Đem băn khoăn đến hỏi lãnh đạo nhà xuất bản (NXB), chúng tôi nhận được câu trả lời thẳng thắn: Cơ quan chủ quản không rót kinh phí xuống thì đành chịu! Việc NXB kêu ca không có kinh phí để phục vụ nhiệm vụ chính trị có phải là căn nguyên?
Trước tiên, cần phải hiểu phục vụ nhiệm vụ chính trị trong ngành xuất bản không chỉ là xuất bản các ấn phẩm phục vụ các lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị-xã hội quan trọng mà còn xuất bản các ấn phẩm có giá trị lớn về nội dung và hình thức, góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Một số NXB như NXB Chính trị quốc gia Sự thật, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Phụ nữ Việt Nam vẫn làm tốt cả hai nhiệm vụ đặc thù của xuất bản Việt Nam: Là một công cụ tư tưởng-văn hóa sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành ngành kinh tế-công nghệ phát triển, một trong 12 ngành công nghiệp văn hóa đã được Chính phủ xác định. Nhờ nội lực vững mạnh, có bước đi phù hợp nên các NXB kể trên có tăng trưởng doanh thu; có “của để dành” để xuất bản các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị. Đáng chú ý là các NXB rất chịu khó khai thác bản thảo chất lượng, đầu tư cho ra đời những ấn phẩm vừa phục vụ chính trị lại có thể kinh doanh, chứ không phải in những cuốn sách phục vụ lễ lạt, thiếu thiết thực.
 |
Ảnh minh họa / Vietnam+ |
Ngược lại, không ít NXB do năng lực yếu kém từ lâu, cộng với cơ quan chủ quản thiếu quan tâm đầu tư, buông lỏng quản lý nên phụ thuộc vào các đơn vị liên kết. Một khi đã phụ thuộc nghĩa là NXB không thể tự lớn, ngày càng teo tóp dần, chấp nhận cấp phép xuất bản nhiều cuốn sách vô thưởng vô phạt, thiếu lành mạnh, có nhiều sai sót gây bức xúc trong dư luận. Kinh doanh đã khó khăn trong thời buổi cạnh tranh gắt gao thì làm sao NXB yếu kém có thể làm tốt nhiệm vụ chính trị!
Để ngành xuất bản đi vững “hai chân”, trước hết phải thực hiện đúng quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là thực hiện tổ chức, sắp xếp ngành xuất bản theo hướng tinh gọn, chất lượng và hiện đại hóa. Giải pháp được bàn thảo nhiều lần, đó là cần sớm xây dựng tập đoàn xuất bản mạnh, chuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, được hưởng ưu đãi về thuế, được hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ hiện đại để chuyển đổi số... Chỉ có mô hình tập đoàn xuất bản mới đủ sức cho ra các ấn phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, những ấn phẩm lớn có giá trị tư tưởng văn hóa cao, các ấn phẩm điện tử phù hợp với xu thế xuất bản hiện đại. Mô hình ưu việt này sẽ khắc phục nhược điểm là tiềm lực hạn chế của NXB so với đơn vị làm sách tư nhân có nhiều cách huy động vốn bên ngoài.
Các NXB còn lại tập trung sản xuất, kinh doanh các ấn phẩm do NXB tự bỏ vốn đầu tư, tránh bị đối tác liên kết chi phối. Điều này sẽ giúp các NXB tự vươn mình, đồng nghĩa với số lượng đầu sách, bản sách của ngành xuất bản tăng lên, chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu của độc giả. Trong quá trình tự nâng cấp NXB, cơ quan quản lý ngành xuất bản và trực tiếp là cơ quan chủ quản cần tích cực tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách, nguồn lực hỗ trợ NXB.
Nếu NXB yếu kém, không chịu đổi mới, không chịu “lớn”; cùng với đó, cơ quan chủ quản không có ý thức về trách nhiệm của mình, việc giải thể, sáp nhập NXB là điều không tránh khỏi. Đó là cái kết không mong muốn nhưng để ngành xuất bản đi vững “hai chân” thì cuộc “đại phẫu” sắp xếp lại ngành cần được tiến hành khẩn trương, quyết liệt, thực chất và hiệu quả hơn.
HÀM ĐAN