Lâu nay, dù là đất nước sản xuất nông nghiệp, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, có nhiều loại rau quả, trái cây ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, song việc sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ các loại rau quả của ta vẫn còn hạn chế, chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường khu vực, thế giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: Chinhphu.vn.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng tựu chung là thiếu vốn, hàm lượng khoa học trong các khâu sản xuất, chế biến, bảo quản thấp và nhất là việc xúc tiến thương mại, quảng bá chưa tốt nên rau quả Việt Nam mới chỉ xuất sang thị trường truyền thống là chính. Rõ ràng là, khi đầu ra hạn chế thì nông dân không mặn mà đầu tư công nghệ, mà vẫn sản xuất rau quả theo phương pháp cũ, năng suất thấp, không hình thành được các vùng chuyên canh rộng lớn.
Hiện nay, do xúc tiến thương mại tốt hơn, rau quả Việt Nam đã được xuất ra nhiều nước. Thống kê của Bộ NN&PTNT, các nước nhập rau quả Việt Nam tăng mạnh nhất trong 3 tháng đầu năm 2017 là Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất tăng hơn 2 lần; Nga tăng 88,7%, Nhật Bản tăng 50,9%, Thái Lan tăng 34%, Trung Quốc tăng 33,3%, Malaysia tăng 32,8%, Hàn Quốc và Mỹ có mức tăng lần lượt là 18,7% và và 13,3%.
Mừng là thế, nhưng cũng chưa hẳn đã hết lo. Bởi rau quả vốn là mặt hàng sản xuất theo mùa, “đỏng đảnh” trong bảo quản, dễ hao hụt, tăng tỷ lệ rủi ro nên ít nhà đầu tư ít mặn mà với xuất khẩu mặt hàng này. Cũng theo các chuyên gia, các nước nhập rau quả có cơ chế kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm gắt gao. Nếu chủ quan, lơ là thì tỷ lệ rau quả phải kiểm tra tại cửa khẩu sẽ tăng lên, thậm chí là 50% đến 100%. Đây là nguy cơ dẫn đến ùn ứ, “khủng hoảng thừa” ở trong nước và nông dân lâm vào tình trạng “bỏ thì lo, cho thì tiếc” như vẫn thường thấy.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyến cáo, nguy cơ từ tâm lý “ăn xổi ở thì” trong sản xuất, kinh doanh rau quả là rất đáng lo ngại. Ví dụ: Do rau quả rẻ, nông dân tự ý cắt giảm một số khâu trong quy trình sản xuất và nhà kinh doanh nôn nóng ký hợp đồng xuất khẩu thấp hơn giá trị thưc tế trên thị trường... Đây là những việc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu rau quả Việt cần phải loại bỏ.
Để rau quả trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong tương lai, để nông dân làm giàu trên đất, vấn đề là cần đầu tư, nhân rộng các mô hình trồng rau quả an toàn, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất để rau quả Việt ngon, đẹp hơn... Nhà nước nên áp dụng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp liên kết đầu tư tròn khâu trong cả quy trình, từ sản xuất, thu hoạch, phân loại, đóng gói, bảo quản rau quả và xuất khẩu.
Tìm đầu ra cho sản phẩm là vấn đề sống còn của bất kể hình thức sản xuất nào. Sản xuất rau quả cũng không là ngoại lệ. Do đó, ngành chức năng: Công Thương, Y tế, NN&PTNT cũng cần phối hợp, tăng cường mức độ, quy mô xúc tiến thương mại, quảng bá rau quả Việt để sản phẩm có cơ hội được người tiêu dùng nước ngoài biết đến, sử dụng nhiều hơn.
Sản xuất rau quả được kỳ vọng mang lại “lợi ích kép” vì không chỉ giải quyết bài toán kinh tế, việc làm cho nông dân mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Bởi nó là cách để giảm khoảng cách giàu nghèo, giảm hiện tượng bỏ đất nông nghiệp và di dân cơ học ra các thành phố lớn đang khá bức xúc trong xã hội chúng ta.
MẠNH THẮNG