cao vào các trường đại học tốp đầu, trở thành niềm tự hào của gia đình và đơn vị. Sau khi học hành cơ bản, phần lớn các em đều quay về phục vụ nhà máy, nơi ông bà, cha mẹ mình đã và đang gắn bó cả cuộc đời quân ngũ. Không ít gia đình có đến 3-4 thế hệ làm việc trong nhà máy. Ví như trường hợp gia đình Trung tá QNCN Nguyễn Thị Hải Yến, Chủ tịch Hội Phụ nữ nhà máy. Bố, mẹ chị Yến là lớp công nhân đầu tiên khi nhà máy mới đi vào sản xuất. Chồng chị là Thượng tá Hà Khắc Nam, nguyên Giám đốc Xí nghiệp 5, Nhà máy Z113. Con trai anh chị tốt nghiệp Khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng vừa “đầu quân” cho nhà máy. Hay như gia đình Đại úy Nguyễn Nhuận Tuấn, Phó chủ nhiệm Chính trị Nhà máy Z113, cũng có ông bà nội, bố, mẹ, vợ là cán bộ, công nhân viên nhà máy qua các thời kỳ.

Gia đình Thiếu tá Nguyễn Đức Thành, Trưởng ban Kỹ thuật Xí nghiệp 1, cũng là một trong những hộ có nhiều thế hệ quân giới. Cha mẹ anh là công nhân của nhà máy. Không chỉ bố mẹ mà cô, dì, chú, bác của anh cũng làm trong nhà máy. “Bên gia đình vợ tôi, từ bố mẹ vợ đến các anh chị em vợ cũng đều là cán bộ, công nhân của nhà máy. Chúng tôi được sinh ra ở đây nên có sự gắn bó thân thiết với nhà máy”, anh Thành chia sẻ. Được biết, con trai Thiếu tá Nguyễn Đức Thành là kỹ sư Nguyễn Trung Đức, hai năm trước tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cũng xin vào làm việc trong nhà máy, hiện là công nhân Phân xưởng Sản xuất đạn con. “Khi thi đại học, tôi chọn thi vào Khoa Cơ khí chế tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với mong muốn sau này sẽ có cơ hội về nhà máy làm việc. Ngày đầu đi làm, bố tôi dặn: Gia đình mình bao đời nay trong ngành quân giới, cả đời cống hiến sức trẻ và trí tuệ cho nhà máy, con phải giữ gìn truyền thống gia đình và truyền thống của nhà máy”, Nguyễn Trung Đức bộc bạch.

Trải qua bao thăng trầm thời gian, hiện nay “làng quân giới” Z113 nằm trên địa bàn phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Đây được coi là quê hương thứ hai của những người lính thợ trọn đời gắn bó với nhiệm vụ sản xuất vũ khí, đạn dược. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lại Mạnh Tùng, Bí thư Đảng ủy phường Đội Cấn, cho biết: “Hiện nay, khu vực dân cư vẫn được gọi là "làng quân giới" có 6.100 nhân khẩu, sinh hoạt tại 9 tổ dân phố, đại đa số là các gia đình cán bộ, công nhân viên Nhà máy Z113. Nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo địa phương với nhà máy, đời sống văn hóa-xã hội của phường về cơ bản ổn định, cư dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nếp sống văn minh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội”.

Có thể cảm nhận rõ không gian sống của “làng quân giới” trước kia và ngày nay đã mang nhiều nét hiện đại. Điều đáng quý hơn, đó là sự chân thành, hồn hậu và hiếu khách, đậm “chất quân giới” vẫn hiện diện trong mỗi nếp nhà, ngõ phố. Vẫn những sân cầu lông, bóng chuyền rộn ràng mỗi buổi tan ca; tình làng nghĩa xóm keo sơn, gắn bó thấm đượm trong từng câu chuyện kể; vẫn cái nếp ai đi đâu chẳng cần cửa đóng then cài, xe cộ dựng ngoài đường không lo mất... Quả thực, đã quen với lối sống ồn ã, náo nhiệt nơi phố thị, được tận mắt chứng kiến những điều bình dị ấy, tôi không khỏi bất ngờ. Như đoán được suy nghĩ của tôi, Đại tá Trần Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí hóa chất 13 (Nhà máy Z113), chia sẻ: “Ở đây, không khí trong lành, đời sống lành mạnh; cán bộ, công nhân viên nhà máy vừa là hàng xóm, vừa là đồng đội, luôn đoàn kết một lòng xây dựng khu dân cư nhà binh. Đó chính là nền tảng quan trọng, góp phần giúp Nhà máy Z113 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị nhiều năm qua, thu nhập của người lao động luôn duy trì ở mức ổn định, có năm thu nhập bình quân đạt hơn 10 triệu đồng/người/tháng”.

Chứng kiến sự phát triển của “làng quân giới” Z113, hẳn nhiều người không tránh khỏi suy nghĩ, liệu cuộc sống hiện đại hôm nay có làm phôi phai đi những giá trị truyền thống? Và liệu “nét quân giới” đặc trưng có còn được bảo tồn, gìn giữ theo thời gian? Tự đặt câu hỏi nhưng tôi cũng phần nào tìm được câu trả lời cho mình qua những cuộc gặp gỡ, chuyện trò, tiếp xúc với người dân nơi đây. Cụ Nguyễn Văn Phiên, 81 tuổi, nguyên Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Z113, bộc bạch: “Ngay cả trong những năm tháng khó khăn nhất, đứng giữa ranh giới sinh tử, những người lính thợ Z2 (Z113) vẫn nguyện một lòng bám trụ mảnh đất này, một lòng đi theo Đảng. Dẫu chẳng phải nơi chôn nhau cắt rốn, nơi đây vẫn được chúng tôi gọi bằng hai tiếng “quê hương”. Cũng chính bởi thế, việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống luôn là trách nhiệm và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, công nhân viên nhà máy chúng tôi”.

Ngẫm lời gan ruột của cụ Phiên, tôi tin, những giá trị riêng có ấy của bộ đội ngành CNQP sẽ luôn được lan tỏa, bền vững với thời gian...

Ghi chép của NGUYỄN HỒNG SÁNG