Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 5-2018, nhiều đại biểu Quốc hội cũng tranh luận sôi nổi về nội dung này.

Theo Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Điều 57 “Xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc” đã đề xuất hai phương án. Phương án 1: Việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm và người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét, quyết định. Phương án 2: Trường hợp kết luận có tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và cơ quan có thẩm quyền cũng không chứng minh được tài sản, thu nhập này do vi phạm pháp luật mà có thì cơ quan chức năng có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Những năm qua, đặc biệt từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta thu được những kết quả rất quan trọng, góp phần làm trong sạch bộ máy và củng cố niềm tin trong nhân dân. Tuy nhiên, một trong những mục tiêu của cuộc đấu tranh này chưa đạt được kết quả như mong muốn do việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế. Đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ từng nhận định, tài sản tham nhũng trong nhiều vụ án đã bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Số liệu báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, số thiệt hại về tài sản do tham nhũng gây ra là 59.750 tỷ đồng, nhưng số tiền thu về chỉ đạt 4.676 tỷ đồng (chưa tới 10%). Như vậy, có thể hiểu rằng, những đối tượng tham nhũng chiếm đoạt tài sản công tới 10 đồng, nhưng Nhà nước chỉ truy thu được gần một đồng. Tỷ lệ thu hồi này rất thấp chứng tỏ tài sản Nhà nước bị thất thoát do tham nhũng còn lớn.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do pháp luật hiện hành chưa có chế tài xử lý thỏa đáng đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Trong khi đó, việc kê khai tài sản ở nhiều đối tượng còn hình thức. Nếu ai đó kê khai không trung thực khi được phát hiện thì chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính, nặng hơn là cách chức, nhưng cũng không truy thu được số tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp của họ vì không có cơ sở pháp lý.    

Với việc đề xuất hai phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) lần này sẽ kỳ vọng tạo ra “bước ngoặt” mới trong việc thu hồi những tài sản bất minh do tham nhũng mà có. Tuy vậy, để xử lý triệt để tài sản, thu nhập tăng thêm không rõ nguồn gốc không phải là chuyện đơn giản, nếu như việc kê khai tài sản của các đối tượng bắt buộc phải kê khai vẫn còn hình thức và việc kiểm soát tài sản kê khai của cơ quan chức năng không được chú trọng đúng mức. Thực tế cho thấy, dù các quy định của pháp luật có chặt chẽ đến bao nhiêu, nhưng nếu những người thực thi và cơ quan thừa hành vẫn không thực hiện đến nơi đến chốn thì các quy định của luật vẫn có thể bị “vô hiệu hóa”.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của chúng ta đang đi đúng hướng, từng bước đi vào chiều sâu. Nhưng điều nhân dân quan tâm, mong muốn hiện nay là sau khi các vụ án tham nhũng được đưa ra ánh sáng pháp luật, công tác thu hồi tài sản tham nhũng cần phải được thực hiện ráo riết, triệt để, hiệu quả hơn nữa. Vì thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng cũng là một cách trả lại tài sản đã thấm bao công sức, mồ hôi và cả nước mắt của hàng triệu người dân lao động chân chính. 

BẢO NHƯ